Đề xuất 2 tình huống ứng phó dịch COVID-19 năm 2022-2023

Thứ tư - 04/05/2022 22:00 245 0

  ​Bộ Y tế vừa đưa ra 2 tình huống ứng phó với dịch COVID-19 năm 2022-2023 và xin ý kiến góp ý của cá nhân, cơ quan có liên quan.

​Tại văn bản mới đây xin góp ý dự thảo Phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19, Bộ Y tế cho biết đang tiếp tục tập hợp ý kiến của thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, UBND 63 tỉnh/thành phổ, các đơn vị liên quan thuộc, trực thuộc Bộ Y tế về Phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 năm 2022-2023.

Theo đó, Bộ Y tế đã đề ra 2 tình huống ứng phó với dịch COVID-19. Trong 2 tình huống này, Bộ Y tế nhấn mạnh 1 trong 4 nguyên tắc đặt ra là vắc-xin là biện pháp hữu hiệu trong việc giảm nguy cơ chuyển nặng, tử vong.


Việt Nam có tỉ lệ tiêm vắc-xin COVID-19 rất cao.

Tỉ lệ bao phủ vắc-xin cao ở tất cả các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương và nhóm nguy cơ cao là nền tảng để từng bước nới lỏng các biện pháp y tế và biện pháp xã hội khác.

Tình huống 1: Chủng virus tiến hóa nhưng ca COVID-19 nặng và tử vong giảm

Với tình huống này, chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong giảm dần, dẫn đến các ổ dịch không còn nghiêm trọng như trước hoặc xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 nhưng ít nghiêm trọng hơn.

Bộ Y tế đề xuất một số hoạt động tập trung ở tình huống này là nghiên cứu tiêm vắc-xin mũi thứ 4 cho người lớn; tiêm mũi thứ 3 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi và tiêm chủng cho trẻ em từ 3 tuổi đến 5 tuổi để sớm triển khai tiêm cho các nhóm đối tượng ngay trong năm 2022.

Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường theo dõi giám sát, xét nghiệm phát hiện kịp thời các biến chủng đáng lo ngại và những thay đổi về khả năng gây bệnh, khả năng lây truyền và hiệu quả của các biện pháp can thiệp; triển khai giám sát giải trình tự gen tại các điểm giám sát trọng điểm để phát hiện sự tiến hóa của virus); mở rộng giám sát SARS-CoV-2 trên động vật (bao gồm cả vật nuôi và động vật hoang dã).

Về các biện pháp xã hội, kịch bản tình huống 1 của Bộ Y tế đề xuất tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định tại Nghị quyết 128 của Chính phủ, song xem xét giảm bớt hoặc nới lỏng các điều kiện, hướng dẫn để tạo thuận lợi hơn cho các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân việc triển khai thực hiện.

Cùng đó, đánh giá việc thực hiện, điều chỉnh các chỉ số, ngưỡng xác định cấp độ dịch phù hợp với bản chất dịch, đáp ứng thực tế, tạo điều kiện cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Về công tác hậu cần, ngoài việc tiếp tục huy động, vận động sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; sự tự nguyện chi trả của người mắc COVID-19 khi khám, điều trị theo yêu cầu, Bộ Y tế cũng đề xuất rút gọn, đơn giản hóa hồ sơ chứng từ thanh toán; bãi bỏ các rào cản, chồng chéo, vướng mắc, bất cập hiện hành về chính sách thanh toán chi phí y tế cho hoạt động khám chữa bệnh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Tình huống 2: Xuất hiện biến chủng mới, bệnh nhân COVID-19 nặng và tử vong tăng

Tình huống 2 có bối cảnh xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.

Trong tình huống 2, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổ chức y tế thế giới, các nhà sản xuất vắc-xin để cập nhật các loại vắc-xin phù hợp với biến chủng mới virus SARS-CoV-2, kịp thời báo cáo Chính phủ để cập nhật và cho phép mua bổ sung phục vụ tiêm chủng cho người dân.

Tiếp tục triển khai việc tiêm vắc-xin bảo đảm tiến độ nhanh nhất có thể; tổ chức rà soát, tiêm mũi vắc-xin tăng cường vắc-xin COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ cao (người trên 65 tuổi, người mắc bệnh nền mạn tính) hoặc người đã tiêm đủ mũi vắc-xin trên 3 tháng.


Xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân trong đợt dịch lần thứ 4

Đồng thời, theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước; tăng cường công tác giám sát sự xâm nhập của biến thể mới của virus tại các cửa khẩu, khu vực biên giới…; tiếp tục giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng, tập trung giám sát các trường hợp nhập viện, điều trị tích cực và các trường hợp tử vong.

Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở…

Đồng thời, tổ chức hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa theo quy định để tăng tỷ lệ tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người mắc COVID-19 và người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch bệnh COVID-19.

Ở tình huống này sẽ thực hiện linh hoạt nguyên tắc "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch" theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh; áp dụng linh hoạt công thức chống dịch "5K + vắc-xin, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác".

Về các biện pháp xã hội, tình huống 2 đặt ra việc thực hiện nghiêm việc đánh giá cấp độ dịch tại các địa phương để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp theo quy định tại Nghị quyết 128 của Chính phủ.


Người dân đến cơ sở y tế khám bệnh không còn phải xét nghiệm COVID-19

Tại Phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022-2023, Bộ Y tế đưa ra thông tin sau hơn hai năm, dịch COVID-19 do các biến thể mới của SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện, khiến quá trình lây lan nhanh hơn và mức độ nhiễm bệnh nhiều hơn so với chủng ban đầu.

Trong các nước của ASEAN, một số nước đã đưa các tiêu chí để coi COVID-19 là bệnh lưu hành. Indonesia quy định để coi COVID-19 là bệnh lưu hành, tỉ lệ sử dụng giường bệnh phải dưới 5% và tỉ lệ dương tính phải dưới 1% dân số.

Thái Lan từ ngày 1-7 tới sẽ coi COVID-19 là bệnh lưu hành với điều kiện tỉ lệ tử vong không vượt quá 0,1% (hiện nay tỉ lệ này là gần 0,2%). Theo đó, Thái Lan sẽ bỏ yêu cầu xét nghiệm, bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang, ngoại trừ với những người đang nhiễm bệnh.

Hiện nay, trên phạm vi toàn cầu số ca mắc mới giảm liên tục, số ca nặng và tử vong cũng giảm, trong khi tỉ lệ bao phủ vắc-xin tăng.

Tổ chức Y tế thế giới nhận định dịch COVID-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành. Ngày 31-3, Tổ chức Y tế thế giới ban hành Kế hoạch đáp ứng và phòng chống nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch COVID-19 trong năm 2022.

Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát. Quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt đều có xu hướng phức tạp hơn. Đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10,6 triệu ca mắc, hơn 9,2 triệu người đã khỏi bệnh (86,2%), 43.034 ca tử vong (0,4%). So với tháng trước, số ca tử vong giảm 28,6%. Tỉ lệ chết/mắc của 30 ngày qua giảm mạnh từ 0,13% tháng trước xuống còn 0,03% trong tháng này.

Từ cuối tháng 12-2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể Omicron, số mắc cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3 do biến thể Omicron đã chiếm chủ đạo về số mắc, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay.

Đặc biệt thời gian gần đây, số ca nhiễm, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố giảm từng ngày, với dưới 5.000 ca mắc/ngày và chỉ ghi nhận từ 1 đến 3 trường hợp tử vong do COVID-19. Tỉ lệ tiêm vắc-xin COVID-19 trên người dân tại Việt Nam cũng rất cao. Cụ thể tỉ lệ tiêm mũi 1 đạt 100%, tỉ lệ mũi 2 đạt 99,8%, tỉ lệ mũi 3 đạt 49%.

Nguồn NLDO

 

 


  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập344
  • Máy chủ tìm kiếm49
  • Khách viếng thăm295
  • Hôm nay17,879
  • Tháng hiện tại224,172
  • Tổng lượt truy cập8,232,877
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây