Tác phẩm đạt Giải Khuyến khích – Giải Báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ III – năm 2023

Thứ tư - 21/02/2024 16:13 174 0
Loạt bài: Tết trên biển đảo quê hương.Tác giả: Dương Đại Dương (Đại Dương) – Báo Tây NinhThể loại: Báo in

Kỳ I: Nhiều hoạt động đón chào năm mới

Đón năm mới 2023, cùng với đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước, phóng viên Báo Tây Ninh tháp tùng đoàn công tác đến thăm, chúc tết quân dân huyện đảo Trường Sa. Có dịp đến mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc mới thấy Tết ở nơi này có nhiều ý nghĩa và đong đầy cảm xúc.

Cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo Trường Sa quây quần gói bánh chưng mừng năm mới

Mừng năm mới trên đảo Trường Sa

Những ngày cuối năm 2022, cuộc sống trên đảo Trường Sa trở nên rộn ràng, nhộn nhịp. Ngư dân đều tạm gác việc đánh bắt cá, sửa sang nhà cửa chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Đang quét những chiếc lá bàng vuông rơi rụng trước sân, thấy có khách đến thăm, chị Nguyễn Thị Sông vội dừng tay, vào nhà pha ấm trà nóng, mang bánh mứt đãi khách.

Nhấp ngụm trà ấm áp đầu năm, chị Sông tâm sự, hằng ngày, chị ở nhà trồng rau, nội trợ, còn chồng kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá và tham gia công tác dân quân trên đảo. Đón năm mới, chị đã mua sắm một số loại bánh mứt, nước ngọt để cúng ông bà và chuẩn bị gói bánh chưng cúng tết.

Những ngày tết, trên đảo còn diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao như kéo co, nhảy bao bố, đua xe đạp chậm, thi đấu cờ tướng, giao lưu văn nghệ... Chị Sông khoe: “Ở đây, tình cảm dân quân khắng khít như người thân trong gia đình. Nếu bà con thiếu thực phẩm, chỉ cần gọi điện thoại đến các đơn vị trên đảo là sẽ được các anh hỗ trợ hết mình”.

Anh Nguyễn Minh Vinh- chồng chị Sông treo lá cờ Tổ quốc lên trước cổng. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng mới tinh tươm bay phần phật trước gió, chủ nhà mỉm cười hạnh phúc. Mấy ngày nay, sóng to, gió lớn và sắp đến tết nên anh không ra biển đánh cá.

Tranh thủ thời gian này, anh phụ vợ dọn dẹp nhà cửa, trồng lại vườn rau phía sau nhà. Trong phần đất vài chục mét vuông phía sau, anh Vinh trồng nhiều loại rau như rau má, khổ qua, húng quế, mồng tơi, sả, ớt, hành, ngò. Mỗi loại rau quả đều được cả nhà nâng niu. Những trái khổ qua lúc còn nhỏ xíu đã được chủ nhà dùng túi ni-lông bao bọc cẩn thận, tránh sâu rầy phá hoại và bị ảnh hưởng bởi sương muối, sương giá.

Tương tự, những loại rau còn lại đều được che đậy bằng lưới chống sương, chống gió. “Cưng” rau như vậy, nhưng đến lúc thu hoạch, vợ chồng anh đều đem chia sẻ với hàng xóm, loại rau nào còn dư với số lượng lớn mới đem bán cho các chủ tàu đánh cá. N

goài ra, trong vườn nhà anh Vinh còn có hai bụi chuối già hương, trong đó có 2 buồng sai quả, to tròn, sắp tới kỳ thu hoạch. Anh Vinh đặc biệt tỏ ra thích thú với 2 buồng chuối: “Đây là loại chuối trong đất liền đem ra trồng. Phải chăm sóc cẩn thận lắm mới được nhiều nải như thế”.

Ngày cuối cùng của năm cũ, tất cả cán bộ, chiến sĩ và người dân  đảo Trường Sa xúm xít, quây quần trên một khoảng sân rộng và cùng nhau gói bánh chưng. Người lau lá dong, người xắt thịt ba rọi, tẻ nếp, chẻ dây lạt v.v…

Những người biết cách gói loại bánh này vừa gói, vừa “truyền nghề” cho nhiều chiến sĩ trẻ. Trong khi người lớn gói bánh, một số em nhỏ chen vào giữa bố mẹ và các cô, các chú để xem. Thỉnh thoảng, các em nũng nịu đòi được ẵm bồng rồi chạy ra sân đùa giỡn. Cạnh đó, một số chiến sĩ trẻ thắt hoa mai, hoa đào bằng vải lên chậu cây trang trí ngày tết. 

Binh nhất Nguyễn Việt Anh cũng ngồi quây quần gói bánh chưng cùng các cô, chú trên đảo. Lần đầu gói bánh, Việt Anh cuộn lá dong chưa khéo, cột dây chưa chặt, nhưng cuối cùng chiếc bánh vuông vắn cũng hoàn thành.

Nâng niu sản phẩm trên tay, chiến sĩ trẻ tâm sự: “Lần đầu tiên đón tết ở đảo, tôi rất vui và vinh dự. Bên cạnh luôn có những đồng chí, đồng đội và người dân sẵn sàng giúp đỡ và vinh dự hơn nữa là đón tết ở Trường Sa, nơi mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc”.

Thiếu tá Nguyễn Thế Hùng- nhân viên Trạm Kiểm soát biên phòng Trường Sa (thuộc Đồn Biên phòng Trường Sa) quê ở tỉnh Thái Bình. Trước khi vào quân đội, những dịp cuối năm anh Hùng thường ngồi gói bánh chưng với cô dì, chú bác, ông bà trong gia đình nên biết cách gói loại bánh này.

Khi ra đảo Trường Sa công tác, ngồi gói bánh chưng với dân quân trên đảo, anh Hùng không giấu được niềm vui và xúc động. Anh tâm sự: “Mình rất xúc động, vinh dự, tự hào là người chiến sĩ cầm súng bảo vệ biên cương Tổ quốc và được gói chiếc bánh chưng để làm lễ thờ cúng ông bà tổ tiên giữa biển khơi”.

Binh nhất Nguyễn Việt Anh khoe chiếc bánh chưng tự tay anh gói.

Chào cờ trên đảo Trường Sa

Giao thừa đón năm mới 2023 trên đảo Trường Sa bắt đầu bằng chương trình giao lưu văn nghệ với nhiều tiết mục tự biên, tự diễn đặc sắc. Mở đầu chương trình là tiết mục hát múa với bài “Quê em ở Trường Sa” do các em học sinh Trường Tiểu học Trường Sa trình bày.

Với đồng phục áo đỏ, sao vàng, giọng ca trong trẻo và những động tác múa hồn nhiên, các “ca sĩ” nhí khiến khán phòng vang lên nhiều tràng vỗ tay không ngớt. Tương tự, các tiết mục tốp ca nam “Khát vọng tuổi trẻ”, “Những người con của biển”, “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Khúc quân ca Trường Sa”, đơn ca nam “Cha tôi người lính biên phòng”, “Hào khí Việt Nam” của chiến sĩ Trường Sa; tốp ca nữ “Tự nguyện”, đơn ca “Mùa xuân trên quê hương” của các cô gái đến từ Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương v.v… góp phần tạo nên không khí tưng bừng, náo nhiệt cả một góc biển đảo quê hương.

Ngày đầu năm mới 2023 trên đảo Trường Sa bắt đầu bằng nghi thức chào cờ trang nghiêm, long trọng. Trong không khí se lạnh gió mùa Đông Bắc, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, giáo viên và học sinh trên đảo tập trung thành những hàng thẳng tắp trước sân cờ.

Tiếp theo là các nghi thức thay lá cờ mới, chào cờ, hát Quốc ca, đọc 10 lời thề, đọc thư chúc tết của Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 v.v… Đặc biệt là nghi thức duyệt đội ngũ. Lần lượt từng đơn vị, đoàn người diễu hành qua sân lễ với những bước chân đều răm rắp, tạo nên khí thế hừng hừng, đầy quyết tâm trước ngày đầu năm mới 2023.

Sau nghi thức chào cờ đầu năm mới, cán bộ, chiến sĩ và người dân đảo Trường Sa đến viếng Đài liệt sĩ, Đền thờ Bác Hồ, chùa Trường Sa. Tất cả kính cẩn nghiêng mình, thắp hương tưởng nhớ công lao của Bác và các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, để đất nước ấm no, hạnh phúc như hôm nay.

Trường Sa là một trong những đảo lớn trong quần đảo Trường Sa, cách Cam Ranh khoảng 254 hải lý. Đảo có hình dáng như một tam giác vuông, mặt đảo bằng phẳng, cao khoảng 3- 5 mét so với mực nước biển lúc thuỷ triều xuống, được mệnh danh là “Thủ đô của huyện đảo Trường Sa”.

 

Kỳ II: Cuộc sống trên quần đảo Trường Sa

Nơi đây có đầy đủ cơ sở vật chất và cuộc sống diễn ra bình thường như những nơi khác trên dải đất hình chữ S thân yêu.

Chùa Trường Sa Đông.

Đến đảo Trường Sa, chúng tôi có dịp tham quan, tìm hiểu đời sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo. Nơi đây có đầy đủ cơ sở vật chất và cuộc sống diễn ra bình thường như những nơi khác trên dải đất hình chữ S thân yêu. 

Trường học trên đảo

Trên đảo hiện có Trường tiểu học thị trấn Trường Sa. Đây là cơ sở dạy học đặc biệt, chỉ một lớp học gồm 4 học sinh mẫu giáo và 1 học sinh lớp 4 do thầy giáo Bành Hữu Tình (SN 1983) giảng dạy.

Thầy Tình tâm sự, quê anh ở tỉnh Khánh Hoà, trước đây, anh là giáo viên ở địa phương. Một lần tham quan Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, anh xúc động khi biết được có nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì biển đảo. Sau đó, anh tình nguyện làm giáo viên trên đảo Trường Sa cho đến nay.

Thầy Tình kể tiếp, vì chỉ có một mình anh là giáo viên nên thời gian đầu ra đảo nhận nhiệm vụ gặp khó khăn trong việc tổ chức lớp học. Tuy nhiên, lớp học cũng dần ổn định và đi vào nề nếp. Quá trình công tác ở đây, thầy Tình có nhiều kỷ niệm đẹp.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 vừa qua, lãnh đạo các đơn vị đóng quân trên đảo, phụ huynh và các em học sinh đến lớp học chúc mừng thầy giáo, cùng ăn bánh, kẹo, uống nước ngọt, tâm sự với nhau. Còn lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà và Sở Giáo dục và Đào tạo, các đồng nghiệp quan tâm thăm hỏi, động viên bằng những dòng tin nhắn đầy tình cảm.

Sau 5 năm dạy học trên đảo, thầy giáo trẻ này có chút tiếc nuối vì không quyết định ra đảo sớm hơn để được cống hiến nhiều hơn cho mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Thầy Tình tâm sự: “Mặc dù không có điều kiện về nhà vui xuân, đón tết mỗi năm, nhưng với cuộc sống đầy ắp nghĩa tình trên đảo, tôi cảm thấy ấm áp như đang ở nhà cùng người thân của mình”.

Thầy giáo Bành Hữu Tình dạy các em học sinh Trường tiểu học thị trấn Trường Sa hát bài đồng dao Nu na nu nống.

Những ngôi chùa trên đảo

Hiện nay, trên quần đảo Trường Sa có 9 ngôi chùa khá đẹp. Hằng ngày, vào lúc sáng sớm hay chiều tối, nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đến chùa thắp hương, cầu nguyện.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Xuyến- Trạm radar 11 bộc bạch: “Lần nào đến công tác ở đảo Trường Sa, tôi đều đến chùa thắp hương cầu nguyện những điều an lành, tốt đẹp cho gia đình, bạn bè, cộng đồng xã hội. Trong môi trường biển đảo xa xôi, mỗi lần nghe tiếng chuông chùa ngân vang, anh em chiến sĩ đều cảm thấy sự an yên trong lòng”.

Tương tự, trên đảo Trường Sa Đông cũng có ngôi chùa khá quy mô, cổ kính. Trụ trì chùa Trường Sa Đông là Đại đức Thích Quy Nghĩa kể, năm 2022, ông đến đây đã thấy có ngôi chùa này. Hằng ngày, vào lúc 4 giờ sáng cúng thời khoá, 5 giờ đánh chuông. Buổi chiều, 16 giờ cúng thí, 18 giờ 30 đánh chuông, 19 giờ tụng kinh.

“Những ngày rằm, lễ, tết, cán bộ, chiến sĩ trên đảo thường đến chùa thắp hương cầu bình an; cầu nguyện cho quân dân biển đảo nhiều sức khoẻ, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”- Đại đức Thích Quy Nghĩa cho hay.

Chiến sĩ trên đảo Trường Sa thu hoạch đu đủ.

Tăng gia sản xuất trên đảo

Đến thăm một số đơn vị trên đảo Trường Sa, chúng tôi đều thấy những khu tăng gia sản xuất trồng nhiều loại rau xanh và cây ăn trái như cải xanh, cải ngọt, mồng tơi, mướp, bí, đu đủ, chuối v.v…

Trung uý Đặng Tiến Thọ- Phân đội trưởng Phân đội 3, Cụm chiến đấu 2, đảo Trường Sa chia sẻ, những loại rau này do các đoàn công tác đến thăm và tặng hạt giống. Sau đó, chiến sĩ đem gieo trồng trên đảo.

Việc trồng rau trên đảo khó khăn vì thường xuyên có nắng nóng và gió biển mang theo chất mặn, sương muối, sương giá làm ảnh hưởng rất nhiều đến sự sinh trưởng của rau quả.

Để khắc phục tình trạng này, tất cả các vườn rau đều phải xây tường che chắn xung quanh và giăng lưới chống gió, sương bên trên. Để duy trì vườn rau xanh tốt, chiến sĩ gom lá của các loại cây phong ba, cây trai, bàng vuông rụng trên đảo, ủ cho hoai mục, sau đó bón cho vườn cây.

Trên đảo có rất nhiều cây xanh cao to, rợp bóng mát, như cây trai, bàng vuông, phong ba, phi lao... Xen kẽ là nhiều loại cây kiểng, cây ăn trái từ đất liền chuyển ra, như cây dừa, cây sanh, bông giấy, mù u, sứ, nhàu, lá láng v.v... Do đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng ở biển đảo rất khắc nghiệt, hầu hết những loại cây kiểng, cây ăn trái từ đất liền chuyển ra đều được chăm sóc với chế độ đặc biệt.

Chiến sĩ trên đảo Đá Đông A chăm sóc rau xanh.

Đại uý Hoàng Công Thịnh- Chính trị viên Trạm radar 11 cho biết, đặc thù ở đây nước biển dâng cao, gây ngập và gió biển thổi mạnh nên tất cả các loại cây kiểng mới ươm trồng đều phải được quây lưới xung quanh để hạn chế bị ảnh hưởng bởi thời tiết, khí hậu.

Đơn vị ủ lá mục, mua phân bò từ đất liền và gửi tàu chở ra để bón cho các loại cây. Hằng năm, các đơn vị trên đảo đều phát động Ngày Tết trồng cây và mỗi chiến sĩ trước khi ra quân đều trồng 3 cây để làm kỷ niệm với biển đảo.

Đại uý Hoàng Công Thịnh chăm sóc cây kiểng trên đảo Trường Sa.

Nhờ có nhiều cây xanh, môi trường sinh thái trên tất cả đảo thuộc quần đảo Trường Sa đều được cải thiện rất tốt và trở thành nơi thuận tiện cho ngư dân tránh gió bão, tiếp tế lương thực, thực phẩm, rau xanh, nước ngọt.

Ngoài ra, trên một số đảo còn có nhiều cơ sở chăm sóc sức khoẻ, rèn luyện thể thao, vui chơi giải trí, như trung tâm y tế, câu lạc bộ thể thao, sân bóng chuyền, tủ sách, báo… Trung tá Nguyễn Hữu Dục kể, 24 năm trước anh thuộc Trung đoàn Công binh 83 Hải quân, đã nhiều lần tham gia xây dựng các công trình trên biển đảo.

Sau hơn 10 năm chuyển qua nhiệm vụ phóng viên Trung tâm PT-TH Quân đội, có dịp trở lại Trường Sa, anh rất vui vì điều kiện sinh hoạt cải thiện hơn so với hơn 10 năm trước.

“Trước đây, trên các đảo chỉ dùng máy nổ để phát điện, hiện nay đã có hệ thống điện gió, năng lượng mặt trời, hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt và xử lý nước mưa”- Trung tá Nguyễn Hữu Dục chia sẻ.

Ngoài Trường tiểu học thị trấn Trường Sa, trên quần đảo Trường Sa còn có Trường tiểu học Sinh Tồn (đảo Sinh Tồn) và Trường tiểu học Song Tử Tây (đảo Song Tử Tây). 

 

Kỳ III: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ…”

 Lần đầu đến biển đảo cách xa đất liền hàng trăm hải lý, tôi không khỏi ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của biển đảo và xúc động trước sự hy sinh thầm lặng của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió.

Tuần tra trên đảo Trường Sa

Đẹp vô ngần biển đảo của ta

Trước đây, tôi nghĩ biển chỉ có một màu xanh, mãi đến khi có dịp di chuyển bằng phương tiện giao thông đường thuỷ đến quần đảo Trường Sa, tôi mới nhận ra, biển có nhiều màu khác nhau và màu nào cũng đẹp. Ở những vùng biển cạn, gần bờ, nước biển có màu xanh; những vùng biển sâu mặt nước trở nên xanh thẫm.

Gần những hòn đảo, biển đổi màu xanh ngọc. Trên những bãi san hô, đá ngầm, biển trở nên trong vắt. Những buổi bình minh và hoàng hôn, biển nhuộm màu hồng nhạt. Ban đêm, mặt biển chuyển thành màu đen đầy bí ẩn. Những ngày giông gió, biển gầm gừ, đầy sóng trắng. Trời quang mây tạnh, biển phẳng lặng hiền hoà như cô gái chớm yêu.

Ở những nơi biển cạn dễ dàng nhìn thấy từng đàn cá bơi lượn tung tăng, hay những con nhum gai trên nền cát. Khi sóng yên biển lặng, ngư dân ra khơi đánh bắt cá, tôm, câu mực, trên mặt biển từng đàn hải âu sải cánh.

Ngày biển động, ngư dân vào bờ tạm nghỉ, những chú hải âu cũng vào đảo trú chân. Nhìn từ xa, các hòn đảo như hòn ngọc xanh bồng bềnh trên biển. Đến gần mới thấy, trên mỗi đảo đều trồng rất nhiều cây xanh để che nắng gió và làm nơi trú ngụ cho chim muông.

Chị Tạ Thị Thu Huyền- giáo viên Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội)- thành viên Câu lạc bộ (CLB) Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương tâm sự, đây là lần đầu được đến quần đảo Trường Sa, chị cũng bất ngờ trước vẻ đẹp của biển đảo và cảm thấy nơi đây thân thương như quê hương của mình.

“Qua những chuyến đi như thế này, em sẽ có thêm nhiều trải nghiệm và kiến thức để truyền dạy cho học sinh, giúp các em hiểu rõ hơn về những vùng đất cách xa đất liền, nhưng không hề cách xa trong lòng của tất cả người dân Việt Nam”- Huyền thổ lộ.

Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân- Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Vùng 4 Hải quân cho biết, tết là dịp nhiều người về ăn tết với gia đình nhưng bộ đội Hải quân lại vác ba lô ra biển đảo làm nhiệm vụ.

Năm 2022, Vùng 4 Hải quân đã cứu hộ, cứu nạn hơn 100 ngư dân bị bệnh, tai nạn trong quá trình lao động đánh bắt cá trên biển; và đã cứu được 21 tàu cá gặp nạn với hơn 100 ngư dân. Năm 2022, trong điều kiện khó khăn vì dịch Covid- 19, Vùng 4 Hải quân đã tổ chức đưa đón 14 đoàn công tác với hơn 2.000 đại biểu đến thăm quần đảo Trường Sa.

Sau tết cổ truyền, Vùng 4 Hải quân sẽ tiếp tục tổ chức đón một số đoàn đi thăm Trường Sa. Những chuyến đi khẳng định chủ quyền biển đảo của ta. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân cả nước, huy động nguồn lực xã hội, xây dựng Trường Sa đẹp, xanh, sáng hơn, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thắm tình quân-dân nơi biển đảo.

Phát triển Đảng trên quần đảo Trường Sa

Thượng tá Ngô Văn Hưng- Phó Bí thư Đảng uỷ huyện đảo Trường Sa cho biết, đây là một trong những nội dung Đảng uỷ các cấp rất quan tâm. Ngay từ đầu năm Đảng uỷ, các chi bộ có kế hoạch phát triển đảng viên mới, giao chỉ tiêu các đơn vị, chọn những quần chúng có ý chí cống hiến lâu dài trong quân đội, có thái độ trách nhiệm tốt để giới thiệu vào hàng ngũ Đảng. Trong những năm qua, hằng năm, đảo Trường Sa đều phát triển nguồn đảng viên mới theo đúng kế hoạch đề ra.

Đảng viên mới Lê Duy Phương- cán bộ văn hoá xã hội, UBND thị trấn Trường Sa cho biết, trong thời gian công tác ở đảo, Phương được lãnh đạo UBND thị trấn Trường Sa và chỉ huy đảo quan tâm, dìu dắt, giúp đỡ, tạo điều kiện học lớp cảm tỉnh Đảng.

Qua 5 năm phấn đấu, tháng 2.2022, Phương được kết nạp Đảng. Dự kiến đến tháng 2.2023, em được trở thành đảng viên chính thức. “Tôi rất tự hào khi được đứng vào hàng ngũ Đảng và vinh dự hơn nữa là được kết nạp Đảng trên đảo Trường Sa- mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc”- Phương tâm sự.

“Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó…”

Chỉ tính riêng trên đảo Trường Sa, hiện có nhiều công trình được xây dựng với quy mô lớn và ý nghĩa, như Đài liệt sĩ đảo Trường Sa, đền thờ Bác Hồ, nhà khách Thủ đô, trường học, Trung tâm y tế, Đài khí tượng thuỷ văn v.v… Còn nhớ, trong lễ mít tinh kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập Quân chủng Hải quân Việt Nam (7.5.1955- 7.5.1988) tại đảo Trường Sa ngày 7.5.1988, Đại tướng Lê Đức Anh- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “…

Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa- một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta…”.

Năm 1961, khi đến thăm “Công binh xưởng” của Trần Hưng Đạo- nơi làm cọc cắm trên sông Bạch Đằng để chống quân Nguyên, Bác Hồ nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng; ngày nay ta có ngày, có trời, có biển; bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó…”.

Chiến sĩ canh gác cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa.

Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ giao thương, tuyến phòng thủ đầu tiên của nước ta và là không gian sinh tồn của dân tộc ta. Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta cho thấy, phần lớn những cuộc xâm lăng của ngoại bang đều đến từ hướng biển Đông.

Chính vì thế, tầm quan trọng của việc bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển đã được các bậc tiền nhân chỉ ra từ rất sớm. Hơn 500 năm trước, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dự báo về vai trò đặc biệt của biển Đông đối với sự tồn vong của đất nước: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình”.

Đại Dương

Tác giả: Trần Đăng Khoa, BBT-ĐH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

chuyển đổi số
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
thong bao noi bo
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập112
  • Máy chủ tìm kiếm57
  • Khách viếng thăm55
  • Hôm nay5,217
  • Tháng hiện tại387,974
  • Tổng lượt truy cập3,472,268
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây