Tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới

Thứ sáu - 03/11/2023 07:29 812 0
Sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 22/01/2002 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khoá IX) về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và Thông báo kết luận số 126-TB/TW của Ban Bí thư (khoá XI) về 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 25/10/2023 về củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, các cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở, từ đó tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, xem đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, không chỉ riêng ngành y tế. Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội đã thể hiện sự quan tâm và thường xuyên chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 22/01/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) “về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở”.
kham benh

Chương trình thăm khám người dân ở 3 xã Trường Tây, Trường Đông và Trường Hòa, thị xã Hòa Thành (nguồn: P.V Petro Times)
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 29/4/2002 về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 22/2003/QĐ-UBND, ngày 16/01/2003 về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW và Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 29/4/2003; Quyết định số 12/2009/QĐ-UBND, ngày 20/02/2009 về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế tỉnh Tây Ninh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; Kế hoạch số 1450/KH-UBND, ngày 18/6/2018 về việc thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Hiện nay tỉnh đang xây dựng Đề án củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống y tế công lập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023 - 2030.
Năm 2005, trước sự phát triển của y tế tư nhân, vấn đề an toàn thực phẩm, kiểm soát việc kinh doanh thuốc nhằm đảm bảo khách quan, hiệu quả trong công tác kiểm tra, quản lý nhà nước về y tế cơ sở, các huyện/thị xã đã thành lập phòng y tế huyện/thị xã để thực hiện nhiệm vụ tham mưu UBND huyện, thị xã quản lý nhà nước về y tế cấp huyện, trực tiếp quản lý các trạm y tế xã, thị trấn, đồng thời xóa bỏ mô hình trung tâm y tế huyện/thị xã, thành lập Bệnh viện đa khoa huyện và Trung tâm Y tế dự phòng huyện. Như vậy thời điểm này y tế cơ sở bao gồm Phòng Y tế, Bệnh viện đa khoa, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện/thị xã, Trung tâm Y tế dự phòng, Phòng khám đa khoa khu vực và các trạm y tế.
Đến năm 2008, sáp nhập Trung tâm Y tế dự phòng và Bệnh viện đa khoa huyện/thị xã thành lập Trung tâm Y tế huyện/thị xã và chuyển giao trạm y tế các xã, thị trấn về Trung tâm Y tế huyện trực tiếp quản lý.
Phòng Y tế (trực thuộc uỷ ban nhân dân huyện) là cơ quan nghiên cứu và tham mưu quản lý nhà nước về y tế đảm bảo các chiến lược, định hướng về phát triển y tế cơ sở, hoạt động khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh được tổ chức triển khai hiệu quả; Trung tâm Y tế huyện (trực thuộc Sở Y tế) là cơ quan chuyên sâu về công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh cho người dân trên địa bàn theo đúng định hướng và kế hoạch của uỷ ban nhân dân huyện, mô hình này hoạt động ổn định từ 2008 đến năm 2022.
Đến năm 2020, giải thể Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện/thị xã/thành phố, thành lập phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế huyện/thị xã/thành phố.  Đến tháng 07/2022, giải thể Phòng Y tế huyện/thị xã/thành phố, chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về y tế về Văn phòng Hội đồng nhân dân Uỷ ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố.
Chỉ thị số 25-CT/TW yêu cầu thống nhất mô hình tổ chức, quản lý đối với trung tâm y tế cấp huyện theo hướng chịu sự quản lý toàn diện của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
Trên địa bàn tỉnh có 94 trạm y tế xã, phường, thị trấn; trung bình mỗi trạm y tế xã, phường, thị trấn có từ 06-10 viên chức, người lao động; theo vị trí việc làm thì số lượng người làm việc có đủ các chức danh chuyên môn bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, dược… Nhân viên y tế công tác tại trạm có trình độ chuyên môn y tế từ Trung cấp trở lên. Các trạm y tế xã được xây dựng theo Tiêu chuẩn 52 CN-CTYT 0001:2002 được ban hành theo Quyết định số 2271/QĐ-BYT, ngày 17/6/2002 của Bộ Y tế và Quyết định số 3447/QĐ-BYT, ngày 22/9/2011 của Bộ Y tế về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia y tế xã giai đoạn 2011-2020 nhà cấp 4 khang trang gồm 10-15 phòng chức năng đủ bố trí cho các hoạt động chuyên môncó đầy đủ các công trình phụ trợ như cổng, hàng rào, nhà kho, nhà để xe, lò đốt rác, có nguồn nước sạch, có điện lưới quốc gia, điện thoại và máy tính nối mạng Internet. Các trạm y tế xã chủ yếu thực hiện nhiệm vụ chức năng khám chữa bệnh ban đầu, thông thường, bảo đảm được công tác sơ cấp cứu, khám chữa bệnh cho bệnh nhân bảo hiểm y tế. Hàng năm, y tế xã giải quyết khoảng 25% nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trong tỉnh.
Tỉnh quan tâm xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chung cho toàn ngành y tế nhằm đáp ứng yêu cầu chung cho y tế tuyến huyện, tăng cường việc đào tạo nhân lực bác sĩ đảm bảo bố trí 100% nguồn nhân lực bác sĩ cho các trạm y tế vào năm 2025.
Tăng cường phối hợp giữa y tế công lập và y tế tư nhân trong công tác phòng, chống dịch bệnh, cụ thể trong thời gian phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã huy động các y bác sĩ tại các cơ sở y tế tư nhân tham gia công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 cũng như tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống các bệnh khác.
Thực hiện tốt công tác truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch, bệnh; dinh dưỡng hợp lý, tiêm chủng mở rộng, thay đổi hành vi sức khỏe có hại, nâng cao sức khỏe người dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng vùng, từng dân tộc.
Trong những năm qua, ngành y tế tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp về giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh theo Quyết định 1313/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Triển khai thực hiện Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016 -2025.
Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, thực hiện tốt quy chế kê đơn, cấp thuốc, quy trình khám, chữa bệnh giảm thời gian chờ đợi, gây phiền hà cho người bệnh. Quy trình tiếp nhận, khám bệnh, xét nghiệm, cấp thuốc đã được tinh gọn tối đa theo quy định của Bộ Y tế. Áp dụng quy trình phát số khám, thông báo trên bảng điện tử hoặc phát qua loa đài; có các hướng dẫn, quy định, nội quy, sơ đồ, biển báo dễ thấy, dễ đọc, dễ hiểu. Ứng dụng quản lý bệnh nhân bằng công nghệ thông tin trong hoạt động khám chữa bệnh tại tất cả cơ sở khám, chữa bệnh bằng phần mềm Quản lý bệnh viện (VNPT- HIS).
Các cơ sở y tế tuyến huyện, xã phối hợp thực hiện y tế học đường, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Hằng năm, tổ chức các lớp tập huấn về công tác y tế trường học, kiến thức phòng chống các bệnh tật lứa tuổi học đường, sử dụng và bảo quản tủ thuốc sơ cấp cứu cho các học viên là cán bộ chuyên trách, giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế trường học. Định kỳ tổ chức các đợt khám nhằm sớm phát hiện các bệnh về răng miệng, tật khúc xạ; các bệnh về dinh dưỡng, cong vẹo cột sống. Đẩy mạnh công tác truyền thông rửa tay bằng xà phòng, truyền thông về dinh dưỡng cho học sinh các trường. Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên đúng theo quy định. Mạng lưới y tế dự phòng tiếp tục được củng cố rộng khắp từ tỉnh tới xã, ấp để thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi.
Việc phối hợp giữa y tế cơ sở với y tế tư nhân trong chăm sóc sức khỏe người dân đem lại những hiệu quả nhất định. Các cơ sở y tế tư nhân kết nối với y tế địa phương tổ chức các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ thiện đặc biệt là cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, trong đó ưu tiên khám, chữa bệnh cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Các cơ sở y tế tư nhân kết nối với trạm y tế xã/phường tham gia công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh COVID-19 như giám sát phát hiện, truyền thông phòng chống dịch bệnh tại phòng khám tư nhân; công tác tiêm chủng phòng chống bệnh, thực hiện các khâu khám sàng lọc, tiêm ngừa vắc xin phòng, theo dõi phản ứng sau tiêm…..
Ngành y tế nhiều năm qua duy trì hoạt động Đề án 1816 của Bộ Y tế. Sở Y tế đã ban hành kế hoạch luân phiên cán bộ y tế tuyến trên hỗ trợ chuyên môn tuyến dưới; hàng năm bác sỹ đã được cử luân phiên cho trạm y tế xã, khám chữa bệnh. Trung tâm y tế huyện xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường hỗ trợ chuyên môn cho tuyến xã thông qua các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật tại trạm y tế xã và tại trung tâm y tế huyện. Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh có kế hoạch tiếp nhận và tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh viện tuyến dưới đến học tập và chuyển giao các lĩnh vực về chuyên khoa. Tập huấn về kỹ năng chẩn đoán y học cổ truyền và vận dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho các y, bác sĩ, lương y của các trạm y tế.
Tuy nhiên, một số cấp uỷ đảng, chính quyền chưa nhận thức, phát huy đầy đủ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở; mạng lưới y tế cơ sở chưa ổn định về tổ chức bộ máy, thay đổi liên tục. Nguồn nhân lực y tế vẫn còn thiếu, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ. Tình trạng cán bộ y tế nghỉ việc vẫn còn diễn ra và có xu hướng ngày càng tăng. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực dẫn đến việc không bố trí đủ 06 chức danh nghề nghiệp tại các trạm y tế, khó đầu tư trang thiết bị hiện đại, vì không có cán bộ có chuyên môn phù hợp để vận hành, ảnh hưởng rất lớn đến việc phát huy khả năng khám, chẩn đoán và điều trị bệnh của y tế cơ sở. Tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế, vật tư, trang thiết bị y tế trong thời gian qua ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý người tham gia bảo hiểm y tế; quy trình, thủ tục chi trả, thanh quyết toán bảo hiểm y tế của cơ quan Bảo hiểm xã hội còn chậm, gây khó khăn cho hoạt động chung của ngành y tế. Một số trạm y tế chưa sử dụng hết công năng của các trang thiết bị y tế (máy xét nghiệm máu, máy siêu âm, máy hút đàm nhớt…) được phân bổ cho trạm.
Trong thời gian tới, các cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân những quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, qua đó nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và mỗi người dân trong việc bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe.
Chỉ thị số 25-CT/TW ban hành cho thấy sự quyết tâm của Đảng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở với quan điểm y tế cơ sở là nền tảng, phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân. Trong thời gian tới, tỉnh Tây Ninh sẽ triển khai thực hiện, cụ thể hoá các chỉ đạo của Chỉ thị số 25-CT/TW một cách phù hợp, khả thi, góp phần đưa Chỉ thị vào cuộc sống.
Thanh Thanh

Tác giả: Trần Đăng Khoa, Thanh Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập517
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm491
  • Hôm nay14,121
  • Tháng hiện tại220,414
  • Tổng lượt truy cập8,229,119
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây