Công tác dư luận xã hội ngày càng toàn diện, đi vào chiều sâu

Thứ ba - 13/08/2024 06:19 247 0
​​​​​​​Việc tiếp nhận, nắm bắt thông tin phản hồi, tình hình tư tưởng, dư luận từ cán bộ, đảng viên, Nhân dân vô cùng quan trọng, giúp Đảng, Nhà nước kịp thời có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý phù hợp. Chính vì lẽ đó, việc ứng dụng khảo sát dư luận xã hội (DLXH) phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương càng mang ý nghĩa chính trị quan trọng, góp phần, bảo vệ vững chắc thành quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh ở địa phương.

* Linh hoạt, xây dựng lực lượng nắm DLXH rộng rãi

Thực hiện  Kết luận số 100-KL/TW, ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH, những năm qua, để phát huy vai trò công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tây Ninh đã không ngừng trao dồi, đúc kết kinh nghiệm và mạnh dạn trong tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo triển khai thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác DLXH theo hướng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Trong khi đa số các địa phương khác xây dựng lực lượng công tác viên DLXH ở 02 cấp (tỉnh, huyện) thì riêng Tây Ninh đã xây dựng lực lượng nắm dư luận xã hội một cách linh hoạt, đa dạng, ở cả 03 cấp tỉnh, huyện, xã. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 2.700 cộng tác viên DLXH, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị đạt tiêu chuẩn theo quy định. Lực lượng cộng tác viên DLXH các cấp thường xuyên được rà soát, củng cố, kiện toàn, được bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động ít nhất 02 lần/năm nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động.

Bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội.

* Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác DLXH

Công tác nắm bắt, tổng hợp tình hình dư luận xã hội có sự đổi mới theo hướng chủ động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Trước năm 2014, việc trao đổi thông tin, nắm DLXH chủ yếu thực hiện thông qua điện thoại, báo cáo bằng văn bản, phát phiếu giấy trong khảo sát DLXH. Từ năm 2014 đến nay, bên cạnh các hình thức trên, công tác DLXH trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng nhiều hơn việc báo cáo, trao đổi thông tin thông qua các nhóm Facebook, Zalo, Mocha 35, khảo sát DLXH trực tuyến với bảng hỏi được thiết kế trên Google docs; sử dụng phần mềm SPSS trong tổng hợp, phân tích số liệu khảo sát, minh hoạ biểu đồ trong báo cáo kết quả khảo sát. Đối với các cuộc điều tra DLXH do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ triển khai thực hiện trước đây tối đa mỗi năm chỉ thực hiện 02 cuộc khảo sát DLXH với số lượng 1.000 phiếu/cuộc, hiện nay, trung bình hằng năm thực hiện từ 2 đến 4 cuộc với số lượng ít nhất từ 3.000 phiếu/cuộc. Qua sự vận dụng, đổi mới này không chỉ mở rộng phạm vi, đối đượng mà còn nâng cao chất lượng, độ tin cậy trong báo cáo kết quả điều tra DLXH.

Triển khai điều tra dư luận xã hội qua ứng dụng Google Docs.

Cùng với việc tăng số cuộc và mở rộng đối tượng điều tra DLXH, công tác DLXH còn được tăng cường, mở rộng thông qua việc xây dựng, nhân rộng các diễn đàn tuyên truyền trên mạng xã hội từ tỉnh đến cơ sở, từng bước đưa các diễn đàn này thành kênh thông tin chính thống của địa phương, cơ quan, đơn vị, là phương tiện hiệu quả, đắc lực trong tuyên truyền, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh. Đến nay, hệ thống Tuyên giáo trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và định hướng thành lập trong toàn tỉnh hơn 3.000 nhóm Zalo, thông qua đó, hệ thống tuyên giáo, lực lượng nắm DLXH các cấp kịp thời phát hiện, phản ánh các diễn biến tư tưởng, DLXH ở cơ sở, hình thành thế chủ động trong nắm bắt, dự báo tình hình, phối hợp chỉ đạo tuyên truyền, định hướng dư luận đối với các vấn đề nổi cộm, nhạy cảm phát sinh.

Đồng thời, ban tuyên giáo các cấp đã định hướng, hướng dẫn thành lập hơn 470 diễn đàn tuyên truyền trên mạng xã hội Facebook, thông qua các diễn đàn này hằng năm chia sẻ, đăng tải hàng trăm nghìn tin, bài, video clip, Infographic… nhằm lan toả, phủ xanh thông tin tích cực, góp phần ổn định tư tưởng, củng cố, tăng cường niềm tin của các tầng lớp Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ.

Các diễn đàn tuyên truyền trên mạng xã hội.

* Gắn công tác DLXH với công tác phối hợp các cơ quan Nhà nước trong thực thi pháp luật, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm

Công tác phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình tư tưởng, DLXH giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước, Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp ngày càng được tăng cường. Hằng năm, ban tuyên giáo các cấp ký kết chương trình (kế hoạch) phối hợp với cơ quan nhà nước cùng cấp, đồng thời duy trì phối hợp tổ chức các cuộc họp, hội nghị thường xuyên, định kỳ để cung cấp thông tin, kịp thời nắm bắt DLXH và đề xuất, thống nhất giải pháp giải quyết kịp thời những vấn đề dư luận quan tâm.

Chỉ riêng công tác phối hợp điều tra DLXH, từ tháng 9/2014 đến 6/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã thực hiện 27 cuộc điều tra DLXH (trong đó có 08 cuộc phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bảo hiểm xã hội Tây Ninh, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Báo Tây Ninh, BHXH tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh). Qua các cuộc khảo sát, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ gửi kết quả khảo sát đến các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan chức năng nhằm cung cấp nguồn dữ liệu có giá trị để tham khảo, nghiên cứu, vận dụng, điều chỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Đối với dư luận xã hội trước các vụ việc bức xúc, nổi cộm, dư luận quan tâm như: về vấn đề người gốc Việt tại Campuchia; vụ việc tại huyện Cư Kuin - Đắk Lắk; vụ việc phức tạp về đất đai ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội)..., ban tuyên giáo các cấp đã chủ động tham mưu cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, định hướng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, an ninh tư tưởng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, giữ vững môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.

* Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác DLXH

Công tác DLXH trên địa bàn tỉnh thời gian qua đó nhiều đổi mới, tiến bộ đáng kể, tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế nhất định như: Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền có lúc có nơi chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội ở cấp, ngành mình quản lý. Vai trò nắm bắt, phân tích, dự báo và phản ánh tình hình, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội của một bộ phận lực lượng làm công tác DLXH còn hạn chế.

Thiết nghĩ, đế khắc phục hạn chế, tiếp tục phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, ban tuyên giáo các cấp cần tiếp tục tham mưu cấp uỷ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết luận số 100-KL/TW, ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) gắn với Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 4/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc sử dụng internet, mạng xã hội, đấu tranh, phản bác, các quan điểm, thông tin, sai trái, thù địch. Phát huy vai trò người đứng đầu trong việc nắm bắt dư luận xã hội để có biện pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề phức tạp, nhạy cảm mới nảy sinh. Nâng cao trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác dư luận xã hội, nhất là trong phối hợp tuyên truyền, định hướng dư luận bức xúc nảy sinh, vấn đề Nhân dân quan tâm.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt, tăng cường công tác thông tin định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội; có hình thức hỗ trợ về phương tiện hoạt động cho các thành viên chủ chốt của đội ngũ này.

Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, đề ra phương hướng, giải pháp tổ chức tốt công tác nắm dư luận xã hội. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tổ chức làm tốt công tác dư luận xã hội; kiên quyết chấn chỉnh, nhắc nhở các trường hợp cán bộ, đảng viên có hành vi tương tác, chia sẻ, đăng tải các nội dung có tác động tiêu cực về dư luận xã hội.

 

Hoàng Trần

Tác giả: Trần Hoàng Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập502
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm476
  • Hôm nay14,094
  • Tháng hiện tại220,387
  • Tổng lượt truy cập8,229,092
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây