'Vòng tròn bất tử' trên đảo Gạc Ma - Tượng đài trong trái tim người Việt

Thứ sáu - 15/03/2024 09:31 155 0
Cứ đến ngày 14/3 là muôn triệu người Việt Nam lại thành kính tri ân, tưởng nhớ 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu, hy sinh ở vùng biển đảo Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin của quần đảo Trường Sa để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Trận chiến Gạc Ma thức tỉnh trái tim người Việt về nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Hình ảnh 64 chiến sĩ kết thành “vòng tròn bất tử” trên đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 đã trở thành tượng đài trong trái tim người Việt, viết tiếp bản anh hùng ca trong lịch sử dựng nước, giữ nước của ông cha. Truyền thống anh dũng, kiên cường đó đang được các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục vun đắp, quyết tâm gìn giữ . . .

Cách đây 36 năm về trước, ngày 14/3/1988, lực lượng hải quân nước ngoài với nhiều tàu chiến và vũ khí trang bị hiện đại đã bất ngờ tấn công cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên cụm đảo chìm Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin (Trường Sa, Khánh Hòa). Chúng ngang nhiên dùng vũ khí tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải của ta. Để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, các cán bộ, chiến sĩ ta đã chiến đấu kiên cường, bất khuất và 64 người con nước Việt đã anh dũng hy sinh.

Trong trận chiến đó, hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đứng thành vòng tròn lấy thân mình chống chọi lại đối phương với nhiều vũ khí hiện đại, quyết tâm giữ lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại đảo Gạc Ma đã trở thành biểu tượng “Vòng tròn bất tử”.

Tháng 3/2015, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động đồng bào trong và ngoài nước đóng góp xây dựng đã được khởi công và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2017. Khu tưởng niệm là nơi tưởng nhớ 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh khi bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc ở quần đảo Trường Sa. Điểm nhấn Khu tưởng niệm có chủ đề "Những người nằm lại phía chân trời" với biểu tượng "Vòng tròn bất tử". Không chỉ là nơi để người dân đến tham quan, thắp hương tưởng niệm, “địa chỉ đỏ” này còn góp phần nhắc nhở, giáo dục cho các thế hệ mai sau về sự kiện lịch sử đau thương mà anh dũng.

Đoàn công tác Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân và Trung ương Đoàn dâng hương tại đài tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma trước ngày lên đường thăm quần đảo Trường Sa. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Kể từ ngày khánh thành và chính thức hoạt động đến nay, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã đón hàng trăm ngàn lượt người đến viếng, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Nhiều đơn vị, đoàn thể, trường học đã tổ chức lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên, sinh hoạt truyền thống, giáo dục lịch sử… tại Khu tưởng niệm. Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma cũng bố trí tổ công tác làm nhiệm vụ giới thiệu, hướng dẫn, thuyết minh cho các đoàn đến tham quan.

Cũng tại quần đảo Trường Sa của Tổ quốc, chùa Sinh Tồn trên đảo Sinh Tồn bình yên bên bờ sóng. Chùa Sinh Tồn là nơi đặt tấm bia 64 người con đất Việt đã hoà mình vào sóng nước trùng dương hồi 36 năm trước. Có rất đông cán bộ chiến sĩ, người dân thị trấn Trường Sa và ngư dân khai thác hải sản quanh đảo đến chùa Sinh Tồn để thắp hương, khấn vọng hương linh các anh. Còn nhà chùa thì hằng năm đến ngày này làm cơm chay, xếp hương, hoa tại bia phương danh để cầu siêu cho linh hồn các anh hùng liệt sĩ. Riêng bà con trên đảo Sinh Tồn, ngoài ngày 14/3, những ngày Rằm, ngày mùng 1 âm lịch hằng tháng và ngày lễ, Tết, đều đến chùa Sinh Tồn dâng nén nhang tưởng nhớ, mong các anh yên nghỉ, phù hộ độ trì cho quân dân trên đảo bình an.

Sự tri ân đó còn diễn ra bằng một hoạt động sâu và rộng hơn là chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động từ nhiều năm qua. Chương trình đã liên tiếp vận động sự đóng góp của các nhà hảo tâm, cán bộ công chức lao động, nhân dân cả nước và cả kiều bào nước ngoài chung tay vào việc hỗ trợ, giúp đỡ gia đình của các liệt sĩ. Đến thời điểm này, tất cả thân nhân 64 liệt sĩ Gạc Ma, những cựu binh Gạc Ma đã được tri ân, hỗ trợ thiết thực, từ việc giúp đỡ xây dựng từng căn nhà, đến xin việc làm cho con em liệt sĩ, hỗ trợ thăm hỏi thường niên đối với các gia đình khó khăn...

Nhằm lan tỏa lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý chí quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ Gạc Ma cho thế hệ hôm nay và mai sau, các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đã, đang và tiếp tục tổ chức các hoạt động mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, phù hợp. Tất cả đều thể hiện sự thành kính tri ân, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam với những người đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, vì toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Các anh ngã xuống nhưng lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu kiên trung, bất khuất của các anh còn sống mãi, trở thành nguồn động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục vượt qua khó khăn để xây dựng Trường Sa - Việt Nam ngày càng đổi mới, phồn vinh, phát triển.

Với sự quan tâm cả về vật chất, tinh thần của Đảng, Nhà nước cùng với sự phát triển của đất nước, Trường Sa hôm nay đã vững vàng hơn về nhiều mặt; thực sự là điểm tựa để ngư dân vươn khơi bám biển góp phần bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam./.

Theo TTXVN

Tác giả: Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, Dẫn nguồn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập106
  • Máy chủ tìm kiếm40
  • Khách viếng thăm66
  • Hôm nay16,866
  • Tháng hiện tại308,249
  • Tổng lượt truy cập6,618,841
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây