Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho cán bộ, đảng viên trẻ

Thứ hai - 19/02/2024 07:54 1.022 0
Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho cán bộ, đảng viên trẻ là nội dung, biện pháp quan trọng góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung.

Cán bộ, đảng viên trẻ là những người sẽ trở thành lực lượng trọng yếu của nước nhà, có vai trò rất quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; là lực lượng nòng cốt trong tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Vì vậy, giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho cán bộ, đảng viên trẻ là nội dung, biện pháp quan trọng góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung.

Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp, những năm qua công tác giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho cán bộ, đảng viên trẻ thường xuyên được quan tâm, chú trọng, có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện. Cán bộ, đảng viên trẻ đã có sự trưởng thành về nhiều mặt, giữ vững và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sỏ đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên”(1) để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường, thịnh vượng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giáo dục đạo đức truyền thống dân tộc cho cán bộ, đảng viên trẻ hiện nay còn bộc lộ một số hạn chế: Một số cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo chưa làm tốt công tác giáo dục đạo đức truyền thống dân tộc cho cán bộ, đảng viên trẻ; hình thức, biện pháp giáo dục chưa phong phú, đa dạng, hấp dẫn; một bộ phận cán bộ, đảng viên trẻ “phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, ý chí phấn đấu giảm sút, chưa gương mẫu, sống thực dụng, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật”(2).

Quán triệt quan điểm “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên”của Đại hội XIII của Đảng,cần tăng cường giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho cán bộ, đảng viên trẻ. Đây cũng là thực hiện đúng theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(3) nhằm khơi dậy ý chí, khát vọng cống hiến của cán bộ, đảng viên trẻ, góp phần xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Theo đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể, lực lượng về tầm quan trọng giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho cán bộ, đảng viên trẻ.

Các chủ thể giáo dục phải luôn luôn nắm vững quan điểm: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống văn hoá, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đặc biệt là nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng xây dựng đất nước”(4). Với tinh thần này, cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp thường xuyên quán triệt, phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên trẻ các chủ trương về xây dựng, văn hoá con người Việt Nam thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở nhận thức và có thái độ đúng đắn, đầy đủ về vị trí, vai trò giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho cán bộ, đảng viên trẻ, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấpcần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để có những biện pháp phù hợp tác độngthúc đẩy hoạt động giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho cán bộ, đảng viên trẻ có hiệu quả.

Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp cần gắn nội dung phổ biến quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, hướng dẫn của cấp trên với giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho cán bộ, đảng viên trẻ ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Trong nội dung nghị quyết lãnh đạo thường xuyên, cấp ủy đảng các cấp cần dành nội dung thích đáng đối với công tác giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho cán bộ, đảng viên trẻ. Khi cần thiết và điều kiện cho phép có thể tổ chức các hội nghị chuyên đề bàn về đạo đức, giá trị đạo đức truyền thống dân tộc để nâng cao nhận thức, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng và bản thân từng cán bộ, đảng viên trẻ. Bên cạnh đó cần lồng ghép các nội dung giáo dục giá trị đạo đức truyền thống vào các hoạt động của địa phương, cơ quan, đơn vị; coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, không chủ quan, lơ là, làm qua loa, hình thức. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Tiếp tục kiên trì, coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập, nghiên cứu và vận dụng chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn”(5).

Hiện nay, trước yêu cầu, nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế và yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, đòi hỏi các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ phải không ngừng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, nhất là trong điều kiện sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, xu thế toàn cầu hóa, sự tác động nhiều chiều đến đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viênThông qua đó, để các chủ thể, lực lượng và cán bộ, đảng viên trẻ xác định đúng thái độ, trách nhiệm và có hành động tích cực nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho cán bộ, đảng viên trẻ.

Hai là, lựa chọn nội dung, đổi mới hình thức, biện pháp giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho cán bộ, đảng viên trẻ.

 Đảng ta xác định: “Giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ”(6).  Giáo dục tinh thần yêu nước phải gắn với yêu chủ nghĩa xã hội, được biểu hiện ở lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mọi người con đất Việt, dù có đi đâu, định cư ở nước nào cũng luôn có tình cảm gắn bó tha thiết với quê hương, đất nước; có tinh thần kiên quyết, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giá trị đó không phai mờ, không hề mất đi cùng với thời gian và không bị “hòa tan” trong quá trình hội nhập quốc tế. Do vậy, cần phải bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống, niềm tin, ý chí quyết tâm, tình cảm, thôi thúc họ hành động tự giác, thực hiện mục tiêu, lý tưởng cách mạng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(7).

Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do dân tộc, xây dựng cuộc sống nhân dân ta đã đúc kết nên những truyền thống vô cùng quý báu, đó là: lòng yêu nước nồng nàn; ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng khoan dung, nhân ái, độ lượng; tinh thần lạc quan; cần cù, thông minh, sáng tạo trong cuộc sống, lao động sản xuất. Đó chính là những giá trị tốt đẹp được kết tinh trong những chuẩn mực đạo đức phổ biến, có tác động tích cực tới cộng đồng, điều chỉnh quan hệ giữa cá nhân và xã hội để tạo nên sự thống nhất hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội.

Khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc cho cán bộ, đảng viên trẻ. Đảng ta đã chỉ rõ: “Khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(8)Theo đó, cần phải tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí tự cường, niềm tin, tài năng, trí tuệ, phẩm chất của cán bộ, đảng viên trẻ. Thực tiễn đã kiểm nghiệm, chỉ khi nào tạo được môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi thì khơi dậy được các giá trị truyền thống, khi đó đất nước ta phát triển mạnh mẽ vượt bậc và ngược lại.

Giáo dục lòng trung thành đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân cho cán bộ, đảng viên trẻ. Lòng trung thành đó được biểu hiện ở sự giác ngộ sâu sắc và quyết tâm phấn đấu thực hiện mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, lấy đó làm mục đích hoạt động của mình, suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân; luôn có ý thức cộng đồng, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, lên trên lợi ích cá nhân; tự nguyện chấp nhận khó khăn, thiệt thòi về mình, kiên cường vượt qua mọi thử thách, gian khổ, sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng của mình vì những lợi ích tốt đẹp của quốc gia dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; kiên quyết chống bệnh quan liêu, gia trưởng, cửa quyền, thói kiêu ngạo, ức hiếp quần chúng và cấp dưới. Thực hiện theo đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh, phải “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”(9).

Về hình thức, phương pháp giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho cán bộ, đảng viên trẻ cần coi trọng hoạt động thực tiễn; phát huy tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung của họ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Cần coi trọng giáo dục qua thực tiễn phong trào, lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp với từng lứa tuổi”(10). Càng có sự giao lưu, càng tham gia nhiệt tình vào các hoạt động của các tổ chức hội, các hoạt động của xã hội thì mỗi cán bộ, đảng viên trẻ càng tích lũy thêm được vốn sống, càng có dịp áp dụng và chiêm nghiệm những giá trị đạo đức truyền thống. Chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên trẻ, nâng cao tính chiến đấu, tinh thần thẳng thắn, dũng cảm trong tự phê bình và phê bình, nhất là đối với những hành vi trái với những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chia sẻ, kết nối và lan toả những tấm gương “người tốt”, “việc tốt” của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên trẻ trong công tác và tham gia hoạt động xã hội.

Ba là, xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức lành mạnh góp phần tích cực vào giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho cán bộ, đảng viên trẻ.

Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hoà cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ”(11). Xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức nhằm điều chỉnh hành vi của cán bộ, đảng viên trẻ theo những chuẩn mực giá trị đạo đức truyền thống dân tộc hiện nay. Đây cũng là cơ sở để kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm đạo đức, phản nhân văn, vi phạm các chuẩn mực xã hội, quy định của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước. Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp đồng chí, đồng đội và với nhân dân tạo ra bầu không khí tích cực, lành mạnh ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, tạo lập phong cách, lối sống, hành vi đạo đức phù hợp với những chuẩn mực đạo đức, hướng tới cái chân, thiện, mỹ, gạt bỏ cái xấu, cái ác, cái lạc hậu ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Khơi dậy giá trị khiêm tốn, cần cù, tự giác, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo của cán bộ, đảng viên trẻ. Bởi, đây là hệ giá trị trong văn hóa đạo đức truyền thống của con người Việt Nam, nói lên thái độ của mỗi người đối với chính bản thân mình. Giá trị đó luôn được phát huy, họ không chỉ giải quyết mối quan hệ ngay trong nếp sống của chính bản thân mình, mà luôn tâm đến sự nghiệp cách mạng chung, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân, của tập thể lên trên hết, trước hết; luôn sống “vì mọi người”, vì đồng chí, đồng đội; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ. Đúng như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thời đại của chúng ta là thời đại văn minh, thời đại cách mạng, mọi việc càng phải dựa vào lực lượng của tập thể, của xã hội; cá nhân càng không thể đứng riêng lẻ mà càng phải hòa mình trong tập thể, trong xã hội”(12).

Bốn là, phát huy tính tích cực, chủ động của cán bộ, đảng viên trẻ trong tự giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc.

Mỗi cán bộ, đảng viên trẻ là chủ thể năng động, tích cực trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương. Từng cán bộ, đảng viên trẻ luôn phải nỗ lực phấn đấu trong tiếp nhận giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, thực hiện chức trách, nhiệm vụ, giải quyết các mối quan hệ xã hội hợp tình, hợp lý.

Cán bộ, đảng viên trẻ cần tự giáo đặt mình vào trong tổ chức, trước khi hành động suy nghĩ kỹ, cân nhắc; “tự soi”, “tự sửa” thái độ, hành vi, suy nghĩ phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao và theo những chuẩn mực giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc.Phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ trong đổi mới sáng tạo không ngại khó, ngại khổ, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung. Đồng thời với đó, từng cán bộ, đảng viên trẻ phải thường xuyên trau dồi đạo đức không nhụt trí trước khó khăn; sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất kỳ việc gì khi Tổ quốc cần; luôn nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn trong cuộc đời./.

Giá trị đạo đức truyền thống là một thành tố cấu thành hệ giá trị tinh thần của dân tộc ta; là cốt lõi, sức sống bên trong của dân tộc Việt Nam.

 

Đại tá, PGS. TS. Dương Quang Hiển
Thượng tá, ThS. Nguyễn Văn Hùng

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Nguồn Tạp chí Tuyên giáo điện tử

-----------

(1) (2) Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu học tập các văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022, tr.83, 83.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.15, tr.612.

(4) (5) (10) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022, tr.312, 312, 312.

(6) (8) (11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t. I, tr.136, 116, 168.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.38.

(9) (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.603, 600.

 

Tác giả: Trần Đăng Khoa, Dẫn nguồn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập40
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay13,748
  • Tháng hiện tại154,767
  • Tổng lượt truy cập8,163,472
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây