Phát huy hiệu quả Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn

Thứ năm - 07/12/2023 08:12 919 0
Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc trang bị sách, ấn phẩm, tăng cường thông tin cho cơ sở, trong 15 năm qua, tỉnh Tây Ninh đã triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Thông báo kết luận số 220-TB/TW, ngày 10/02/2009 và Thông báo kết luận số 396-TB/TW, ngày 23/11/2010 về triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (Đề án 396).

* Tổ chức quản lý phù hợp, phát huy hiệu quả sách Đề án 396

Thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo các cấp uỷ, địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện việc tiếp nhận, tổ chức quản lý, sử dụng sách Đề án 396 một cách nghiêm túc; đồng thời tiến hành hợp nhất Tủ sách pháp luật, sách Đề án 396 và sách trang bị tại điểm bưu điện - văn hóa xã thành “Tủ sách ở cơ sở”, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ, đảng viên, Nhân dân được tiếp cận, khai thác, sử dụng.

Từ năm 2009 đến tháng 10/2023, toàn tỉnh đã nhận được 102.857 cuốn sách, 1.141 đĩa CD-Rom (sách nói), 1.388 đĩa CD Audio và 227 đĩa DVD thuộc Đề án 396 của Trung ương trang cấp. Nội dung các đầu sách khá phong phú, đa dạng thuộc nhiều mảng, lĩnh vực về công tác xây dựng Đảng, phổ biến chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở; sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh; phổ biến, hướng dẫn nghiệp vụ; sách cung cấp kiến thức về nông nghiệp, nông thôn, trồng trọt, chăn nuôi, phòng và chữa bệnh…

Sách Đề án 396

Sau khi tiếp nhận sách, các địa phương bổ sung sách Đề án 396 vào “Tủ sách ở cơ sở”, phân công cán bộ kiêm nhiệm phụ trách, xây dựng danh mục, phân loại các đầu sách, xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, bố trí, sắp xếp phòng đọc riêng, bố trí bàn ghế phục vụ phù hợp. Đồng thời, các địa phương, đơn vị linh hoạt bố trí sách tại trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng hoặc bộ phận tiếp nhận và trả kết quả uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, văn phòng đảng uỷ, bộ phận tiếp dân, những nơi thường có nhiều người dân lui tới, tạo điều kiện tiếp cận thuận lợi nhất cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân tra cứu, tìm đọc.

* Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, đưa sách đến với công chúng

Các địa phương, đơn vị thường xuyên tuyên truyền sách Đề án 396 thông qua các kênh truyền thông, hạ tầng số và ứng dụng Internet, mạng xã hội như: giới thiệu sách Đề án 396 trên các diễn đàn tuyên truyền trên mạng xã hội; trang thông tin điện tử của huyện, thị xã, thành phố; trên các cơ quan truyền thanh huyện, cụm truyền thanh xã, phường, thị trấn, cụm loa ấp, khu phố... để phổ biến sách đến đông đảo người dân ở địa phương biết, tìm đọc.

Tuyên truyền, quảng bá sách trên các diễn đàn tuyên truyền trên mạng xã hội

Nhiều địa phương phát huy hình thức tuyên truyền thông qua tổ chức Ngày hội đọc sách, Tuần lễ triển lãm sách; trưng bày sách tại các điểm trường, nhà văn hóa, hội nghị sơ kết, tổng kết của cấp uỷ, cơ quan, ban, ngành, các buổi sinh hoạt chi bộ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng, thu hút người đọc trong giờ giải lao và luân phiên đưa sách về ấp, khu phố để giới thiệu tại các buổi họp ấp, khu phố, các buổi sinh hoạt chi, tổ hội; giao chỉ tiêu đăng ký đọc sách mỗi tuần cho các chi bộ..., Qua đó giúp tăng cường phạm vi, độ lan toả của sách Đề án 396 đến với cán bộ, đảng viên, Nhân dân.

Một số hoạt động tuyên truyền, quảng bá sách ở cơ sở

Việc tuyên truyền sách Đề án 396 còn được các địa phương thực hiện thông qua tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, trong đó riêng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tổ chức 02 cuộc thi viết tìm hiểu về sách, báo và tạp chí của Đảng trên địa bàn tỉnh, đã thu hút được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân với hơn 3.900 bài viết tham gia. Thông qua việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu góp phần phổ biến, quảng bá rộng rãi, khuyến khích cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tìm đọc, nghiên cứu sách Đề án 396.

* Chú trọng giám sát việc tổ chức quản lý, sử dụng sách Đề án 396

Các địa phương chú trọng công tác giám sát việc quản lý, sử dụng sách Đề án 396 gắn với Kết luận số 29-KL/TW, ngày 25/8/2012 của Ban Bí thư (khoá XI) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng; xem đây là nhiệm vụ thường xuyên của ban tuyên giáo các cấp, được đưa vào thang điểm đánh giá thi đua hằng năm của hệ thống tuyên giáo trên địa bàn tỉnh. Trong 15 năm qua, riêng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tổ chức 05 cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề việc tổ chức quản lý, khai thác và sử dụng sách Đề án 396 đối với một số cấp uỷ huyện và một số xã, phường, thị trấn; đồng thời định kỳ hằng năm tiến hành 2 kỳ giám sát thường xuyên gắn với giám sát công tác tuyên giáo, qua đó góp phần tăng cường hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng sách Đề án 396 ở cơ sở.

Nhận định về vai trò, ý nghĩa sách Đề án 396 đối với cơ sở, đồng chí Nguyễn Thị Thuỷ Cúc – Trưởng Ban Tuyên giáo Thị uỷ Trảng Bàng cho biết: các đầu sách của Đề án 396 có nội dung phù hợp và thiết thực đối với cơ sở, đặc biệt là các xã biên giới, vùng còn nhiều khó khăn; một số sách được biên soạn dưới dạng hỏi - đáp ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, dễ vận dụng; bổ sung nhiều kiến thức, kỹ năng trong công tác chuyên môn, lý luận chính trị, pháp luật, văn hoá - xã hội, ứng dụng khoa học kỹ thuật... Sách Đề án 396 đã đáp ứng được nhu cầu tiếp cận nguồn thông tin chính thống, tin cậy của Đảng, Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở cơ sở; trang bị kiến thức cơ bản, khá toàn diện cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân ở các xã, phường, thị trấn, giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân cơ sở học tập, nghiên cứu chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước; góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt kiến thức, kỹ năng trong công tác chuyên môn, kiến thức về lý luận chính trị, pháp luật, văn hóa - xã hội, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và đời sống ở cơ sở.

Có thể thấy rằng, Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn là một chủ trương đúng đắn và thiết thực của Ban Bí thư, đã và đang có tác động tích cực trong việc giúp cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân địa phương cập nhật được những kiến thức cần thiết, được nghiên cứu, học tập những mô hình tốt, những cách làm hay, được trao đổi thông tin và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác tổ chức quản lý, sử dụng sách Đề án 396 có mặt còn hạn chế nhất định như: có lúc sách Đề án chưa được khai thác kịp thời; quản lý chưa chặt chẽ; người sử dụng chưa nhiều (CB nhiều, dân ít). Nguyên nhân chủ yếu do cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý sách thường xuyên thay đổi và hầu hết chưa qua tập huấn về nghiệp vụ. Một số nội dung về chính sách, pháp luật đã được thay đổi nhưng chưa được cập nhật, thay thế; người dân khai thác thông tin thông qua các công cụ tra cứu thông tin trên Internet nên việc đọc, khai thác thông tin từ sách in là không nhiều.

Hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhất là Internet và mạng xã hội nên người dân có điều kiện tiếp cận thông tin nhanh, đa dạng. Tuy nhiên, nhu cầu đọc, nghiên cứu sách ở cơ sở vẫn còn, nhất là đối với cán bộ, công chức, người nghỉ hưu, cựu chiến binh, đoàn viên, hội viên, người lớn tuổi hạn chế về khả năng sử dụng thiết bị công nghệ thông tin. Trong điều kiện kinh phí ở cơ sở còn hạn hẹp, việc mua sách, báo, tài liệu phục vụ công tác còn khó khăn, nhất là vùng nông thôn, biên giới nên việc trang bị sách là rất cần thiết, góp phần giúp cán bộ, đảng viên, Nhân dân khắc phục tình trạng thiếu tài liệu về lý luận chính trị, pháp luật, văn hóa - xã hội, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nghiên cứu, cập nhật, ứng dụng vào công tác, sản xuất và đời sống.

Trước thực trạng trên, để tiếp tục phát huy hiệu quả sách Đề án 396, thiết nghĩ, các cấp uỷ, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân biết, tiếp cận Tủ sách ở cơ sở để nghiên cứu, khai thác thông tin có ích; kịp thời tiếp thu ý kiến đóng góp của Nhân dân liên quan đến việc quản lý, sử dụng sách; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí quản lý, trưng bày, khai thác, sử dụng sách; chú ý phát huy các hình thức tuyên truyền trực quan và tuyên truyền sách Đề án 396 trên các nền tảng số, Internet, mạng xã hội. Ban tuyên giáo cấp huyện tiếp tục phát huy vai trò tham mưu cấp uỷ, phối hợp đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sách Đề án 396, khích lệ các đơn vị, cá nhân tích cực đọc, nghiên cứu sách; trong quá trình thực hiện, chú trọng kiểm tra, giám sát việc quản lý, khai thác và sử dụng sách của Đề án.

Đăng Anh

Tác giả: Trần Đăng Khoa, Đăng Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập496
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm473
  • Hôm nay13,945
  • Tháng hiện tại220,238
  • Tổng lượt truy cập8,228,943
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây