Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong giai đoạn mới

Thứ sáu - 13/09/2024 11:52 184 0
Trong những năm qua, các cấp uỷ, chính quyền tỉnh Tây Ninh luôn quan tâm đến lĩnh vực văn học nghệ thuật, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân; thực hiện tốt định hướng tư tưởng, chính trị cho văn nghệ sĩ trước vấn đề phức tạp, nhạy cảm; động viên văn nghệ sĩ tích cực chống các biểu hiện sai trái, lệch lạc trong hoạt động văn học, nghệ thuật.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật, trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh đã lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng văn học, nghệ thuật kịp thời, hiệu quả. Tỉnh ban hành cơ chế, chính sách cho phát triển văn học, nghệ thuật; đưa vào Chương trình hành động của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nội dung đầu tư các thiết chế văn hoá, làm cơ sở ban hành Nghị quyết về nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hoá ở cơ sở trên địa bàn tỉnh để thực hiện, góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sinh hoạt và sáng tạo văn hóa nghệ thuật của người dân, tạo nền móng vững chắc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ cấp cơ sở, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030.

Đồng chí Phạm Hùng Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tặng hoa chúc mừng Hội thảo khoa học “50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh sau ngày đất nước thống nhất -Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”.

Các cấp uỷ, chính quyền đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hoá, văn học, nghệ thuật vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng ngành. Ngành giáo dục và đào tạo đưa vào chương trình giảng dạy môn âm nhạc, mỹ thuật, ngữ văn và lịch sử; tổ chức giảng dạy nội khoá chương trình văn học, lịch sử, địa lý địa phương Tây Ninh; tổ chức các hoạt động ngoại khoá như: đố vui, hái hoa dân chủ, biểu diễn văn nghệ quần chúng, vẽ tranh…, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tình cảm yêu quê hương và con người Tây Ninh.

Hoạt động sáng tác được đẩy mạnh, thu hút nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh tham gia, tạo được sân chơi lành mạnh cho người làm nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên có điều kiện, cơ hội đóng góp tài năng, trí tuệ; số lượng, chất lượng tác phẩm in ấn, phát hành được nâng lên, có sự chuyển biến; tính chuyên nghiệp của hội viên được phát huy, thể hiện qua việc xuất hiện thêm nhiều tác giả khẳng định được mình qua những tác phẩm tham gia các cuộc thi văn học nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.

Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 578 câu lạc bộ, đội nhóm văn hóa, văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên; hoạt động liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ được tổ chức bình quân 2.00 cuộc/năm. Đội tuyên truyền lưu động tỉnh, huyện xây dựng chương trình văn nghệ cổ động, kịch bản, tiểu phẩm sân khấu tuyên truyền phục vụ nhân dân từ 250 buổi/năm. Loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ được gìn giữ, phát huy giá trị trở thành loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống mang tính thường xuyên của người dân (trên địa bàn tỉnh có 114 câu lạc bộ, đội, nhóm Đờn ca tài tử được thành lập, sinh hoạt thường xuyên tại các thiết chế văn hóa và 129 tụ điểm sinh hoạt Đờn ca tài tử do người dân tự thành lập).

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngày càng phát triển đã thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh nhất là theo hướng phát triển du lịch. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở được nâng cao chất lượng, hiệu quả; vai trò chủ thể của người dân trong các hoạt động văn hóa tại cộng đồng được phát huy. Các hoạt động về biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, phục vụ sách báo, trưng bày triển lãm, thông tin cổ động được quan tâm thực hiện, góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của các tầng lớp Nhân dân, đồng thời thúc đẩy cho việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả.

Hằng năm, Lãnh đạo tỉnh đều tổ chức gặp gỡ với giới văn nghệ sĩ, trí thức, những người làm công tác văn hóa, văn nghệ, thể hiện sự quan tâm, động viên, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị, đề xuất của văn nghệ sĩ. Đồng thời, để ghi nhận, tôn vinh công lao của văn nghệ sĩ, tỉnh đã thành lập Giải thưởng văn học, nghệ thuật Xuân Hồng, 05 năm tổ chức trao giải thưởng một lần. Qua 03 lần tổ chức đã ghi nhận được nhiều công sức đóng góp của văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh và thống kê nhiều tác phẩm có giá trị cao, lưu giữ cho các thế hệ nối tiếp.

Hoạt động giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng, góp phần định hướng thẩm mỹ cho công chúng được quan tâm chú trọng. Đặc biệt, tỉnh thực hiện 02 đĩa CD tân, cổ nhạc ca khúc về Đảng, Bác Hồ, về Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, về phòng, chống dịch COVID-19 phát trên các hạ tầng của Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh và phổ biến trên hệ thống phát thanh từ tỉnh, thành phố, huyện, thị và xã, phường, thị trấn trong tỉnh, cùng các hệ thống của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, thông tin - truyền thông, y tế và Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, trong đó có 04 ca khúc của 04 tác giả được Hội Nhạc sĩ Việt Nam chọn đưa vào Tuyển tập Niềm tin gồm 60 ca khúc của nhiều tác giả phát hành trên phạm vi cả nước.

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác tham mưu trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định. Một số cấp uỷ, chính quyền, nhất là cơ sở chưa quan tâm xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn học, nghệ thuật. Một số nơi, chưa tập hợp, quản lý được lực lượng sáng tác trong nhân dân để định hướng tư tưởng, đề tài sáng tác. Chưa có nhiều tác phẩm giá trị nghệ thuật cao, tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; một số tác phẩm chưa phản ánh thực tiễn cuộc sống, phát huy tính bản địa, bản sắc vùng miền.

Để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong giai đoạn mới, cũng như tập trung thực hiện quan điểm, đường lối của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021); Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 về văn hoá, văn nghệ, trong thời gian tới, cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:

Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 74-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, gắn với Chương trình hành động số 41-CTr/TU của Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 239-KH/TU, ngày 09/9/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Kết luận số 84-KL/TW, ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa, văn học, nghệ thuật gắn với triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng phát triển văn học, nghệ thuật phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của giai đoạn mới. Chú trọng tính đặc thù, nhạy cảm, tinh tế của văn học, nghệ thuật, vừa bảo đảm phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong hoạt động của các cơ quan văn hóa, văn nghệ, các hội văn học - nghệ thuật, bảo đảm hoạt động đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường nguồn lực xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật. Đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ quản lý, văn nghệ sĩ và những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, bản lĩnh, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Quang cảnh Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác văn hoá, văn nghệ năm 2024 do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức.

Thực hiện tốt công tác quản lý các hoạt động văn học, nghệ thuật; thẩm định chặt chẽ các tác phẩm, công trình và chương trình văn học, nghệ thuật, nhất là các chương trình phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng mạng xã hội, loại hình truyền thông mới. Triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; nâng cao ý thức pháp luật bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.

Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật; phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia xây dựng và bảo vệ nền văn hoá, văn học, nghệ thuật dân tộc, vì sự phát triển toàn diện của văn hoá, con người Việt Nam, góp phần tích cực triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển ở địa phương và góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thường xuyên định hướng và tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ đi nghiên cứu thực tế, thâm nhập, cảm nhận, thấu hiểu sâu sắc thực tiễn phong phú, sinh động của đời sống xã hội và thành quả to lớn của sự nghiệp đổi mới.

Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động văn học, nghệ thuật; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hoá Việt Nam. Nâng cao giá trị, chất lượng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Xuân Hồng.

Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông và các nền tảng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật đến đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương và con người Tây Ninh đến với bạn bè quốc tế.

Thường xuyên đổi mới việc tổ chức các hoạt động, hội thi, hội diễn, liên hoan. Duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ văn học, nghệ thuật, văn nghệ dân gian, các đội văn nghệ tuyên truyền, nhất là trong các đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển phong trào sáng tác trong các cơ quan, xí nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang… Phát huy vai trò, tác dụng của các thiết chế văn hóa sẵn có; tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, hệ thống thông tin đại chúng. Chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc. Phát huy vai trò của các nghệ nhân văn học và nghệ thuật trong việc thực hành, phổ biến và truyền dạy văn hoá, văn nghệ dân gian.

Thanh Thanh

Tác giả: tttthao

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập232
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm219
  • Hôm nay10,524
  • Tháng hiện tại216,817
  • Tổng lượt truy cập8,225,522
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây