Tác phẩm đạt Giải B – Giải Báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ III – năm 2023

Thứ tư - 21/02/2024 08:56 111 0
“Tinh giản” đảng viên - vì một tổ chức vững mạnh

Bài 1: Câu chuyện xây dựng Đảng ở cơ sở 

Bài đầu tiên trong loạt bài này ghi lại tâm tư, suy nghĩ, thái độ của một số trường hợp đảng viên có ý định xin ra khỏi Đảng hoặc đã ra khỏi Đảng.

Thạc sĩ Lê Viết Thắng- nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Ninh.

Ngày 21.1.2019, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 28-CT/TW (gọi tắt là Chỉ thị 28) về “Nâng cao chất lượng đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”.

Sau khi có Chỉ thị 28 cùng các văn bản hướng dẫn khác, ngày 19.9.2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh ban hành Đề án số 03-ĐA/TU về kéo giảm tình trạng đảng viên bị xoá tên và xin ra khỏi Đảng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, nhiệm kỳ 2020-2025 (viết tắt là Đề án 03), với mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2025, kéo giảm ít nhất 50% số đảng viên bị xoá tên và xin ra khỏi Đảng so với nhiệm kỳ 2015-2020”.

Nói rằng, gia đình là tế bào của xã hội thì cũng có thể so sánh, mỗi đảng viên là một tế bào của tổ chức Đảng. Tế bào là đơn vị nhỏ nhất của sự sống, đảng viên là đơn vị nhỏ nhất của tổ chức Đảng. Không thể có cơ thể khoẻ mạnh nếu “tế bào” không đạt yêu cầu.

Phải nói thật rằng, hiện tượng “nhạt Đảng” không mới và cũng không hiếm nhưng đối với từng cá nhân đảng viên cụ thể, đây là vấn đề ít nhiều có tính nhạy cảm, khá tế nhị vì còn liên quan đến con cái, gia đình… Do vậy, xin phép viết tắt tên nhân vật cũng như địa chỉ cụ thể của họ.

Đảng viên “không phải là ly nước lọc”

Tiếp nhóm phóng viên tại nhà riêng vào một buổi chiều tháng Tám, Thạc sĩ Lê Viết Thắng- nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Ninh, hiện giữ chức Bí thư một chi bộ thuộc thành phố Tây Ninh kể, từ khi đảm nhận nhiệm vụ đến nay, chi bộ của ông có một số đảng viên có ý định xin ra khỏi Đảng.

Ông Lê Viết Thắng cho biết, trường hợp đầu tiên có ý định xin ra khỏi Đảng là một cán bộ hưu trí. Sau khi nghỉ hưu và chuyển thủ tục sinh hoạt Đảng về địa phương, người này đến trình diện bí thư chi bộ tại nơi cư trú, sau đó xin nghỉ các cuộc họp định kỳ của chi bộ với lý do “bận việc”. Sau đó, người này có tham gia họp chi bộ nhưng không đều đặn, vắng nhiều.

“Chi bộ quyết định đưa vào diện giáo dục. Số điện thoại, tài khoản mạng Zalo vẫn còn nhưng rất khó liên hệ. Tôi vẫn kiên trì liên hệ, gọi không được, nhắn tin cũng không thấy phản hồi, tôi chụp một số văn bản quy định, Điều lệ Đảng gửi cho người này nhưng vẫn không trả lời.

Tôi báo cáo cấp trên theo quy trình, quy định, có người đề xuất xem xét xoá tên cho xong việc nhưng với cương vị bí thư chi bộ, thật lòng, tôi không muốn xoá tên đảng viên đó. Từng ở trong ngành Giáo dục hàng chục năm, ít nhiều nắm bắt được tâm lý con người, tôi nghĩ, người này chắc chắn có vấn đề”- ông Thắng kể.

Sau đó, ông Thắng tìm đến tận nơi cư trú mới của người đảng viên kia. “Thầy ơi, em sẽ chuyển đi nơi khác, vì gia đình em đổ vỡ, em không muốn làm ảnh hưởng đến chi bộ” - người đảng viên nói với Bí thư Chi bộ Lê Viết Thắng.

“Nghe trình bày như vậy, tôi vẫn chưa tin ngay, phải có điều gì đằng sau sự việc nhưng anh ta chưa tiện nói”- ông Lê Viết Thắng nhận định. Cuối cùng, người này cho biết, một trong những nguyên nhân khiến mình có ý định xin ra khỏi Đảng là vì, lúc bố của anh mất, tổ chức Đảng tại địa phương (ngoài tỉnh Tây Ninh) không lo chu đáo việc tang lễ, dù vị thân sinh có 70 năm tuổi Đảng. Chính vì thế, người này không hài lòng.

Khi rõ ngọn ngành, ông Thắng nói với người này rằng: “Trứng rồng phải nở ra rồng. Chả lẽ chỉ vì lý do như vậy em xin ra khỏi Đảng, liệu ba mẹ ở suối vàng có yên lòng không?”. Sau đó, người này rút lại ý định xin ra khỏi Đảng nhưng xin miễn sinh hoạt theo định kỳ một thời gian để ổn định công việc, sau biến cố gia đình.

Trường hợp thứ hai cũng là một cán bộ nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu, người này cũng bày tỏ nguyện vọng xin ra khỏi Đảng để… đi làm rẫy. Bí thư Chi bộ Lê Viết Thắng lại đến tận nhà tìm hiểu thêm, người này cho biết, “cảm thấy chán chán không muốn ở trong tổ chức nữa”. “Tôi nói với người đó rằng, cả một đời cống hiến, giờ nghỉ hưu rồi, cố gắng ở lại, đừng bỏ tổ chức khi không có lý do thật chính đáng. Cuối cùng đồng chí đó rút lại ý định xin ra khỏi Đảng”- ông Thắng thông tin.

Một trường hợp khác cũng đã nghỉ hưu, ban đầu sinh hoạt năng nổ. Người này đươc đào tạo bài bản, có trình độ. Trong một cuộc bình xét, đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên cuối năm, người này được bình xét là một trong số những đảng viên thuộc nhóm xuất sắc nhất. Tuy nhiên, do bị khống chế chỉ tiêu thi đua, người này lọt khỏi top dẫn đầu. Sau cuộc họp một thời gian ngắn, người này đem thẻ Đảng đến trả, với lý do bận công việc, lo làm ăn, kinh tế khó khăn.

“Trong cuộc gặp, tôi nói với đồng chí đó rằng, kinh tế đồng chí không hề khó khăn, ngược lại rất khá giả. Không nên vì một sự cố nho nhỏ, bình bầu danh hiệu thi đua mà xa rời tổ chức. Cuối cùng, đồng chí ấy đồng ý ở lại với Đảng”- ông Thắng liệt kê trường hợp thứ ba có ý định ra khỏi Đảng.

Vạn bất đắc dĩ

Khác với ba trường hợp nêu trên, anh V.V.T (xin viết tắt tên nhân vật) ở xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, sau thời gian suy nghĩ đã quyết định xin ra khỏi Đảng. Học xong phổ thông, anh V.V.T gia nhập lực lượng dân quân xã và được kết nạp Đảng.

Trong một đợt tuyển quân, anh V.V.T trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Sau mười tám tháng trong quân đội, anh trở về địa phương lao động sản xuất, lập gia đình. V.V.T vào làm công nhân trong một nhà máy. Tính chất lao động trong dây chuyền sản xuất, ngày giờ nghiêm ngặt theo quy định, anh V.V.T không thể thu xếp được thời gian để họp chi bộ. “Tôi đã cân nhắc, suy nghĩ rất nhiều trước khi nộp đơn xin ra khỏi Đảng.

Trong quân đội, người lính được giáo dục rất kỹ, rất chặt về công tác tư tưởng đối với một quân nhân. Nhưng xét thấy không thể vắng họp chi bộ mãi, vì như thế ảnh hưởng đến tập thể và cả cá nhân tôi, vì thế, tôi quyết định xin ra khỏi Đảng”- anh V.V.T trò chuyện với nhóm phóng viên sau khi đã cắt đầy một bao cỏ cho đàn bò.

Trong căn nhà cấp bốn mới xây xong, vợ anh V.V.T cho biết thêm, lúc mới xuất ngũ, điều kiện kinh tế khó khăn, anh ấy phải đi làm trong xí nghiệp để lo cho gia đình, không thể thu xếp được thời gian để tham gia các hoạt động của chi bộ, vì thế đành xin ra.

Ông Nguyễn Tấn Thành, một cựu quân nhân, hiện làm Bí thư Chi bộ ấp Trường (xã Hảo Đước, huyện Châu Thành)- nơi anh V.V.T từng sinh hoạt Đảng, nhìn nhận, hiện đảng viên là quân nhân, lính nghĩa vụ trong lực lượng vũ trang, sau khi ra quân xin ra khỏi Đảng khá nhiều. Nguyên nhân xuất phát từ những đòi hỏi bức bách của cuộc sống. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, họ trở về địa phương và tìm công ăn việc làm, phần lớn đều làm trong nhà máy, xí nghiệp, giờ giấc nghiêm ngặt, do đó rất khó thu xếp để tham gia sinh hoạt Đảng tại địa phương.

“Hiện tại có một số người đi làm ăn xa nhưng hằng tháng vẫn về sinh hoạt Đảng theo quy định. Chúng tôi phải tính toán, bố trí thời gian thật hợp lý để các đồng chí ấy tham gia họp chi bộ”- ông Thành nói và cho biết thêm, đối với những trường hợp bất khả kháng, không thể ở lại với tổ chức, dù chi bộ đã làm hết cách, thì đành xoá tên.

Là một cựu quân nhân, ông Thành cũng chia sẻ thêm góc nhìn rất thực tế rằng, được giáo dục tư tưởng, chính trị, nhiều chiến sĩ vào Đảng với động cơ hoàn toàn vô tư, trong sáng. Nhưng khi trở về địa phương, không phải người nào cũng thuộc diện cán bộ hoặc được phân công một nhiệm vụ nào đó tại cơ sở, vì thế việc có người này người kia xin ra khỏi tổ chức cũng có lý do. Đây là điều vạn bất đắc dĩ. Như trường hợp của cựu quân nhân V.V.T, dù không còn đảng viên nhưng là một công dân tốt, chăm chỉ lao động, anh vẫn tham gia các đợt diễn tập quân sự khi địa phương gọi.

“Đảng mạnh từ cơ sở, do đó, theo tôi, người bí thư chi bộ cần thật sự có tâm huyết, trách nhiệm của mình, đừng cho tôi là sáo mòn khi nói điều này, ba trường hợp trong chi bộ tôi phụ trách là một ví dụ. Việc xoá tên, đưa ra khỏi Đảng chỉ thực hiện khi và chỉ khi không thể nào làm khác.

Đảng viên cũng là con người, ai cũng có vấn đề riêng của mình. Đối với những trường hợp đảng viên không còn tha thiết gì với tổ chức, kiểu “lềnh bềnh” thì nên cho họ ra, vì không phải lúc nào số lượng cũng làm nên chất lượng. Số lượng đông nhưng không làm nên sức mạnh của tổ chức Đảng thì không nên cố giữ lại, quý hồ tinh bất quý hồ đa”- Thạc sĩ Lê Viết Thắng- Bí thư một chi bộ thuộc TP. Tây Ninh chia sẻ.

Bài 2: Xây và chống: Vừa cấp bách vừa lâu dài

Tính đến tháng 9.2023, toàn tỉnh có 206 đảng viên bị xoá tên, xin ra khỏi Đảng. Đối chiếu với chỉ tiêu giảm 50% đảng viên xoá tên, xin ra khỏi Đảng đến năm 2025 của Đề án số 03 là 331 đảng viên thì đến thời điểm hiện tại kéo giảm được gần 69%.

Bí thư Huyện uỷ Tân Châu Nguyễn Văn Cường (bên trái) và Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ trao quyết định và ảnh Bác Hồ cho đảng viên Trương Thị Mỹ Dung 

tại xã Tân Hội. Ảnh: Chí Thành

Ngày 19.9.2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh ban hành Đề án số 03-ĐA/TU về kéo giảm tình trạng đảng viên bị xoá tên và xin ra khỏi Đảng trong Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, nhiệm kỳ 2020-2025 (viết tắt là Đề án số 03), với mục tiêu “phấn đấu đến năm 2025, kéo giảm ít nhất 50% số đảng viên bị xoá tên và xin ra khỏi Đảng so với nhiệm kỳ 2015-2020”. Tháng 9.2023, tròn hai năm thực hiện đề án này. Kết quả ra sao?

Hơn 200 đảng viên bị xoá tên, xin ra khỏi đảng

Bà Trần Thị Thanh Hằng- Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ cho biết, thực hiện Đề án số 03, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ bám sát 7 nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án, từ đó tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành 6 văn bản. Riêng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ ban hành 11 văn bản nhằm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án trong Đảng bộ tỉnh.

Các huyện, thị, thành uỷ và Đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ xây dựng kế hoạch quán triệt, triển khai đồng bộ các giải pháp đến tổ chức đảng trực thuộc và đồng lòng thực hiện với quyết tâm kéo giảm tình trạng đảng viên bị xoá tên, xin ra khỏi Đảng, nhiệm kỳ 2020-2025 theo mục tiêu Đề án đề ra.

Sau hai năm thực hiện, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, sự tập trung nỗ lực của các cấp uỷ, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Theo tinh thần đó, công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên và nâng cao chất lượng đảng viên tiếp tục được tăng cường, việc tổ chức sinh hoạt Đảng ngày càng đi vào nền nếp, nhận thức, trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên được nâng lên.

Nhằm giúp đỡ đảng viên có hoàn cảnh khó khăn, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Kế hoạch số 90-KH/TU, đến nay đã vận động được gần 6 tỷ đồng để hỗ trợ đảng viên. Quý II năm 2023, đã xem xét, hỗ trợ 70% lãi suất vay vốn đợt một cho 19 đảng viên. Nhiều mô hình trong việc hỗ trợ, giúp đỡ đảng viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục duy trì và phát huy nhân rộng như:

“Hỗ trợ vốn cho đảng viên là bộ đội, công an xuất ngũ có hoàn cảnh khó khăn giai đoạn 2022-2025” tại Dương Minh Châu; góp vốn “Hỗ trợ đảng viên” ở thị xã Hoà Thành và “Nhà đồng chí” của huyện Tân Châu. Qua rà soát, các cấp uỷ, chi bộ, phát hiện nhiều đảng viên đưa vào danh sách cần được giáo dục, giúp đỡ.

Sau 12 tháng theo dõi, giúp đỡ, những trường hợp này đã khắc phục vi phạm, được công nhận tiến bộ đúng quy trình theo Quy định 1114-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Qua đó, giảm tình trạng đưa ra khỏi Đảng những đảng viên có vi phạm chưa đến mức phải xoá tên, khai trừ.

Tính đến tháng 9.2023, toàn tỉnh có 206 đảng viên bị xoá tên, xin ra khỏi Đảng. Đối chiếu với chỉ tiêu giảm 50% đảng viên xoá tên, xin ra khỏi Đảng đến năm 2025 của Đề án số 03 là 331 đảng viên thì đến thời điểm hiện tại kéo giảm được gần 69%. Trong đó, đảng bộ giảm cao nhất là huyện Bến Cầu (92,86%), thấp nhất là huyện Tân Châu (44,23%). Có 3 đảng bộ (Công an, Quân sự, Biên phòng) hằng năm chưa có đảng viên ra Đảng.

Việc thực hiện Đề án 03, nhìn một cách khách quan, không phải chuyện đơn giản, vì Đề án liên quan đến từng con người (đảng viên) và cả từng tổ chức đảng. Thuận lợi có nhưng khó khăn cũng không ít. Sau hai năm thực hiện, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ phân tích, các cấp uỷ, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng Đề án số 03 nhằm cụ thể hoá những nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đặt ra trong công tác phát triển Đảng, quản lý đảng viên, đồng thời, cũng là giải pháp nhằm khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra qua kiểm điểm hằng năm của các cấp uỷ Đảng.

Công tác triển khai có sự đồng bộ, toàn diện, thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị, trực tiếp là người đứng đầu, tình trạng đảng viên bị xoá tên, xin ra khỏi Đảng sẽ được kéo giảm ít nhất 50% so với nhiệm kỳ 2015-2020. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thuận lợi là cơ bản nhưng khó khăn chưa phải đã hết. “Một vài cấp uỷ chưa nghiên cứu kỹ Hướng dẫn số 02-HD/BTCTW, ngày 12.4.2021 của Ban Tổ chức Trung ương và Quy định số 1114-QĐ/TU, ngày 21.9.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quy định về tiêu chí, quy trình rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng nên lúng túng trong việc xem xét, quyết định đưa đảng viên ra Đảng gắn với quy trình rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Công tác phổ biến, tuyên truyền trong sinh hoạt chi bộ thường kỳ để đảng viên nắm rõ chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về hỗ trợ đảng viên có hoàn cảnh khó khăn (như đối tượng thụ hưởng, thời gian hỗ trợ 70% lãi suất…) nên đến nay chưa có nhiều đảng viên đúng đối tượng được hỗ trợ lãi suất theo quy định.

Công tác kiểm tra, giám sát việc giới thiệu sinh hoạt đảng và quản lý, đối chiếu danh sách đảng viên với tổ chức cơ sở đảng trực thuộc thực hiện chưa thường xuyên nên có đảng bộ, số đảng viên bị xoá tên, xin ra khỏi Đảng chưa đạt mục tiêu phấn đấu của Đề án số 03 đề ra. Có đảng bộ có dấu hiệu chạy theo thành tích trong việc xem xét đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng nhưng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chấn chỉnh kịp thời tình trạng này”- lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đánh giá.

Không có gì mâu thuẫn

Theo nội dung Đề án, Tây Ninh nỗ lực giảm tình trạng đảng viên bị xoá tên và xin ra khỏi Đảng nhưng lại kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn xứng đáng, vậy hai nội dung này có gì mâu thuẫn với nhau không? Ban Tổ chức Tỉnh uỷ khẳng định, chủ trương nêu trên không có gì mâu thuẫn.

Việc thực hiện hai nội dung này thể hiện mối quan hệ nhiệm vụ giữa “xây” và “chống” trong công tác xây dựng Đảng. Trước hết, việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm giảm tình trạng đảng viên bị xoá tên và xin ra khỏi Đảng trong Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 là vấn đề cấp thiết, phù hợp với quy định, hướng dẫn của Trung ương và nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra trong công tác xây dựng Đảng nhằm khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra qua kiểm điểm hằng năm của các cấp uỷ đảng.

Khi xây dựng Đề án số 03, qua phân tích thực trạng đảng viên bị xoá tên và xin ra khỏi Đảng, hầu hết đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng đều có tuổi đời khá trẻ, từ 18-40 tuổi, nghề nghiệp chủ yếu làm thuê, lao động tự do, bộ đội, công an xuất ngũ, hoàn cảnh rất khó khăn nên nhận thức vấn đề giới thiệu chuyển sinh hoạt đảng, tham gia sinh hoạt Đảng, thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên… đôi lúc chưa bảo đảm quy định.

Do đó, việc thực hiện rà soát, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng theo Hướng dẫn số 02-HD/BTCTW, ngày 12.4.2021 của Ban Tổ chức Trung ương và Quy định số 1114-QĐ/TU, ngày 21.9.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giúp đảng viên phát huy ý thức tự giác, “tự soi”, “tự sửa” lại mình, khắc phục hạn chế, khuyết điểm của bản thân.

Đối với các cấp uỷ, chi bộ, thông qua việc rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ đảng viên giúp tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên, thực hiện tốt việc theo dõi, giúp đỡ, cảnh báo, nhắc nhở đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, đồng thời kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, ý thức tổ chức kỷ luật kém, không còn thiết tha với Đảng, những đảng viên không đủ tư cách, vi phạm những điều đảng viên không được làm đã được giáo dục, giúp đỡ nhưng sau 12 tháng không tiến bộ. Điều này giúp giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, làm trong sạch đội ngũ đảng viên, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên.

Từ đó, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16.6.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

Bài 3: Vẫn còn tư tưởng ngại khó

Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.

“Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp và nhiệm vụ đã đề ra trong Đề án số 03. Đôn đốc, hướng dẫn các cấp uỷ huyện và tương đương tiếp tục thực hiện nghiêm việc rà soát, phát hiện, đưa đảng viên chưa chấp hành đúng chế độ sinh hoạt đảng vào danh sách cần được giáo dục giúp đỡ. Kiên quyết không chạy theo thành tích mà không xem xét, đưa ra khỏi Đảng đối với những đảng viên đã được giáo dục, giúp đỡ nhưng sau 12 tháng không tiến bộ đúng theo Quy định số 1114-QĐ/TU, ngày 21.9.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ”- lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh uỷ thông tin.

Tránh căn bệnh chỉ tiêu

Ngày 19.9.2023, tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, trong phần đánh giá về công tác xây dựng Đảng, ông Nguyễn Thành Tâm- Bí thư Tỉnh uỷ phát biểu: công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

Hệ thống tổ chức của Đảng, bộ máy chính quyền và các cơ quan Mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được sắp xếp, củng cố, kiện toàn, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức triển khai nhiệm vụ chính trị ở tất cả các cấp, các ngành. Đề án (03) nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng đã được ban hành, triển khai từ đầu nhiệm kỳ, bước đầu phát huy được hiệu quả; các chỉ tiêu về xây dựng Đảng cơ bản đạt kế hoạch.

Tuy vậy, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng chưa cao, chưa thể hiện tốt vai trò lãnh đạo, định hướng chính trị tại cơ quan, đơn vị, quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên tại cơ sở thiếu chặt chẽ. Các đề án chuyên đề về nâng cao chất lượng công tác tổ chức, xây dựng Đảng triển khai thiếu quyết liệt, còn tư tưởng ngại khó, thiếu chủ động, sáng tạo trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên tại một số địa phương còn gặp khó khăn, nhất là trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Một vài nơi còn thiếu cương quyết trong việc rà soát, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Còn có đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống đến mức phải xử lý kỷ luật. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thực sự nỗ lực, khát khao, quyết liệt trong thực hiện vai trò, chức trách, nhiệm vụ chính trị được giao.

Từ thực tế đó, cần kiên trì, nghiêm túc triển khai thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25.10.2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII và các đề án về xây dựng Đảng, trong đó có Đề án 03-ĐA/TU của Tỉnh uỷ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, tập trung vào chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng từ cơ sở trở lên, chất lượng, hiệu quả quản lý, phát huy vai trò trách nhiệm đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Không tránh né nguyên nhân

Tháng 12.2021, Ban Bí thư tổ chức hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hội nghị nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt Kết luận 21 “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và Quy định 37 về “Những điều đảng viên không được làm” của Ban Chấp hành Trung ương trong toàn Đảng và hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Tại sự kiện đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại nội dung Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. “Thực tế từ ngày có Đảng, nhân dân ta đã có người lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và nhờ thế chúng ta đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX”- Tổng Bí thư khẳng định.

Ông Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Đảng phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ, thực sự “là đạo đức là văn minh”; nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức để lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn, trong đó có việc phát huy những tác động tích cực, khắc phục những tác động tiêu cực, mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế.

Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khẳng định, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân.

Người lãnh đạo cao nhất của Đảng yêu cầu “mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước, căn cứ vào nghị quyết, kết luận và quy định lần này, nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình. Mọi đảng viên đều phải làm như vậy, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà “phán”, hoặc “chờ xem”, coi như mình vô can. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ, nghiêm túc, thận trọng; làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất. Cần khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau. Theo Tổng Bí thư, muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải giữ vững nguyên tắc của Đảng, thật sự phát huy dân chủ trong Đảng.

Trong bản Di chúc thiêng liêng trước khi từ biệt thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành phần đầu tiên để “trước hết nói về Đảng”. Trong bốn đoạn văn ngắn của phần này, có hai nội dung cực kỳ quan trọng và cho đến hôm nay- hơn nửa thế kỷ- không những còn nguyên giá trị mà nóng bỏng hơn bao giờ hết, trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng đã chỉ ra “thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều”. Khó khăn của cuộc chiến đấu mới không chỉ ở tầm vóc, quy mô của sự nghiệp xây dựng, mà còn ở chỗ mỗi người phải khắc phục những yếu kém của mình, chiến thắng “giặc ở trong lòng” mình, “giặc nội xâm” ở ngay trong tổ chức của mình. Đó là loại giặc “vô hình, vô ảnh” nhưng rất mạnh. Nó “luôn luôn lẩn lút trong mình ta”, “khó thấy, khó biết”. “Việc tranh đấu với kẻ địch ở tiền tuyến bằng súng đạn còn dễ, nhưng việc tranh đấu với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần, là một khó khăn đau xót”. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Bác nhắc nhở lần cuối: Sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh là “một cuộc chiến đấu khổng lồ” để “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm vấn đề kiểm soát quyền lực khi trao cho cán bộ, đảng viên, vì: “cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Vì thế, tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo cũng như có ngọn đèn pha bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”.

Bài 4: Chỉnh đốn đảng - một đòi hỏi khách quan

Chăm lo xây dựng Đảng, thường xuyên củng cố nâng cao sức mạnh của Đảng là một bảo đảm cơ bản quyết định con đường đi đúng đắn của dân tộc.

Mệnh vận dân tộc đã trao cho Đảng Cộng sản Việt Nam sứ mệnh lãnh đạo đất nước, dẫn dắt dân tộc. Là đảng duy nhất cầm quyền, Đảng ý thức sâu sắc về sự tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao trình độ trí tuệ và phẩm chất mọi mặt của mình. Chăm lo xây dựng Đảng, thường xuyên củng cố nâng cao sức mạnh của Đảng là một bảo đảm cơ bản quyết định con đường đi đúng đắn của dân tộc.

Ngăn chặn suy thoái

Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có in một bài viết (bài này đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 2 năm 1996) với tiêu đề: “Xây dựng Đảng - đánh giá thế nào cho đúng”.

Thời điểm đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đang làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã cảnh báo: “Nếu không có biện pháp tích cực đổi mới, chỉnh đốn Đảng thì Đảng rất dễ bị biến chất”. Năm 2015, một bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản, có đoạn: “Quyền lực luôn có mặt trái là nó làm tha hoá những người nắm giữ và sử dụng quyền lực nếu như họ không đủ độ chín về nhân cách.

Quyền lực càng lớn thì nguy cơ tha hoá càng nhiều. Người giữ chức vụ càng cao trong bộ máy quyền lực thì đối mặt với nguy cơ càng lớn về sự tha hoá. Một người khi giữ chức vụ thấp hơn thì nguy cơ tha hoá ít hơn và ngược lại”. Như vậy, đối với một đảng cầm quyền, việc thường xuyên tự đổi mới, đặc biệt tự chỉnh đốn là một yêu cầu khách quan, có tính quy luật.

Năm 2008, lúc đang ở cương vị Chủ tịch Quốc hội, trong một bài viết, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra rằng, xây dựng Đảng vô cùng quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, công tác xây dựng Đảng lại càng quan trọng.

Đảng đã nhiều lần phân tích, đánh giá là hiện nay (thời điểm năm 2008) tình hình Đảng ta và công tác xây dựng Đảng bên cạnh những mặt tốt, cũng còn không ít yếu kém, khuyết điểm. “Trình độ đã đáp ứng được yêu cầu chưa? Phẩm chất đạo đức thế nào? Tham nhũng, tiêu cực hình như càng nói chống thì càng phình ra; quan hệ với dân thì hình như có chiều xa cách, uy tín giảm sút, nhận định như vậy có đúng không? Và nếu thế thì làm sao đủ sức chiến đấu, làm sao có đủ niềm tin, lại cộng thêm những dao động về lý tưởng nữa! Có người nói bây giờ có tình trạng “chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị”, chỉ có chuyên môn và làm kinh tế thôi, có đúng không? Cho nên, yêu cầu đặt ra đối với chúng ta là rất lớn, sức ta chưa đáp ứng được nhiều, dù vừa qua đã rất cố gắng”- trích một đoạn trong bài viết.

Tác giả cuốn sách tại thời điểm năm 2008 đã nêu rõ, xây dựng Đảng là xây dựng về tư tưởng, tổ chức, cán bộ. “Vậy chúng ta đã có chủ trương gì về công tác tư tưởng, làm quy hoạch cán bộ như thế nào, công tác tổ chức như thế nào, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên chúng ta hiểu hết chưa.

Nếu nói chung chung và nhận định cơ bản là tốt thì dễ thôi, nhưng đi sâu vào nội tình của từng nơi thì chắc là còn nhiều việc phải làm để xây dựng con người và xây dựng tổ chức, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị”- tác giả viết. “Chúng ta đã nói nhiều về chống tham nhũng nhưng có thấy mấy chi bộ phát hiện ra đâu.

Khi bình chọn cuối năm thì hầu hết đảng viên là đủ tiêu chuẩn và chi bộ trong sạch, vững mạnh, nhưng đơn thư tố cáo thì rất nhiều và tình trạng tham nhũng có cả ở đấy. Điều đó có nghĩa gì? Do vậy, đòi hỏi một phẩm chất chính trị, năng lực lãnh đạo nhưng phải có dũng khí chiến đấu”.

Quý hồ tinh bất quý hồ đa

Chúng ta biết, sau Cách mạng tháng Mười, Lênin- vị lãnh tụ của cuộc cách mạng sớm nhận ra vấn đề nâng cao chất lượng cán bộ trong bộ máy chính quyền, trong công tác xây dựng Đảng. Ðể xây dựng hệ thống chính quyền và đội ngũ cán bộ theo tinh thần “thà ít mà tốt”, Lênin đề ra những quy định nghiêm khắc trong sinh hoạt Ðảng, về sau đã trở thành quy định đối với toàn bộ hoạt động của Ðảng. Theo quan điểm của Lênin, thương yêu, bồi dưỡng cán bộ là điều không thể thiếu nhưng không vì thế mà buông lỏng kỷ luật đối với cán bộ, “phải gạt bỏ ra khỏi đảng những phần tử đã quan liêu hoá”. Trong thư gửi Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Nga ngày 18.3.1922, Lênin yêu cầu phải xử lý nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, nếu các thẩm phán xét xử vụ án không chấp hành chỉ thị của Ðảng, sẽ bị đuổi việc.

Ở nước ta, khi lãnh đạo cả một dân tộc đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, toàn quốc chỉ có hơn năm ngàn đảng viên. Không nên phiến diện nhưng điều này chứng minh rằng, một tổ chức vững mạnh, trước hết từng thành viên của tổ chức đó phải có phẩm chất tốt. Tất nhiên, để có một tổ chức tốt không phải điều dễ dàng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rõ điều này trong cuốn sách của mình. Theo tinh thần đó, xây dựng Đảng là vấn đề xây dựng tổ chức, xây dựng con người, rất nhạy cảm về chính trị, cho nên không thể nôn nóng, giản đơn. Phải tiến hành tích cực, không né tránh, đồng thời có bước đi và phương pháp thích hợp. Xây dựng Đảng là vấn đề rất khó, vì vừa phải xây dựng tổ chức, vừa phải xây dựng con người. Mà con người, như Goócki nói: “Hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh làm sao”. Nhưng con người, như tục ngữ ta nói cũng đủ thứ, ta biết con người là thế nào rồi, “miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu!”. Nhìn người khác thấy khuyết điểm rất rõ, nhìn khuyết điểm của chính mình thì rất khó.

Tháng 5.2022, tại hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói thẳng: “Những đảng viên hữu danh vô thực thì cho không chúng ta cũng không cần”. Công cuộc xây dựng đất nước đang đòi hỏi mỗi đảng viên phải là một người lao động giỏi, lãnh đạo và quản lý giỏi trên lĩnh vực công tác được giao. Nếu trước đây, trong cách mạng dân tộc dân chủ, đảng viên nêu gương trong cuộc đấu tranh giữa cái sống và cái chết, phấn đấu hy sinh để giải phóng đất nước, giành chính quyền, thì ngày nay, đảng viên phải nêu gương chấp hành các chính sách và pháp luật của Nhà nước. Sức mạnh vô địch của Đảng là ở mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng nhân dân. Đảng chủ trương phát huy mạnh dân chủ, coi dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Mỗi đảng viên, trước hết đảng viên là cán bộ lãnh đạo, có chức có quyền, phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của dân, chăm lo đời sống hằng ngày của quần chúng, tìm hiểu nguyện vọng và lắng nghe ý kiến quần chúng, kiên quyết đấu tranh chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, gia trưởng, độc đoán, đặc quyền đặc lợi, trù dập, ức hiếp quần chúng và mọi hành vi vi phạm quyền dân chủ của nhân dân.

Đảng viên phải có ý thức kỷ luật

Sức mạnh của Đảng là ở tính thống nhất: thống nhất ý chí, thống nhất quan điểm, thống nhất hành động. Nguyên tắc bảo đảm sự thống nhất của Đảng là nguyên tắc tập trung dân chủ. Vì vậy, cán bộ, đảng viên, bất cứ ở cương vị nào đều phải tôn trọng và chấp hành đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Đảng viên có trách nhiệm tích cực tham gia thảo luận các vấn đề thuộc về đường lối, chủ trương của Đảng, có quyền chất vấn, tranh luận một cách thẳng thắn, đồng thời chú ý lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác. Khi đã thành quyết định của tập thể thì phải nghiêm túc chấp hành. Nếu còn có ý kiến khác thì được bảo lưu hoặc trình bày, báo cáo lại theo đúng nguyên tắc tổ chức.

Đảng viên không được tự ý làm trái hoặc trì hoãn không thi hành nghị quyết của tập thể hoặc của cấp trên, không được phát ngôn bừa bãi hoặc truyền đạt những ý kiến, quan điểm riêng của mình ngoài các hội nghị của Đảng. Trường hợp một đảng viên thấy nghị quyết sai hoặc có điểm sai, thì thái độ đúng đắn nhất là kịp thời và thẳng thắn trình bày ý kiến của mình với tổ chức có thẩm quyền. Nếu ý kiến vẫn chưa được chấp nhận thì đảng viên đó có quyền được bảo lưu, nhưng phải phục tùng tổ chức, phải thi hành nghị quyết của tổ chức.

Việt Đông - Hoàng Yến

“Đảng của chúng ta khác với nhiều đảng cộng sản, công nhân trên thế giới. Ngay từ khi mới ra đời, bản thân nó đã là “đứa con nòi” của dân tộc. Đảng sinh trưởng trong lòng dân tộc, đảng là con em của nhân dân. Cho nên, nếu đi ngược lại quyền lợi của nhân dân thì chính là vi phạm về mặt đạo lý, đạo đức.

Thực tiễn 87 năm qua, chúng ta càng thấy rõ điều đó. Khi nào Đảng sống trong lòng quần chúng, khi nào Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân, nhân dân bao bọc, chở che cho Đảng thì chừng đó Đảng vững mạnh và ngược lại”.

Nhà báo Nhị Lê- nguyên Phó tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Việt Nam, năm 2017

BBT-ĐH Cổng TTĐT Đảng bộ tỉnh

 

 

Tác giả: Trần Đăng Khoa, BBT-ĐH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

chuyển đổi số
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
thong bao noi bo
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập75
  • Máy chủ tìm kiếm68
  • Khách viếng thăm7
  • Hôm nay4,331
  • Tháng hiện tại716,011
  • Tổng lượt truy cập3,800,305
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây