Đảng Cộng sản Việt Nam - Người lãnh đạo, tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam!

Thứ bảy - 01/02/2025 14:54 181 0

* Hội nghị hợp nhất 03 tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 

Đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, từ ngày 06/01 đến ngày 07/02/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp ở bán đảo Cửu Long thuộc Hồng Kông (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái QuốcHội nghị đã nhất trí hợp nhất 03 tổ chức cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng tại Hà Nội; An Nam Cộng sản Đảng ở Nam kỳ; Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn ở Trung Kỳ) thành lập một đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua các văn kiện gồm: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng và Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và tất cả đồng bào bị áp bức, bóc lột nhân dịp thành lập Đảng.  

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) đã quyết nghị lấy ngày 03/02 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vô cùng quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam, quyết định sự phát triển của dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là thành quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam; chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đủ sức lãnh đạo cách mạng. 

* Những mốc son vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam

Chỉ trong vòng 15 năm sau khi ra đời  (1930 - 1945), Đảng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền, kết thúc thắng lợi bằng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, phá tan sự thống trị của thực dân gần một trăm năm và lật đổ chế độ phong kiến đè nặng lên nhân dân ta mấy mươi thế kỉ, mở ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới; kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”

Đến năm 1954, khi mới 24 tuổi, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược tại Việt Nam.

Đến năm 1975, sau 45 năm thành lập, Đảng đã lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh đuổi, buộc đế quốc Mỹ xâm lược sừng xỏ trên thế giới rút khỏi Việt Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).

* Đảng lãnh đạo Nhân dân tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên cả nước, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1975 đến nay

Sau Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975), Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân vừa ra sức khôi phục kinh tế - xã hội vừa chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cùng với quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng; đồng thời tập trung lãnh đạo xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, việc duy trì lâu dài mô hình, cơ chế kinh tế tập trung bao cấp không còn phù hợp và đã bộc lộ những hạn chế, nhược điểm; việc hoạch định và thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa, có lúc, có nơi đã mắc sai lầm khuyết điểm chủ quan, duy ý chí.

Trên cơ sở đánh giá tình hình đất nước và qua quá trình tìm tòi, khảo nghiệm, Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. 

Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, nước ta đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, lợi ích quốc gia dân tộc được bảo đảm. Quy mô nền kinh tế nước ta đã tăng 96 lần so với năm 1986, lọt top 40 nền kinh tế hàng đầu, quy mô thương mại Top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực; thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia vùng lãnh thổ trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có toàn bộ các thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nền kinh tế nhóm G7. Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hoàn thành về đích sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học – công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng nâng cao; tham gia đóng góp tích cực duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới. Từ Đại hội lần thứ I (1935) Đảng ta có khoảng 500 đảng viên đến Đại hội XIII (2021) Đảng ta có khoảng hơn 5 triệu đảng viên và hơn 53.800 tổ chức cơ sở đảng.

Những thành tựu vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo, là kết quả của một quá trình nỗ lực, phấn đấu liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của Đảng, phù hợp với thời đại và thực tiễn Việt Nam, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

* Trên quê hương trung dũng kiên cường

95 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Tây Ninh không ngừng phát huy truyền thống yêu quê hương đất nước, truyền thống đoàn kết, quật cường trong cuộc đấu tranh chống quân xâm lược và ách thống trị hà khắc của chế độ phong kiến, tay sai, liên tục đứng lên theo tiếng gọi của Đảng làm cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, đánh đổ phát xít Nhật, thực dân Pháp và chính quyền tay sai phản động, lập ra chính quyền cách mạng dân chủ nhân dân từ cơ sở đến tỉnh. 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân dân Tây Ninh với chân lý không có gì quí hơn độc lập tự do, thà hy sinh tất cả, chứ nhất quyết không làm nô lệ, đã vượt qua muôn vàn gian khổ  hy sinh, lập nên nhiều chiến công anh hùng.

Sau Ngày giải phóng (30/4/1975), Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới từ một xuất phát điểm rất thấp. Cơ sở hạ tầng bị phá huỷ nặng nề, 60/73 xã trong tỉnh bị tàn phá hoàn toàn, hơn 9.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Toàn tỉnh không có một công trình thuỷ nông quan trọng nào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; hoạt động công nghiệp gần như không có; đại bộ phận Nhân dân sống trong nghèo khó, hàng vạn đối tượng chính sách cần được chăm lo.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, với truyền thống “trung dũng, kiên cường”, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh đã nêu cao tinh thần tự lực tự cường, quyết tâm cao độ để vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phấn đấu xây dựng tỉnh nhà. Trong 10 năm 1975-1985, Tây Ninh tập trung cải tạo, xây dựng và phát triển nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội IV và V của Đảng đề ra, chủ yếu lấy sản xuất lương thực làm nhiệm vụ trung tâm hàng đầu, cho nên từ chỗ Tây Ninh phải nhận sự chi viện của Trung ương đã phấn đấu không những tự lực được lương thực, mà còn làm nghĩa vụ với Trung ương và từng bước tháo gỡ những khó khăn, đưa nền kinh tế - xã hội đi vào quỹ đạo xã hội chủ nghĩa. 

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ đã tập trung trí tuệ, tìm quyết sách lãnh đạo, khai thác, tận dụng tiềm năng - lợi thế, xác định đúng đắn chiến lược phát triển cùng lộ trình và bước đi phù hợp, tạo bước đột phá vươn lên, đưa Tây Ninh không ngừng phát triển, giành được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện.

Nhất là từ sau Đại hội VI, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trãi qua 11 kỳ Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ không ngừng đổi mới tư duy, phương pháp lãnh đạo khoa học, sâu sát cơ sở, tập trung trí tuệ, tìm quyết sách lãnh đạo, khai thác, tận dụng tiềm năng - lợi thế, tạo bước đột phá vươn lên, đưa Tây Ninh không ngừng phát triển. Riêng trong năm 2024, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Tây Ninh tiếp tục đoàn kết thống nhất, nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, duy trì tăng trưởng tích cực, với 14/17 chỉ tiêu ước thực hiện đạt và vượt Nghị quyết năm 2024. Tổng sản phẩm trong tỉnh thực hiện 64.925 tỷ đồng, tăng 8,45% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng của tỉnh tăng cao hơn bình quân chung cả nước (GRDP tăng trên 8,45%), xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 13.153 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ so với dự toán. Với số thu này, Tây Ninh đứng thứ 29/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 5/6 tỉnh Đông Nam Bộ; tỷ lệ thu đứng thứ 32/63 tỉnh, thành phố.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 05 khu công nghiệp đi vào hoạt động; thu hút đầu tư trong nước đạt 9.895,1 tỷ đồng, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 530,6 triệu USD. Luỹ kế, trên địa bàn tỉnh có 422 dự án trong nước đang hoạt động với số vốn 75.421 tỷ đồng; có 246 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động với số vốn 7.932 triệu USD.

Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng ổn định, riêng du lịch đạt nhiều kết quả nổi bật lượng khách du lịch đạt 5,6 triệu lượt, đưa tổng doanh thu du lịch đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ.

Nông nghiệp có sự tăng trưởng vượt bậc, tiếp tục là khu vực cơ bản, cơ cấu nội ngành có sự chuyển đổi theo hướng sản xuất quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao; phát triển sản phẩm OCOP, có 125 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao trở lên. Toàn tỉnh đã có 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 04 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thị xã Hòa Thành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Tây Ninh được đẩy mạnh toàn diện.

Công tác quốc phòng, an ninh, xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ được chú trọng.

Công tác quốc phòng, an ninh được các cấp uỷ đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, gắn với xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được đẩy mạnh, nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự được nhân rộng. Quan hệ hợp tác với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia được tăng cường, xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh, không để xảy ra “điểm nóng” trên tuyến biên giới. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, bản lĩnh chính trị, tư duy và năng lực lãnh đạo được nâng lên. Đối với Tây Ninh, 95 năm (1930-2025) đấu tranh anh dũng kiên cường của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà là chặng đường vẻ vang, hào hùng nhất trong lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2025) là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử, truyền thống quý báu của Đảng, để tự hào và quyết tâm tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy tinh thần cách mạng, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XI, quyết tâm xây dựng quê hương Tây Ninh ngày càng phát triển, tạo động lực để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

 

Hoàng Trần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay7,202
  • Tháng hiện tại72,815
  • Tổng lượt truy cập8,421,445
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây