Nền văn học, nghệ thuật Việt Nam trong tiến trình lịch sử đã hun đúc nên một nền văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với Nhân dân và dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần trực tiếp vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước.
Kế thừa, tiếp nối từ nền văn học nghệ thuật do lớp văn nghệ sĩ tỉnh từng hoạt động trong thời kỳ kháng chiến và trước 1984, văn học nghệ thuật Tây Ninh đã có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, góp phần cùng xây dựng nền văn học nghệ thuật của cả nước.
Qua 40 năm xây dựng và phát triển, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định vị thế của mình trong đời sống văn hoá, văn học, nghệ thuật của tỉnh. Hội đã tổ chức thành công các kỳ đại hội, phát triển chi hội huyện và chuyên ngành; phát triển số lượng hội viên; tổ chức các hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm, các cuộc thi, hội thảo, trại sáng tác, tạo sân chơi bổ ích cho các văn nghệ sĩ, đồng thời nâng cao chất lượng nghệ thuật và phát triển phong trào văn hoá, văn học, nghệ thuật quần chúng. Lực lượng văn nghệ sĩ đã kiên trì tìm tòi, tự vượt lên chính mình, âm thầm lao động, sáng tạo những tác phẩm có giá trị tốt về nội dung tư tưởng và nghệ thuật được khẳng định qua các giải thưởng, đã đưa con người, quê hương Tây Ninh đến với công chúng trong và ngoài nước, góp phần khẳng định các giá trị mới của nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ văn nghệ sĩ tại buổi họp mặt kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.
Các hoạt động sáng tác được tổ chức phong phú, thu hút đông đảo văn nghệ sĩ tham gia như tổ chức Ngày Thơ Việt Nam hàng năm, cuộc thi/liên hoan chuyên ngành khu vực, hội thảo cấp tỉnh, cấp khu vực, thực tế sáng tác (bình quân từ 6-12 đợt/năm), trại sáng tác (từ 1-2 trại/năm). Đặc biệt, Hội chú trọng tổ chức Trại sáng tác văn thơ, hội họa, thanh thiếu niên tỉnh Tây Ninh (phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo) nhằm “gieo mầm” niềm đam mê văn chương, nghệ thuật, tạo ra một sân chơi bổ ích cho các em học sinh trong những ngày hè, qua đó phát hiện những nhân tố có khả năng sáng tác văn học nghệ thuật kế cận cho tỉnh nhà trong tương lai.
Tập huấn lớp sáng tác văn thơ (Ảnh tư liệu).
Giải thưởng sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức đã nhận được sự tham gia tích cực của văn nghệ sĩ. Giải thưởng văn học, nghệ thuật Xuân Hồng, 05 năm tổ chức trao giải thưởng một lần, qua 03 lần tổ chức đã ghi nhận được nhiều công sức đóng góp của văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh và thống kê nhiều tác phẩm có giá trị đỉnh cao lưu giữ cho các thế hệ nối tiếp. Hội phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh sản xuất 16 ca khúc Karaoke “Tây Ninh - Tình yêu trong tôi”; phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sáng tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức định kỳ 2 năm/1 lần cho 15 hội viên các chuyên ngành tham gia trại. Đặc biệt, tập trung đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, biên giới, biên phòng và biển, đảo, Hội đã phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn tỉnh và Cục Chính trị Quân chủng Hải quân, Phòng không không quân tổ chức thăm nhập thực tế tại các đơn vị lực lượng vũ trang.
Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh như là “vườn ươm” đang phát triển, đã đưa tác phẩm của anh chị em văn nghệ sĩ bay cao, bay xa, qua đó, đã tích cực đưa các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống bằng tác phẩm văn học nghệ thuật.
Các tác phẩm văn chương Tây Ninh 40 năm qua đã phản ánh chân thực những đổi thay của đất nước, của con người, vùng đất Tây Ninh trong thời đại mới. Qua đó, văn học Tây Ninh cũng thể hiện một bộ mặt mới so với trước kia: có sự mở rộng biên độ về đề tài, chủ đề; cách tiếp cận, nhìn nhận mạnh dạn hơn, sát sao hơn với hiện thực cuộc sống; thể loại và bút pháp cũng đa dạng hơn. Tiêu biểu với các tiểu thuyết “Bám đất”, “Lớn lên”, truyện dài “Sài Gòn 46”, truyện ngắn “Chim lồng” của tác giả Vân An; những nhà văn, nhà thơ thuộc hàng tiền bối như Xuân Thới, Phan Phụng Văn, Xuân Sắc,… còn có nhiều cây bút hậu bối như: Nguyễn Đức Thiện, Nguyễn Quốc Việt, Phan Kỷ Sửu, Phan Vĩnh, Đặng Hoàng Thái, Thu Trâm, Bích Như, Thiên Huy, Nhất Phượng, Nguyên Hạ,… Văn học Tây Ninh đã có một lực lượng “cây bút” khá đông đảo, bao gồm nhiều lứa tuổi, đã tạo được dấu ấn riêng trên văn đàn trong, ngoài tỉnh và cả nước như: Vũ Thiện Khái, Phước Hội, Hương Nhu, Đặng Mỹ Duyên, Mai Tuyết, Huỳnh Gia, Hàm Chương, Nguyễn Khắc Luân, Trần Nhã My, Nghiêm Khánh, Ngọc Tình, Trương Tuệ Đăng, Đào Phạm Thuỳ Trang, Nguyễn Hồng Vân, Thiên Kim,…
Trong 40 năm qua âm nhạc Tây Ninh phổ biến thể loại ca khúc; tất cả đều đậm chất truyền thống cách mạng, sáng ngời bản chất kiên trung, nghĩa tình, đoàn kết quân dân gắn bó keo sơn trong xây dựng hình tượng anh Bộ đội cụ Hồ, hay người dân trong lao động, sản xuất trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Lực lượng sáng tác khá phong phú, trong đó có 09 hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ngoài nhạc sĩ – chiến sĩ Xuân Hồng, có các nhạc sĩ Lê Chí Trung, Lê Chí Khối, Lê Hữu Trịnh, Lê Hoàng Minh, Lê Hồng Tăng, Trần Quang Cường, Nguyễn Đình Hồng, Nguyễn Quốc Đông, Quốc Tây, Hoài Nhân, Hoài Nguyên, Nguyễn Trọng Quý, Anh Thư, Huỳnh Oanh, Hùng Dũ, Thanh Ngọc, Việt Phương, Đình Nhật và 1 số tác giả trẻ như Lê Thiện Trường, Anh Thi,…..
Phong trào múa của Tây Ninh đã đồng hành cùng văn học, nghệ thuật tỉnh trong suốt 40 năm qua. Lúc hoan ca mừng đất nước giải phóng, phong trào nhảy múa tập thể trên công trường thuỷ lợi; lúc nâng tầm nghệ thuật phục vụ công cuộc đổi mới: với các tác phẩm phản ảnh sinh động tình đất tình người Tây Ninh. Múa đã trở thành hơi thở, có mặt trong hầu hết các chương trình, các sự kiện của tỉnh.... Đa phần là dàn dựng múa phong trào, tuy nhiên với khả năng linh hoạt ham học hỏi đã kết hợp và sáng tạo phục vụ tốt loại hình múa minh hoạ. Biên đạo múa trong kháng chiến có nghệ sĩ Ánh Hồng, đầu thời kỳ đổi mới như Kim Phụng, Quang Cường, Hùng Dũ, Tấn Lợi, thế hệ tiếp theo là Kim Chi, Việt Phương, Thu Trang và hiện nay, lực lượng biên đạo trẻ qua đào tạo ngày càng phát triển như Hoàng Ân, Trọng Chinh, Hoài An, Thanh Tâm, Minh Triết, …
Bằng ngôn ngữ ánh sáng, bố cục, kỹ thuật chụp ảnh và phóng ảnh, các thế hệ nhiếp ảnh gia của tỉnh luôn theo dõi xuyên suốt, đồng hành và sáng tạo bằng tất cả tình yêu, niềm say mê nghệ thuật, tinh thần trách nhiệm với mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn mình. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã làm thời gian, đời sống xã hội ngưng đọng trong từng khung ảnh, để rồi những khoảnh khắc ấy đã lưu giữ, truyền tải nhiều giá trị nghệ thuật, lịch sử, nhân văn, thẩm mỹ, giáo dục,… phục vụ đắc lực, kịp thời nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong từng giai đoạn lịch sử và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của công chúng. Đặc biệt hơn 10 năm trở lại đây, nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đã đạt nhiều giải thưởng quốc tế, toàn quốc và khu vực, góp phần quảng bá giá trị tiềm năng và vẻ đẹp về con người, vùng đất và sự phát triển của tỉnh đến công chúng trong và ngoài nước. Có thể kể đến các nhiếp ảnh gia nổi bật như nghệ sĩ ưu tú Thanh Nhàn, Lê Bi, Lê Văn Đính, Đỗ Thành Nhân, Dương Đức Kiên, Nguyễn Duy Hậu, Dương Vĩnh Tuyên, Nguyễn Huỳnh Đông, Nguyễn Nhật Tường, Nguyễn Viết Tiến, Thế Hùng, Lê Tấn Phát, Lê Văn Hải, Hà Thế Bảo, Huỳnh Hằng, Thu Thủy, Kim Liên, Lâm Công Danh, Huỳnh Thanh Liêm, Hoa Liên, Nguyễn Hòa, Nguyễn Đệ, Trần Thị Bá, Hồ Thị Bích Hồng,… hiện có 08 nghệ sĩ nhiếp ảnh là hội viên Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.
Tây Ninh có một vài hoạ sĩ nổi tiếng, nhất là hoạ sĩ Trần Hà, thuộc lớp người được đào tạo bài bản ở trường Đông Dương tại Hà Nội, là một hoạ sĩ sơn mài rất nổi tiếng với 1 lối sáng tác đặc trưng mang dấu ấn cá nhân. Với ngôn ngữ bằng hình khối, đường nét, màu sắc, sự sắp xếp bố cục, nhịp điệu,… các tác phẩm hội họa, điêu khắc đã khắc họa vẻ đẹp con người, quê hương Tây Ninh trong thời kỳ đổi mới. Mỹ thuật TN hiện đã tìm ra được thế mạnh riêng của mình, đó chính là vấn đề tranh in, tranh in ấn, đồ hoạ. Các tác phẩm của các anh em hoạ sĩ ở Tây Ninh khi được mang đi triển lãm đều đạt được các thành công lớn. Một số họa sĩ nổi trội của tỉnh như Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Hữu Thoại, Đặng Văn Thức, Trần Văn Chỉnh, Phạm Bá Cường, Nguyễn Nam, Nguyễn Hòa, Nguyễn Ngọc Thư, Trương Thị Tho, An Thi,… Hiện có 11 họa sĩ là hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam.
Thế mạnh của loại hình sân khấu tỉnh Tây Ninh là bài ca vọng cổ và nhạc tài tử Nam bộ. Thời gian qua, có tác phẩm đạt giải toàn quốc và cấp tỉnh; 01 số tác phẩm được sử dụng trong các chương trình văn nghệ tại 1 số lễ hội mang tính sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh. Đội ngũ sáng tác hùng hậu ngoài Nghệ nhân Thanh Hiền, tác giả bài Chuyến xe Tây Ninh nổi tiếng, còn có soạn giả Xuân Phát với kịch bản “ Hoàng tử bất đắc dĩ”, nghệ sĩ Thanh Hải, nghệ sĩ Nguyễn Thế Nghiệm, soạn giả Đăng Minh, Thành Phương, Kim Tùng, Hoàng Sểnh, Xuân Hòa, Hồng Ngự, Xuân Loan, Bảo Châu, Hoàng Chính, Nhật Minh,…
Năm 1989, Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh phối hợp với Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu sản xuất Bộ phim truyện nhựa 2 tập “Kỳ tích Bà Đen” chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Xuân Sắc. Hiện nay, có 07 hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam đang hoạt động trên địa bàn tỉnh và đang sinh hoạt ghép với chi hội diễn viên thuộc Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Các nghệ sĩ thực hiện 1 số phim được chiếu trên Đài Truyền hình tỉnh và gửi dự thi toàn quốc, trong đó có 1 số phim đạt giải như phim tài liệu chân dung “Xuân Hồng chiến sĩ- nhạc sĩ” biên kịch Đặng Phượng đạt Giải C Giải thưởng văn học, nghệ thuật và báo chí đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng của Bộ Quốc Phòng giai đoạn 2010-2015; Phim phóng sự “Đi tìm đồng đội” biên kịch Bích Thủy đạt giải Huy chương Bạc Liên hoan phim truyền hình toàn quân năm 2003,...
Lĩnh vực văn nghệ dân gian: có 03 hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và 03 nghệ nhân dân gian. Các nghệ sĩ ưu tú Anh Thư, nghệ nhân ưu tú Thành Trí truyền dạy đờn, ca nhạc tài tử trong 1 số trường phổ thông; mở lớp dạy tại các thiết chế văn hóa trong tỉnh có nghệ nhân ưu tú Đức Lập, nghệ sĩ Thành Phương,... Xây dựng mô hình đưa văn hóa dân gian vào thế hệ trẻ tại xã Gia Bình và hoạt động đoàn thanh thiếu nhi, mở lớp Đồng ấu xã Gia Bình về dạy nhạc tài tử Nam bộ, Ngày hội Văn hóa dân gian, phổ biến các tri thức dân gian với nhiều hình thức sinh động, trải nghiệm làng nghề, xem diễn xướng dân gian (xây chầu, bóng rỗi, hầu đồng, hát bội), các hoạt động đã góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa được thực hiện đồng bộ và hiệu quả, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của tỉnh.
Tạp chí Văn Nghệ Tây Ninh, nơi tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về văn hoá văn nghệ, cũng là nơi tập hợp, quảng bá tác phẩm của những người yêu thích sáng tác đến với công chúng rộng rãi. Tạp chí được ấn hành đều đặn theo định kỳ 2 tháng/số, ngày càng đổi mới về nội dung lẫn hình thức. Tạp chí đã và đang là nơi phát hiện, khích lệ một số gương mặt sáng tác mới, triển vọng như: Trương Tuệ Đăng, Mai Trinh, Thiên Kim, Phúc Nhất… cùng nhiều bạn trẻ ở độ tuổi học sinh trung học phổ thông.
Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh nhiều năm liền được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tặng cờ Đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và UBND tỉnh tặng Bằng khen. Hội có 04 nghệ sĩ ưu tú, 10 nghệ nhân ưu tú và 01 cán bộ quản lý Hội được tặng thưởng Huân chương lao động Hạng nhì; có 96 lượt hội viên được tặng Bằng khen UBND tỉnh về thành tích sáng tác và được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam công nhận 03 nghệ nhân dân gian.
Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi họp mặt văn nghệ sĩ và trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu Xuân Giáp Thìn 2024 (Ảnh: Đỗ Thành Nhân).
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn những thách thức và hạn chế mà Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đang đối mặt. Đó là chưa có tác phẩm văn học, nghệ thuật giá trị cao, phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh; chưa có tác phẩm thật sự tiêu biểu, đi vào đời sống xã hội, tạo tiếng vang trong cả nước. Chưa phát huy hết tiềm năng của vùng đất được mệnh danh là thủ đô kháng chiến, vùng đất đa văn hóa, đa dân tộc, đa tôn giáo có nhiều giá trị văn hóa rất vượt trội, nhất là giá trị văn hóa cách mạng, cần làm sống lại những giá trị cao đẹp ấy. Trong sáng tác ca khúc chưa chú trọng khai thác dân ca Tây Ninh, để từ đó góp phần tạo bản sắc riêng của văn học nghệ thuật Tây Ninh.
Để Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh ngày càng phát triển, đưa nền văn học nghệ thuật tỉnh cất cánh bay cao, trong thời gian tới, cần tập trung một số nội dung sau:
Tăng cường hoạt động sáng tác và quảng bá. Hội cần tổ chức nhiều hơn nữa các trại sáng tác, hội thảo, tập huấn để nâng cao kỹ năng cho hội viên, đồng thời đẩy mạnh quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật đến với công chúng qua các phương tiện truyền thông hiện đại.
Có chương trình, kế hoạch cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà văn trẻ năng động, sáng tạo, có khả năng kế thừa và phát triển các giá trị văn học, nghệ thuật của dân tộc, của tỉnh.
Cần phát huy và khai thác giá trị văn hoá địa phương; chú trọng việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân gian, nhất là khai thác làn điệu dân ca Tây Ninh để đưa vào lĩnh vực âm nhạc, góp phần tạo nên bản sắc riêng của văn học, nghệ thuật Tây Ninh; đẩy mạnh việc kết hợp với các hoạt động du lịch để giới thiệu văn hoá, các loại hình nghệ thuật của tỉnh đến đông đảo du khách.
Nâng cao tầm vóc và ảnh hưởng của văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh thông qua việc mở rộng hợp tác và giao lưu văn hóa với các tỉnh thành, các tổ chức nghệ thuật trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá tác phẩm; xây dựng các trang Web, sử dụng mạng xã hội kết nối công chúng, tạo điều kiện cho hội viên được giới thiệu, phổ biến tác phẩm của mình một cách rộng rãi và hiệu quả hơn.
Tập trung nâng cao chất lượng sáng tác, quảng bá những sản phẩm văn học nghệ thuật có giá trị nghệ thuật cao, phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển của tỉnh.
Thanh Thanh
Tác giả: tttthao
Ý kiến bạn đọc