Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ trong giai đoạn mới

Thứ hai - 03/06/2024 13:52 1.777 0
Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đặt ra mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Như Trang

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chọn nội dung trọng tâm là giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ để triển khai, cụ thể hoá các nhiệm vụ của Nghị quyết số 33-NQ/TW.

Các cấp bộ Đoàn triển khai hiệu quả, thường xuyên, bám sát các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử, chính trị, văn hóa của đất nước, của tỉnh để giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho thanh thiếu nhi. Các hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống lịch sử dân tộc, địa phương, lịch sử Đảng, Đoàn được đổi mới, sáng tạo, như: Chương trình “Thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sỹ”; Hội trại truyền thống với chủ đề “Tuổi trẻ Tây Ninh tiếp nối hào khí Tua Hai” nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Tua Hai (26/01/1960 - 26/01/2020); công trình “Nhớ mãi ơn Người một đời ghi dấu” nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng; ra mắt ứng dụng số hóa các địa chỉ đỏ Tani- Location giới thiệu về các di tích lịch sử văn hóa của Tây Ninh; sưu tầm tác phẩm lịch sử gắn với cuộc thi sáng tác MV tuyên truyền ca khúc cách mạng với chủ đề “Tự hào tuổi trẻ trên công trường thủy lợi Dầu Tiếng”... Các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã chủ động sáng tạo thiết kế và sử dụng bộ công cụ Infographic, phát hành các Trailer, Video phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, cung cấp các thông tin, tư liệu lịch sử ý nghĩa, qua đó đã tạo được hiệu ứng tuyên truyền tốt.

Nhiều hoạt động giáo dục trải nghiệm thực tế gắn với giáo dục truyền thống hiệu quả cho thanh thiếu nhi được triển khai như: “Vui cùng bóng cả”, “Bữa cơm yêu thương”; các mô hình của Hội đồng Đội các cấp như “Ông kể cháu nghe”, “Em yêu nghề truyền thống”, “Bìa đẹp học hay - trao tay truyền thống”…; Hoạt động giáo dục truyền thống luôn được tiếp nối, ngày càng đa dạng trong cách thức tổ chức: đã tổ chức được trên 21.032 hoạt động hành trình về nguồn đi tìm địa chỉ đỏ, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, chiếu phim tư liệu, “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”… thu hút đông đảo thanh thiếu nhi quan tâm, hưởng ứng. Đặc biệt việc giáo dục, giới thiệu truyền thống cách mạng của quê hương Tây Ninh trung dũng, kiên cường, các địa điểm di tích lịch sử tại tỉnh đến đoàn viên, thanh niên được chú trọng. Thông qua các hoạt động đã góp phần giáo dục tinh thần cách mạng, bồi đắp lòng yêu quê hương đất nước, khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc trong ĐVTN, khuyến khích thanh niên bảo tồn, lưu giữ và phát huy, quảng bá văn hóa của địa phương.

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi được triển khai thực hiện gắn với việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nhiều cách làm hiệu quả như: Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện Đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2019 – 2025 và Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”. Đa dạng hoá các hình thức, giải pháp triển khai Cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới” giai đoạn 2018 - 2022 bằng việc phát động thực hiện các mô hình, tiêu chuẩn điển hình về xây dựng hình mẫu của thanh niên ngành, địa phương, đơn vị. Duy trì tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”, “Thắp sáng ước mơ thanh niên hoàn lương”, diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường”, qua đó giúp đoàn viên, thanh thiếu nhi có dịp giao lưu, nâng cao nhận thức và lan tỏa các điển hình tiên tiến.

Hội trại truyền thống. Ảnh: Như Trang

Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng được tổ chức rộng rãi với nhiều hình thức đa dạng. Nhiều đội hình văn nghệ xung kích, nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng, câu lạc bộ đàn hát dân ca, đờn ca tài tử; câu lạc bộ võ thuật, bóng đá, bóng chuyền, leo núi được thành lập; các giải thi đấu thể thao quần chúng được các đơn vị phối hợp tổ chức thường xuyên; các đội hình tuyên truyền viên xung kích của thanh niên tại các khu di tích được thành lập góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh quê hương, con người Tây Ninh; tham gia giữ gìn trật tự tại các điểm tổ chức lễ hội; tham gia vệ sinh, chăm sóc các khu di tích… các hoạt động phong trào trên đã tạo môi trường lành mạnh cho thanh thiếu nhi sinh hoạt, vui chơi, giải trí, tham gia bảo tồn các di sản văn hóa của dân tộc; nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần cho đoàn viên, thanh thiếu nhi.

Các cấp bộ Đoàn tổ chức nhiều hoạt động nâng cao văn hóa đọc cho đoàn viên thanh niên như Thư viện xanh, Ngày Hội đọc, quyển sách tôi yêu, Mỗi ngày 01 cuốn sách hay. Tỉnh đoàn thực hiện chương trình “Sách - người bạn của tôi” trên Fanpage Tỉnh đoàn được 100 tập, tiếp cận hơn hàng trăm ngàn lượt đoàn viên thanh niên trên mạng xã hội. Cuộc vận động “Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc, no ấm, tiến bộ, văn minh” được Tỉnh đoàn triển khai với nhiều hoạt động như tổ chức cuộc thi “Viết, thiết kế Video về gia đình trẻ tiêu biểu”; tuyên dương gia đình trẻ tiêu biểu cấp tỉnh và cấp Trung ương, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xây dựng các gia đình trẻ ấm no, hạnh phúc.

Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn. Một bộ phận đoàn viên, thanh niên chưa có ý thức, trách nhiệm trong xây dựng và thực hiện nếp sống văn hóa tại địa phương; ít tham gia các hoạt động cộng đồng; chưa có ý thức trong rèn luyện, lập thân, lập nghiệp; đoàn viên, thanh niên vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng do các tác động và mặt trái của xã hội; kinh phí đầu tư cho các hoạt động truyền thông, xây dựng các mô hình về đời sống văn hóa mới, tiêu biểu trong thanh niên còn hạn chế; sự phát triển của công nghệ số, mạng xã hội, thông tin Internet đa chiều tạo thách thức đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.

 Trước những vấn đề trên, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đề ra nhiều định hướng, giải pháp đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ trong thời gian tới. Đó là tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 – 2030”. Đoàn các cấp chú trọng đổi mới và đa dạng các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng thanh niên, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các nền tảng số trong công tác tuyên truyền thông qua các trang mạng xã hội như: Fanpage, kênh Youtube, Zalo OA... tập trung vào các nội dung: Các bài viết chuyên đề, đấu tranh phản bác thông tin xấu độc; phim tài liệu, lịch sử; các bài giảng lý luận chính trị; các tình huống pháp luật; các nội dung trọng tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến thanh niên trong các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các thông điệp giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa ý nghĩa, gần gũi, gắn với thực tế cuộc sống của thanh niên.

Chú trọng đổi mới phương thức học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết của Đảng, Đoàn và giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên như: Chương trình phát thanh thanh niên, thi tìm hiểu trực tuyến về Nghị quyết Đảng - Đoàn, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; hội nghị, sinh hoạt chuyên đề... Tập trung giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, lòng yêu nước, khả năng đấu tranh, phản biện cho đoàn viên, thanh niên nhất là trên không gian mạng.

Tổ chức hiệu quả hoạt động về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, xấu độc: Xây dựng chương trình đột phá đấu tranh với các thế lực thù địch trên không gian mạng, thực hiện đề án công tác 35 của Tỉnh ủy; thường xuyên cung cấp cho thanh niên thông tin chính thống về những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội trên các kênh thông tin của Đoàn; duy trì cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”; tổ chức công tác đấu tranh, phản bác thông qua các đội, nhóm ẩn danh; Duy trì hoạt động của các CLB Lý luận trẻ các cấp đi vào nề nếp...

Đẩy mạnh tính sáng tạo và thực chất trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo thành thói quen trong đời sống thanh thiếu nhi. Hằng năm tổ chức học tập chuyên đề, đồng thời, cụ thể hóa các tiêu chí, chuẩn mực “Học và làm theo Bác” và chương trình rèn luyện đoàn viên để phù hợp với từng đối tượng cán bộ, đoàn viên, thanh niên. Đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước của cán bộ đoàn chủ chốt các cấp. Tuyên dương, nhân rộng kịp thời, thường xuyên các mô hình, các gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác trên các lĩnh vực.

Tổ chức các chương trình nêu gương người tốt, việc tốt như: “Tuổi trẻ Tây Ninh – Những câu chuyện đẹp”, “Việc tốt mỗi ngày”, “Những tấm gương thầm lặng”, diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp – nói không với bạo lực học đường”, tuyên dương các gương điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực... Qua đó phát hiện, lựa chọn những gương người tốt, việc tốt; có tài năng, nghị lực, thành tích xuất sắc để lan tỏa, tạo thành các tấm gương truyền cảm hứng trong thanh thiếu nhi.

Cụ thể hóa cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới” bằng các giải pháp cụ thể thực hiện các tiêu chí cụ thể của từng địa phương, đơn vị như: Bộ sologan xây dựng hình mẫu thanh niên Tây Ninh, bình chọn thanh niên tiêu biểu trong cuộc vận động, tổ chức các hành trình giáo dục trải nghiệm, cuộc thi cán bộ Đoàn tài năng...

Mô hình Theo dòng lịch sử quê em tại trường học ở Trảng Bàng. Ảnh: Phí Thành Phát

Tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong thanh niên; tổ chức các câu lạc bộ, đội nhóm,... về văn hóa dân gian, văn học nghệ thuật trong trường học, cộng đồng và các hoạt động nâng cao văn hóa đọc trong thanh niên như: “Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn”, “Đọc sách vì tương lai”.

Thành lập các CLB gia đình trẻ; bồi dưỡng kiến thức tiền hôn nhân, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cho thanh niên; tổ chức các ngày hội, tuyên dương gia đình trẻ tiêu biểu.

Tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Các cấp đoàn tổ chức đa dạng các hình thức thi tìm hiểu lịch sử Việt Nam như thi viết, thi trực tuyến, kể chuyện lịch sử bằng tranh vẽ, sân khấu hóa thành các tiểu phẩm...

Tổ chức các chương trình về nguồn, hành trình đến với địa danh lịch sử, địa chỉ đỏ, sinh hoạt chuyên đề, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, tôn tạo và phát huy giá trị các khu di tích lịch sử, di tích văn hóa gắn với giáo dục lịch sử địa phương; tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ vào dịp 27/7 hằng năm. Chú trọng đổi mới hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong tổ chức các hoạt động về nguồn, đến với địa chỉ đỏ; tuyên truyền các tư liệu, sự kiện lịch sử. Cấp tỉnh phát triển app Tani-Location giới thiệu về di tích lịch sử, văn hóa của Tây Ninh; cấp huyện nhân rộng các mô hình thanh thiếu nhi tham gia giới thiệu, quảng bá về di tích lịch sử, văn hóa của địa phương, đất nước.

Triển khai thực hiện Chương trình “Tuổi trẻ Tây Ninh tham gia xây dựng, bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng trên không gian mạng giai đoạn 2022 – 2027”,  trong đó chú trọng các giải pháp tham gia bảo tồn, lưu giữ và phát triển các loại hình văn hóa của địa phương; giải pháp giới thiệu hình ảnh con người, địa danh lịch sử, danh thắng tại tỉnh; xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn giỏi kỹ năng số, có chuyên môn công nghệ thông tin; phát huy các cấp bộ đoàn chủ động sáng tạo, đổi mới phương thức tuyên truyền và định hướng trào lưu văn hóa cho giới trẻ trên không gian mạng.

Hàng năm, Tỉnh Đoàn tổ chức tập huấn nghiệp vụ đấu tranh, phản bác trên không gian mạng, xây dựng lực lượng nòng cốt trong cán bộ Đoàn, tổ chức hoạt động Câu lạc bộ Lý luận trẻ để đổi mới, nâng cao chất lượng phương thức học tập, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em", bài học ấy đến nay vẫn nguyên giá trị sâu sắc. Chính vì vậy, để thế hệ trẻ hôm nay được cống hiến, trưởng thành, được xây dựng những ước mơ, hoài bão lớn, được khẳng định chính mình, ngoài việc "bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc" thì Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội cũng cần có sự ghi nhận, tin tưởng, đặt niềm tin vào thế hệ trẻ trong tham gia các hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là các hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

TRỊNH THỊ NHƯ TRANG

Tác giả: Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, Trịnh Thị Như Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập126
  • Máy chủ tìm kiếm64
  • Khách viếng thăm62
  • Hôm nay31,262
  • Tháng hiện tại256,628
  • Tổng lượt truy cập8,265,333
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây