TỰ HÀO BAN TUYÊN HUẤN TRUNG ƯƠNG CỤC MIỀN NAM (1962-1975)

Thứ sáu - 19/07/2024 14:46 294 0
Tiếp theo phần 1: Sự kiện thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam là một bước cụ thể hóa đường lối chỉ đạo của Đảng Lao động Việt Nam, Trung ương Cục miền Nam trong việc xây dựng, củng cố và tổ chức cơ quan chuyên môn của Đảng bộ miền Nam. Hệ thống tổ chức của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam từ khi thành lập, xây dựng, phát triển và cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ đã trải qua các giai đoạn khác nhau.

Giai đoạn chống chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965 - 1968)

          Từ đầu năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta ở vào một thời điểm có tính chất quyết định. Ngày 17/2/1965, tổng thống Mỹ L.B Johnson đã quyết định mở rộng cuộc chiến ở Việt Nam bằng cách tăng cường ném bom đánh phá miền Bắc và đưa lực lượng quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam, đánh dấu sự chuyển chiến lược, tiến hành chiến tranh từ chiến lược chiến tranh đặc biệt sang chiến lược chiến tranh cục bộ. Từ đây cuộc đụng đầu lịch sử giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc Mỹ xâm lược bước vào giai đoạn quyết liệt nhất.

          Trước “những thử thách mới nghiêm trọng và hàng loạt các vấn đề nóng bỏng cần nhanh chóng giải đáp”, trong giai đoạn này mọi hoạt động đều phải nhằm mục đích động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nêu cao quyết tâm “dám đánh Mỹ”. Công tác chuẩn bị tư tưởng, tổ chức và lực lượng cho cuộc đụng đầu lịch sử này là một nhiệm vụ quan trọng của Ban Tuyên huấn.

          Để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới của công tác tuyên huấn, Ban Thường trực Trung ương Cục miền Nam đã ra quyết định về việc củng cố và mở rộng Ban Tuyên huấn, xác định rõ nhiệm vụ và bộ máy tổ chức Ban Tuyên huấn. Theo đó, Ban Tuyên huấn gồm Văn phòng và các tiểu ban sau: Tiểu ban Tuyên truyền, Tiểu ban Huấn học, Tiểu ban Giáo dục, Tiểu ban Văn nghệ, Các cơ quan thông tin tuyên truyền như Đài Phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng, các tạp chí, Báo Giải phóng và một số cơ quan hỗ trợ khác.

          Tháng 4/1965, Ban lãnh đạo Ban Tuyên huấn có sự thay đổi về nhân sự. Một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Ban Tuyên huấn được tăng cường cho Khu Sài Gòn - Gia Định (nơi đối đầu trực tiếp, trung tâm đầu não của bộ máy chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn) nhằm chỉ đạo xây dựng hệ thống tổ chức Ban Tuyên huấn các cấp và tổ chức các hoạt động với trọng tâm là đưa phong trào đô thị trở thành mũi tiến công đánh thẳng vào điểm yếu của Mỹ và chính quyền Sài Gòn bằng “đòn tiến công mãnh liệt về quân sự và chính trị ở thành thị, đánh vào chỗ dựa cơ bản của địch, cũng là những đòn quyết định đánh bại hoàn toàn chính sách xâm lược của đế quốc Mỹ”.

          Từ đầu năm 1966, do tình hình chiến trường ngày càng quyết liệt, Mỹ sử dụng B52 đánh bom không hạn chế các vùng căn cứ của cách mạng miền Nam, Ban Tuyên huấn tạm dừng hoạt động của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc miền Nam, các trường đào tạo, lớp huấn luyện, thực tập,… Ban Tuyên huấn thực hiện việc chuyển hướng công tác trong tình hình mới, cử cán bộ đi thực tế, huấn luyện, đào tạo cán bộ trực tiếp tại địa phương.

          Tháng 10/1967, đồng chí Phạm Hùng được cử làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Trưởng Ban Tuyên huấn. Theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Ban Tuyên huấn thành lập bộ phận Thường trực nhỏ bên cạnh Thường vụ Trung ương Cục miền Nam để triển khai nhanh chóng chỉ đạo của Thường vụ về công tác chính trị - tư tưởng và mặt trận đấu tranh trên làn sóng điện và báo chí (Tuyên huấn II) do đồng chí Tô Bửu Giám làm Trưởng bộ phận. Nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo các hoạt động thông tin trong toàn Đảng bộ, quân đội và nhân dân, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam điều động đồng chí Trần Văn Phác, Nguyễn Văn Tòng từ Cục Chính trị Quân uỷ Miền tham gia Ban Tuyên huấn.

          Bộ máy lãnh đạo Ban Tuyên huấn giai đoạn này gồm có các đồng chí Thường trực Ban: đồng chí Võ Quang Trinh, Trần Trọng Tân, Tân Đức. Thường trực Ban Tuyên huấn do đồng chí Võ Quang Trinh phụ trách và nhận chỉ đạo trực tiếp từ đồng chí Trưởng Ban Tuyên huấn và Thường vụ Trung ương Cục miền Nam. Uỷ viên Ban Tuyên huấn gồm các đồng chí: Tô Bửu Giám, Huỳnh Minh Siêng (Lưu Hữu Phước), Lê Đức Tài, Trần Văn Phác. Cũng từ giai đoạn này, Ban lãnh đạo phụ trách trực tiếp là đồng chí Trưởng ban và Thường trực ban, không có Phó trưởng ban cho đến ngày giải phóng miền Nam.

Sau khi đập tan hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967 của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, cách mạng miền Nam có bước phát triển vượt bậc về thế và lực. Quân dân ta đã đánh bại một bước quan trọng Chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ. Tình hình đó, “cho phép ta có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Đây là thời cơ chiến lược lớn để tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa”. Đầu tháng 10/1967, Bộ Chính trị phổ biến chủ trương tổng công kích, tổng khởi nghĩa cho Trung ương Cục miền Nam. Ngày 25/10/1967 Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết Quang Trung về tổng công kích, khởi nghĩa trên chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ.

          Tình thế khẩn trương, để chuẩn bị cho tổng tấn công Mậu Thân 1968, Ban Tuyên huấn quyết định tăng cường lực lượng và phương tiện cho các bộ phận Đài Phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng, Tiểu ban Huấn học. Sau khi được sắp xếp, củng cố và tăng cường về tổ chức theo hướng tinh gọn nhằm chuẩn bị lực lượng thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong chiến dịch tổng tiến công. Ban Tuyên huấn gồm Văn phòng và các tiểu ban sau: Tuyên truyền, Huấn học, Giáo dục, Văn nghệ, Đài phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng.

          Trong chiến dịch Mậu thân năm 1968 với quyết tâm “quyết chiến quyết thắng” giặc Mỹ xâm lược, Ban Tuyên huấn đã thành lập đoàn cán bộ tiền phương (xuống đường). Đoàn cán bộ tiếp quản các cơ quan thông tin của chính quyền Sài Gòn. Đoàn Thông tấn xã do đồng chí Võ Nhân Lý - Giám đốc, Trưởng đoàn; Đoàn Phát thanh Giải phóng do đồng chí Huỳnh Minh Lý - Phó Giám đốc, Trưởng đoàn; Đoàn Thanh niên Ban do đồng chí Nguyễn Thanh Hải kể lại: “Trong đợt Mậu Thân biết đi vào chỗ nguy hiểm, anh em đều đăng kí đi hết. Nhưng nếu đi hết thì ai giữ căn cứ, lo hậu phương. Thế là lãnh đạo Ban phải phát động ngược lại “đi cũng vinh quang mà ở lại cũng vinh quang” đi ra phía trước, biết đi là có thể hi sinh, nam nữ đều đăng kí đi”.

          Tham gia chiến dịch các đơn vị của Ban Tuyên huấn theo kế hoạch phân công đã bám sát địa bàn, cùng với các cánh quân tham gia các trận đánh vô cùng quyết liệt ở Sài Gòn, các địa bàn trọng điểm khác trên miền Nam. Lực lượng thông tin, tuyên truyền đã kịp thời đã đưa tin tức hình ảnh của cuộc tấn công, phản ánh sinh động cuộc chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta trong tổng tiến công đợt 1, đợt 2, đợt 3 đến đồng bào cả nước và nhân dân trên toàn thế giới, góp phần vào thắng lợi chung. Diễn biến từng trận đánh, từng mặt trận, những gương chiến đấu anh dũng, sự xả thân vì độc lập, tự do của quân dân miền Nam trong các đợt tiến công đã được các chiến sĩ xung kích của Ban Tuyên huấn viết thành bản hùng ca của khí phách Việt Nam, tạo nên “dáng đứng Việt Nam”.

          Trong giai đoạn chống chiến lược Chiến tranh cục bộ của Mỹ, hệ thống tổ chức của Ban Tuyên huấn đã có bước phát triển vượt bậc về quy mô tổ chức, các cơ quan chuyên môn và lực lượng cán bộ. Với hệ thống tổ chức và lực lượng nhân sự hùng hậu, Ban Tuyên huấn thực hiện tốt công tác chuẩn bị về con người và bộ máy sẵn sàng xung kích trên mặt trận chính trị - tư tưởng, thông tin tuyên truyền động viên toàn dân nêu cao quyết tâm đánh Mỹ và đánh thắng Mỹ trong chiến lược Chiến tranh cục bộ của chúng ở miền Nam.

          (Trích từ Lý lịch Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm căn cứ Trung ương Cục miền Nam)

(Còn tiếp phần 3)

Tác giả: Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, BBT-ĐH Cổng TTĐT Đảng bộ tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập265
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm251
  • Hôm nay10,437
  • Tháng hiện tại216,730
  • Tổng lượt truy cập8,225,435
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây