Tỉnh táo trước tin đồn, tin giả, thông tin thất thiệt về dịch bệnh

Thứ năm - 22/07/2021 00:00 135 0

  ​Trên mạng xã hội hiện đang lan truyền nhiều thông tin chưa đúng, thậm chí xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19. Điều này đã gây hoang mang, lo sợ cho người dân cũng như gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh.


Lực lượng công an xử lý nhiều trường hợp thông tin thất thiệt về dịch Covid-19. Ảnh:cand.com.vn

Mạng xã hội với nhiều tiện ích đang trở thành một trong những kênh giao tiếp thông dụng đối với rất nhiều người trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị và lợi ích đem lại thì sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội đã kéo theo khá nhiều hệ lụy. Điều này chúng ta thấy rất rõ hiện nay, khi đã có nhiều đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp để tung tin đồn, tin giả, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan chức năng nhằm gây hoang mang, lo sợ, kích động quần chúng nhân dân. Thêm vào đó, cũng có một bộ phận người dân, do chưa nhận thức được đúng đắn đâu là thông tin chính thống, đâu là thông tin giả mạo nên vô tình đã tiếp tay, làm lan truyền với tốc độ “chóng mặt" các nội dung thất thiệt này.

Đặc biệt, tại TP. Hồ Chí Minh, trong lúc cả Thành phố đang gồng mình chống dịch Covid-19 nhằm nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân thì những ngày vừa qua đã xuất hiện rất nhiều tin đồn sai sự thật, thậm chí hoàn toàn bịa đặt. Ngày 13 và 14/7, xuất hiện tin đồn “Từ 0 giờ ngày 15/7, TP. Hồ Chí Minh sẽ giới nghiêm người dân, ngưng tất cả các ngành nghề, cấm người dân di chuyển ra ngoài và kêu gọi người dân mua trữ lương thực". Tiếp nhận thông tin chưa kiểm chứng này, một số người dân đã vô cùng hoang mang và đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác phòng, chống dịch bệnh của Thành phố. Mặc dù sau đó, lãnh đạo Thành phố đã khẳng định đây là thông tin không đúng, hoàn toàn sai sự thật, là những thông tin bịa đặt nhưng một bộ phận người dân vẫn bất chấp nguy hiểm khi tiếp tục đi mua đồ tích trữ.

Hay như hiện nay đang lan truyền trên mạng xã hội tin giả về hình ảnh xác chết do Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh. Theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam - VAFC (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông), hình ảnh lan truyền này là thông tin giả mạo. Qua xác minh từ cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh, căn cứ thông tin từ truyền thông xã hội Myanmar và Indonesia, bức ảnh trên được chụp tại bệnh viện Myawaddy, thị trấn ở đông nam Myanmar. VAFC đã có khuyến cáo người dân và cộng đồng mạng không chia sẻ tin giả trên. Vụ việc sẽ được VAFC chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Không chỉ lan truyền các thông tin sai về tình hình dịch bệnh, nguy hiểm hơn một số tổ chức, cá nhân phản động lợi dụng cơ hội này đã kích động, xuyên tạc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta; phủ nhận những nỗ lực và thành quả trong công tác chống dịch, chăm lo đời sống và bảo đảm an toàn cho Nhân dân.


Trong lúc tình hình dịch bệnh căng thẳng, thay vì chạy theo những thông tin chưa được kiểm chứng khiến nhiều người lo lắng thì chúng ta nên lan tỏa những hình ảnh đẹp, những tấm lòng nhân ái để mỗi người có thêm niềm tin, để sức mạnh của sự đoàn kết sẽ góp phần chiến thắng dịch bệnh (ảnh: V.Lê)

Trên thực tế, có thể thấy, những thông tin thất thiệt về dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện từ những ngày đầu tiên bùng phát dịch. Các lực lượng chức năng cũng đã vào cuộc và xử lý không ít các trường hợp vi phạm. Theo thống kê của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính riêng trong năm 2020, các lực lượng chức năng đã xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm trên mạng xã hội về đưa tin sai, bịa đặt về tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam.

Tất cả những vụ đăng thông tin thất thiệt, thậm chí là bịa đặt liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 dù là vô tình hay cố ý cũng đáng lên án và phải xử lý thật nghiêm. Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có những quy định rất rõ ràng trong việc xử lý các trường hợp vi phạm. Tùy mức độ vi phạm, mức nghiêm trọng về hậu quả do hành vi đó gây ra, người vi phạm có thể chịu xử lý vi phạm hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với hình phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù.

Đối với tình hình dịch bệnh như hiện nay, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, dù có phải hi sinh lợi ích kinh tế trước mắt và ngắn hạn.

Trong cuộc họp đột xuất với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về công tác phòng, chống dịch cấp bách ngày 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: "Hiện nay, cả hệ thống chính trị, Chính phủ đang nỗ lực tập trung hằng ngày, hằng giờ vào công tác phòng, chống dịch vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của Nhân dân"; đồng thời đề nghị các thành viên Chính phủ nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên tinh thần trách nhiệm rất cao trước Đảng, trước Nhân dân.

Đợt dịch lần thứ 4 này được nhận định là phức tạp, khó lường. Do vậy, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền, thì mỗi người dân chính là một phần quan trọng để chúng ta khống chế thành công đại dịch Covid-19. Như nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rằng “người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch Covid-19". “Người dân là trung tâm để chúng ta phục vụ nhưng cũng là chủ thể tham gia chống dịch. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân", Thủ tướng khẳng định.

Thiết nghĩ, trước tình hình dịch bệnh hiện nay, người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo, sàng lọc thông tin trước khi tiếp nhận, đăng tải lên mạng xã hội, tránh biến mình thành công cụ phát tán thông tin giả của những kẻ có ý đồ xấu, gây hoang mang dư luận.

Người dân cần chủ động chọn lựa tiếp cận những thông tin được cập nhật kịp thời, minh bạch, chính xác từ Bộ Y tế và các báo đài chính thống đồng thời tích cực áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, cho gia đình và cộng đồng.

Mỗi người cần nói "không" với tin giả, tin sai sự thật, để trở thành một phần của "lá chắn" trước những luồng thông tin độc hại. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của lòng yêu thương, sự nhân ái, cùng chung sức, đồng lòng; luôn tin tưởng, ủng hộ, chia sẻ với các cơ quan chức năng để Việt Nam sớm đẩy lùi dịch bệnh.

 

Vương Lê

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập24
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm21
  • Hôm nay1,029
  • Tháng hiện tại20,538
  • Tổng lượt truy cập7,818,446
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây