Tác phẩm đạt Giải C – Giải Báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ III – năm 2023

Thứ tư - 21/02/2024 15:00 828 0
Loạt bài: Vì nghĩa lớn "Nước vinh đạo sáng".Tác giả: Nguyễn Tấn Hùng; Đặng Tố Tuấn – Báo Tây NinhThể loại: Báo in

Bài 1: Tôn giáo nội sinh trên miền biên viễn

Thời gian qua, công tác tôn giáo, dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Lãnh đạo Trung ương và tỉnh Tây Ninh tham dự Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung của tôn giáo Cao Đài.

Tây Ninh nằm ở vùng biên địa phía Tây Nam Tổ quốc, có đường biên giới đất liền dài 240km, tiếp giáp với 3 tỉnh của Vương quốc Campuchia. Từ đầu thế kỷ 20, Tây Ninh là nơi khởi phát một nền tôn giáo nội sinh là đạo Cao Đài, một tôn giáo mà theo quan niệm “một người nhập môn cả nhà theo đạo” được cho là có tới hơn 2,6 triệu tín đồ ở nhiều tỉnh, thành trên đất nước Việt Nam và cả ở hải ngoại.

Tại Tây Ninh, các bậc khai sáng đạo Cao Đài chọn đặt ngôi Tổ đình, thờ phụng các đấng thiêng liêng tối thượng của nền đạo, vì thế người có tín ngưỡng tôn giáo này gọi nơi đây là “thánh địa”.

Từ đặc điểm của một tỉnh có tới khoảng phân nửa dân số (hiện nay, dân số Tây Ninh là 1,3 triệu người) là tín đồ Cao Đài, đồng thời có các tôn giáo khác, nên từ khi có tổ chức Đảng đầu tiên ở tỉnh cho đến nay, hơn 90 năm, trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đảng bộ địa phương, Tỉnh uỷ Tây Ninh luôn quan tâm công tác vận động quần chúng là tín đồ các tôn giáo, trong đó có quần chúng đạo Cao Đài hưởng ứng tham gia cách mạng, ủng hộ cách mạng giải phóng dân tộc trong thời chiến; góp phần bảo vệ Tổ quốc, ổn định xã hội, xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp trong thời bình.

Trong chiến tranh, việc huy động sức mạnh quần chúng sẽ tạo được vành đai nhiều lớp, bảo vệ an toàn căn cứ địa cách mạng để lãnh đạo, chỉ huy thực hiện kháng chiến thắng lợi giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trong hoà bình, việc thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc, tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo của người dân, phát huy sức mạnh toàn dân vượt mọi khó khăn để tái thiết, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Tuy nhiên, cả trong thời chiến lẫn thời bình, việc lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh quán triệt đúng đắn, đầy đủ chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để vượt qua dị biệt về ý thức hệ, thiên kiến về những vấn đề lịch sử, tạo được sự đồng thuận, thống nhất ý chí, cùng nhìn về một hướng, tiến đến một mục tiêu chung là điều không dễ dàng.

Để làm được điều đó trong gần 40 năm qua, Đảng bộ tỉnh Tây Ninh đã quán triệt, thấm nhuần chủ nghĩa Mác, Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới nói chung, trong công tác vận động quần chúng tôn giáo Cao Đài nói riêng đạt những kết quả rất tốt đẹp, căn cơ, thực chất, đưa kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh tiến lên một bước tăng trưởng, phát triển mới trên vùng kinh tế trọng điểm miền Đông Nam bộ; đặc biệt là giúp cho tôn giáo Cao Đài thực sự “hoằng khai đại đạo” không chỉ trong tỉnh, trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Nhìn lại quá khứ gần trăm năm trước, trong hoàn cảnh đất nước ta bị ngoại bang thống trị, riêng đất Nam kỳ đặt trong chế độ thuộc địa, tức là một phần lãnh thổ hải ngoại của nước Pháp, những người Việt Nam có tinh thần dân tộc không ai cam phận làm người dân vong quốc.

Tuy nhiên do bị bế tắc về con đường giải phóng dân tộc, vì tất cả các cuộc khởi nghĩa, đấu tranh mong giành lại độc lập, tự do cho đất nước, nhân dân đều bị quân thực dân với tàu đồng súng lớn dìm trong biển máu, những bậc sĩ phu yêu nước phải nuốt hận, tìm sự khuây lảng bằng những lối thoát tâm linh.

Lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tham dự Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung năm 2021.

Đó cũng là bối cảnh lịch sử của sự ra đời của tôn giáo Cao Đài trên đất Tây Ninh, với ngày khai đạo được tổ chức vào ngày rằm tháng Mười âm lịch năm Bính Dần 1926 tại chùa Gò Kén, làng Long Thành, nay thuộc khu phố Long Trung, phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành, Tây Ninh.

Các vị tiền bối có công khai sáng đạo Cao Đài nhiều người có địa vị cao trọng trong bộ máy chính quyền Pháp thuộc, khi đã ngộ đạo- nền đạo mà theo các vị là do chính Đức Chí Tôn, tức “ông Trời” đem đến cho nhân loại, các vị đã không ngần ngại rũ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý để phế đời hành đạo.

Khi khai đạo Cao Đài, họ được thiên phong các phẩm vị chức sắc cao cấp nhất của tôn giáo, tuy nhiên do có những bất đồng trong quan niệm “thay trời hành đạo” nên sau ngày khai đạo, nhiều vị chức sắc cao cấp đã rời Toà thánh Tây Ninh về các tỉnh miền Tây Nam bộ mở các nền đạo riêng, gọi là các chi phái Cao Đài.

Cho đến nay, Hội thánh Cao Đài Toà thánh Tây Ninh đã được Nhà nước công nhận tổ chức tôn giáo cùng với 9 Hội thánh Cao Đài, 21 tổ chức Cao Đài hoạt động độc lập và cấp đăng ký hoạt động tôn giáo đối với 1 pháp môn Cao Đài.

Tại Tây Ninh, sau một thời gian ngắn “mượn chùa mở đạo” ở Từ Lâm tự (tên chính thức của chùa Gò Kén), các bậc tiền bối đạo Cao Đài đã dốc tài sản mua một sở đất rừng của một quan Kiểm lâm người Pháp, diện tích gần một cây số vuông (khoảng 96 ha) ở làng Long Thành, giáp với làng Hiệp Ninh, quận Châu Thành, tỉnh Tây Ninh để khai khẩn, khởi công xây dựng khu nội ô Toà thánh rồi dời “về chùa mới” làm Tổ đình của đạo cho đến ngày nay. Công cuộc khẩn rừng lập tự ban đầu hết sức gian nan, khổ hạnh với đội ngũ “làm công quả” chỉ vài trăm đạo hữu (từ xưng hô của tín đồ Cao Đài) dưới sự chỉ huy trực tiếp của các vị chức sắc đứng đầu Hội thánh.

Sự tích ban sơ nền đạo gần trăm năm trước, ngày nay vẫn còn được tái hiện bằng nghệ thuật “cộ bông” trong gian triển lãm “Về chùa mới” góc sân Đại đồng xã trước Đền thánh mỗi dịp Đại lễ Đức Chí Tôn, mồng 9 tháng Giêng hằng năm.

Đông đảo tín đồ và người dân tham dự Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung của tôn giáo Cao Đài.

Quá trình “hoằng khai đại đạo” suốt gần một thế kỷ, nền đạo Cao Đài trải qua  nhiều nỗi thăng trầm, nhất là trong giai đoạn đất nước bị ngoại bang đô hộ trước 30.4.1975.

Trong giai đoạn ấy, vào đầu năm 1956, vị đứng đầu Hội thánh Nhị hữu hình đài (Hiệp Thiên đài và Cửu Trùng đài, hai cơ quan điều hành nền đạo), được tôn xưng như Giáo chủ của đạo là Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc bị chính quyền Mỹ-Diệm đàn áp dữ dội, phải lưu vong sang Vương quốc Campuchia rồi chỉ 3 năm sau đó ông từ giã cõi đời, nhưng phải gửi di hài ở ngoại quốc suốt gần nửa thế kỷ.

Và ngày 21.11.2006, thực hiện thoả thuận giữa Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam cùng Bộ Lễ nghi Tôn giáo Campuchia và được sự chấp thuận của Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Ban Tôn giáo tỉnh Tây Ninh cùng Hội thánh Cao Đài Toà thánh Tây Ninh đã tổ chức lễ di liên đài Đức Hộ pháp hồi hương, nhập bửu tháp trong nội ô Toà thánh.

Từ sự kiện thể hiện sự quan tâm sâu sắc ấy của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, đời sống tinh thần, tín ngưỡng của hơn nửa triệu đồng bào có đạo Cao Đài ở tỉnh Tây Ninh nói riêng, của khoảng 2,6 triệu tín đồ Cao Đài cả nước nói chung, khởi sắc hẳn lên.

Bởi lẽ đồng bào có đạo, nhất là các chức sắc, tín đồ có tuổi đã chờ đợi điều tưởng chừng như vô vọng ấy suốt 50 năm, từ khi “vị ân sư” của họ bị chế độ Mỹ- Diệm bức bách phải lìa Toà thánh, rời khỏi đất nước. Từ niềm khao khát lớn lao được đáp ứng, lòng tin của quần chúng Cao Đài đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước ta được nhân lên gấp bội, nhất là lòng tin về việc bảo đảm, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân.

 “Tây Ninh hiện có 5 tôn giáo chính là Cao Đài, Phật giáo, Công giáo, Tin Lành và Hồi giáo với hơn 834.000 tín đồ, chiếm hơn 70% dân số toàn tỉnh; trong đó, đạo Cao Đài có số lượng tín đồ đông nhất, với 579.317 tín đồ, 1.925 chức sắc và 8.293 chức việc, chiếm gần 50% dân số”.

 

Bài 2: Toà thánh Tây Ninh trăm năm “hoằng khai đại đạo”

Đến nay, tôn giáo Cao Đài có 579.317 tín đồ, 1.925 chức sắc và 8.293 chức việc, chiếm gần 50% dân số của tỉnh, với 146 cơ sở thờ tự.

Lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tham quan các mô hình triển lãm tại Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung.

Trong gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, nền kinh tế - xã hội nước ta đã có những bước tiến đột phá, sự tăng trưởng mạnh mẽ, toàn diện. Thành tựu đổi mới của đất nước Việt Nam là hiện thực hiển nhiên, không ai có thể phủ nhận. Trong thành tựu phát triển chung đó, có sự phát triển mạnh mẽ, thực chất trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào tôn giáo.

Đối với đồng bào tôn giáo Cao Đài Tây Ninh, nền đạo gốc, giữ gìn và thực hành tín ngưỡng đúng chơn truyền Tân luật - Pháp chánh truyền nhất trong các hệ phái Cao Đàisự phát triển thể hiện rõ nét trong hoạt động đạo sự theo đường hướng, tôn chỉ “Nước vinh - Đạo sáng” do các bậc tiền bối vạch ra đã lâu trong quá trình “hoằng khai đại đạo” suốt gần một thế kỷ qua; đồng thời được sự động viên, cổ vũ, nâng bước không ngừng qua việc thực hiện công tác vận động quần chúng có đạo của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, nơi có Tổ đình của đạo Cao Đài.

Trao đổi về kết quả công tác vận động quần chúng có đạo của tỉnh, cũng như sự phát triển trên đường tu hành thuần tuý của đạo Cao Đài, ông Hồ Đức Hải- Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: “Giai đoạn trước khi được Chính phủ “trao pháp nhân” công nhận Hiến chương năm 1997, đạo Cao Đài Toà thánh Tây Ninh trên địa bàn tỉnh có khoảng 283.000 tín đồ, chiếm hơn 35% dân số của tỉnh, cùng 2.826 vị chức sắc, chức việc và 92 cơ sở thờ tự (thánh thất, điện thờ).

Đến nay, tôn giáo Cao Đài có 579.317 tín đồ, 1.925 chức sắc và 8.293 chức việc, chiếm gần 50% dân số của tỉnh, với 146 cơ sở thờ tự. Nhưng điều quan trọng hơn là nhận thức của người có đạo, cũng là công dân của đất nước, được nâng lên về ý thức thượng tôn pháp luật, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, chung tay xây dựng quê hương, đất nước”.

Để có được kết quả trên, với vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, hệ thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) của tỉnh tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, học tập, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào đạo Cao Đài bằng nhiều hình thức linh hoạt, đa dạng.

Qua tuyên truyền, các chức sắc, chức việc, tín đồ đạo Cao Đài nâng cao nhận thức, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát động.

Về công tác tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, hiện nay, Tây Ninh có 147 vị chức sắc, chức việc là Uỷ viên Uỷ ban MTTQ các cấp, trong đó cấp tỉnh 4 vị, cấp huyện 23 vị và cấp xã 120 vị. Trong các nhiệm kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, có 130 lượt chức sắc, chức việc, tín đồ Cao Đài tiêu biểu trúng cử.

Trong đó, đại biểu Quốc hội 2 vị (đại biểu khoá VI và khoá X); đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có 128 vị (tỉnh 5 vị, huyện 16 vị, xã 107 vị). Các ngày lễ trọng đại của tôn giáo, dịp lễ, tết, lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, các ngành đến thăm, chúc mừng; trường hợp các vị chức sắc, người thân trong gia đình ốm đau, bệnh tật, hữu sự hiếu, hỉ, lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, các ngành thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các điều kiện thuận lợi để gia đình vượt qua khó khăn.

Cấp uỷ, chính quyền, MTTQ các cấp thường xuyên tiếp xúc, đối thoại thông qua nhiều kênh nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tổ chức, cá nhân đạo Cao Đài, góp phần củng cố, tăng cường đoàn kết, cùng thực hiện tốt phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Hệ thống Mặt trận trong tỉnh còn tích cực vận động người dân có đạo tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; 100% họ đạo Cao Đài trong tỉnh đăng ký tham gia xây dựng “Cơ sở tín ngưỡng tôn giáo văn minh”.

Các họ đạo đã đóng góp tích cực trong hoạt động tạo cảnh quan, môi trường ở địa phương như trồng hoa tạo cảnh, tạo bóng mát cho hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông nông thôn; vận động hàng chục ngàn lượt tín đồ tham gia các đợt ra quân làm công tác dân vận của địa phương; đóng góp hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho công tác an sinh xã hội, nâng cấp hạ tầng giao thông, điện ở nông thôn.

Trong vận động thực hiện các mô hình thi đua, đến nay, Mặt trận các cấp đã phối hợp với các tổ chức tôn giáo Cao Đài thực hiện 78 mô hình. Bao gồm 29 mô hình về bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự; 8 mô hình chăm lo cho người nghèo và hỗ trợ thực hiện công tác giảm nghèo; 11 mô hình tuyên truyền pháp luật và tủ sách pháp luật; 14 mô hình về thực hiện an sinh xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới; 15 mô hình bảo vệ môi trường... Các mô hình đã và đang hoạt động đi vào thực chất, phát huy tối đa giáo lý của tôn giáo Cao Đài trong việc đóng góp cho xã hội, gìn giữ và phát huy đời sống văn hoá, môi trường xanh, sạch, đẹp ở khu dân cư.

Đáng chú ý nhất, về đạo sự ở ngoài nước, Đầu sư Thượng Tám Thanh- Chưởng quản Hội thánh Cao Đài Tây Ninh (phát biểu tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt lãnh đạo các tôn giáo vào tháng 5.2021 vừa qua) cho biết, những năm gần đây, đạo Cao Đài không chỉ tập trung hoạt động tôn giáo tại Tổ đình, các họ đạo cơ sở ở 38/63 tỉnh, thành trong nước, mà ngày càng mở rộng giao lưu, quan hệ quốc tế với các tổ chức, cá nhân tôn giáo ở nước ngoài. Hội thánh đã thành lập Ban Đại diện Hội thánh hải ngoại, đặt trụ sở tại Hoa Kỳ.

Những năm gần đây, ở hải ngoại, Hội thánh đã thành lập thêm các họ đạo Santi-Ana California, Hoa Kỳ; họ đạo Bruxelles thủ đô Vương quốc Bỉ; họ đạo Tân Long, Preschrey ở Vương quốc Campuchia; họ đạo Paris, Pháp; họ đạo Đài Bắc ở Đài Loan.

Đầu sư Thượng Tám Thanh tham dự hội nghị gặp mặt với Thủ tướng Chính phủ vào tháng 5.2021.

Đến năm 2020, có hàng trăm chức sắc, chức việc sinh sống và hành đạo ở Hoa Kỳ được Hội thánh nhìn nhận công nghiệp hành đạo. Trong số này có nhiều vị chức việc nam, nữ được vào hàng chức sắc, đặc phong phẩm lễ sanh, thăng phẩm giáo hữu.

Việc kết nối tôn giáo trên toàn cầu trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau đã đạt được một số thành công ban đầu. Qua những sự kiện này, đã có khoảng 70 đoàn khách nước ngoài, trong đó có các học giả trên thế giới, các cơ quan truyền thông, đài truyền hình ở một số quốc gia như Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Trung Quốc… đến tham quan Toà thánh Tây Ninh, làm phóng sự, đưa tin, quay phim giới thiệu những nét văn hoá tâm linh tốt đẹp của đạo Cao Đài.

Những hoạt động và thành quả hành đạo của Hội thánh Cao Đài Toà thánh Tây Ninh kể trên đã góp phần minh định quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam; nâng cao uy tín của giáo hội, hạn chế sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, nhất là nhóm chống phá trong Cao Đài hải ngoại đối với Đảng, Nhà nước ta.

Bài cuối: Tự do tín ngưỡng của tín đồ Cao Đài trên địa bàn tỉnh

Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn được tăng cường, các nhu cầu tín ngưỡng luôn được tôn trọng và thực hiện đúng quy định pháp luật, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền với tôn giáo, dân tộc.

Cử tri tôn giáo Cao Đài phát biểu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội.

Tại một buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội giữa năm 2023 ở thành phố Tây Ninh, có một vị chức sắc đạo Cao Đài đặt câu hỏi với đại biểu Quốc hội (ĐBQH): “Hiện nay có một số con em có tinh thần phục vụ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang, nhưng khi làm hồ sơ nếu hồ sơ có tôn giáo sẽ được xếp qua một bên, cái này có hay không?”.

Sau khi trả lời thông tin này là không chính xác, ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh khẳng định: “Chủ trương của Đảng, Nhà nước hiện nay là những người đang tham gia tôn giáo, đang sinh hoạt tôn giáo mà thấy rằng mục tiêu, lý tưởng, cương lĩnh, điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam phù hợp với tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình, mong muốn được trở thành đảng viên Cộng sản cũng sẽ được bồi dưỡng để kết nạp vào Đảng”.

Lời phát biểu của người lãnh đạo Đảng bộ tỉnh Tây Ninh chính là lời khẳng định quan điểm nhất quán về tôn giáo trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới của Đảng trên đất nước ta, chính thức giải đáp cho điều băn khoăn từ lâu của tín đồ đạo Cao Đài nói riêng, người có tín ngưỡng tôn giáo nói chung: “Người theo tôn giáo có được kết nạp vào Đảng không?”.

Thực ra từ ngày đầu giải phóng 30.4.1975, thậm chí trước đó trong thời kỳ kháng chiến, ở Tây Ninh đã có nhiều người yêu nước, phấn đấu theo mục tiêu, lý tưởng của Đảng, đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với chức sắc tôn giáo Cao Đài tại buổi họp mặt tôn giáo, dân tộc năm 2022.

Riêng với người đạo Cao Đài, số lượng người tham gia tôn giáo, đang sinh hoạt tôn giáo đứng vào hàng ngũ Đảng gia tăng mạnh mẽ từ sau khi đạo Cao Đài Tây Ninh được nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam “trao pháp nhân”, được công nhận Hiến chương Đại đạo Tam kỳ Phổ độ - Cao Đài Toà thánh Tây Ninh và nhất là từ khi được di liên đài Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc từ Vương quốc Campuchia về Toà thánh.

Điều này được thể hiện cụ thể qua những “con số biết nói”: trong giai đoạn 2006-2010, trong tôn giáo Cao Đài có 1.248 tín đồ ưu tú, chiếm 8,53% số quần chúng ưu tú được công nhận cảm tình Đảng, kết nạp được 816 đảng viên có đạo chiếm 10,89% tổng số đảng viên mới kết nạp trên toàn tỉnh trong 5 năm, tăng hơn gấp đôi so với số đảng viên có đạo Cao Đài trước năm 2006 (816/1.675 đảng viên).

Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 3.400 đảng viên trong các tôn giáo, chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng số đảng viên thuộc Đảng bộ tỉnh. Trong đó, đảng viên là người theo đạo Cao Đài là 2.767 người (có 1.605 nữ), chiếm 81,38% tổng số đảng viên có đạo; nhiều đảng viên tham gia làm chức việc trong đạo Cao Đài.

 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái nhận định: Nhìn chung, qua 30 năm thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về công tác đối với đạo Cao Đài, nhận thức của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị đối với đạo Cao Đài ngày được nâng lên; phát huy được vai trò, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị trong việc giải quyết nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân, làm cho các tổ chức và cá nhân đạo Cao Đài ngày càng tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo nói chung và đạo Cao Đài nói riêng.

Các cấp, các ngành thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với hoạt động của đạo Cao Đài, hướng dẫn, tạo điều kiện cho đạo Cao Đài hoạt động, đúng chương trình, kế hoạch đề ra.

Tôn giáo Cao Đài trên địa bàn tỉnh hoạt động cơ bản ổn định; không ngừng phát triển về nhiều mặt, có sự phát triển về số lượng chức sắc, chức việc và tín đồ; tập trung công tác đào tạo, củng cố tổ chức bộ máy; xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự ngày càng nhiều và khang trang hơn; bài trừ mê tín dị đoan, tuân thủ quy định của pháp luật; hoạt động từ thiện, an sinh xã hội được chú trọng; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương góp phần quan trọng cùng cấp uỷ, chính quyền thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái và Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ Trương Nhật Quang tặng quà chúc mừng năm mới Đầu sư Thượng Tám Thanh.

Để đạt được những kết quả tốt đẹp đó, cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tôn giáo trong tình hình mới; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả. Đặc biệt là việc các chức sắc, chức việc, tín đồ đạo Cao Đài phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, từ đó các sinh hoạt tôn giáo dần đi vào ổn định, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, tỉnh Tây Ninh cần phải tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp phải bám sát và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo nói chung và đạo Cao Đài nói riêng; phải thống nhất quan điểm cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng tiếp Hội thánh Cao Đài Tây Ninh đến thăm, chúc Tết lãnh đạo Tỉnh uỷ.

Bên cạnh đó luôn chú trọng công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về tôn giáo, nâng cao nhận thức của chức sắc, chức việc, tín đồ đạo Cao Đài về công tác tôn giáo. Đồng thời xây dựng mối liên hệ mật thiết, gắn bó giữa lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền với chức sắc đạo Cao Đài; các ngành liên quan cần tăng cường công tác phối hợp, thống nhất trong giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác tôn giáo; thực hiện tốt công tác vận động quần chúng.

Đồng thời phát huy tốt vai trò của các chức sắc, chức việc trong đạo Cao Đài. Đây là những người tiêu biểu, gương mẫu, có hiểu biết về tôn giáo và chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước; có uy tín, ảnh hưởng tích cực trong tôn giáo và khả năng vận động tín đồ đạo Cao Đài chấp hành tốt pháp luật, tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng ở địa phương.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, trong công tác vận động quần chúng có tín ngưỡng tôn giáo trong thời gian tới, tỉnh phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến tôn giáo; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong phối hợp giải quyết dứt điểm những vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo.

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với “Xây dựng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo văn minh”, các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng vùng đồng bào tôn giáo không có tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường; hoạt động tôn giáo trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hoạt động tôn giáo an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa chấm dứt hoàn toàn trên thế giới.

Nguyễn Tấn Hùng - Đặng Tố Tuấn

Tác giả: Trần Đăng Khoa, BBT-ĐH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập45
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm39
  • Hôm nay12,568
  • Tháng hiện tại153,587
  • Tổng lượt truy cập8,162,292
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây