Phát biểu của Tổng Bí thư tại buổi gặp mặt các đại biểu về dự Đại hội VI Hội Người cao tuổi Việt Nam

Thứ ba - 01/03/2022 19:00 101 0

Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh trân trọng giới thiệu toàn văn bài Phát biểu:


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với đại biểu. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

“Kính thưa các cụ, các bác, các anh các chị và toàn thể các đồng chí,
Hôm nay, tôi cùng với đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư và đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ rất vui mừng, phấn khởi được gặp các cụ, các bác, các anh, các chị và các đồng chí là đại biểu, đại diện cho 9,7 triệu hội viên Hội Người cao tuổi cả nước về dự Đại hội đại biểu Hội Người cao tuổi Việt Nam lần thứ VI. Trước hết, tôi xin được thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và với tình cảm cá nhân, gửi đến các bác, các đồng chí lời chào trân trọng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thưa các bác, các đồng chí,
Chúng ta đều đã biết, văn hóa và đạo đức của người Việt Nam ta từ xưa đến nay là "Kính già, yêu trẻ", "Kính lão đắc thọ", "Kính già, già để tuổi cho"; người già luôn luôn được đề cao, được tôn trọng. Vì sao? Vì người già là người có nhiều tuổi, đã từng trải, tích lũy được nhiều kinh nghiệm phong phú trong cuộc sống, trong thực tiễn sản xuất, chiến đấu, am hiểu sâu sắc về văn hóa, ứng xử trong cộng đồng, dòng họ, gia đình. Trong lịch sử phát triển của dân tộc ta, người cao tuổi có nhiều đóng góp to lớn cả trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Hội nghị Diên Hồng là một biểu tượng của ý chí sắt đá, tinh thần quyết tâm, đồng lòng bảo vệ đất nước của các bậc phụ lão.
Truyền thống vô cùng quý báu của người cao tuổi Việt Nam tiếp tục được Đảng ta và Bác Hồ phát huy. Năm 1941, ngay sau khi về nước, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết "Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão". Trong đó Bác viết: "Đất nước hưng thịnh là do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại là do phụ lão giúp sức. Đất nước bị mất thì phụ lão cứu. Đất nước suy sụp thì phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề... Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng. Đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao".
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, người cao tuổi đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng, đúng như lời Bác Hồ đã nói "Tuổi cao, ý chí càng cao". Người cao tuổi nước ta thực sự là "vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam".


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đại biểu Hội Người cao tuổi Việt Nam. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Thưa các bác, các đồng chí,
Tôi rất vui mừng và phấn khởi trước các kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội V của Hội Người cao tuổi Việt Nam đã được đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam vừa báo cáo.
Hội Người cao tuổi Việt Nam ngày càng phát triển, vững mạnh về tổ chức, tập hợp được đông đảo người cao tuổi tham gia Hội. Cho đến nay, Hội ta đã có trên 9,7 triệu hội viên, chiếm tỉ lệ trên 85% tổng số người cao tuổi cả nước (hiện cả nước có trên 11 triệu người cao tuổi). Hội Người cao tuổi các cấp có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, làm nòng cốt trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi. Hội đã triển khai đồng bộ hai chương trình công tác lớn là Chương trình "Người cao tuổi tham gia xây dựng, phát triển Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở cơ sở"; và Chương trình "Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh"; hai nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao là: Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam, Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016 - 2020 và một số nhiệm vụ công tác khác.
Mặc dù tuổi cao, nhưng hiện nay vẫn có trên 6,5 triệu người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, trong đó có 99.905 người cao tuổi làm chủ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; 357.967 người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi; người cao tuổi đóng góp hơn 10,6 triệu ngày công, hơn 3.000 tỉ đồng, hiến 24,4 triệu m2 đất để xây dựng đường giao thông, kênh mương, nhà văn hóa, trường học, cơ sở y tế,... góp phần xây dựng nông thôn mới; 64% số hội viên Hội Khuyến học là người cao tuổi; 656.000 người cao tuổi tham gia công tác đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, thanh tra nhân dân, hòa giải cơ sở; có trên 300 nghìn người cao tuổi tham gia các tổ an ninh nhân dân phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự ở cơ sở.
Với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, từ nhiều năm nay, những người cao tuổi của nước ta được chăm sóc ngày càng tốt hơn; hàng năm có 1,1 triệu người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ; 3 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khoẻ, gần 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ; trên 95% người cao tuổi có thẻ Bảo hiểm y tế; cả nước có trên 77 nghìn câu lạc bộ của người cao tuổi ở cơ sở với nhiều loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thu hút trên 2,5 triệu người cao tuổi tham gia.
Đặc biệt, Hội Người cao tuổi đã thành lập 3.500 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, thu hút trên 170 nghìn người tham gia. Mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau được các tổ chức, cộng đồng trong nước, ngoài nước đánh giá cao, đã đạt giải nhất trong giải "Sáng kiến vì một châu Á già hóa khoẻ mạnh".
Những kết quả nêu trên đã thể hiện tính chất ưu việt của chế độ ta, góp phần quan trọng động viên, khích lệ các cụ, các bác tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhân dịp này, tôi xin được thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương, cảm ơn và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực và các kết quả mà Hội Người cao tuổi Việt Nam đã đạt được trong 5 năm qua.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng Hội Người cao tuổi Việt Nam bức tranh gốm. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Thưa các bác, các đồng chí,
Trong tình hình mới hiện nay, quá trình già hóa của dân số nước ta đang diễn ra nhanh chóng, cùng với tuổi thọ bình quân ngày càng cao; lực lượng người cao tuổi ngày nhiều hơn, đông hơn; đó là phúc lớn cho Dân tộc. Tôi đề nghị Hội Người cao tuổi tiếp tục xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh toàn diện, tăng cường phát triển hội viên; nâng cao chất lượng hoạt động, công tác, nhất là các Hội cơ sở. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng nội dung, phương thức, loại hình chăm sóc người cao tuổi; phát huy vai trò nòng cốt của Hội trong phong trào "Toàn dân chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi", phấn đấu để người cao tuổi của chúng ta được sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc trong gia đình và xã hội.
Đề nghị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Người cao tuổi lần thứ VI này thảo luận, quán triệt thật sâu sắc, cụ thể, triển khai thực hiện thật tốt các nội dung chính sách đối với người cao tuổi đã được ghi trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là: "Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu "ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau". Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi. Bảo trợ, giúp đỡ những người cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa".
Sau Đại hội, các bác, các đồng chí cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về kết quả của Đại hội, góp phần nâng cao nhận thức và hoạt động của Hội Người cao tuổi; kịp thời nắm bắt tư tưởng, đời sống, nguyện vọng của người cao tuổi, đặc biệt là những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; nâng cao chất lượng công tác tổ chức, công tác cán bộ và phát triển hội viên; phát huy mạnh mẽ vai trò của người cao tuổi trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc xây dựng, thực hiện và giám sát thực hiện Luật Người cao tuổi, Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi và các chính sách, chế độ đối với người cao tuổi; Hội Người cao tuổi cần làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa Đảng và Nhân dân.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh chung với đại biểu Hội Người cao tuổi Việt Nam. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Về các kiến nghị của Hội Người cao tuổi Việt Nam, tôi đề nghị:
- Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành nghiên cứu tổng kết, tham mưu xây dựng mô hình Hội Người cao tuổi Việt Nam thống nhất trên phạm vi cả nước; tham mưu với Ban Bí thư tổng kết Chỉ thị số 59/CT-TW, ngày 27/9/1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá VII "Về chăm sóc người cao tuổi".
- Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo, đưa vào chương trình kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi Việt Nam.
- Các cơ quan truyền thông cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về vai trò của người cao tuổi và Hội Người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi.
- Các ban, bộ, ngành Trung ương, các cấp uỷ, chính quyền địa phương cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mình về công tác chăm lo người cao tuổi và tổ chức Hội Người cao tuổi; lãnh đạo triển khai có hiệu quả chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cần dành sự quan tâm tạo điều kiện cần thiết cho Hội Người cao tuổi Việt Nam hoạt động, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội VI; các chính sách chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, bảo đảm cho người cao tuổi được sống vui, sống khỏe, vui vẻ, hạnh phúc.
Nhân dịp năm mới 2022 và chuẩn bị đón Tết cổ truyền Nhâm Dần sắp tới, tôi xin được thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, kính chúc các cụ, các bác, các đồng chí và gia đình mạnh khỏe và trường thọ; chúc Đại hội VI Hội Người cao tuổi của chúng ta thành công tốt đẹp.

Trân trọng cảm ơn!".


Theo TTXVN/Báo Tin tức

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập336
  • Máy chủ tìm kiếm120
  • Khách viếng thăm216
  • Hôm nay9,298
  • Tháng hiện tại234,664
  • Tổng lượt truy cập8,243,369
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây