Tác phẩm đạt Giải C – Giải Báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ III – năm 2023

Thứ tư - 21/02/2024 11:02 130 0
Loạt bài: Trí thức người dân tộc thiểu số: Họ đã vươn lên như thế.Tác giả: Đồng Viết Thắng; Nguyễn Thị Yến Nhi (Việt Đông – Hoàng Yến) – Báo Tây Ninh; Thể loại: Báo in

Bài 1: Từ nhiều phương trời họ đến với Tây Ninh 

Trí thức người dân tộc thiểu số đã và đang tham gia lao động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền văn hoá cộng đồng các dân tộc thiểu số nói riêng, văn hoá Việt Nam nói chung.

 “Cô Bạch Thị Hồng là người vui vẻ, nhiệt tình, luôn giúp đỡ chị em, đồng nghiệp trong trường. Hồng luôn tích cực học tập để làm giàu kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Năm học 2019-2020, cô Hồng đạt giáo viên dạy giỏi vòng tỉnh”- bà Lương Thanh Hồng, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Trí Bình nhận xét về người giáo viên giàu nghị lực.

Sự hiện diện của đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số trong cả nước nói chung, Tây Ninh nói riêng góp phần hoàn chỉnh bức tranh cơ cấu của tầng lớp trí thức ở Việt Nam. Trí thức người dân tộc thiểu số đã và đang tham gia lao động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền văn hoá cộng đồng các dân tộc thiểu số nói riêng, văn hoá Việt Nam nói chung. Trí thức người dân tộc thiểu số lớn mạnh, gắn liền với cách mạng Việt Nam qua từng giai đoạn.

Sự phát triển của xã hội, cộng với đặc điểm của từng địa phương, những trí thức người dân tộc thiểu số không chỉ làm việc ở vùng sâu vùng xa, rẻo cao mà đang công tác ở vùng đô thị như bệnh viện, trường học, trong lực lượng vũ trang, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, chính quyền các cấp.

Cô giáo người Mường

“Tôi là người dân tộc Mường, đến từ tỉnh Hoà Bình, nơi có lòng hồ thuỷ điện được ví như “biển nằm bỡ ngỡ giữa cao nguyên”. Năm 2013, tôi công tác tại Trường mẫu giáo An Cơ, được 4 năm thì chuyển về Trường mẫu giáo Trí Bình. Trong quá trình công tác, tôi phấn đấu học liên thông lên đại học, các lớp đào tạo nghiệp vụ đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của một giáo viên mầm non.

Trong công tác, tôi luôn phấn đấu, nỗ lực, yêu nghề, mến trẻ. Hiện nay, Nhà nước đã xây dựng các trường dân tộc nội trú. Tại Tây Ninh cũng có trường này và con tôi đang học tại đó, tôi mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số nhiều hơn nữa”- cô giáo Bạch Thị Hồng, giáo viên Trường mẫu giáo Trí Bình, huyện Châu Thành mở đầu cuộc trò chuyện.

Cô giáo Hồng nói tiếp: “Tôi vào Đảng năm 2000 và đang học lớp trung cấp chính trị. Tôi cảm thấy con đường mình chọn là con đường đúng đắn và tự hào về bản thân, từ hoàn cảnh khó khăn tôi đã vươn lên để trở thành giáo viên mầm non như hôm nay.

Tuy nhiên, mức lương dành cho giáo viên mầm non còn thấp, giáo viên chưa sống được với đồng lương của mình, nên tôi phải làm thêm các công việc khác vào thời gian rảnh để kiếm thêm thu nhập. Mong rằng Nhà nước có các chính sách quan tâm tới đồng lương của giáo viên để chúng tôi có thể an tâm công tác”.

Bạch Thị Hồng sinh ra trong gia đình có ba anh em. Cha làm giáo viên, đã nghỉ hưu và mẹ làm nội trợ, gia đình khó khăn, anh trai và em gái đi làm kiếm sống, nhường lại cho Hồng con đường học vấn.

Thi đại học, vì lý do bất khả kháng, Hồng không thể dự thi môn cuối cùng. Không thể học đại học như nguyện ước, cô giáo tương lai rời miền quê núi cao vào Bình Dương tìm việc làm. Bốn năm bươn chải ở Bình Dương, Hồng gặp người bạn đời, cả hai về Tây Ninh sinh sống.

Năm 2008, được sự động viên của gia đình bên chồng, Hồng theo học trung cấp mầm non tại Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh. Tốt nghiệp, Hồng về dạy tại Trường mẫu giáo An Cơ. Không dừng lại ở đó, bằng đồng lương eo hẹp của mình, cộng với sự động viên của gia đình, cô tiếp tục học và tốt nghiệp đại học sư phạm.

Năm 2017, Hồng rời ngôi trường đầu tiên, chuyển công tác về Trường mẫu giáo Trí Bình. Tại ngôi trường mới này, cô giáo người dân tộc thiểu số không ngừng vươn lên để hoàn thiện bản thân, củng cố vị trí việc làm của mình, xem đó như thành quả, như món quà tinh thần để xứng đáng với sự hy sinh của người thân dành cho mình.

Cô giáo mầm non Bạch Thị Hồng.

“Nhà trường và Phòng Giáo dục mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, mình đều tham gia và đạt kết quả tốt. Trong quá trình giảng dạy và học, dù mình là người dân tộc thiểu số nhưng mọi sinh hoạt và học tập cũng như các bạn khác, đối với mình, học đi đôi với hành, theo lời Bác Hồ dạy.

Tự nhìn lại, mình nhận thấy bản thân tận tuỵ, yêu nghề, mến trẻ, được đồng nghiệp giúp đỡ. Ngoài công việc chuyên môn ở trường, mình tham gia các phong trào thiện nguyện, phong trào dạy tốt, luôn đạt thành tích xuất sắc trong các năm giảng dạy, được tín nhiệm, cấp trên tin cậy, bạn bè yêu mến”- cô giáo Hồng chia sẻ.

 “Lắm lúc cũng nhọc nhằn nhưng mình vẫn kiên cường và cố gắng. 39 tuổi rồi, không còn trẻ nữa. Mình nghĩ chọn đúng nghề rồi, không còn lông bông hết công ty này công ty nọ, kiếm nghề này nghề kia, bữa đói bữa no hay lo công việc cho ngày mai nữa. Ước mơ có nhiều người dân tộc thiểu số may mắn như mình. Mong Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nhiều hơn, góp phần xoá mù chữ, tạo công ăn việc làm”- cô giáo Hồng bày tỏ.

Anh cán bộ người Ê-Đê

Cũng ở huyện Châu Thành, có một cán bộ dân tộc thiểu số người Ê-đê - anh MLô Y Lợi, chuyên viên Phòng Nội vụ. MLô Y Lợi quê ở tỉnh Đăk Lăk. Năm 1995, anh đi học theo diện cử tuyển của địa phương. Năm 1998 tốt nghiệp Trường đại học kinh tế Đà Nẵng.

Duyên số, chàng trai Ê-đê quen một cô gái rồi cả hai về Tây Ninh sinh sống. Năm 2000, Y Lợi công tác tại Phòng Tổ chức chính quyền huyện, theo chính sách tạo nguồn của tỉnh Tây Ninh.

Sau đó, địa phương biệt phái anh về công tác tại xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, phụ trách nông lâm, thuỷ lợi của xã. Năm 2005, anh Y Lợi về UBND huyện Châu Thành và công tác tại Phòng Tôn giáo - Dân tộc, sau khi Phòng giải thể, anh công tác tại Phòng Nội vụ cho đến nay.

Chuyên viên Phòng Nội vụ huyện Châu Thành, anh MLô Y Lợi, người Ê-đê.

“Tôi cũng như bao anh em công chức khác, không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 2003, khi chưa là đảng viên, tôi được cử đi học lớp trung cấp chính trị, mới đây nhất được đi học lớp quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính.

Châu Thành có 6 xã biên giới, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tôi mong muốn ngày càng có nhiều thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số làm công tác dân tộc, làm nhịp cầu nối giữa chính quyền địa phương với cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Từ đó, truyền tải chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước đến đồng bào nhanh hơn. Mong rằng các thế hệ trẻ sau này, trong quá trình học tập luôn cố gắng tự tìm tòi, học hỏi, nâng cao tính đoàn kết giữa các dân tộc”- anh Y Lợi chia sẻ.

“Quá trình công tác, anh Y Lợi rất chịu khó, có tinh thần cầu tiến, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, vừa qua, anh Y Lợi được UBND tỉnh tặng bằng khen. Ngoài anh Y Lợi, còn một chị tên Hồng, dân tộc Hoa, hiện giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Trí Bình.

Đây là hai trường hợp người dân tộc thiểu số làm việc trong hệ thống chính quyền của huyện. Ngoài ra, ngành Giáo dục của huyện còn có tám giáo viên người dân tộc thiểu số công tác tại các trường học trên địa bàn”- bà Huỳnh Thị Kim Nhanh, Phó trưởng Phòng Nội vụ Châu Thành thông tin.

Bài 2: Khát vọng chinh phục bầu trời tri thức

Sự thử thách đó đến từ nhiều yếu tố, nguyên nhân khác nhau, đôi khi, không hẳn xuất phát từ kinh tế.

Cô giáo người dân tộc Thái Sầm Ngọc Mai

Những trí thức người dân tộc thiểu số xuất hiện trong loạt bài này gần như có chung một điều kiện: đều vượt qua thử thách khó khăn nhất để xây dựng tương lai, sự nghiệp cho bản thân. Sự thử thách đó đến từ nhiều yếu tố, nguyên nhân khác nhau, đôi khi, không hẳn xuất phát từ kinh tế.

Cái họ vượt qua để có được như ngày hôm nay, là định kiến xã hội (đối với nữ trí thức), ngôn ngữ tiếng phổ thông, có người vào lớp 1 mới bắt đầu học tiếng Việt nhưng sau đó thành giáo viên dạy Ngữ văn, dạy Ngoại ngữ, bác sĩ, sĩ quan quân đội.

“CÔ GẶP LẠI MÌNH TRONG TIẾNG ƯỚC MƠ EM”

“Mình thích học tiếng Anh từ nhỏ. Khi học đến trung học phổ thông, hình mẫu của mình, vào thời điểm đó là cô Nguyễn Phương Nga- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Tốt nghiệp trung học phổ thông, mình thi vào khoa tiếng Anh của Trường đại học Cửu Long với mong ước trở thành nhà ngoại giao”- cô giáo Thạch Thị Thảo, người dân tộc Khmer mở đầu câu chuyện về con đường học vấn của bản thân.

Thạch Thị Thảo sinh ra, lớn lên ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Học hết trung học cơ sở, cô giáo tương lai được tuyển vào học ở trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh. Những năm tháng đó, theo lời cô giáo Thảo, gian khổ không sao nói hết nhưng niềm vui cũng vô bờ.

Thảo kể, những lúc không có điện, học sinh phải dùng đèn cầy (nến) học bài. Tốt nghiệp phổ thông, Thảo đăng ký dự thi vào khoa tiếng Anh thương mại của Trường đại học dân lập Cửu Long.

Tốt nghiệp đại học, Thảo dự định đi tìm một công việc nào đó liên quan đến ngành ngoại giao như thần tượng của mình. Nhưng đúng lúc đó, một giáo viên nói với Thảo rằng, trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh nhà (Trà Vinh) chưa có giáo viên tiếng Anh, điều này thiệt thòi cho học sinh. Thầy giáo gợi ý, Thảo nên học thêm nghiệp vụ sư phạm để về dạy ngoại ngữ cho học sinh, thế hệ đàn em của mình.

Nghe lời thầy, Thảo đăng ký học nghiệp vụ sư phạm tại Trường đại học Cần Thơ để trở về phục vụ quê hương Trà Vinh. “Nhưng, lại cũng duyên số, thời điểm đó, tôi quen ông xã (hiện tại) ở Tây Ninh. Thuyền theo lái, gái theo chồng. Thấm thoắt đã hơn 10 năm, mình trở thành giáo viên Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh”- cô giáo Thảo kể về cơ duyên đến với Tây Ninh.

Nhớ lại những năm tháng vất vả nhất, cô Thảo cho biết, cả gia đình cô, anh chị em đều dừng việc học giữa chừng, hy sinh, ưu tiên cao nhất để cô theo đuổi con đường học vấn. Bây giờ, ngày ngày lên lớp, cô giáo Thạch Thị Thảo dạy cho “đồng bào mình”, cô mong muốn thế hế học trò hôm nay - con em các dân tộc thiểu số hãy nỗ lực thật nhiều, hãy có ước mơ và biến ước mơ đó thành hiện thực.

“Không thể trở thành nhà ngoại giao nhưng tôi cũng không có gì phải hối tiếc, vì công việc hiện tại đem lại nhiều niềm vui, không chỉ cho bản thân mà còn cho lớp lớp học sinh con em đồng bào mình. Tôi gặp lại mình trong tiếng ước mơ của các em học sinh”- cô giáo Thạch Thị Thảo bộc lộ cảm xúc.

Đến từ một tỉnh miền Trung, cô giáo Sầm Ngọc Mai, người dân tộc Thái, hiện công tác tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh cho biết, cô không nghĩ rằng mình lại thành một giáo viên dạy Ngữ văn, vì khi vào lớp 1, cô mới bắt đầu học tiếng Việt (tiếng dân tộc Kinh).

“Trở ngại về ngôn ngữ là điều thiệt thòi nhất của đồng bào các dân tộc thiểu số” - cô giáo Mai bình luận. Tốt nghiệp đại học, cô giáo người dân tộc Thái trở thành giáo viên Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh.

Như một sự đồng cảm, trong ánh mắt của con em đồng bào các dân tộc thiểu số đang học tại ngôi trường này, cô giáo Mai thấy hình ảnh ngày xưa của mình. “Các em mới vào trường, học xa nhà, không tránh khỏi cảm giác bỡ ngỡ.

Trong vai trò là cô giáo, từng có kinh nghiệm của những năm tháng đi học xa gia đình, tôi hướng dẫn, nhắc nhở học sinh của mình cách sống, nền nếp sinh hoạt tập thể sao cho văn minh, tránh những va chạm, hiểu nhầm giữa các em.

Thực ra, học sinh dân tộc nội trú đang học ở đây cũng là hình ảnh của những tháng ngày tôi từng trải qua, thời sinh viên”- cô Mai nói. Cô giáo cũng gửi đến học sinh “thông điệp” từ chính bản thân mình: nỗ lực hết mình, cố gắng không ngừng nghỉ, không mệt mỏi rồi thành quả cũng sẽ đến.

Ông Lê Minh Trung- Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh thông tin, toàn trường chỉ có hai cô Thảo và Mai là giáo viên người dân tộc thiểu số. Hành trình theo đuổi con đường học vấn của hai cô có thể xem như tấm gương để học sinh nhà trường, hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt học sinh nữ vốn ít nhiều còn chịu những định kiến, noi theo.

Cô giáo người dân tộc Khmer Thạch Thị Thảo.

“LÀM CHỦ CUỘC ĐỜI MÌNH”

“Tôi mong các bạn trẻ, đặc biệt các bạn học sinh nữ người dân tộc thiểu số, hãy cố gắng vươn lên làm chủ cuộc đời mình”- nữ bác sĩ Sa Quy, người dân tộc Chăm, công tác tại Khoa nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh nhắn nhủ đến thế hệ đàn em.

Bác sĩ Sa Quy cho hay, gia đình chị người dân tộc Chăm, ngụ xã Tân Hưng, huyện Tân Châu. Học hết phổ thông, chị theo học ngành Y đa khoa, Đại học Y Tây Nguyên theo diện cử tuyển. Tốt nghiệp đại học, chị về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.

Chị cho biết thông thường con gái không được gia đình ủng hộ học lên cao, trường hợp như chị rất hiếm. Chị mong các bạn trẻ người dân tộc thiểu số nỗ lực học tập, vì chỉ có học mới tìm được công việc ổn định, thoát cảnh đói nghèo.

Bác sĩ Sa Quy cho rằng, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho con em người dân tộc thiểu số rất tốt, từ nhỏ đến lớn chị đi học không phải mất học phí, ngược lại còn được hưởng nhiều chế độ ưu tiên khác.

Từ khi về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, bác sĩ Sa Quy luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm của một nữ bác sĩ trẻ, hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đợt dịch Covid- 19, chị được nhận bằng khen của UBND tỉnh vì có đóng góp lớn trong công tác phòng, chống dịch.

Chị cho biết, hiện tại ở Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh có 8 y, bác sĩ, nhân viên y tế là người dân tộc thiểu số như Khmer, Chăm, Mường, Cao Lan. Tất cả họ đều đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để có một vị trí việc làm như hôm nay.

Một người khác, anh Hoàng Đức Danh, người dân tộc K’Ho, tỉnh Bình Thuận, hiện làm trợ lý công tác quần chúng, Phòng Chính trị, Sư đoàn Bộ binh 5. “Tôi tốt nghiệp đại học sĩ quan chính trị.

Tôi thấy các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số rất tốt. Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện để con em người đồng bào dân tộc thiểu số phấn đấu học tập, cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước. Những chính sách đúng đắn ấy còn giúp họ tiếp cận nhiều hơn nguồn tri thức hiện đại, làm chủ được bản thân, cải thiện đời sống kinh tế gia đình”- anh Hoàng Đức Danh nói.

Sĩ quan quân đội người dân tộc K’Ho Hoàng Đức Danh.

Theo anh Danh, trí thức người dân tộc thiểu số là kênh tuyên truyền hiệu quả nhất về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đến chính người thân và đồng bào của mình để tránh bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động.

“Là thế hệ trẻ, nhất là tuổi trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số đang học tập và làm việc trong lực lượng vũ trang phải luôn luôn nỗ lực phấn đấu, cống hiến hết mình, phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc giữa cống hiến và hưởng thụ. Đừng bao giờ hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay"- sĩ quan chính trị Hoàng Đức Danh chia sẻ.

Trên cương vị, vị trí công tác của mình, anh Hoàng Đức Danh tích cực viết tin, bài tuyên truyền hoạt động công tác Đoàn, phong trào thanh niên, gương người tốt việc tốt, những mô hình mới, cách làm hay, tạo sức lan toả trong xã hội…

Từ đầu năm 2018 đến nay, anh Hoàng Đức Danh viết hàng trăm tin bài đăng trên các báo như Quân đội nhân dân, Quân khu 7, Tây Ninh… Anh được Đảng uỷ, Chỉ huy Sư đoàn tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động báo chí và truyền thanh nội bộ Sư đoàn. 5 năm liền, Hoàng Đức Danh là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bài 3: Vai trò của người trí thức dân tộc thiểu số 

Thành phần lao động trí thức người dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chính sách đại đoàn dân tộc, khơi dậy khát vọng vươn lên của đất nước, của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Anh Ham Mát (thứ ba từ phải sang), được khen thưởng tại Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Số lượng trí thức người dân tộc thiểu số ở Tây Ninh nói riêng, cả nước nói chung, chưa phải đã cao so với tổng số dân của từng địa phương. Nhưng, họ đã và đang có đóng không nhỏ cho sự phát triển của xã hội, đặc biệt thành phần lao động trí thức người dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy khát vọng của đất nước, của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Điều này hoàn toàn đúng và trúng với việc thực hiện chuyên đề năm 2023 của Tỉnh uỷ Tây Ninh về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng vươn lên để Tây Ninh phát triển nhanh và bên vững”.

“Con cái không thể mù chữ như ba mẹ”

Thật thiếu sót nếu loạt bài này không kể đến anh Ham Mát, người dân tộc Chăm, công tác tại Trung tâm Khoa học công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ. Người thanh niên này sinh ra ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu trong gia đình người Chăm có truyền thống tham gia kháng chiến, bên ngoại của anh có nhiều đóng góp cho cách mạng trong thời kỳ đất nước chưa thống nhất.

Ham Mát cho biết, cả ba và mẹ anh đều không biết chữ, vì thế, họ muốn con cái học hành đến nơi đến chốn, “cầm cái bút nhẹ hơn cầm cái cuốc”- Ham Mát nhớ lại câu nói của người cha khi động viên con đi học.

Tốt nghiệp trung học phổ thông, Ham Mát vào học một năm ở Trường đại học Dự bị dân tộc, lấy đó làm đà để thực hiện mong muốn thi vào ngành Y khoa để trở thành bác sĩ. Nhưng sau cùng, anh chọn Trường đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh.

Từ ngày ra trường đến nay, Ham Mát trải qua nhiều vị trí việc làm khác nhau, hiện anh là chuyên viên Trung tâm Khoa học công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ. Ham Mát là một cán bộ trẻ, đặc biệt tích cực trong các phong trào thanh niên, các hoạt động xã hội. Năm năm trước, sau nhiều nỗ lực, không ngừng phấn đấu trong công tác, anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bạn thấy chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số như thế nào? Theo Ham Mát, từ chính bản thân mình và từ góc nhìn của một trí thức người dân tộc thiểu số, anh nhận thấy, không phải bây giờ, hàng chục năm qua, Đảng và Nhà nước đầu tư nhiều nguồn lực dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Nguồn lực đầu tư ở đây không nên hiểu chỉ ở khía cạnh kinh tế, cơ sở hạ tầng. Cái lớn nhất đồng bào nhận được chính là ánh sáng của tri thức, văn hoá, trong đó có giáo dục. “Chỉ có giáo dục mới nâng cao trình độ dân trí.

Trường phổ thông Dân tộc trú tỉnh Tây Ninh ra đời đã tạo điều kiện, cơ hội học tập rất tốt cho con em đồng bào. Chính từ đây, nhiều con em đồng bào sau khi học xong phổ thông, họ tiếp tục con đường học vấn và trở về góp phần xây dựng quê hương. Tôi nói thật lòng và điều đó hoàn toàn kiểm chứng được”- Ham Mát nói.

Theo thống kê, năm 2018, cả nước có 162.120 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, chiếm 14,53% (nữ giới chiếm 49,2%). Trong đó, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 10.398 người (chiếm 17,2%).

Tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số là đại biểu Hội đồng nhân dân có xu hướng giảm, nhiệm kỳ 2004-2009 cấp tỉnh 20,23%, cấp huyện 20,18%, cấp xã là 24,4%; nhiệm kỳ 2016-2021 cấp tỉnh 16,91%, cấp huyện 18,29%, cấp xã 22,14%.

Củng cố khối đại đoàn kết dân tộc

Theo số liệu chưa đầy đủ, đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số đang làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập như giáo dục, y tế, khoa học công nghệ ở Tây Ninh hiện có trên dưới 200 người.

Trong số này, riêng ngành Giáo dục có 144 người. Số lượng trí thức người dân tộc thiểu số ở Tây Ninh nói riêng, cả nước nói chung, chưa phải đã cao, tính theo tỷ lệ số dân. Nhưng họ đã, đang đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của xã hội.

Thành phần lao động trí thức người dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chính sách đại đoàn dân tộc, khơi dậy khát vọng vươn lên của đất nước, của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Năm 2008, Ban Chấp hành Trung ương khoá X ban hành Nghị quyết 27 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Nghị quyết 27 đặc biệt nhấn mạnh “gắn bó vững chắc giữa Ðảng và Nhà nước với trí thức, giữa trí thức với Ðảng và Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công - nông - trí.

Trung ương yêu cầu có chính sách, kế hoạch cụ thể để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ, trí thức là những người đã có cống hiến trong hoạt động thực tiễn, trí thức người dân tộc thiểu số và trí thức nữ.

Nghị quyết số 27 xác định trí thức là “lực lượng sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây là một cách tiếp cận hiện đại về trí thức và phản ánh xu thế chung của thế giới khi gắn đội ngũ trí thức với phát triển kinh tế tri thức.

Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 402 về “nâng cao tỷ lệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, trong đó quy định tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên tổng số dân của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.

Quyết định 402 yêu cầu “triển khai có hiệu quả các chính sách về thu hút, trọng dụng, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, tổng kết, đề xuất các giải pháp để không ngừng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, bảo đảm phù hợp với từng địa bàn vùng dân tộc thiểu số”.

“Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...

Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta.

Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Dự thảo đề án Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030 (do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện) nhận diện, đánh giá, phát triển đội ngũ trí thức ở Việt Nam hiện nay theo tám nhóm cơ bản: trí thức là cán bộ, công chức; trí thức trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ; trí thức trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật; trí thức trong lực lượng vũ trang…

Cách phân loại này cơ bản phù hợp điều kiện cụ thể của nước ta. Tuy nhiên, có ý kiến đề xuất, cần bổ sung vào dự thảo hai nhóm, gồm nhóm thứ chín (nữ trí thức) và nhóm thứ mười (trí thức dân tộc thiểu số). Đề xuất này hoàn toàn hợp lý khi Việt Nam là quốc gia có đến 54 dân tộc phân bố khắp lãnh thổ đất nước.

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững, phát triển gắn với công bằng xã hội, chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức không nên chỉ tập trung ở các trung tâm chính trị, kinh tế, đô thị lớn mà cần chú trọng phát triển trí thức ở các vùng khó khăn như như ở khu vực miền núi, vùng biên giới, hải đảo. Dân tộc (thiểu số) gắn liền với tôn giáo, tôn giáo thường gắn với nhân quyền.

Từ nhiều năm qua, các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng ba vấn đề nêu trên để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Thực tế chứng minh rằng, trong nhiều thập kỷ qua, Đảng, Nhà nước đã đầu tư nguồn lực rất lớn dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Điều này bác bỏ thẳng thừng những đánh giá sai lệch, thiên kiến về vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền ở Việt Nam.

Việt Đông - Hoàng Yến

 

Tác giả: Trần Đăng Khoa, BBT-ĐH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

chuyển đổi số
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
thong bao noi bo
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập76
  • Máy chủ tìm kiếm67
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay4,339
  • Tháng hiện tại716,019
  • Tổng lượt truy cập3,800,313
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây