Chính phủ đồng ý 19 tỉnh thành áp dụng các biện pháp cao hơn Chỉ thị 16

Thứ tư - 21/07/2021 22:00 92 0

  ​Các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 có thể áp dụng các biện pháp với yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn.

Đây là một trong những nội dung đáng lưu ý trong Nghị quyết số 78 về phiên họp chuyên đề phòng, chống dịch Covid-19 mà Chính phủ vừa ban hành.

Lập Tổ công tác “đặc biệt" của Chính phủ đặt tại TP. Hồ Chí Minh

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các bộ, ngành tăng cường chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu đối với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam ở cấp liên vùng.


Các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải thực hiện nghiêm, chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa. 

Đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức chấp hành của người dân, bảo đảm thực hiện chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16. Đặc biệt có thể thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao hơn đối với các địa bàn có diễn biến dịch tễ phức tạp tại một số địa phương.

Chính phủ khẳng định rõ mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết.

"Chính phủ quyết nghị thành lập Tổ công tác “đặc biệt" của Chính phủ, đặt tại TP. Hồ Chí Minh dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ, các vấn đề cấp bách, phát sinh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội", Nghị quyết nêu rõ.

Ngoài ra, Chính phủ cũng giao Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan ban hành danh mục mua sắm tập trung đối với các sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế… phục vụ phòng, chống dịch.

Căn cứ tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, yêu cầu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết. Việc đầu tư, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế... kịp thời, hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong phòng, chống dịch hiện nay, được áp dụng quy định về mua sắm tại các Điều 22 và Điều 26 Luật đấu thầu.

Bộ Y tế chủ trì, cùng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp... dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, dự toán kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, hoàn chỉnh Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về cơ chế mua sắm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Không tự ý đặt ra “giấy phép con" làm ách tắc, cản trở lưu thông hàng hóa

Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, ngành; UBND các tỉnh, thành, đặc biệt là các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thống nhất quan điểm chỉ đạo: Nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch.

Đặc biệt là nâng cao ý thức và sự chấp hành Chỉ thị 16 của Nhân dân đối với các yêu cầu về giãn cách cá nhân với cá nhân, giữa gia đình với gia đình, không tụ tập đông người, hạn chế việc đi lại, không ra khỏi nhà nếu không có việc thật sự cần thiết...

Các cơ quan, đơn vị tăng cường làm việc trực tuyến, bố trí người đi làm luân phiên tại công sở không quá 50%. Việc thực hiện các yêu cầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của mỗi người dân. Các trường hợp vi phạm đều phải được xử lý nghiêm theo đúng quy định.


Thực hiện tốt công tác vận tải, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách và các địa phương khác.

Tập trung, ưu tiên nguồn lực cao nhất có thể cho hoạt động phòng, chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội. Tăng cường các lực lượng chuyên môn, chuyên gia, kể cả chuyên gia độc lập bảo đảm đánh giá, nắm chắc và dự báo đúng tình hình, nguy cơ diễn biến dịch bệnh để có biện pháp ngăn chặn, kiểm soát phù hợp, khả thi, hiệu quả.

Thực hiện tốt công tác vận tải, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách và các địa phương khác; bảo đảm cung ứng kịp thời hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho Nhân dân tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội...

"Các địa phương không tự ý đặt ra “giấy phép con" làm ách tắc, cản trở việc lưu thông hàng hóa và người thi hành công vụ", Chính phủ lưu ý.

Ngoài ra, Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc, tập trung đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả chiến lược vắc xin, trong đó tăng cường tiếp cận đa dạng các nguồn vắc xin để mua được nhiều nhất có thể trong thời gian sớm nhất. Đẩy nhanh tiến độ chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước. Tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin bảo đảm kịp thời, an toàn, hiệu quả.

Sẵn sàng huy động khách sạn làm nơi cách ly khi dịch bùng phát

Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (19 tỉnh thành) phải thực hiện nghiêm, chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa.

Các địa phương này chủ động, sáng tạo, linh hoạt áp dụng các biện pháp phù hợp và có thể áp dụng các biện pháp với yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn quy định tại Chỉ thị 16, nhất là kiểm tra, giám sát chặt chẽ giãn cách giữa người với người, giữa gia đình với gia đình, tổ dân phố với tổ dân phố...; hạn chế nhiều hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa sự giao lưu, gặp gỡ giữa người với người.

Rà soát, khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập đã xảy ra vừa qua trong phòng, chống dịch, nhất là việc thực hiện giãn cách chưa nghiêm, chưa hiệu quả. Huy động cả hệ thống chính trị tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện Chỉ thị 16...

Các tỉnh thành, chủ động rà soát, nắm chắc về số lượng, năng lực tiếp nhận của các khách sạn, cơ sở lưu trú, trường học, ký túc xá sinh viên trên địa bàn và hạ tầng cơ sở vật chất khác... Trên cơ sở đó sẵn sàng các phương án huy động kịp thời các cơ sở này nhằm bảo đảm năng lực cách ly trong trường hợp dịch bùng phát. Làm khu cách ly cho công nhân của các cơ sở sản xuất an toàn, quản lý công nhân đi về theo phương châm “một cung đường, hai điểm đến".


Bên trong bệnh viện tuyến cuối điều trị Covid-19 lớn nhất TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Tùng

Chính phủ thống nhất phân công trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Y tế, chuẩn bị kịch bản cao hơn để không bị động, lúng túng, chuẩn bị kỹ các phương án ứng phó theo từng cấp độ dịch bệnh có thể xảy ra. Tuyệt đối không để thiếu bệnh viện, trang thiết bị y tế nhất là oxy, máy thở.

Bộ trưởng Y tế chỉ đạo, hướng dẫn việc kịp thời mua sắm đủ thiết bị bảo hộ cho các lực lượng trực tiếp làm công tác phòng chống dịch, trong đó có tỷ lệ mua sắm dự phòng để sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch cao hơn; có văn bản hướng dẫn ban hành theo thủ tục rút gọn; có hướng dẫn bằng văn bản việc thực hiện rút ngắn thời gian cách ly tập trung đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19.

Đồng thời, khẩn trương, kịp thời có hướng dẫn phân loại các trường hợp F0, F1, F2 để có biện pháp quản lý phù hợp, khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; đặc biệt chú trọng chỉ đạo thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin bảo đảm kịp thời, an toàn, hiệu quả...

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo triển khai thống nhất các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung trong phòng, chống dịch trên toàn quốc; giám sát, đánh giá tình hình, kết quả triển khai để liên tục hoàn thiện các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung.

Các doanh nghiệp bưu chính lớn tập trung tham gia vận chuyển, cung cấp hàng hóa thiết yếu tại các điểm phục vụ bưu chính (hoặc qua hình thức lưu động) cho người dân ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, các cơ quan báo chí thuộc phạm vi quản lý tổ chức thực hiện tốt công tác truyền thông, cung cấp kịp thời thông tin cho Nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, huy động toàn dân đoàn kết, tham gia phòng, chống dịch.

Qua đó để Nhân dân hiểu, bình tĩnh, chia sẻ, ủng hộ và tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch; giám sát, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc, xuyên tạc, giả, bịa đặt, các hình thức lừa đảo trực tuyến lợi dụng tình hình dịch bệnh trên không gian mạng...

Nguồn vietnamnet

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập75
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm44
  • Hôm nay12,387
  • Tháng hiện tại218,680
  • Tổng lượt truy cập8,227,385
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây