Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng là sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, trọng đại của đất nước; là dấu mốc đặc biệt trên con đường phát triển, mở ra kỷ nguyên mới, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc,” “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”. Theo đó, Chỉ thị số 45-CT/TW nêu rõ về nội dung đại hội, công tác chuẩn bị văn kiện đại hội và tổ chức thảo luận, công tác nhân sự, cơ cấu số lượng đại biểu, cơ cấu, số lượng cấp uỷ viên, uỷ viên ban thường vụ và phó bí thư cấp uỷ, quy trình nhân sự cấp uỷ, thực hiện bầu cử trong đại hội, cơ cấu, số lượng đại biểu và việc bầu đại biểu dự đại hội cấp trên, thời gian tiến hành đại hội đảng bộ các cấp như sau:
* Theo Chỉ thị số 45-CT/TW, đại hội đảng bộ các cấp thực hiện 4 nội dung gồm: (1) Tổng kết thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2025-2030. (2) Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng và văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp. (3) Bầu Ban chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ 2025-2030. (4) Bầu đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên.
Những nơi thực sự có khó khăn về công tác chuẩn bị nhân sự, được cấp uỷ có thẩm quyền đồng ý, thì đại hội với 3 nội dung, chưa tiến hành bầu cấp uỷ khóa mới.
Những đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hợp nhất, sáp nhập; đảng bộ xã, phường, đặc khu trực thuộc cấp tỉnh (gồm cả các xã không sáp nhập, các xã thuộc diện hợp nhất, sáp nhập đã tổ chức đại hội), đảng bộ (chi bộ) hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới theo chủ trương, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, thì đại hội với 2 nội dung (tổng kết việc thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 trên cơ sở nội dung nghị quyết đại hội của các đảng bộ, chi bộ trước khi hợp nhất, sáp nhập; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2025-2030 và thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng, dự thảo văn kiện đại hội cấp trên trực tiếp), không bầu cấp uỷ khoá mới và đoàn đại biểu dự đại hội cấp trên. Ban thường vụ cấp uỷ cấp trên trực tiếp chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, uỷ ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cấp uỷ nhiệm kỳ khoá mới và phân bổ số lượng, chỉ định đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên.
Đối với các đảng bộ cấp xã không hợp nhất, sáp nhập nếu đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2025-2030, thì: (i) Tổ chức hội nghị ban chấp hành để thảo luận các dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp theo quy định. (ii) Căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ tiếp tục chỉ đạo rà soát, kiện toàn nhân sự cấp uỷ nhiệm kỳ 2025-2030 và nhân sự đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên, bảo đảm theo đúng quy định.
* Về công tác chuẩn bị nhân sự: Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp uỷ khóa mới phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tiêu chuẩn cán bộ nêu tại Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017, Quy định số 214-QĐ/TW ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị khoá XII và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cấp uỷ các cấp căn cứ vào yêu cầu, tiêu chuẩn chung nêu tại Chỉ thị này để cụ thể hoá cho phù hợp với tình hình, đặc điểm ở cấp mình theo quy định (Phụ lục 1).
* Về độ tuổi tham gia cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (gồm các tổ chức chính trị-xã hội):
Những đồng chí lần đầu tham gia cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (gồm các tổ chức chính trị-xã hội) phải còn thời gian công tác ít nhất trọn 1 nhiệm kỳ trở lên tại thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ ở mỗi cấp.
Những đồng chí được giới thiệu tái cử cấp uỷ phải còn thời gian công tác ít nhất từ 48 tháng trở lên tại thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ ở mỗi cấp. Trường hợp đặc biệt đối với nhân sự là phó bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ phải còn thời gian công tác ít nhất từ 42 tháng trở lên.
Cán bộ tái cử cấp uỷ thì được tái cử các chức danh lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (gồm các tổ chức chính-xã hội) nhưng phải còn thời gian công tác ít nhất 36 tháng trở lên tại thời điểm bầu cử hoặc đại hội của mỗi tổ chức.
* Về độ tuổi tái cử uỷ ban kiểm tra các cấp: Bộ Chính trị giao Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cụ thể hoá, hướng dẫn theo định hướng tăng thời gian tối thiểu tái cử uỷ ban kiểm tra từ 24 tháng thành 42 tháng (tăng 18 tháng so với quy định hiện nay), bảo đảm đồng bộ, thống nhất với độ tuổi tái cử cấp uỷ theo quy định của Bộ Chính trị.
* Về cơ cấu số lượng cấp uỷ viên là nữ: Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp uỷ viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ; phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 42 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp xã) từ 10% trở lên (tính cho cả nhiệm kỳ); phấn đấu tỷ lệ cán bộ có trình độ khoa học, công nghệ khoảng 5%; tỷ lệ cấp uỷ viên là người dân tộc thiểu số bảo đảm phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân tộc và điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. cấp uỷ và người đứng đầu các cấp có thẩm quyền chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, đề bạt, bố trí cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ có trình độ khoa học, công nghệ vào các chức danh có cơ cấu tham gia cấp uỷ khoá mới theo quy định.
* Về cơ cấu, số lượng đại biểu đảng bộ các cấp:
- Các Đảng bộ: Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan Đảng Trung ương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương từ 250 đến 450 đại biểu; Đảng bộ Công an Trung ương từ 300 đến 350 đại biểu; Đảng bộ Quân đội không quá 450 đại biểu.
Các đảng bộ tỉnh, thành phố hợp nhất, sáp nhập: Địa phương sáp nhập từ 2 tỉnh, thành phố không quá 450 đại biểu; địa phương sáp nhập từ 3 tỉnh, thành phố không quá 500 đại biểu; Thành phố Hồ Chí Minh không quá 550 đại biểu.
Các đảng bộ tỉnh, thành phố không hợp nhất, sáp nhập không quá 400 đại biểu; Nghệ An, Thanh Hoá không quá 500 đại biểu; Hà Nội không quá 550 đại biểu.
- Đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở và tương đương không quá 300 đại biểu.
- Đối với đảng bộ các xã, phường, đặc khu trực thuộc cấp tỉnh sau khi hợp nhất, sáp nhập thì số lượng đại biểu đại hội không quá 250.
- Đảng bộ cơ sở: (i) Được giao quyền hoặc thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở, không quá 250 đại biểu, (ii) Các đảng bộ có từ 200 đảng viên trở lên thì tiến hành đại hội đại biểu, số lượng đại biểu do cấp uỷ cấp trên trực tiếp quyết định. (iii) Các đảng bộ có dưới 200 đảng viên thì tiến hành đại hội đảng viên. Trường hợp đảng bộ cơ sở có dưới 200 đảng viên nếu có khó khăn về điều kiện tổ chức đại hội đảng viên và được cấp uỷ cấp trên trực tiếp đồng ý, thì tổ chức đại hội đại biểu; sổ lượng đại biểu do cấp uỷ cấp trên trực tiếp quyết định.
* Thời gian tiến hành đại hội đảng bộ các cấp: Đại hội đảng viên hoặc đại hội đại biểu cấp cơ sở không quá 2 ngày, hoàn thành trước ngày 30/6/2025. Đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở và đảng bộ xã, phường, đặc khu không quá 2 ngày, hoàn thành trước ngày 31/8/2025. Đại hội đại biểu đảng bộ trực thuộc Trung ương không quá 4 ngày (đối với những nơi tiến hành đại hội 2 nội dung thì gian có thể ngắn hơn), hoàn thành trước ngày 31/10/2025.
(Xem chi tiết Chỉ thị số 45-CT/TW tại File đính kèm bên dưới).
Hoàng An
Tác giả: Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy
Ý kiến bạn đọc