Tháng 9 về đọc Thư Bác Hồ và Bác Tôn gửi các cháu thiếu nhi Trường Hoàng Lê Kha (Tây Ninh) và tất cả các cháu miền Nam

Thứ hai - 16/10/2023 15:09 963 0
Chiến thắng lịch sử của quân và dân ta trong trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ ngày 20.7.1954, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Thế nhưng, với âm mưu xâm lược nước ta từ trước, đế quốc Mỹ ngang nhiên phá hoại Hiệp định, phá hoại công cuộc thống nhất đất nước Việt Nam, nhanh chóng gạt Pháp khỏi miền Nam, phân hóa và loại bỏ các thế lực thân Pháp, dựng lên bộ máy ngụy quyền tay sai Ngô Đình Diệm, nắm quyền chỉ huy quân ngụy Sài Gòn, tổ chức các đảng phái thân Mỹ nhằm phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa ở miền Nam Việt Nam.
001 1

Đối với Tây Ninh, trước sự đàn áp, khủng bố của Mỹ - ngụy, nhiều cán bộ cách mạng hy sinh, bị bắt, giết và chịu cảnh tù đày, dẫn đến cảnh nhiều con em gia đình cách mạng lâm cảnh mồ côi, không nơi nương tựa, có em phải đi ở đợ để có cái ăn. Trăn trở trước tình cảnh đó, Tỉnh ủy nhận thấy cần phải tập hợp các em lại để trước hết là tổ chức nuôi dưỡng và đảm bảo an toàn, xa hơn nữa là tạo điều kiện để các em được học văn hóa, học chữ, được trui rèn đạo đức, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng để mai sau tiếp nối truyền thống vẻ vang của gia đình.
Sau thắng lợi to lớn của trận Đồng khởi vũ trang Tua Hai (26.01.1960), cách mạng miền Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng bước vào thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang. Từng mảng lớn ngụy quyền tay sai Sài Gòn ở cơ sở bị phá tan, chính quyền cách mạng của Nhân dân được thiết lập và củng cố. Đến tháng 7.1960, quân và dân Tây Ninh đã nổi dậy giải phóng hoàn toàn 24 xã, giải phóng về cơ bản 19 xã trong tổng số 49 xã trên toàn tỉnh. Các căn cứ cách mạng và vùng giải phóng được mở rộng là cơ sở, là điều kiện thuận lợi để Tỉnh ủy Tây Ninh quyết định thành lập Đội Ca vũ Thiếu nhi Tây Ninh vào đầu năm 1961.
Đến cuối năm 1962, nhằm lập một ngôi trường dạy văn hoá cho con em cán bộ, đảng viên, mà trước hết là để nuôi dạy, đào tạo các em có thành tích tốt trong Đội Ca vũ Thiếu nhi, hình thành đội ngũ cán bộ hậu bị có đủ trình độ, được đào tạo vừa hồng, vừa chuyên kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh đi trước, Tỉnh ủy Tây Ninh quyết định thành lập Trường Hoàng Lê Kha. Đồng chí Nguyễn Văn Thông (Tư Thông), cán bộ Văn phòng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy làm Hiệu trưởng đầu tiên. Đây là ngôi trường đầu tiên của nền giáo dục cách mạng miền Nam, được hình thành trong điều kiện chiến tranh ác liệt, nhưng tồn tại và ngày càng phát triển lớn mạnh.
Trong lịch sử 15 năm hình thành và phát triển, Trường Hoàng Lê Kha trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1962-1975) đã đạt được nhiều thành quả to lớn và những dấu ấn lịch sử quan trọng. Một trong những sự kiện lịch sử đặc biệt, trở thành niềm vinh dự, tự hào to lớn đối với các thầy cô giáo và học sinh trường Hoàng Lê Kha, đó là vào ngày 25/9/1965, học sinh Trường Hoàng Lê Kha (Tây Ninh) và tất cả các cháu miền Nam đã nhận được thư của Bác Hồ và Bác Tôn.
Vào dịp trung thu năm 1964, trong giờ dạy thể loại văn viết thư, thầy Hồ Văn Quốc đã ra đề bài tập làm văn: Các em thiếu nhi Trường Hoàng Lê Kha hãy viết một bức thư gửi Bác Hồ. Đây không chỉ là bài tập thực hành thể loại văn viết thư, mà còn là dịp để các học sinh bày tỏ lòng kính yêu của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng tất cả những lời hay, ý đẹp, với lòng chân thành và tôn kính, các học sinh đã bày tỏ tất cả quyết tâm, tình cảm, mong muốn của mình gửi đến Bác Hồ. Từ những bài văn đó, thầy Hồ Văn Quốc chọn lọc, biên tập thành một bức thư hoàn chỉnh và phân cho học sinh Trần Thị Ngọc Bình chép lại toàn văn để gửi ra Hà Nội, đến với Bác Hồ.
Ngày 25.9.1965, từ lá thư của học sinh trường Hoàng Lê Kha gửi ra, Bác Hồ đã cùng Bác Tôn viết chung một bức thư gửi các cháu thiếu nhi trường Hoàng Lê Kha - Tây Ninh và tất cả các cháu miền Nam, khen ngợi thành tích học tập và đóng góp của học sinh trường cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nội dung Thư khen của hai Bác được đăng trên Báo Nhân dân, số 4191, ra ngày 25 tháng 9 năm 1965:
THƯ GỬI CÁC CHÁU THIẾU NHI TRƯỜNG HOÀNG LỆ KHA (TÂY NINH) VÀ TẤT CẢ CÁC CHÁU MIỀN NAM
Các cháu yêu quý,
Đọc thư các cháu trường Hoàng Lệ Kha gửi cho hai Bác nhân dịp Tết Trung thu, hai Bác rất vui mừng và cảm động. Các cháu rất nhớ hai Bác và mong đến ngày nước nhà thống nhất. Cũng như đồng bào miền Bắc, hai Bác rất thương các cháu thiếu nhi miền Nam và mong miền Nam đến ngày giải phóng, cho Bắc Nam sum họp một nhà.
Vì giặc Mỹ và bọn tay sai bán nước mà đồng bào và các cháu miền Nam phải chịu nhiều đau khổ. Các cháu như hoa mới nở, như mầm non mới lên, mà quân thù dã man đã ra tay vùi dập.
Chính vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì tương lai, hạnh phúc của con em, mà hơn mười năm nay, đồng bào miền Nam, cha mẹ, cô bác của các cháu đã chiến đấu vô cùng oanh liệt, hy sinh tất cả để đánh đuổi giặc Mỹ và lũ tay sai. Và các cháu thiếu nhi miền Nam cũng sớm theo gót cha anh mà góp phần chống Mỹ, cứu nước.
Hai Bác rất vui lòng nghe các cháu nói đã làm được nhiều việc có ích như: giúp gia đình sản xuất, làm công tác thông tin liên lạc, đào hầm, vót chông, giúp các cô bác xây dựng làng chiến đấu,… Hai Bác càng mừng được biết các cháu luôn luôn cố gắng học tập tốt trong hoàn cảnh rất khó khăn, dù là những nơi quân lính giặc luôn luôn càn quét xóm làng, máy bay luôn luôn bắn phá trường học. Nhiều cháu đã tỏ ra gan dạ, thông minh, xứng đáng là con của miền Nam anh hùng.
Đồng bào miền Nam ta rất anh hùng. Thiếu nhi miền Nam ta cũng rất anh hùng.
Cuộc đấu tranh yêu nước vô cùng anh dũng của đồng bào miền Nam ta, có sự giúp đỡ hết lòng của đồng bào miền Bắc, của các nước xã hội chủ nghĩa và của nhân dân tiến bộ toàn thế giới, nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn.
Nhất định miền Nam sẽ được giải phóng.
Nước Việt Nam ta nhất định sẽ thống nhất hoàn toàn.
Hai Bác tin rằng:
Bắc Nam sẽ sum họp một nhà
Bác cháu ta họp mặt, trẻ già vui chung
Nhớ thương các cháu vô cùng
Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi.
Hai Bác, đồng bào và thiếu nhi miền Bắc, gửi các cháu nhiều cái hôn và thân ái gửi lời hỏi thăm các thầy giáo, cô giáo cùng bố mẹ của các cháu.
                                                             Ngày 25 tháng 9 năm 1965
  BÁC HỒ và BÁC TÔN
Bức thư của Bác Hồ, Bác Tôn như là lời nhắc nhở, động viên các thầy cô giáo và toàn thể học sinh Hoàng Lê Kha, cần phải phấn đấu dạy học, tích cực góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thư khen của Bác Hồ và Bác Tôn kính yêu là niềm tự hào, là nguồn khích lệ tinh thần vô cùng to lớn, giúp thầy trò Trường Hoàng Lê Kha vượt qua mọi khó khăn, thử thách của bom đạn chiến tranh để sống, chiến đấu, lao động, giảng dạy và học tập thật tốt. Bức thư gửi Bác Hồ là niềm tâm đắc của học sinh Hoàng Lê Kha, bởi chỉ có học sinh trường Hoàng Lê Kha viết thư cho Bác Hồ. Từ lá thư ấy, Bác Hồ và Bác Tôn đã viết thư về cho thanh thiếu niên toàn miền Nam. Và cũng từ lá thư ấy, trường Hoàng Lê Kha đã được đồng bào miền Bắc biết đến. Đã là học sinh trường Hoàng Lê Kha thì ai cũng vinh dự và tự hào, bởi dù đi đến đâu, khi nghe đến học sinh Hoàng Lê Kha - Tây Ninh thì ai cũng biết. Nhiều cán bộ, giáo viên, học sinh Trường Hoàng Lê Kha những năm 1962-1975, sau này đã trở thành cán bộ lãnh đạo cốt cán của tỉnh Tây Ninh, các tỉnh thành bạn và Trung ương, có người trở thành cán bộ khoa học - công nghệ xuất sắc, góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trường Hoàng Lê Kha trong kháng chiến chống Mỹ mãi là niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Tây Ninh. Các thế hệ thầy cô giáo, học sinh Trường Hoàng Lê Kha trong những năm 1962-1975 không chỉ tự hào truyền thống lịch sử vẻ vang của Trường, mà còn tự hào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bác Tôn gửi thư khen ngợi, động viên cùng toàn thể thiếu nhi miền Nam. Những lời khen ngợi, động viên, nhắc nhở của Bác Hồ và Bác Tôn trong thư cách đây 58 năm vẫn còn nguyên giá trị, là những nhắn nhủ, gửi gắm đến các thế hệ “tương lai đất nước” hãy luôn ra sức phấn đấu, rèn luyện, học tập để trở thành con ngoan, trò giỏi, thành người công dân có ích cho xã hội, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, cống hiến hết mình, góp phần xây dựng quê hương, đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.
Trong những năm 1954-1959, với việc Mỹ - ngụy triệt để thực hành chính sách “tố cộng, diệt cộng”, mà đỉnh điểm là khi Ngô Đình Diệm ban hành đạo luật ngày 06/5/1959 (gọi là luật 10/59), cách mạng miền Nam đã phải gánh chịu những tổn thất vô cùng to lớn. Kẻ thù đã huy động mọi lực lượng quân sự, mật vụ, tình báo, hành chính, thông tin, tuyên truyền, tâm lý, kinh tế để tập trung đánh phá, khủng bố, đàn áp đẫm máu các lực lượng cách mạng và đồng bào yêu nước.
Thanh Thanh

Tác giả: Thanh Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập539
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm512
  • Hôm nay14,373
  • Tháng hiện tại220,666
  • Tổng lượt truy cập8,229,371
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây