TỰ HÀO BAN TUYÊN HUẤN TRUNG ƯƠNG CỤC MIỀN NAM (1962-1975)

Thứ sáu - 19/07/2024 14:41 185 0
Ngày 23/11/1961 Hội nghị Trung ương Cục miền Nam họp tại Mã Đà, căn cứ chiến khu Đ (nay là tỉnh Đồng Nai) đã quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Nguyễn Văn Linh - Bí thư Trung ương Cục làm Trưởng ban. Năm 1962, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam quyết định chuyển trụ sở về Lò Gò - Bến Ra - Xa Mát, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên), tỉnh Tây Ninh để có điều kiện mở rộng căn cứ.

Bia Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (1962 - 1975)

Trong kháng chiến, công tác tư tưởng, chính trị là mặt trận hàng đầu đi trước một bước, góp phần quyết định tạo nên phong trào cách mạng. Chấp hành chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã chủ động sáng tạo, nghiên cứu tình hình, đề ra chủ trương, phương hướng công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng trong và ngoài Đảng, công tác văn hóa, giáo dục quần chúng; biên soạn tài liệu hướng dẫn công tác tuyên truyền cho cấp dưới; chỉ đạo nghiệp vụ cho ngành tuyên huấn các cấp, đào tạo cán bộ cơ sở. Đặc biệt, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã tham mưu kịp thời, sát đúng về công tác chính trị tư tưởng trong từng giai đoạn cách mạng, nhất là những thời điểm bước ngoặt của cách mạng miền Nam: chống chiến tranh đặc biệt, chống chiến tranh cục bộ, chống chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và cách mạng miền Nam sau khi ký kết Hiệp định Pa-ri...

Góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, đã có hàng trăm anh hùng liệt sĩ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam anh dũng hy sinh; nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có 03 cơ quan gồm: Thông tấn xã Giải phóng, Nhà in Trần Phú và Điện ảnh Giải phóng thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam; nhiều đồng chí được trao tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, huân chương hạng nhất, nhì, ba,…

Với những thành tích đặc biệt trên, tháng 01/2015 Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

          Sự kiện thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam là một bước cụ thể hóa đường lối chỉ đạo của Đảng Lao động Việt Nam, Trung ương Cục miền Nam trong việc xây dựng, củng cố và tổ chức cơ quan chuyên môn của Đảng bộ miền Nam. Hệ thống tổ chức của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam từ khi thành lập, xây dựng, phát triển và cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ đã trải qua các giai đoạn khác nhau.

          Giai đoạn chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965)

Trong tình thế cách mạng miền Nam mới thoát khỏi thời kỳ khó khăn, khủng hoảng, vấn đề tổ chức, phát triển lực lượng có ý nghĩa quyết định đối với cách mạng miền Nam. Do đó xây dựng hệ thống tổ chức Ban Tuyên huấn đã trở thành nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết.

Kế thừa hệ thống tổ chức từ Ban Tuyên huấn Xứ uỷ trước đây, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng miền Nam. Ưu tiên trước nhất là bộ máy lãnh đạo - cơ quan chỉ đạo chiến lược. Điều này thể hiện rõ ngay từ khi thành lập, nhân sự tham gia bộ máy lãnh đạo Ban Tuyên huấn đã được Trung ương Cục miền Nam “bố trí các đồng chí cán bộ có kinh nghiệm, bản lĩnh, sành sõi trong công tác tư tưởng”, có tầm chiến lược như đồng chí Nguyễn Văn Linh - Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Trưởng ban; đồng chí Trần Bạch Đằng, Phó Trưởng ban Thường trực; Uỷ viên Ban gồm: đồng chí Trần Trọng Tân, Tân Đức, Tô Lâm. Ban lãnh đạo đã thống nhất phân công các đồng chí phụ trách. Cụ thể: đồng chí Nguyễn Văn Linh chỉ đạo chiến lược; đồng chí Trần Bạch Đằng phụ trách chung hoạt động của Ban và Văn phòng Ban, công tác Thi đua - Khen thưởng, Báo Nhân dân miền Nam; đồng chí Trần Trọng Tân phụ trách mảng Huấn học, Trường Đảng, Tạp chí Tiền Phong; đồng chí Tân Đức, Tô Lâm phụ trách Thông tấn xã Giải phóng, Đài Phát thanh Giải phóng, văn nghệ, giáo dục.

Sau khi phân công các đồng chí lãnh đạo phụ trách các bộ phận, Ban Tuyên huấn đã tập trung kiện toàn, củng cố và tập trung xây dựng các cơ quan chuyên môn của Ban. Tùy theo điều kiện về con người và phương tiện kỹ thuật hiện có, Ban Tuyên huấn đã thành lập các cơ quan thông tin tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, các cơ quan thông tấn báo chí,… và Văn phòng Ban.

Đặc biệt trong thời gian này, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã củng cố và thành lập hai cơ quan thông tin tuyên truyền có ý nghĩa chính trị quan trọng của cuộc cách mạng miền Nam là Thông tấn xã Giải phóng (thành lập ngày 12/10/1960) và Đài Phát thanh Giải phóng (thành lập ngày 01/02/1962). Bắt đầu từ đây, toàn bộ hoạt động thông tin tuyên truyền của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân miền Nam và cả nước đều do hai cơ quan này đảm nhận. Qua làn sóng của Thông tấn xã Giải phóng và Đài Phát thanh Giải phóng, tiếng nói của chính nghĩa, của khát khao tự do và niềm tin chiến thắng đã vang xa đến toàn nhân loại tiến bộ.

Sau chiến thắng Ấp Bắc đầu năm 1963, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, đòi hỏi cần thiết phải tăng cường lực lượng cán bộ tuyên huấn cho địa phương. Hoạt động đào tạo cán bộ đã được Ban tuyên huấn tổ chức bài bản tại căn cứ Bắc Tây Ninh (Lò Gò, Tân Biên) và đã huy động cả hệ thống tổ chức tập trung thực hiện công tác này. Ban Tuyên huấn đã mở các lớp huấn luyện, thành lập các trường đào tạo cán bộ như: Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc miền Nam, Trường giáo dục Tháng Tám, Trường Tuyên huấn - Báo chí miền Nam, lớp Điện ảnh, lớp Hội họa, lớp Thông tấn báo chí. Đã có nhiều cán bộ tuyên truyền, lý luận, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục được đào tạo trong thời gian này, bổ sung kịp thời cho Ban Tuyên huấn và các địa phương đang thiếu cán bộ.

Đến cuối năm 1963, Ban Tuyên huấn đã xây dựng thành các tiểu ban chính, bộ máy tổ chức do lực lượng cán bộ được đào tạo từ cơ bản đến nâng cao đảm nhận như: Tuyên truyền, Tuyên truyền đối ngoại, Văn nghệ, Giáo dục, Huấn học, Thông tấn Báo chí (đầu năm 1964),… và một số cơ quan hỗ trợ khác như: nhà in Trần Phú, Nhà xuất bản Giải phóng, bệnh viện, đơn vị bảo vệ,..

Từ đầu năm 1964 đến đầu năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân miền Nam trên đà phát triển và thu được nhiều thắng lợi quan trọng. Chiến thắng An Lão, Chốp Chài, Long Mỹ, Đồng Xoài, Bình Giã,.. đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của các lực lượng vũ trang nhân dân: “Cả miền Nam, phong trào chống Mỹ dâng cao như vũ bão, đặc biệt là các đô thị, làm suy yếu nghiêm trọng bộ máy thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, nội bộ chúng mâu thuẫn, xâu xé hơn bao giờ hết”. Cùng với thắng lợi đó, hệ thống tổ chức của Ban Tuyên huấn có bước phát triển mạnh về số lượng cán bộ, các tiểu ban, bộ máy tổ chức dần được hoàn thiện. Các tiểu ban đã thành lập trước đây tiếp tục được bổ sung thêm cán bộ, xây dựng căn cứ, phương tiện, máy móc để phục vụ hoạt động. Trong giai đoạn này, hoạt động tuyên huấn tập trung củng cố tư tưởng tiến công cách mạng, cổ vũ, động viên quân dân tiến lên đánh bại hoàn toàn Chiến lược Chiến tranh đặc biệt, sẵn sàng bước vào cuộc đấu tranh mới, gian nan khốc liệt hơn khi đế quốc Mỹ chuyển sang Chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.

(Trích từ Lý lịch Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm căn cứ Trung ương Cục miền Nam)

(còn tiếp phần 2)

Tác giả: Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, BBT-ĐH Cổng TTĐT Đảng bộ tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập60
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm53
  • Hôm nay4,846
  • Tháng hiện tại296,229
  • Tổng lượt truy cập6,606,821
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây