Sen Dolta mùa dịch

Thứ tư - 23/09/2020 23:00 263 0

​   Sen Dolta được xem là một trong những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá của người Khmer Nam bộ, có ý nghĩa như lễ Vu lan báo hiếu, là dịp để đồng bào dân tộc Khmer thể hiện tấm lòng thành kính với ông bà tổ tiên đã khuất.

DSC_0858.jpg
Học đạo ở chùa Botum Kiri Rangsay (Khedol), ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh. Ảnh: Dương Đức Kiên

Dịp lễ này được người dân Khmer chuẩn bị hết sức chu đáo với nhiều nghi lễ. Ngoài cúng ở nhà, mọi nghi thức quan trọng diễn ra tại chùa, mọi người hướng lòng thành kính về đức Phật, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên và đặt hy vọng vào những điều tốt đẹp.

Đây cũng là dịp để người Khmer cùng tham gia vui chơi, sinh hoạt giải trí sau những ngày làm lụng vất vả.

Lễ chính Sen Dolta năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ 16 đến 18.9. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên đồng bào Khmer vừa vui lễ, vừa phải thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Không khí những ngày lễ như trầm lắng hơn, điệu nhạc truyền thống ít réo rắc, điệu múa Lâm-thôn gần như vắng bóng trong các thôn làng, phum, sóc của đồng bào Khmer.

Ngày chính lễ thứ nhất, tại sân chùa Botum Kiri Rangsay (chùa Khedol) ở ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh cũng không rực rỡ cờ hoa như mọi năm.

Đi cùng chúng tôi, ông Phạm Hoàng Thành Nam- Trưởng ấp Thạnh Đông, người có nhiều năm gắn bó cùng đồng bào Khmer tại đây cho biết: “Hằng năm, dịp lễ Sen Dolta, đồng bào Khmer tại ấp và khu vực bên ấp Tân Trung B, xã Tân Hưng (Tân Châu) đến viếng chùa, tham gia lễ hội có hơn 1.000 lượt người mỗi ngày".

Trên sân chùa, mọi người ngồi rải rác dưới những tán cổ thụ chờ làm lễ dâng cơm. Sư Lắc-Phát, vị cả nhì chùa cho biết: “Những năm trước, lễ Sen Dolta rất rộn ràng, náo nhiệt. Ban ngày mọi người ăn mặc đẹp đẽ chở ba mẹ đến chùa dâng cơm cho chư tăng, buổi chiều ở lại chơi trò chơi dân gian, tối tụng kinh, ca hát.

Năm nay, do thực hiện phòng, chống dịch nên những hoạt động hội tạm ngưng. Ai cũng cầu mong dịch bệnh sớm qua để mọi thứ được diễn ra bình thường".

Rời chùa, dạo một vòng quanh xóm của người dân, có vài nhà thỉnh sư về làm lễ cầu phước lành.

Anh Lâm Văn Đen (36 tuổi) đến dự lễ tại nhà một người quen chia sẻ: “Năm nay dịch bệnh, gia đình tôi không đến chùa vui hội, chỉ mở một tiệc nhỏ tại nhà mời anh em, họ hàng đến chung vui thôi".

chua 2.jpg

Các chư tăng dùng cơm do tín đồ dâng.

Và tiệc của gia đình anh Đen năm nay cũng thu nhỏ bằng một nửa so với mọi năm. “Không được vui hội như mọi năm, chúng tôi cũng buồn, nhưng mình phải tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch"- anh Đen nói.

Năm nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hai lễ hội lớn của người Khmer là Chol Chnam Thmay và Sen Dolta đều diễn ra lặng lẽ.

Theo sư Lắc-Phát, dẫu phần hội không diễn ra nhưng các nghi lễ truyền thống vẫn được tiến hành đầy đủ.

Để nâng cao nhận thức trong đồng bào về công tác phòng, chống dịch, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con đồng bào dân tộc Khmer vui lễ, giữ gìn nét truyền thống nhưng vẫn bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Tránh tình trạng tập trung đông người, các chùa Khmer trong tỉnh đều không tổ chức các hoạt động văn nghệ hay các trò chơi dân gian.

 Bà Phạm Thị Kim Hoa- Chủ tịch UBMTTQVN xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh cho biết, trên địa bàn xã có hơn 205 hộ đồng bào dân tộc Khmer, những ngày qua, địa phương nỗ lực tuyên truyền để đồng bào hiểu và thực hiện tốt việc phòng, chống dịch Covid-19. Địa phương vận động bà con phật tử tổ chức lễ với quy mô nhỏ gọn mà vẫn đầy đủ ý nghĩa truyền thống.

“Tôi cũng thường xuyên ghé điểm chùa Khmer trên địa bàn để tuyên truyền mọi người thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Ý thức tự giác của mọi người được nâng lên rất nhiều, ai cũng hiểu và chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch để bảo vệ sức khoẻ của chính mình", bà Hoa nói.

Do nhận thức được mức độ nguy hiểm và dễ lây lan của dịch bệnh Covid-19, bà con đồng bào Khmer rất đồng tình với chủ trương của địa phương.

Được khuyến cáo hạn chế việc lên chùa để thực hiện nghi thức dâng cơm, đa số người dân thỉnh các chư tăng về làm lễ tại nhà.

Không khí tại các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh trong dịp lễ Sen Dolta trầm lắng, các phum, sóc không trang hoàng lộng lẫy nhưng các hoạt động truyền thống tại gia đình vẫn được duy trì và hạn chế số người tham dự hơn so với mọi năm.

chua 3.jpg

Người dân hạn chế cúng chùa trong dịp Sen Dolta để phòng chống dịch.

Có thể thấy lễ Sen Dolta của đồng bào dân tộc Khmer năm nay không tổ chức quy mô lớn như những năm trước, niềm vui ngày lễ không được trọn vẹn, nhưng đó cũng là trách nhiệm chung của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Những ngày qua, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã thành lập nhiều đoàn đến thăm và chúc mừng đại đức, sư sãi, ban quản trị ở các điểm chùa Khmer trên địa bàn tỉnh.

Tại đây, lãnh đạo các đoàn ân cần thăm hỏi, chúc các vị sư sãi, già làng, người dân đón lễ Sen Dolta trong niềm vui đầm ấm và hạnh phúc.

Đồng thời, lãnh đạo còn động viên tinh thần để mọi người vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer, vừa góp phần cùng với cả nước phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả nhất.

Hoà Khang - Vi Xuân

Nguồn BTNO

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập176
  • Máy chủ tìm kiếm144
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay5,375
  • Tháng hiện tại230,741
  • Tổng lượt truy cập8,239,446
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây