Đề xuất chưa coi COVID-19 là “bệnh lưu hành”

Thứ ba - 08/03/2022 14:00 61 0

  ​Theo Bộ Y tế, thời điểm hiện​ nay, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh COVID-19 là "bệnh lưu hành".

Bộ Y tế đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.


Theo Bộ Y tế, thời điểm hiện nay, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh COVID-19 là "bệnh lưu hành". 

Về đề xuất coi COVID-19 là "bệnh lưu hành" (có người gọi là "bệnh đặc hữu") mà một số ý kiến đưa ra, Bộ Y tế cho hay cần đáp ứng được bốn tiêu chí: Tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể cảm nhiệm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; dịch bệnh xảy ra ở một nhóm hoặc quần thể dân số trên địa bàn nhất định; tỷ lệ mắc bệnh ổn định và dự báo được.

Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi COVID-19 trong tình trạng đại dịch và lo ngại tiếp tục có các biến thể không lường trước được của virus. Nhiều nước vẫn có diễn biến dịch bệnh phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.

Theo Bộ Y tế, trong nước, tỷ lệ bệnh nặng, tử vong đã giảm nhiều so với giai đoạn trước, nhưng số tử vong ghi nhận hàng ngày vẫn ở mức cao trên dưới 100 ca/ngày. Số người tử vong do COVID-19 hàng ngày cao hơn cả số tử vong cao điểm hàng năm do bệnh dại hoặc sốt xuất huyết, sởi.

Các chuyên gia và quốc gia đang thảo luận, đề xuất coi COVID-19 là "bệnh lưu hành" (endemic). Bộ Y tế đã trao đổi với các chuyên gia trong nước, chuyên gia của WHO, Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ về vấn đề này.

Qua đó, Bộ Y tế cho rằng, COVID-19 tại Việt Nam vẫn đang chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang "bệnh lưu hành". 

Tỷ lệ mắc bệnh COVID-19 chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương. Số ca tử vong theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu trước đây.

Virus liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron; trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện biến thể phụ có thể né miễn dịch, gây tái nhiễm; do đó tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.

Vì vậy, thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh COVID-19 là "bệnh lưu hành". Bộ tiếp tục phối hợp với WHO và các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình, cập nhật sự biến đổi của virus để tham mưu Thủ tướng quyết định coi COVID-19 là bệnh lưu hành vào thời điểm thích hợp.

Trước đó, một số chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam nên thận trọng khi xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.

PGS.TS.Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, chúng ta chưa thể chắc chắn rằng, việc kiểm soát đã thật sự ổn định về tỷ lệ mắc mới. 

Ông cho rằng, muốn đưa về bệnh đặc hữu là bệnh lưu hành hàng năm thì phải ổn định về số ca mắc, nhưng ca mắc COVID-19 hiện vẫn bùng lên và rất thất thường, khó đoán.

Kỳ vọng về miễn dịch cộng đồng ở trong nước ở thời điểm này cũng không thể đạt vì theo PGS.TS Trần Đắc Phu, miễn dịch cộng đồng gồm miễn dịch mắc phải và miễn dịch do tiêm chủng. 

Nếu so sánh với các nước Tây Âu có quan điểm coi COVID-19 như bệnh đặc hữu sẽ thấy, dù Việt Nam tỷ lệ tiêm chủng tốt nhưng vẫn chưa cao bằng họ. 

Hơn nữa, các quốc gia này ngoài việc tiêm chủng, họ đã trải qua 3-4 đợt dịch COVID-19 lớn, như vậy tỷ lệ dân số mắc cũng đã rất cao. Trong khi ở Việt Nam tỷ lệ này còn thấp, nghĩa là miễn dịch cộng đồng chưa cao.

Ngoài ra, ở các quốc gia Tây Âu, chủng Omicron đã xuất hiện, bùng phát một thời gian và hiện đang theo chiều hướng đi xuống, còn Việt Nam chưa đạt được điều đó. Số ca mắc mới, theo nhận định, sẽ tiếp tục tăng trong 1-2 tuần nữa.

Còn PGS.TS.Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM cũng cho rằng coi COVID-19 là bệnh lý thông thường ở thời điểm này sẽ có nhiều hệ quả không tốt. 

Thứ nhất, người dân sẽ chủ quan, xem thường; Thứ hai, khi đã rút COVID-19 ra khỏi nhóm A truyền nhiễm, nếu xuất hiện chủng mới thì rất khó áp dụng các biện pháp kiểm soát từ Nhà nước, ví như yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang, không tụ tập đông người nơi công cộng. 

Thứ ba, nếu coi COVID-19 là bệnh thông thường thì chi phí điều trị sẽ do người bệnh chi trả. 

Trong tình huống này có người chi trả được nhưng một bộ phận đáng kể sẽ gặp khó khăn, nhất là khi lây nhiễm dịch bệnh ngoài mong muốn nhưng phải chi trả khoản chi phí y tế không nhỏ.

Trong báo cáo này, Bộ Y tế đề xuất F1 chỉ tự theo dõi sức khỏe 10 ngày, nếu đáp ứng một trong các điều kiện đã tiêm đủ liều vắc-xin COVID-19, liều cuối cùng ít nhất 14 ngày; từng là F0 khỏi bệnh trong ba tháng. F1 xét nghiệm PCR hoặc test nhanh vào ngày thứ 5, kể từ thời điểm tiếp xúc F0.

Trong thời gian tự theo dõi sức khỏe, F1 tuân thủ 5K, không tiếp xúc với người thuộc nhóm nguy cơ cao (người có bệnh nền; người trên 50 tuổi; phụ nữ có thai). F1 chưa tiêm đủ liều vắc-xin COVID-19, cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 5 ngày; xét nghiệm một lần.

Đề xuất của Bộ Y tế đã có nhiều điều chỉnh về biện pháp cách ly F1 so với quy định hiện hành. Hồi tháng 2, Bộ Y tế quy định F1 đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin hoặc là F0 khỏi bệnh trong ba tháng, phải cách ly 5 ngày. F1 chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vắc-xin COVID-19 phải cách ly 7 ngày; tự theo dõi sức khỏe 3 ngày tiếp theo.

Liên quan tới quy định cách ly người nhập cảnh, theo Bộ Y tế Cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RTPCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong vòng 24 giờ (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh về Việt Nam.

Trong vòng 24 giờ đầu (kể từ khi nhập cảnh), người nhập cảnh thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi): Trường hợp kết quả xét nghiệm âm tính thì được rời khỏi nơi lưu trú nhưng phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K và các biện pháp phòng chống dịch khác của địa phương.

Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời theo quy định.

Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm hoặc chưa từng bị nhiễm SARS-CoV-2 đều được tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân. 

Nguồn baodautu

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập496
  • Máy chủ tìm kiếm287
  • Khách viếng thăm209
  • Hôm nay8,527
  • Tháng hiện tại233,893
  • Tổng lượt truy cập8,242,598
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây