Về phía tỉnh Tây Ninh, đồng chí Nguyễn Thị Xuân Hương –Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham dự và phát biểu tham luận.
Các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hồ Chí Minh; đồng chí Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Pham Văn Mãi Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND Thành phố; đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND Thành phố đồng chủ trì hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo
Hội thảo đã nghe 8 bài phát biểu tham luận và thảo luận của các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà lãnh đạo, quản lý các tỉnh, thành phố, tập trung trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hay, thảo luận những biện pháp mới, có tính đột phá nhằm xây dựng và triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, gắn với thực tiễn vùng Đông Nam Bộ.
Tham gia phát biểu tham luận tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Xuân Hương trao đổi kết quả nâng cao chất lượng các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh luôn xác định việc phát triển kinh tế xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng, thì văn hóa đóng vai trò quan trọng, là nền tảng cơ bản và là động lực phát triển. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đến Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Đảng bộ Tây Ninh cụ thể hóa kế hoạch thực hiện, triển khai đồng bộ các chương trình nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa của tỉnh, trong đó có nhiều nội dung được chú trọng và đạt kết quả tích cực.
Đồng chí Nguyễn Thị Xuân Hương –Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tham luận.
Tỉnh đã thực hiện việc phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể được chú trọng. Toàn tỉnh có 96 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng (gồm 01 di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích cấp quốc gia và 68 di tích cấp tỉnh) là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Hằng năm, các di tích trên địa bàn tỉnh đã đón hàng trăm đoàn, với hàng triệu lượt du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập… nhất là lực lượng thanh, thiếu niên; nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm...
Trên cơ sở các yếu tố vị trí địa lý, vùng đất biên cương, trải qua nhiều biến cố lịch sử, những cuộc chiến tranh tàn khốc, các tập tục và tôn giáo, tín ngưỡng đã hình thành người Tây Ninh hội tụ hầu hết các đặc tính, giá trị con người Nam Bộ như yêu nước, kiên trung; cần cù, giản dị, bộc trực, tình nghĩa, khoan dung, hiếu khách, lạc quan, hào sảng và năng động. Từ đó, các cấp uỷ, chính quyền cùng với Nhân dân triển khai, tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, qua đó phát huy tính cách con người Tây Ninh và xây dựng không gian, môi trường văn hoá lành mạnh, tích cực.
Thanh Thanh
Tác giả: tttthao
Ý kiến bạn đọc