Khi nào Tây Ninh khởi công 2 tuyến cao tốc?

Thứ ba - 01/03/2022 22:00 863 0

​  Nhiều nhiệm vụ trọng tâm được Sở GTVT TP.HCM và Tây Ninh đặt ra để sớm đưa hai cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và Gò Dầu - Xa Mát về đích.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về đề nghị của UBND tỉnh Tây Ninh trong việc giao tỉnh này làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1, đoạn từ Gò Dầu đến TP Tây Ninh, giai đoạn 2021-2030).
Làm rõ sự cần thiết tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát

Cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh tiếp thu ý kiến các bộ GTVT, Tài chính, KH&ĐT, Xây dựng…, làm rõ sự cần thiết đầu tư dự án sớm hơn so với quy hoạch. UBND tỉnh Tây Ninh cần bổ sung thông tin làm rõ tính khả thi của dự án như quy mô đầu tư, thời gian thực hiện, khả năng huy động nguồn vốn đầu tư, phương án tài chính của dự án… Từ đó, UBND tỉnh Tây Ninh thống nhất với Bộ GTVT về cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư dự án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, việc nghiên cứu và đầu tư sớm tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát là để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng của cả nước, đồng thời phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.

Do vậy, UBND tỉnh Tây Ninh đề xuất đầu tư cao tốc Gò Dầu - Xa Mát sớm hơn quy hoạch. Cụ thể, tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát được quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có chiều dài khoảng 65 km, quy mô bốn làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030. Đây cũng là trục giao thông chính chạy dọc từ bắc xuống nam của tỉnh Tây Ninh, đồng thời kết nối với tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Dự án được đề xuất thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với quy mô bốn làn xe, vận tốc 80 km/giờ và vốn đầu tư 5.100 tỉ đồng.


Sơ đồ tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát kết nối với tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Đồ họa: HỒ TRANG

Tập trung nguồn lực lớn cho hạ tầng giao thông

UBND tỉnh Tây Ninh đánh giá việc đầu tư cao tốc Gò Dầu - Xa Mát sớm hơn là cần thiết và kiến nghị Thủ tướng giao địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án. Địa phương cũng cho biết hiện dự án đã có nhà đầu tư quan tâm, đề xuất nghiên cứu. Tỉnh Tây Ninh đang xây dựng đề án khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh, nguồn vốn thu được sẽ đầu tư các công trình hạ tầng giao thông.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Tây Ninh cho biết trong năm 2022, Sở GTVT Tây Ninh sẽ tập trung nguồn lực lớn cho phát triển hạ tầng giao thông. Trong đó, Sở GTVT sẽ chú trọng hai dự án là cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (53,5 km), trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư trong quý I-2022, đặt mục tiêu hoàn thành năm 2025. Bên cạnh đó là dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (65 km), trình Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Tây Ninh làm cơ quan có thẩm quyền đầu tư giai đoạn 1 trước năm 2030.

Theo lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, đối với dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, hiện Thủ tướng Chính phủ mới giao TP.HCM là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án. Dự án đang thực hiện các bước như chuẩn bị đầu tư, sau đó mới lập dự án, đấu thầu, khởi công…

Về phía TP.HCM, mới đây Sở GTVT TP đã trình UBND TP.HCM để báo cáo HĐND TP thông qua danh mục đầu tư và ghi vốn 8,5 tỉ đồng để nghiên cứu 12 dự án giao thông làm cơ sở kêu gọi hình thức hợp đồng PPP. Trong đó có dự án xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Dự kiến chi phí chuẩn bị đầu tư cho công tác lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án này khoảng 1 tỉ đồng.

Theo Sở GTVT TP.HCM, dự kiến dự án xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ khởi công vào năm 2023 và hoàn thành vào năm 2026, với chiều dài tuyến 50 km. Trong đó, tổng mức đầu tư là 15.900 tỉ đồng, ngân sách TP là gần 6.000 tỉ đồng.

Tại kỳ họp thứ 3, HĐND TP.HCM khóa X, các đại biểu đã biểu quyết thông qua nghị quyết về thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ bắt đầu từ đường vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi (TP.HCM) đi song song quốc lộ 22 hiện hữu; điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài.

Mục tiêu đầu tư của dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, giảm tải cho quốc lộ 22. Đây sẽ là tuyến giao thông cao tốc Xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN.


Nguồn PLO

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập132
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm102
  • Hôm nay18,806
  • Tháng hiện tại244,172
  • Tổng lượt truy cập8,252,877
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây