Cẩn trọng với những nguy cơ hậu COVID-19

Thứ tư - 04/05/2022 23:00 126 0

​  Tuỳ thuộc vào các tổn thương do COVID-19 gây ra hoặc do biến chứng trong thời kỳ này mà bác sĩ cần làm thăm dò, phối hợp các chuyên khoa có phác đồ điều trị phù hợp.


Một bệnh nhân đang điều trị di chưng hậu COVID-19 tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh.

Nhiều người dù đã khỏi bệnh COVID-19 nhưng khó tránh những di chứng hậu Covid-19 kéo dài như ho, khó thở, thở hụt hơi, mệt mỏi, tim đập nhanh, đau cơ bắp, rụng tóc, rối loạn nội tiết… Tuy nhiên, vẫn có người mắc các di chứng nặng dẫn đến viêm cơ tim, suy thận, viêm não tuỷ lan toả cấp tính, các triệu chứng thần kinh... phải nhập viện điều trị, gây ảnh hưởng sức khoẻ và tài chính.

Có thể dẫn đến tử vong

Trường hợp bà N.T.L. (38 tuổi, ngụ xã Biên Giới, huyện Châu Thành) là một ví dụ. Cuối tháng 11.2021, qua test sàng lọc, bà L. phát hiện mình dương tính với SARS-CoV-2. Sau ba tuần cách ly, điều trị, dù khỏi bệnh nhưng các di chứng hậu COVID-19 vẫn còn.

Thời điểm này, bà L. vẫn chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19. Chị B.T.H (19 tuổi, con gái bà L.) cho biết, khi về nhà, bà L. thường bị mệt mỏi, thở hụt hơi, toàn thân sưng phù, mắt mờ, tăng huyết áp, mất ngủ...

Đến giữa tháng 1.2022, gia đình đưa bà L. cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bà L. mắc biến chứng tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm hốc mắt cấp tính, viêm xoang sàng mãn tính, sốc nhiễm khuẩn ngày càng nặng...

Sau một tuần điều trị, bà L. qua đời tại Bệnh viện Chợ Rẫy. “Nghe tin mẹ mắc các bệnh lý hậu COVID-19, gia đình rất lo lắng, vì khi chưa bệnh, sức khoẻ mẹ rất tốt. Giờ em chỉ mong thời gian có thể quay lại để mẹ được sống với chúng em và ba thôi", chị T.H buồn nói.

May mắn hơn, em N.T.K.B, 6 tuổi, học sinh Trường tiểu học Phạm Ngũ Lão, phường Long Thành Trung (thị xã Hoà Thành) đã vượt “cửa tử" sau thời gian điều trị các bệnh lý hậu COVID-19 tại Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh, hiện tại, sức khoẻ em B. đang dần hồi phục tích cực.

Chị Trương Thị Ánh Tuyết (32 tuổi, mẹ em B.) cho biết, vào ngày 21.3, em B. mắc COVID-19 với các triệu chứng sốt nhẹ, đau họng. Sau 1 tuần điều trị, em B. khỏi bệnh, đi học lại bình thường. Tuy nhiên, khoảng hai ngày sau, em B. bắt đầu sốt nhẹ, ói liên tục, gia đình đưa đi khám nhưng không tìm ra bệnh.

Sang ngày thứ ba, em B. xuất hiện các triệu chứng lạ, người lừ đừ, môi tím tái, mắt trợn, tay chân gồng cơ, gia đình tức tốc đưa em đến bệnh viện địa phương. Nhận thấy tình trạng bé không ổn, các bác sĩ chuyển em đến Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh cấp cứu, điều trị.

Theo chị Tuyết, khi nhập viện trong tình trạng thở máy, người tím tái, mạch nhẹ, tim lờ đờ, men tim và men gan tăng cao, ê-kíp bác sĩ nhận thấy tình trạng diễn tiến nặng, sốc không cải thiện. Qua xét nghiệm kháng nguyên nhanh, bé có kết quả âm tính nhưng kháng thể kháng SARS-CoV-2 dương tính, chẩn đoán hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) có biểu hiện tổn thương tim nặng, là di chứng hậu COVID-19 nặng kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người bệnh, đặc biệt là trẻ em.

Tại bệnh viện, em B. được điều trị tích cực với kháng viêm, kháng đông, điều chỉnh diễn giải toan kiềm. Sau gần 1 tháng điều trị can thiệp ECMO 3 lần, tình trạng dần cải thiện, phục hồi hơn 70% sức khoẻ, tuy nhiên, em B. vẫn còn chịu nhiều di chứng sau cơn bạo bệnh: trầm cảm, khó ngủ, kém ăn…

Bác sĩ và gia đình tích cực chăm sóc, điều trị để em sớm khoẻ mạnh, trở về cùng gia đình. “Tôi không nghĩ những triệu chứng hậu COVID-19 chuyển nặng nhanh như vậy. Gia đình tôi thật sự trở tay không kịp. Nhờ sự cứu chữa tận tình của y, bác sĩ và sự giúp đỡ của mạnh thường quân, con gái tôi đã vượt qua được cơn bạo bệnh. Tôi thật sự rất biết ơn"- chị Tuyết chia sẻ.

Khám sàng lọc hậu COVID-19 để ngăn chặn di chứng trở nặng

Bác sĩ Vũ Thị Vân An- Khoa cấp cứu Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh cho biết, tại Tây Ninh vào khoảng tháng 8.2021, đa số người dân bị nhiễm COVID-19 ở biến thể Delta. Đặc trưng chính của Delta là gây các biến chứng về phổi và các tổn thương khác ở cơ thể, nhưng tổn thương chính vẫn ở phổi.

Đối với biến thể Omicron, biến chứng ở thể này thường gặp nhất là ở đường hô hấp trên. “Những bệnh nhân nhiễm biến thể Delta, nếu được điều trị tích cực hoặc điều trị kịp thời, cho dù đã hết COVID-19, nhưng những di chứng để lại thường ảnh hưởng tới phổi như là xơ phổi, phổi đông đặc.

Những biến chứng này làm cho bệnh nhân mệt mỏi, khó thở hoặc hụt hơi. Còn ở biến thể Omicron, dù có những biến chứng về đường thở như hụt hơi, đau đầu, mất vị giác, nhưng ít ảnh hưởng tới phổi, nếu có lại không nhiều và nặng như thể Delta.

Theo bác sĩ An, về cơ bản, điều trị hậu COVID-19 là điều trị theo nguyên nhân và các vấn đề tại thời điểm thăm khám. Tuỳ thuộc vào các tổn thương do COVID-19 gây ra hoặc do biến chứng trong thời kỳ này mà bác sĩ cần làm thăm dò, phối hợp các chuyên khoa có phác đồ điều trị phù hợp. Riêng tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh, thời gian qua đã tiếp nhận nhiều trường hợp tổn thương phổi sau khi mắc COVID-19.

Bác sĩ CKI. Phan Văn Ngoan- Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh cho biết, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh được UBND tỉnh quyết định chuyển công năng bệnh viện điều trị COVID-19 từ tháng 6.2020. Riêng năm 2021, bệnh nhân COVID-19 rất đông, số giường bệnh chiếm 100% (60/60 giường bệnh).

Bệnh nhân có cả người lớn đến 96 tuổi và cũng có bệnh nhân nhỏ nhất cũng khoảng từ 2 tháng tuổi. Thường trẻ em nếu bị nhiễm Covid-19 chỉ có triệu chứng nhẹ như sốt hoặc đau họng. Thông thường, cơ thể trẻ nhỏ được điều trị có những tác động thuốc rất tốt, do vậy, bệnh viện chưa có trường hợp mắc biến chứng hậu COVID-19 ở trẻ em.

Năm 2022, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh thực hiện Công văn số 610-CV/SYT ngày 7.5.2022 của Sở Y tế về thực hiện mô hình tách đôi vừa điều trị lao và bệnh phổi vừa điều trị COVID-19 tại bệnh viện.

Từ ngày 7.2.2022 đến 21.4.2022, phòng khám của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đã khám 63 người bệnh hậu COVID-19. Bệnh viện đã triển khai công tác khám sàng lọc hậu COVID-19 cho bệnh nhân. Tại đây, bác sĩ tư vấn chăm sóc sức khoẻ, tư vấn về sức khoẻ tâm thần giúp bệnh nhân ổn định tâm lý, không lo lắng và hướng dẫn tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng điều trị thuốc giãn phế quản giúp bệnh nhân không còn hụt hơi khó thở và hẹn tái khám đều đặn.

Với chức năng chuyên môn về bệnh phổi, y, bác sĩ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh đã giúp nhiều bệnh nhân có di chứng hậu Covid-19 trở nặng được cấp cứu và điều trị kịp thời. Điển hình là trường hợp bà Trang Thị Nhung (52 tuổi, quê quán tỉnh Long An, làm việc tại thị xã Trảng Bàng).

Bà Nhung kể, cách đây 1 năm, bà theo con gái lên Tây Ninh sinh sống và xin vào làm trong một xí nghiệp trong Khu công nghiệp Trảng Bàng. Khoảng giữa tháng 6.2021, qua quá trình test sàng lọc, bà có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 nên được đưa đi cách ly, sau 2 tuần được điều trị tại bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19, bà Nhung khỏi bệnh, xuất viện về nhà và tiếp tục đi làm.

Tuy nhiên, chỉ trong thời gian 1 tháng, bà Nhung có triệu chứng suy giảm sức khoẻ, thở hụt hơi, hay mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, ho nhiều. Bà được bác sĩ Bệnh viện Củ Chi chẩn đoán bệnh phổi trắng (lao phổi) và điều trị tại nhà. Mới đây, trong lúc làm việc, bà Nhung bị mệt, khó thở, ho nhiều nên được đồng nghiệp đưa cấp cứu tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh.

“Sau ba ngày cấp cứu, thở ống, giờ đây tôi cảm thấy người khoẻ hơn. Các triệu chứng hậu COVID-19 khiến tôi thực sự mệt mỏi và ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của tôi. Tôi mong mình nhanh khỏi bệnh để về nhà với gia đình và đi làm trở lại", bà Nhung bày tỏ.

Theo bác sĩ CKI. Phan Văn Ngoan- Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh, tại Việt Nam, trẻ từ 12 đến 17 tuổi và người lớn đều đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Những đối tượng từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng đang được triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19.

Thông thường, cơ thể của em bé cũng như người lớn, khi đã được tiêm vaccine đầy đủ, nếu không may bị nhiễm COVID-19, hầu hết đều có triệu chứng nhẹ, không nặng như người chưa tiêm vaccine.

Tuy nhiên, cũng có những em bé bệnh nền, như bệnh tim, bệnh thận hoặc béo phì, nếu chẳng may bị mắc COVID-19 cũng có thể gây những biến chứng nặng. Cha mẹ nên dẫn con mình đi tiêm vaccine phòng COVID-19 để phòng ngừa những biến chứng nặng hoặc giảm các biến chứng hậu COVID-19.

Ngọc Bích - Tâm Giang

Nguồn BTNO

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập203
  • Máy chủ tìm kiếm44
  • Khách viếng thăm159
  • Hôm nay16,598
  • Tháng hiện tại222,891
  • Tổng lượt truy cập8,231,596
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây