* “Huyện tự giải phóng huyện, xã tự giải phóng xã” - Tây Ninh cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975
Ngày 31/3/1975, Hội nghị Bộ Chính trị nhận định, thời cơ giải phóng Sài Gòn-Gia Định đã hoàn toàn chín muồi: “Hiện nay ta có đầy đủ lực lượng và khả năng để giành thắng lợi hoàn toàn trong một thời gian ngắn hơn dự kiến rất nhiều”. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ chỉ huy chiến dịch, đặt tên chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn – Gia Định là chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh nhiệm vụ chung là tranh thủ giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa năm 1975, Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền giao nhiệm vụ cụ thể cho Tây Ninh là:
1. Tây Ninh phải tự lực giải phóng địa phương mình.
2. Phải tổ chức đánh địch liên tục để kìm chân Sư đoàn 25, liên đoàn biệt kích 81, và cả lực lượng địch ở địa phương không cho chúng rút chạy về Sài Gòn để góp phần tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực của ta tấn công giải phóng Sài Gòn.
Chấp hành tinh thần Chỉ thị đó, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã đề ra nhiệm vụ: huyện tự giải phóng huyện, xã tự giải phóng xã, không để địch ở địa bàn này sang cố thủ ở địa bàn khác, vận động quần chúng đưa con em tham gia lực lượng vũ trang.
Trong không khí hồ hởi, quyết chí, đồng lòng, toàn quân, toàn dân Tây Ninh đã tổng tấn công địch trên khắp địa bàn trong tỉnh. Ngày 29/4/1975, Trảng Bàng được giải phóng, hai huyện Dương Minh Châu và Gò Dầu được giải phóng cơ bản; ngày 30/4/1975, thị xã Tây Ninh (nay là thành phố Tây Ninh), huyện Châu Thành, huyện Tòa Thánh (nay là thị xã Hòa Thành) được giải phóng hoàn toàn. Trước đó, từ ngày 11 đến ngày 15/3/1975, các lực lượng vũ trang cách mạng đã tấn công các yếu khu của địch trên toàn huyện Bến Cầu và 3 xã cánh Tây của Trảng Bàng. Đến 15 giờ, ngày 15/3/1975, toàn huyện Bến Cầu cùng các xã Phước Lưu, Bình Thạnh, Phước Chỉ (Trảng Bàng), xã Bến Củi (Dương Minh Châu) được giải phóng. Đêm 22 rạng sáng ngày 23/3/1975, ta đánh chiếm khu vực “ấp chiến lược” Mỏ Công, hoàn thành giải phóng huyện Tân Biên.
Mít tinh mừng chiến thắng 30/4/1975 tại sân vận động Tây Ninh. Ảnh tư liệu.
Đến 10 giờ 30 phút, tỉnh trưởng Bùi Đức Tài tuyên bố đầu hàng và ra lệnh cho các địa phương trong tỉnh hạ vũ khí đầu hàng quân cách mạng. Đúng 11 giờ ngày 30/4/1975, Thị xã Tây Ninh được hoàn toàn giải phóng (trước khi Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn là Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện 30 phút).
Trong vòng một tuần lễ, từ đêm ngày 24/4/1975 đến ngày 30/4/1975, quân và dân Tây Ninh đã tổng tấn công địch và giải phóng hoàn toàn Thị xã Tây Ninh (nay là thành phố Tây Ninh). Thắng lợi của Nhân dân Tây Ninh đã góp phần cùng Nhân dân cả nước quét sạch quân xâm lược Mỹ ra khỏi bờ cõi, lật đổ ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
* Vượt qua khó khăn, Tây Ninh không ngừng đổi mới, phát triển
Sau ngày giải phóng (30/4/1975), Tây Ninh không có hoà bình trọn vẹn trong gần 5 năm sau đó, vì vừa phải hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phải chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc; vừa ngăn thù trong, lại cưu mang gần 3 vạn dân Campuchia tị nạn; vừa phải khôi phục và phát triển sản xuất nhằm đảm bảo lo cho đời sống nhân dân Tây Ninh trên các mặt, ăn ở, đi lại, chữa bệnh và học hành; duy trì chi viện sức người, sức của giúp tỉnh Kom-Pong-Chàm (Campuchia) chí tình, chí nghĩa trong 10 năm (1979-1989).
Giai đoạn 1975-1985, quân dân Tây Ninh tập trung vào nhiệm vụ chính là cải tạo, xây dựng và phát triển nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội IV và V của Đảng, đã phấn đấu tự lực được lương thực, từng bước tháo gỡ những khó khăn về kinh tế. Hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng được củng cố kiện toàn, dân chủ được mở rộng, chính trị ổn định, tạo tiền đề cho sự phát triển mới.
Vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội cả nước giai đoạn 1986-1990, bước vào giai đoạn 1991-1995, nền kinh tế của tỉnh có bước phát triển và đạt mức tăng trưởng liên tục với nhịp độ khá cao, tổng sản phẩm xã hội tăng bình quân 11,3%/năm; thu nhập quốc dân tăng bình quân 6,3%/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 9,4%/năm.
Trong 05 năm (1996 - 2000), nền kinh tế của tỉnh cơ bản ổn định và tăng trưởng với tốc độ cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp gắn với nhau cùng phát triển, giải quyết cơ bản mất cân đối giữa sản xuất và chế biến nông sản, hình thành ngành kinh tế mũi nhọn, tiềm năng kinh tế được khai thác tốt hơn. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng bình quân hằng năm 13,3%, tăng cao nhất so với trước đó; tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ ngày càng lớn trong GDP, so với năm 1995. Lĩnh vực văn hoá - xã hội có những tiến bộ mới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; thế trận an ninh nhân dân và quốc phòng toàn dân được củng cố, công tác quân sự địa phương đi vào nền nếp; tuyên truyền và thực thi pháp luật tốt hơn.
Những năm 2001 – 2005, mặc dù phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức; song, đạt được những thành tựu rất quan trọng; hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu và chỉ tiêu phát triển ngành đều đạt và vượt. Nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng với tốc độ cao, phát triển tương đối toàn diện, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân hằng năm 14%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết và là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến năm 2005. Năm 2005, GDP bình quân đầu người 9,6 triệu đồng (tương đương 600 USD).
Công tác an sinh xã hội được các cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm chăm lo.
Giai đoạn 2010-2015, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng, GRDP tăng bình quân hằng năm 10,5%; đến năm 2015 GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 2.630 USD, cao hơn mức trung bình của cả nước và tăng gấp đôi so với năm 2010 (1.357 USD).
Giai đoạn 2015-2020, kinh tế tiếp tục phát triển nhanh, tăng trưởng khá cao, GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7,2%, cao hơn mức bình quân của cả nước; quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,68 lần so với giai đoạn trước.
Giai đoạn 2020 – 2025, mặt dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch COVID-19 chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, để lại hậu quả nặng nề, kéo dài. Tuy nhiên, phát huy tinh thần đoàn kết, niềm tin, khát vọng vươn lên của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân đã tạo nên động lực cơ bản, sức mạnh tổng hợp làm nền tảng để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, tạo nên những biến đổi sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2020 - 2025 ước đạt 6,6%, cao hơn mức bình quân của cả nước. Riêng trong năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của Tây Ninh đạt 8,45%, xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố. Tổng thu ngân sách đạt con số kỷ lục 13.153 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ so với dự toán, tăng 14,3% so cùng kỳ. Với số thu này, Tây Ninh đứng thứ 29/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 5/6 tỉnh Đông Nam Bộ. Thu hút đầu tư trong nước đạt 9.895,1 tỷ đồng, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 530,6 triệu USD. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 68/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 26 xã đạt chuẩn nâng cao, 04 xã đạt chuẩn kiểu mẫu và 01 đơn vị cấp huyện đó là thị xã Hòa Thành hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 0,07%, tương ứng 237 hộ; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,5%.
Hoạt động tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với Nhân dân được chú trọng; quyền dân chủ, sự gắn kết giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân được tăng cường, phát huy.
Với truyền thống yêu nước, cách mạng, sự năng động, sáng tạo, đoàn kết, vượt khó, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, trãi qua 50 năm xây dựng, phát triển, Tây Ninh đã có sự “lột xác” toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên.
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nói chung và giải phóng Tây Ninh nói riêng, là dịp để mỗi người dân quê hương Tây Ninh ôn lại truyền thống, lịch sử hào hùng của dân tộc, của quê hương. Với truyền thống yêu nước, cách mạng, sự năng động, sáng tạo, đoàn kết, vượt khó, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức của Đảng bộ, quân và dân, tin rằng quê hương Tây Ninh sẽ tiếp tục đạt những thành tựu to lớn hơn, toàn diện hơn, tạo động lực để Tây Ninh cả nước bước vào “Kỷ nguyên mới” – kỷ nguyên vươn mình, phát triển phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.
.
Hoàng An
Tác giả: Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy
Ý kiến bạn đọc