Đổi thay trên một vùng biên Kỳ 1: Từ một khởi đầu đúng hướng

Thứ ba - 20/10/2020 00:00 203 0

​  Hơn 10 năm trước, Tây Ninh bắt tay vào thực hiện Đề án “Bố trí, sắp xếp, ổn định 3 khu dân cư biên giới Bắc Tây Ninh" giai đoạn 2008-2019 (gọi tắt là Đề án 407). Từ Đề án này đã ra đời một khu dân cư (KDC) biên giới mới- KDC Chàng Riệc ở ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên- nơi trước đó chỉ là một vùng biên giới hoang tàn sau chiến tranh.

doi thay 1.jpg

Cô và trò Trường mầm non Tân Khai, huyện Tân Biên.

Đưa dân ra biên giới và ra đảo sinh sống, lập nghiệp là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm “an dân giữ đất", xây dựng “thế trận lòng dân", chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đối với Tây Ninh, chủ trương này đã và đang được tỉnh hiện thực hoá với phương châm phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng, an ninh.

Hơn 10 năm trước, Tây Ninh bắt tay vào thực hiện Đề án “Bố trí, sắp xếp, ổn định 3 khu dân cư biên giới Bắc Tây Ninh" giai đoạn 2008-2019 (gọi tắt là Đề án 407). Từ Đề án này đã ra đời một khu dân cư (KDC) biên giới mới- KDC Chàng Riệc ở ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên- nơi trước đó chỉ là một vùng biên giới hoang tàn sau chiến tranh.

Ưu tiên hộ nghèo, thiếu đất

Tây Ninh có đường biên giới dài hơn 240km, tiếp giáp vương quốc Campuchia, là địa phương có địa chính trị đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tây Ninh tiếp tục hứng chịu sự tàn phá của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam do bè lũ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary gây ra. Trong ký ức của nhiều người, biên giới Tây Ninh lúc bấy giờ còn hoang vu lắm! Khắp nơi là hố bom mìn, dân cư rất thưa thớt.

Bước vào giai đoạn khôi phục và xây dựng sau chiến tranh, các lực lượng vũ trang đã rà phá hàng trăm ngàn bom mìn các loại ở khu vực biên giới. Tỉnh tập trung xây dựng các chốt dân quân nằm xen kẽ các đồn biên phòng và các cụm dân cư biên giới.

Đề án 407 đề ra mục tiêu xây dựng 3 KDC biên giới gồm: Chàng Riệc ở xã Tân Lập (huyện Tân Biên), Ngã ba Xe Cháy ở xã Tân Hà và Cầu Sài Gòn 2 ở xã Tân Hoà (đều thuộc huyện Tân Châu). Đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo không có đất sản xuất, khó khăn về nhà ở, có lao động trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp; có nguyện vọng đến khu dân cư biên giới, trong đó ưu tiên các hộ có nhiều nhân khẩu, thực sự khó khăn trên địa bàn huyện Tân Biên, Tân Châu và một số địa phương khác trong tỉnh.

KDC Chàng Riệc được thực hiện qua 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2008-2016) hình thành, cấp 300 căn nhà; giai đoạn 2 (2017-2019) xây dựng 75 căn nhà. Mỗi hộ dân đến sinh sống tại KDC biên giới này được cấp một căn nhà 42m2, đất ở 1.000m2 và đất sản xuất 1 ha. Hai KDC Ngã ba Xe Cháy và Cầu Sài Gòn 2 do nằm biệt lập trong rừng tự nhiên, điều kiện khó khăn, đòi hỏi chi phí đầu tư cao, tỉnh đã quyết định dừng thực hiện nhằm bảo đảm hiệu quả thực chất của Đề án.

Cuộc đời mới trên quê hương mới

Ông Thành Từ Dũ- Bí thư Huyện uỷ Tân Biên cho biết: “Tân Biên là huyện có đường biên dài nhất trong 5 địa phương biên giới của tỉnh. Vấn đề lớn nhất của Tân Biên cũng chính là vấn đề biên giới. Khi tỉnh thực hiện Đề án 407, một trong những nhánh của Đề án là xây dựng KDC biên giới Chàng Riệc thuộc ấp Tân Khai, xã Tân Lập.

Đề án này đã mang lại những lợi ích rất lớn cho tỉnh nói chung, huyện Tân Biên nói riêng. Trên vùng đất biên giới hoang sơ năm xưa từng hai lần được chọn làm nơi đứng chân của Trung ương Cục miền Nam- cơ quan đầu não lãnh đạo cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn, nay đã hiện diện một KDC biên giới khá trù phú, đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh và đã thành lập được tổ chức cơ sở Đảng".

Theo Bí thư Thành Từ Dũ, thời gian tới, Tân Biên sẽ chú trọng phát triển Đảng và phát triển kinh tế - xã hội ở ấp Tân Khai; tiếp tục thực hiện những phần việc còn lại của Đề án 407 sau khi đã tổng kết, khắc phục những mặt hạn chế, tồn tại để phát triển KDC biên giới tốt hơn, đồng thời giữ vững mối quan hệ tốt đẹp giữa tỉnh Tây Ninh với các tỉnh bạn Campuchia.

Sau gần 10 năm, diện mạo KDC Chàng Riệc bây giờ hoàn toàn khác so với những ngày đầu nắng chan với nắng. Cây xanh phủ khắp nơi, đường bê tông sạch sẽ, trường học khang trang, nhiều gia đình có điều kiện xây dựng, sửa sang nhà cửa, sắm sửa ti vi, máy lạnh, xe máy, ô tô...

Nhiều cửa hàng tạp hoá, quán tiệm... mọc lên, phục vụ nhu cầu đời sống và giải trí của người dân trên địa bàn. Ấp không còn hộ nghèo theo chuẩn Trung ương. Nhiều hộ vươn lên khá giả nhờ trồng mía, mì, điều, các loại cây ăn trái và buôn bán qua cửa khẩu Chàng Riệc.

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn tiêu của gia đình, ông Nguyễn Văn Chum (56 tuổi, dân tộc Khmer) cho biết: “Ban đầu mới lên đây cũng rất khó khăn nhưng cả gia đình tôi động viên nhau cố gắng chăm chỉ làm lụng. Gầy dựng dần dần rồi cũng được cái vườn trồng tiêu như bây giờ. Đây là tài sản để lại cho con cháu sau này".

Ông Chum chia sẻ thêm, đất ở đây toàn sỏi đỏ, thoát nước rất tốt, phù hợp với cây tiêu, ít khi bị sâu bệnh. Do không có vốn, gia đình ông chọn cách đầu tư dần dần, mỗi năm trồng thêm một ít và tự bỏ công đào giếng trong 3 năm.

Sau 8 năm, từ 300 gốc tiêu ban đầu, đến nay vườn tiêu của ông Chum đã phủ kín 1 ha với 1.700 gốc tiêu đang độ cho thu hoạch. “Giàu có thì chưa thấy, nhưng cuộc sống nay đã ổn hơn trước nhiều. Dân lên đây ai cũng như ai, đều được Nhà nước cấp đất, cấp nhà, chỉ cần siêng năng, chịu khó bám đất bám làng thì không sợ nghèo đói. Tự bản thân tôi cũng có chút tự hào vì từ hai bàn tay trắng vươn lên, gây dựng cơ ngơi, cùng bà con ở đây làm ăn, phát triển vùng biên giới mới này"- ông Chum nói.

Định hướng cho sự phát triển của ấp Tân Khai, Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Tân Lập nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: Tiếp tục quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ấp, tạo điều kiện để nhân dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. “Hạn chế ở Tân Khai là đất khô cằn, mùa nắng thiếu nước tưới cho cây trồng.

Sắp tới đây, xã sẽ đề xuất, kêu gọi đầu tư hệ thống cấp nước để bảo đảm nguồn nước cho bà con sản xuất nông nghiệp. Đối với giáo dục, sau này dân cư đông hơn, xã cũng sẽ sử dụng các nguồn tài trợ xây dựng mở rộng các trường học cho khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của con em ấp biên giới"- Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Tân Lập Đồng Thanh Tùng cho biết.

Yêu trẻ, yêu cả nơi này

Từ khi KDC biên giới Chàng Riệc được xây dựng, hệ thống cơ sở giáo dục ở ấp Tân Khai cũng bắt đầu hình thành, phát triển. Bà Nguyễn Thị Thu Yên- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Biên (Phòng GD&ĐT) thông tin: “Trước năm 2017, ở đây chỉ có những điểm trường của hệ thống giáo dục huyện Tân Biên.

Từ năm 2017, thực hiện chủ trương sắp xếp hệ thống cơ sở giáo dục công lập, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện thành lập Trường mầm non Tân Khai, Trường tiểu học Tân Khai và một điểm phụ của Trường THCS Tân Lập". Những năm qua, Phòng đã tham mưu huyện đầu tư mọi mặt nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cho thầy, trò trên vùng đất biên giới này.

Các trường học ở ấp Tân Khai đều đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng tiêu chí xã nông thôn mới. Hằng năm, các đơn vị trường học trên địa bàn được bổ sung sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư thêm trang thiết bị dạy học. Riêng 3 năm trở lại đây, Tân Biên ưu tiên tuyển dụng đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học tăng cường cho vùng biên giới và đã tuyển được 5 giáo viên tiểu học, 6 giáo viên mầm non bổ sung cho các đơn vị trường thuộc khu vực này.

Cô Bùi Thị Thương- Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Khai cho biết: “Năm học 2020-2021, trường có 72 học sinh của 4 nhóm lớp từ độ tuổi nhà trẻ đến lớp Lá. Đến nay, nhà trường có tổng số 13 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó đã bố trí đủ 2 giáo viên/lớp theo  quy định. Trường cũng tổ chức ăn bán trú cho học sinh, tạo điều kiện để các bậc phụ huynh yên tâm gửi con đi làm".

Một trong những khó khăn của đội ngũ giáo viên hai trường học trên địa bàn ấp Tân Khai là vấn đề đi lại. Ngày mưa cũng như ngày nắng, cán bộ, giáo viên ở đây phải vượt quãng đường từ 60-80km/ngày.

“An cư mới lạc nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho giáo viên yên tâm công tác, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện, Sở GD&ĐT bố trí nhà công vụ, sắp xếp nơi ăn ở cho giáo viên ở xa. Có chỗ ở khang trang, sạch sẽ, thầy cô mới yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao" - Trưởng phòng GD&ĐT cho biết thêm.

Yêu nghề mến trẻ, lại được địa phương quan tâm, tạo điều kiện, cán bộ giáo viên các trường học ở ấp Tân Khai nhiều năm qua luôn vượt khó, cần mẫn đi gieo con chữ cho đàn em nhỏ trên vùng biên giới. Nhiều người đã lập gia đình và “bám rễ" nơi đây.

Một trong số đó là cô giáo Phạm Thị Thuỷ (quê ở huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá) - Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Khai. Cô chia sẻ: “Sau khi vượt qua kỳ thi tuyển và nhận quyết định công tác tại Trường tiểu học Tân Lập, điểm trường Tân Khai từ tháng 10.2013, tôi chưa hình dung nơi đây như thế nào.

Đặt chân lên đây mới thấy KDC biên giới còn rất hoang sơ, tôi và một số đồng nghiệp được nhà trường, địa phương tạo điều kiện cho mượn căn nhà G30 ở tổ 12 ấp Tân Khai làm nơi ở. Ban đầu cũng hơi sợ, cứ đi dạy về lại đóng bít cửa vì KDC bấy giờ còn hoang vắng quá, xung quanh chỉ toàn cỏ. Lúc ấy tôi rất buồn và nhớ nhà.

Nhưng khi vào công tác, thấy học sinh đa số là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh rất khó khăn, các em cũng rất ngoan nên lại... thấy thương. Rồi ngày càng có tình cảm sâu đậm hơn, tôi đã gắn bó với ngôi trường được 7 năm và coi vùng đất này là quê hương thứ hai của mình".

Phương Thuý - Tâm Giang

(còn tiếp)

Nguồn BTNO

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập143
  • Máy chủ tìm kiếm88
  • Khách viếng thăm55
  • Hôm nay6,203
  • Tháng hiện tại231,569
  • Tổng lượt truy cập8,240,274
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây