Tác phẩm đạt Giải Khuyến khích – Giải Báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ III – năm 2023

Thứ tư - 21/02/2024 16:25 407 0
Loạt bài: Gắn kết quân đội với đồng bào dân tộc, tôn giáo.Tác giả: Võ Huỳnh Phương Thảo; Bùi Ngọc Diêu (Phương Thảo – Ngọc Diêu) – Báo Tây NinhThể loại: Báo in

Kỳ 1: Nghĩa tình quân - dân 

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh “không có dân thì không có bộ đội”, Đảng uỷ, Bộ CHQS tỉnh tăng cường gắn kết thân thiện, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc, tôn giáo, bước đầu mang lại hiệu quả.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và đại diện Hạt Công giáo tỉnh ký kết chương trình phối hợp.

Tôn giáo và dân tộc là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, lực lượng Quân sự tỉnh Tây Ninh luôn tạo sự khắng khít với đồng bào dân tộc, tôn giáo trên địa bàn, góp phần củng cố, giữ gìn mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa quân đội với nhân dân, đóng góp tích cực vào công tác giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bước đầu triển khai

Tây Ninh có 5 tôn giáo lớn và hơn 20 cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, công tác dân tộc, tôn giáo luôn được cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện chặt chẽ, chu đáo. Bộ CHQS tỉnh tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh thực hiện các giải pháp nhằm củng cố thế trận quốc phòng an ninh, làm tốt công tác dân vận, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh “không có dân thì không có bộ đội”, Đảng uỷ, Bộ CHQS tỉnh tăng cường gắn kết thân thiện, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc, tôn giáo, bước đầu mang lại hiệu quả.

Thành phố Tây Ninh có 5 tôn giáo và 11 dân tộc, gồm dân tộc Chăm, Hoa, Khmer và người Tà Mun. Để thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo, Bộ CHQS tỉnh quyết định chọn thành phố Tây Ninh làm điểm thực hiện chủ trương “Tăng cường gắn kết thân thiện, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc, tôn giáo” trong năm 2021.

Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, buôn bán nhỏ lẻ và làm thuê. Để san sẻ phần nào khó khăn với bà con, trong lần đầu tiên ký kết thực hiện chủ trương, Ban CHQS Thành phố đã phối hợp với ban, ngành, đoàn thể vận động hơn 200 triệu đồng tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tặng 3.500 khẩu trang, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm 2021 là năm ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Trong thời điểm cả tỉnh phải thực hiện giãn cách, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo gặp khó khăn về đời sống. Ban CHQS thành phố Tây Ninh đã cùng MTTQ phường 1 và các xã Thạnh Tân, Tân Bình thực hiện những “Chuyến xe 0 đồng”, tặng quà, nhu yếu phẩm, vật tư y tế… Kết quả đã hỗ trợ hơn 2,4 tấn gạo, 1,2 tấn rau, củ, hàng ngàn suất cơm với tổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng. 

“Việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về dân tộc, tôn giáo, duy trì các cuộc tiếp xúc, sinh hoạt, thăm hỏi, tặng quà đã góp phần nắm bắt, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của các tín đồ tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân”- Thiếu tá Nguyễn Thế Bảo- Chính trị viên phó Ban CHQS thành phố Tây Ninh cho biết.

Sau thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành là địa phương được Bộ CHQS tỉnh triển khai thực hiện điểm năm 2022.

Trung tá Nguyễn Cao Điêm- Chính trị viên Ban CHQS Thị xã chia sẻ, cùng với LLVT tỉnh Tây Ninh, LLVT thị xã Hoà Thành luôn động viên nhân dân tích cực tham gia thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, giúp đỡ LLVT trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần xây dựng LLVT Thị xã vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ngoài công tác thăm hỏi, tuyên truyền cho đồng bào tôn giáo, dân tộc, trong năm 2022, Ban CHQS Thị xã đặc biệt chú trọng đến công tác an sinh xã hội. Đơn vị phối hợp Ban Dân vận Thị uỷ, Uỷ ban MTTQ Thị xã, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn vận động các tổ chức, mạnh thường quân hỗ trợ 317 phần quà tặng người dân hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá hơn 300 triệu đồng.

Cùng với đó, đơn vị vận động mạnh thường quân và phối hợp cấp uỷ, chính quyền địa phương xây tặng 7 căn nhà tình nghĩa quân - dân cho các tín đồ và chiến sĩ dân quân thường trực là các tín đồ tôn giáo Cao Đài gặp khó khăn về nhà ở, trị giá trên 800 triệu đồng.

Ông Trần Văn Khải- Bí thư thị xã Hoà Thành đánh giá: “Sự đoàn kết, phối hợp giữa Ban CHQS Thị xã với các tôn giáo, đồng bào dân tộc trên địa bàn đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân”.

Đồng bào dân tộc Chăm rèn luyện sức khoẻ trên các dụng cụ TDTT do Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Bộ CHQS tỉnh tặng.

Sự đồng tình từ các tổ chức tôn giáo

Đến nay, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp hoạt động với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Ban Đại diện Hội thánh Cao Đài và Giáo hạt Công giáo tỉnh. Các hoạt động được duy trì nhằm củng cố vững chắc mối đoàn kết, gắn bó giữa lực lượng vũ trang với các tôn giáo và giữa các tôn giáo với nhau, vì mục tiêu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Đại đức Thích Thiện Thức- Phó trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cho biết, công tác phối hợp giữa các ban trị sự và lực lượng vũ trang được thực hiện khá chặt chẽ, trong đó phải kể đến tình đoàn kết giữa tịnh xá Trúc Lâm với lực lượng quân sự huyện Tân Biên hay Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tân Châu với cán bộ, chiến sĩ của Ban CHQS huyện thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa cho bà con nghèo.

Mỗi năm, Ban Trị sự và Ban CHQS tỉnh sẽ phối hợp xây tặng 2 căn nhà tình nghĩa Quân - dân cho bà con có hoàn cảnh khó khăn, mỗi căn nhà trị giá 80 triệu đồng. Ngoài ra, trong các dịp lễ lớn của các tôn giáo bạn, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh luôn đồng hành cùng địa phương và ngành chức năng, lực lượng vũ trang thăm hỏi, tạo mối gắn kết giữa các tôn giáo.

“Thông qua ký kết đã tạo sự gắn kết giữa tín đồ Phật giáo với lực lượng vũ trang. Mọi người có nhiều cơ hội làm việc chung, cùng làm công tác dân vận, chung tay giúp đỡ bà con địa phương. Những hình ảnh gắn kết giữa các đơn vị tạo niềm tin cho phật tử, sẵn sàng chung tay hỗ trợ khi địa phương, đơn vị vận động” - Đại đức Thích Thiện Thức cho biết thêm.

Linh mục Võ Hoàn Sinh- Hạt trưởng Hạt Công giáo tỉnh chia sẻ, trước đây, Bộ CHQS tỉnh và Giáo hạt Công giáo cũng đã có các hoạt động phối hợp, thể hiện được ý nghĩa trong xây dựng khối đại đoàn kết, thắt chặt thêm tình nghĩa quân - dân, lực lượng vũ trang và các tôn giáo. Khi có chương trình phối hợp, việc tuyên truyền, hỗ trợ sẽ chặt chẽ hơn, theo định kỳ.

“Việc phối hợp đã mang đến cho đồng bào Công giáo những điều thiết thực, ý nghĩa, cụ thể như các công trình thể dục thể thao xây dựng tại các giáo xứ đang được các giáo dân sử dụng và gìn giữ. Lực lượng vũ trang tỉnh đã động viên đồng bào Công giáo, cùng chung tay góp sức giữ vững an ninh quốc phòng, xây dựng Tổ quốc ngày càng tốt đẹp. Chúng tôi hứa sẽ cố gắng hết sức để thực hiện chương trình ký kết đạt hiệu quả tốt nhất”- Linh mục Võ Hoàn Sinh cho biết.

Từ các hoạt động đã lan toả mạnh mẽ hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, tạo niềm tin của đồng bào dân tộc, tôn giáo đối với lực lượng vũ trang tỉnh nhà.

 

Kỳ 2: Quân với dân cùng một ý chí

Với vai trò, vị trí hết sức quan trọng, lực lượng Quân sự tỉnh Tây Ninh không ngừng nỗ lực, có nhiều đổi mới, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong công tác dân tộc, tôn giáo, góp phần củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng cơ sở, củng cố “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

Ban CHQS thị xã Hoà Thành trao nhà tình nghĩa quân dân cho chiến sĩ Võ Minh Quân, ấp Long Bình, xã Long Thành Nam

Những căn nhà ấm tình quân - dân

Đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là trong cuộc vận động “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Để đồng bào dân tộc, tôn giáo được “an cư, lập nghiệp”, ổn định cuộc sống, lực lượng Quân sự phối hợp các đơn vị khảo sát, chọn đối tượng là gia đình đồng bào, tôn giáo có hoàn cảnh khó khăn để xây tặng “Nhà tình nghĩa quân - dân”, mỗi năm xây từ 1-2 căn nhà, mỗi căn trị giá 80 triệu đồng. Việc trao tặng nhà thể hiện tình cảm của cán bộ, chiến sĩ trong công tác chăm lo, động viên hộ nghèo, giúp họ có nhà ở kiên cố, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Những ngày cuối tháng 9.2022, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Xuân (sinh năm 1980)- là tín đồ tôn giáo Cao Đài, phường Long Thành Bắc được Ban CHQS thị xã Hoà Thành xây tặng “Nhà tình nghĩa quân - dân”. Gia đình chị Kim Xuân có hoàn cảnh khó khăn, chị làm nghề đan bồ trúc thu nhập không ổn định. Hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, đứa con gái từ khi sinh ra đã mắc bệnh. Từ đó, cứ đều đặn mỗi tháng, chị phải đưa con đến viện huyết học để điều trị. Chồng bỏ đi từ khi con còn nhỏ, gia đình ba mẹ cũng không khá giả, nên mọi chi phí làm ra gần như chỉ đủ trị bệnh cho con. Thế nên ước mơ về một căn nhà là điều xa vời với mẹ con chị Xuân. Căn nhà được Ban CHQS thị xã Hoà Thành trao tặng thật sự quý giá đối với chị Xuân, thật ấm áp nghĩa tình.

Hay trường hợp của chiến sĩ Đoàn Bảo An (sinh năm 2002), dân quân thường trực Ban CHQS thị xã Hoà Thành, ngụ ấp Trường Xuân, xã Trường Hoà. Bảo An cho biết: “Tôi tham gia dân quân được 22 tháng. Gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ làm ruộng, làm thuê cho người ta nên tôi nghỉ học phụ giúp gia đình để có tiền nuôi em gái ăn học. Gia đình sinh sống trong căn nhà tạm bợ, che chắn bằng những tấm tôn cũ kỹ. Khi được hỗ trợ xây căn nhà mới, tôi và gia đình vô cùng vui mừng và biết ơn”. Căn nhà của chị Kim Xuân và Bảo An là 2 trong 5 căn nhà tình nghĩa quân - dân được Ban CHQS thị xã Hoà Thành xây tặng cho đồng bào tôn giáo trên địa bàn trong năm 2022.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà vừa được xây tặng, anh Danh Sa Cuôn (sinh năm 1980, ngụ ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh) rất xúc động và biết ơn sự quan tâm, chăm lo của các cấp. Anh Sa Cuôn cho biết, anh là người dân tộc Khmer, hoàn cảnh sống còn nhiều khó khăn. Cả gia đình 10 người cùng sinh hoạt trong căn nhà xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2021, nghe thông tin được hỗ trợ xây dựng nhà mới, anh Cuôn rất mừng. “Ban CHQS Thành phố hỗ trợ xây nhà trị giá 80 triệu đồng, gia đình vay thêm tiền của ngân hàng để xây dựng 1 căn nhà theo ý muốn. Tôi sẽ nỗ lực chăm lo cuộc sống gia đình, tham gia tích cực các phong trào của địa phương để xứng đáng với sự quan tâm, động viên của địa phương”- Danh Sa Cuôn nói.

Xây dựng lực lượng nòng cốt trong các dân tộc thiểu số

Thời gian qua, Bộ CHQS tỉnh tăng cường thực hiện chính sách đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 10 năm (2012-2022), toàn tỉnh tuyển chọn và gọi trên 133 công dân là người dân tộc thiểu số nhập ngũ, số quân nhân này sau khi xuất ngũ được bồi dưỡng trở thành nòng cốt trong các dân tộc thiểu số. Quân nhân là con em của đồng bào dân tộc thiểu số được bố trí công tác phù hợp với khả năng, trình độ và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, địa phương.

Thượng tá Nguyễn Thanh Tịnh- Chính trị viên Ban CHQS huyện Châu Thành cho biết, trên địa bàn huyện có 15 xã, thị trấn, trong đó có 6 xã giáp biên, bà con dân tộc Khmer tập trung chủ yếu ở các xã Hoà Hội, Hoà Thạnh và Ninh Điền. Bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, việc xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ là đồng bào dân tộc được quan tâm thực hiện.

Để làm tốt công tác phát triển lực lượng dân quân tự vệ ở địa bàn có đông dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, Ban CHQS huyện Châu Thành tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm sâu sát, triển khai nhiều chủ trương, giải pháp thiết thực. Trong đó, phối hợp với cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào nhận thức rõ nghĩa vụ, trách nhiệm trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng như quyền lợi, chế độ, chính sách được hưởng khi tham gia dân quân tự vệ.

Tại chốt dân quân Bố Lớn, xã Hoà Hội, lực lượng dân quân thường trực hầu hết là đồng bào dân tộc Khmer. Các anh đã phát huy vai trò dân quân thường trực trong công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống, thiên tai, cứu nạn cứu hộ, được cấp uỷ, chính quyền địa phương và nhân dân đánh giá cao. Nổi bật có thể kể đến anh em Keo Rinh (sinh năm 1974), Keo Ranl (sinh năm 1985) đều là dân quân thường trực đang làm việc tại chốt Bố Lớn.

Keo Rinh và Keo Ranl có đông anh em, từ nhỏ, hai người đã cảm phục trước những hành động cao đẹp của lực lượng vũ trang trong cuộc chiến phòng, chống tội phạm, bảo vệ đường biên, cột mốc. Suốt quá trình sinh sống tại địa phương, hai anh tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; tuyên truyền, vận động người thân, hàng xóm đoàn kết, chung tay giữ gìn an ninh trật tự, nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật. Từng trải qua nhiều công việc khác nhau, họ tạm gác lại tất cả, sẵn sàng tham gia vào lực lượng dân quân thường trực của xã với mong muốn được cống hiến, làm việc có ích cho xã hội.

Keo Rinh cho biết: “Năm 1996, tôi tham gia nghĩa vụ quân sự tại Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Xa Mát, sau khi xuất ngũ, tôi về lại địa phương. Mấy năm nay, tình nguyện tham gia dân quân thường trực xã và được phân công trực tại Chốt dân quân Bố Lớn. Anh em luôn cùng nhau đoàn kết hoàn thành nhiệm vụ. Năm ngoái khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tôi cùng anh em tham gia trực ở khu vực biên giới gặp nhiều khó khăn nhưng mọi người luôn động viên nhau cố gắng vượt qua, không ai chùn bước hay bỏ cuộc giữa chừng. Việc cùng công tác trong một đơn vị là cơ hội để hai anh em tôi đóng góp sức mình, thi đua hoàn thành nhiệm vụ”.

Đối với Keo Ranl- Chốt trưởng Chốt dân quân Bố Lớn, được tham gia vào lực lượng dân quân thường trực là niềm hạnh phúc. Keo Ranl nói: “Tôi rất vinh dự khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam và công tác trong lực lượng vũ trang. Tôi luôn nêu cao trách nhiệm, phát huy hết khả năng của mình, chẳng hạn như việc phiên dịch tiếng Khmer trong những lần giao lưu, gặp gỡ giữa chính quyền địa phương và các xã bạn phía Campuchia. Ngoài công tác phối hợp tuần tra, tôi còn thường xuyên nhắc nhở bà con dân tộc chấp hành pháp luật, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, không nghe lời dụ dỗ, xúi giục của kẻ xấu”.

Trên địa bàn ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Để xây dựng lực lượng nòng cốt trong dân tộc, Ban CHQS xã triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Ông Võ Xuân Vinh- Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã cho biết, trên địa bàn ấp Thạnh Đông thành lập một tiểu đội lực lượng dân quân tại chỗ gồm 9 người, tất cả đều là đồng bào dân tộc Khmer. Khi có tình huống phát sinh, lực lượng dân quân được huy động để kịp thời phối hợp với Công an tham gia giữ gìn an ninh trật tự, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19, vận động nhân dân đăng ký thu gom, dọn rác các tuyến đường... Trong quá trình tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc, lực lượng dân quân tại chỗ là người Khmer nghiên cứu, hỗ trợ phiên dịch nội dung tuyên truyền sang tiếng Khmer cho bà con hiểu và chấp hành tốt. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội ở đây luôn được bà con chấp hành tốt.

Anh Danh Sa Cuôn- Ấp Đội trưởng kiêm Tiểu đội trưởng dân quân ấp Thạnh Đông cho biết: “Ngoài công việc của tiểu đội, tôi tích cực làm ruộng, chăn nuôi bò để phát triển kinh tế gia đình. Khi có công việc, tôi sẽ thông báo cho anh em tập trung lại để tham gia. Vào các đợt tuyển quân, tôi đến từng hộ dân, giải thích cho mọi người hiểu về Luật Nghĩa vụ quân sự, lâu dần bà con hiểu rõ và tích cực tham gia”.

Bằng tình cảm chân thành, cởi mở, mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa lực lượng Quân sự và các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo, dân tộc ngày càng được củng cố, tăng cường. Đây là tiền đề quan trọng góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng đời sống văn hoá, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

 

Kỳ 3: Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của đồng bào dân tộc, tôn giáo trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khối đại đoàn kết toàn dân, lực lượng Quân sự trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết với đồng bào dân tộc, tôn giáo bằng những việc làm thiết thực, sát với tình hình thực tế tại địa phương.

Đồng bào các dân tộc, tôn giáo và lực lượng vũ trang cùng tranh tài ở trò chơi dân gian

Một “sân chơi” chỉ có ở Tây Ninh

Với mong muốn tạo sự kết nối, giao lưu rộng rãi giữa các dân tộc, tôn giáo, gắn kết thân tình giữa quân với dân, thời gian qua, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với các dân tộc, tôn giáo tổ chức hội trại giao lưu giữa lực lượng vũ trang tỉnh và các đồng bào dân tộc, tôn giáo trên địa bàn. Trong từng năm, hội trại giao lưu sẽ có những chủ đề khác nhau như “Nét đẹp văn hoá đặc trưng- Giá trị trường tồn”, “Ngày hội non sông”, “Gắn kết thân thiện, chia sẻ yêu thương”…

Đây là dịp để tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang tỉnh trong thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo và chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; tạo sự đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

Mỗi tiểu trại được thiết kế thể hiện nổi bật đặc trưng của từng tôn giáo, dân tộc của mình. Nhiều cổng trại được thiết kế bảo đảm cả về thẩm mỹ và quy mô như cổng trại của Ban Đại diện Hội thánh Cao Đài, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thu hút nhiều người đến tham quan và chụp ảnh lưu niệm. Sự đặc sắc của những gian trại cùng khí thế sôi nổi của mọi người đã góp phần làm cho không khí hội trại trở nên náo nhiệt hơn.

Đại tá Nguyễn Văn Hoàng- Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh cho biết, hằng năm, Bộ CHQS phối hợp với đồng bào các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh tổ chức hội trại và giao lưu văn hoá văn nghệ, trao đổi về bản sắc văn hoá, đặc trưng dân tộc, hoạt động của lực lượng vũ trang.

“Thông qua việc tổ chức giao lưu, bà con dân tộc, tín đồ tôn giáo sẽ nhìn thấy thực tế cảnh sinh hoạt, học tập, công tác của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang của tỉnh- những người con của các dân tộc, tôn giáo trong thời gian mới nhập ngũ vào môi trường quân đội.

Tổ chức giao lưu, hội trại giúp cán bộ, chiến sĩ được trao đổi, học tập, có nhiều kinh nghiệm sống trong quốc gia đa dân tộc, nhiều hình thức tín ngưỡng tôn giáo. Và những hoạt động này tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam, yêu chuộng hoà bình, sẵn sàng đập tan mọi kẻ thù xâm lược”- Đại tá Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ.

Đây là sân chơi đặc biệt ở Tây Ninh, là nơi thể hiện rõ nét sự gắn kết giữa lực lượng vũ trang và các dân tộc tôn giáo.

Ông Lương Huệ Linh- đại diện cộng đồng người Hoa tỉnh Tây Ninh cho biết, 3 lần Bộ CHQS tỉnh tổ chức, ông đều tham gia. “Nhớ lại lần đầu bà con người Hoa ở thành phố Tây Ninh tham gia hội trại còn lóng ngóng không biết sẽ dựng trại như thế nào, trưng bày những gì. Tới nơi, được các anh ở Ban CHQS Thành phố làm hết, chúng tôi chỉ việc mang vật dụng đến trang trí. Chúng tôi thấy hoạt động rất hay và ý nghĩa”- ông Linh cho biết.

Hội trại diễn ra với nhiều trò chơi dân gian, thu hút đông đảo các thành viên tham gia. Các trại sinh được thoả sức trải nghiệm các trò chơi kéo co, nhảy bao bố, đi cà kheo, đập bong bóng… Với những chiến sĩ trẻ, đây còn là dịp để các bạn hiểu thêm về văn hoá và con người Tây Ninh trung dũng, kiên cường.

Chiến sĩ Võ Hoài Thương tham gia nghĩa vụ quân sự năm 2022 và đây cũng là lần đầu tiên anh được tham gia hội trại giao lưu với các tôn giáo, dân tộc. “Đây là lần đầu em biết Tây Ninh có nhiều dân tộc đang sinh sống như vậy, trước giờ em chỉ biết nhiều là người Khmer và người Hoa thôi. Lần này em mới biết đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh mình còn giữ những nét đặc sắc riêng, nhất là trang phục của các cô gái dân tộc Thái, Khmer… rất sặc sỡ”, chiến sĩ Hoài Thương chia sẻ.

Những kỷ niệm, hành trang có được hôm nay bồi đắp trong các bạn trẻ một tình yêu quê hương sâu đậm, từ đó có những việc làm thiết thực, cùng chung tay xây dựng quê mình giàu đẹp.

Đồng bào dân tộc, tôn giáo vững một niềm tin

Theo Bộ CHQS tỉnh, từ những kết quả bước đầu thực hiện được, Đảng uỷ, Bộ CHQS tiếp tục tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm, nhận thức của tín đồ, đồng bào dân tộc trong thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ, xây tặng công trình văn hoá, thể dục thể thao tại các cơ sở tôn giáo, dân tộc; tặng nhà tình nghĩa quân dân cho người có đạo, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn về nhà ở; vận động chức sắc, chức việc, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc, tín đồ tôn giáo và nhân dân tham gia công tác dân vận cùng hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang.

Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục quán triệt thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; tập trung phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh khu vực biên giới; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, chú trọng đối với các địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị tập trung giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, dân quân thường trực về công tác dân tộc, tôn giáo và chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Công tác dân vận của từng cơ quan, đơn vị thực hiện theo phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” và phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm trước dân”.

Phương Thảo - Ngọc Diêu

Tác giả: Trần Đăng Khoa, BBT-ĐH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập24
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm20
  • Hôm nay30
  • Tháng hiện tại155,394
  • Tổng lượt truy cập8,164,099
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây