TỰ HÀO BAN TUYÊN HUẤN TRUNG ƯƠNG CỤC MIỀN NAM (1962-1975)

Thứ sáu - 19/07/2024 14:56 138 0
Tiếp theo phần 3: Sự kiện thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam là một bước cụ thể hóa đường lối chỉ đạo của Đảng Lao động Việt Nam, Trung ương Cục miền Nam trong việc xây dựng, củng cố và tổ chức cơ quan chuyên môn của Đảng bộ miền Nam. Hệ thống tổ chức của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam từ khi thành lập, xây dựng, phát triển và cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ đã trải qua các giai đoạn khác nhau.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tây Ninh chụp ảnh lưu niệm tại Bia Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam

Giai đoạn sau Hiệp định Paris năm 1973 - 30/4/1975

          Ngày 27/1/1973 Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được kí kết tại Paris. Tuy Hiệp định đã được ký kết nhưng Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh ở miền Nam. Mỹ và chính quyền Sài Gòn liên tiếp vi phạm Hiệp định, tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến tranh bình định, giành dân, giành đất. Thời gian đầu, một số nơi do không đấu tranh kiên quyết nên đã để cho quân Sài Gòn lấn chiếm vùng giải phóng, thực hiện việc tràn ngập lãnh thổ, gây khó khăn cho phía cách mạng.

          Trước tình hình đó, ngày 27/3/1973 Thường vụ Trung ương Cục miền Nam họp đã xác định các khâu công tác cấp bách trước mắt phải tiến hành đó là phải “làm tốt công tác nhận thức tư tưởng về Hiệp định Paris”. Yêu cầu bức xúc đặt ra đối với công tác tư tưởng lúc này là “phải làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân có nhận thức đúng về âm mưu, thủ đọan của Mỹ ngụy; đánh giá địch - ta và khả năng phát triển của tình hình; phải làm gì và làm như thế nào để đánh bại âm mưu và hành động tiếp tục chiến tranh của địch”.

          Đầu năm 1973 Ban Tuyên huấn tổ chức đoàn cán bộ đi tiền trạm phục vụ việc chuyển căn cứ từ Campuchia về Việt Nam. Đến tháng 3/1973 việc di chuyển cơ quan từ Campuchia về lại căn cứ cũ đã hoàn thành. Tại Lò Gò, Bắc Tây Ninh, Ban Tuyên huấn đã nhanh chóng nắm bắt các điều kiện thuận lợi để hoàn thiện bộ máy hoạt động, chuẩn bị về con người và tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới của cách mạng miền Nam.

          Sau khi ổn định công tác tổ chức, ổn định căn cứ tại vùng Bắc Tây Ninh, các hoạt động của Ban Tuyên huấn được tổ chức hết sức khẩn trương, sôi động, đáp ứng với bước phát triển mới của phong trào cách mạng miền Nam trong giai đoạn tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Ban Tuyên huấn đã ban hành “Đề cương công tác tuyên truyền năm 1973”. Đề cương xác định công tác tuyên truyền có một vị trí đặc biệt quan trọng nhằm đảm bảo phát huy thắng lợi có ý nghĩa to lớn về chính trị của cách mạng miền Nam sau khi kí Hiệp định. Trọng tâm của công tác tuyên huấn là tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và nhanh chóng những nội dung cơ bản của Hiệp định trong toàn dân, nhất là đến mọi tầng lớp Nhân dân vùng tạm chiếm để quần chúng hiểu được những điều khoản cơ bản của Hiệp định, nhất là những điều khoản về tự do dân chủ. Đây là những vũ khí sắc bén để nhân dân tổ chức, vùng lên đấu tranh giành hòa bình độc lập, tự do, cơm áo và hòa hợp dân tộc.

          Tháng 7/1973 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, khóa III họp và ra Nghị quyết “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới” đã khẳng định con đường cách mạng miền Nam là con đường bạo lực. Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ cho công tác tư tưởng là “Tiếp tục bồi dưỡng tinh thần cách mạng tiến công, kiên trì cách mạng, nâng cao cảnh giác, chống mọi khuynh hướng hữu khuynh, hòa bình chủ nghĩa, tư tưởng nghỉ ngơi, không sẵn sàng chiến đấu”.

          Quán triệt Nghị quyết Hội nghị của Trung ương Đảng và các Nghị quyết của Trung ương Cục miền Nam, Ban Tuyên huấn tổ chức cho các cấp uỷ, các đơn vị tiến hành khẩn trương công tác học tập Nghị quyết, trang bị nhận thức đúng đắn về tình hình và nhiệm vụ, thấu suốt tư tưởng tiến công cách mạng, đấu tranh chống tư tưởng lệch lạc,… Nhờ đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong hành động của cán bộ, đảng viên, quân và Nhân dân miền Nam.

Tháng 11/1973, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam đã họp và thống nhất phân công các đồng chí trong Thường vụ phụ trách từng khối công việc. Theo đó, đồng chí Phạm Hùng phụ trách chung của Trung ương Cục miền Nam, không phụ trách Ban Tuyên huấn. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, phụ trách khối Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn. Thường trực Ban Tuyên huấn bên cạnh các đồng chí phụ trách từ thời kỳ trước đến cuối năm 1973 được bổ sung thêm đồng chí Trần Bạch Đằng (được điều động từ Sài Gòn - Gia Định về tham gia Thường trực Ban). Lãnh đạo Ban tuyên huấn trong giai đoạn này gồm có các đồng chí: Võ Quang Trinh, Trần Bạch Đằng, Cao Văn Sáu, Tân Đức, Tô Lâm, Lưu Hữu Phước, Trần Văn Phác, Nguyễn Văn Tòng, Kỳ Phương, Trần Mão, Nguyễn Văn Chí, Thép Mới. Hệ thống tổ chức của Ban Tuyên giáo gồm có Ban lãnh đạo, các cơ quan thông tin và các tiểu ban chuyên môn như: Tiểu ban Tuyên truyền, Tiểu ban Huấn học, Tiểu ban Giáo dục, Tiểu ban Văn nghệ, Đài phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng, Điện ảnh Giải phóng, Hội họa Giải phóng, Trường Tuyên huấn, Trường Báo chí, Trường Văn nghệ, Nhà in Trần Phú.

Trong những tháng cuối năm 1973 đầu năm 1974 lực lượng cách mạng đã chủ động tiến công, đẩy lùi các cuộc hành quân lấn chiếm quân Sài Gòn, thu hồi và mở rộng vùng giải phóng. Tình hình chuyển biến nhanh chóng, tạo thời cơ thuận lợi để chuyển biến nhanh chóng, tạo thời cơ thuận lợi để tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam.

Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10/1974 và tháng 12/1974 đã quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, từ hậu phương miền Bắc đến tiền tuyến miền Nam đã chuẩn bị mọi mặt về tư tưởng, tổ chức cho tổng tiến công và nổi dậy. Ở miền Nam, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ thuộc lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, cán bộ, học viên các trường Đảng (cả học viên khóa VIII Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc miền Nam đã kết thúc khóa học sớm) để tham gia cuộc tấn công và nổi dậy.

Chiến thắng Phước Long, Tây Nguyên đã báo hiệu giờ phút trọng đại của dân tộc đã điểm. Sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn được tính từng ngày. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu. Cách mạng miền Nam đang phát triển với nhịp độ khẩn trương chưa từng có “Một ngày bằng hai mươi năm”.

Trong không khí sôi động của thời khắc lịch sử, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã nhanh chóng chuẩn bị lực lượng tham gia cùng với các cánh quân về giải phóng Sài Gòn, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ công tác mới. Ngày 18/4/1975 Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam quyết định thành lập đoàn trọng điểm thuộc Ban Tuyên huấn chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn sau khi giải phóng. Đây là “bộ khung” cán bộ lãnh đạo các bộ phận tham gia giải phóng Sài Gòn và tiếp quản các cơ quan văn hóa thông tin, giáo dục của chính quyền Sài Gòn.

Trưởng đoàn, phụ trách chung là đồng chí Võ Quang Trinh, Thường trực, Bí thư Đảng Ban Tuyên huấn.

Thành lập Đảng uỷ Đoàn Trọng Điểm do đồng chí Võ Quang Trinh, Bí thư. Đồng chí Bảy Nam, Phó Bí thư. Uỷ viên gồm các đồng chí : Hữu Hạnh, Ba Nhi, Tư Nhật, Nguyễn Nam, Hai Khuynh, Lê Quang Nghĩa.

Đài Phát thanh Giải phóng do các đồng chí Tám Đức, Trưởng đoàn; Thanh Nho, Phó đoàn; Ba Nhi, thành viên.

Báo Giải phóng do các đồng chí Tô Hân, Trưởng đoàn; Hai Khuynh, Phó đoàn; Đặng Tuất Việt, thành viên.

Vô tuyến truyền hình và điện ảnh do các đồng chí Mai Lộc, Trưởng đoàn; Lê Minh Hiền, Phó đoàn; đồng chí Điền, đồng chí Hữu Hạnh, thành viên.

Thông tin văn hóa do các đồng chí Bùi Kinh Lăng, Trưởng đoàn; Trịnh Mai Diêm, Phó đoàn; Nguyễn Nam, Thái Ly, Thành viên.

Thông tấn do các đồng chí Trần Thanh Xuân, Trưởng đoàn; Lê Quang Nghĩa, Phó đoàn; Hữu Thành, Phó đoàn.

Sáng ngày 30/4/1975, đồng loạt các cánh quân dũng mãnh tiến về Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn do tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Đoàn công tác trọng điểm, theo sự phân công từ trước đã tiếp quản các cơ quan thông tin truyền thông, văn hóa giáo dục của chính quyền Sài Gòn. Cán bộ Đài phát thanh giải phóng tiếp quản Đài phát thanh Sài Gòn. Tổ phóng viên, điện báo của Thông tấn xã Giải phóng tiếp quản Việt tấn xã. Tiểu ban Giáo dục tiếp quản đội ngũ giáo chức và cơ sở trường lớp, tiếp quản Bộ Giáo dục của chế độ cũ, nhanh chóng ổn định tình hình tư tưởng, tích cực chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới. Một bộ phận thuộc Văn phòng Ban Tuyên huấn tiếp quản trụ sở Bộ thông tin và chiêu hồi, Cục quốc gia Điện ảnh Sài Gòn. Các cán bộ không tham gia đoàn trọng điểm, theo sự phân công của Ban Tuyên huấn xuống hỗ trợ các địa phương nổi dậy giành chính quyền.

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong 14 năm (1961 - 1975) hình thành, xây dựng, phát triển và hoàn thiện hệ thống tổ chức, Ban Tuyên huấn đã cùng với quân dân cả nước góp phần làm nên chiến thắng chung của dân tộc.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một chiến công vĩ đại của dân tộc ta ở thế kỷ XX. Làm nên chiến thắng đó có nhiều yếu tố, trong đó có sức mạnh ý chí, tinh thần quyết tử, quyết thắng của cả dân tộc đã được Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã khơi dậy, tổ chức và phát huy trong quá trình hoạt động. Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ trong những giai đoạn khác nhau, công tác tuyên huấn giúp Đảng bộ miền Nam lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng động viên toàn Đảng, toàn dân, cổ vũ mọi nguồn lực, tạo thành vũ thành vũ khí sắc bén, một sức mạnh to lớn làm nên những thành tựu vĩ đại, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

(Trích từ Lý lịch Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm căn cứ Trung ương Cục miền Nam)

Tác giả: Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, BBT-ĐH Cổng TTĐT Đảng bộ tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập98
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm67
  • Hôm nay6,443
  • Tháng hiện tại297,826
  • Tổng lượt truy cập6,608,418
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây