Bộ Chính trị: Xây dựng Đông Nam bộ thành vùng phát triển văn minh, hiện đại

Thứ hai - 24/10/2022 22:00 139 0

  ​Đông Nam bộ phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác.


Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, ngày 23/10, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Tại Tây Ninh, tham dự hội nghị tại điểm cầu cấp tỉnh có Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cùng lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và hơn 4.000 cán bộ, đảng viên tỉnh Tây Ninh tham dự tại điểm cầu cấp huyện và xã.

Sau 3 hội nghị toàn quốc phổ biến Nghị quyết 11 vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, Nghị quyết 13 vùng đồng bằng sông Cửu Long và Nghị quyết 23 vùng Tây Nguyên, đây là hội nghị thứ 4 được Bộ Chính trị tổ chức nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước cũng như các địa phương trong vùng.

NÂNG CAO THU NHẬP BÌNH QUÂN

Ngày 7.10.2022, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trình bày tóm tắt Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nêu, vùng Đông Nam bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Đông Nam bộ phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác.

Phát triển vùng Đông Nam bộ phải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao. Tập trung xây dựng các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với các hành lang giao thông. Huy động tối đa nguồn nội lực cho phát triển, kết hợp hài hoà với ngoại lực để phát triển nhanh, bền vững, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Xây dựng Đông Nam bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế. Phát triển nhanh, bền vững, hài hoà giữa các tiểu vùng, các địa phương trong vùng; các lĩnh vục kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hoá, tinh thần tự lực, tự cường của "Miền Đông gian lao mà anh dũng" trong xây dựng và phát triển vùng. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, mở rộng đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nhất là công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, trong sạch, tận tuỵ, năng động, sáng tạo, có tư duy đổi mới và có tầm nhìn chiến lược.

Mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.

Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế phát triển đứng đầu cả nước.

Thành phố Hồ Chí Minh phải là thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc; trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.

Giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng năng suất lao động đạt khoảng 7%; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 56%. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 40%-45%; tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 3%; đạt 32 giường bệnh và 11 bác sĩ trên 10.000 dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 95%.

Đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 19,6%; tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 100%, nông thôn là 95%; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định; 98% chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định.

Năm 2045: Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; có chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.

Sau báo cáo tóm tắt của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo chương trình hành động của Đảng Đoàn Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị. Theo từng lĩnh vực, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trình bày tham luận về tình hình hiện tại và tương lai phát triển của vùng Đông Nam bộ.

“NGHỊ QUYẾT HAY NHƯNG PHẢI LÀM HAY HƠN NGHỊ QUYẾT"

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh các đại biểu trong vùng dự hội nghị và yêu cầu lãnh đạo địa phương thực hiện thật tốt Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị. “Nghị quyết hay nhưng làm phải hay hơn nghị quyết mới thành công"- Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Vì sao Bộ Chính trị lại ra nghị quyết cho vùng Đông Nam bộ vào lúc này, Tổng Bí thư nêu câu hỏi và chỉ rõ, Đông Nam bộ là vùng có địa hình rộng, phần lớn diện tích đồng bằng, địa hình hầu như không bị chia cắt. Vị trí địa lý của Đông Nam bộ, theo Tổng Bí thư “nhiều nơi nằm mơ cũng không có", là vùng có vị thế đặc biệt quan trọng, trung tâm phát triển hàng đầu cả nước, trong đó có TP. Hồ Chí Minh, đô thị đặc biệt của cả nước.

Để phát huy vai trò đặc biệt của vùng Đông Nam bộ, năm 2005 và 2012, Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết và kết luận để các địa phương trong vùng thực hiện. “Đông Nam bộ hiện đóng góp hơn 32% GDP của cả nước, thu nhập bình quân năm 2020 cũng cao nhất cả nước.

Nơi đây đã hình thành trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng thấp nhất cả nước", Tổng Bí thư đánh giá về vùng đất phương Nam giàu tiềm năng, lợi thế. Nhưng, Đông Nam bộ cũng còn không ít hạn chế, trong đó có hiện tượng tốc độ tăng trưởng của vùng có dấu hiệu chậm lại so với một số địa phương khác, một số công trình chậm tiến độ, vấn đề giao thông tại TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa được giải quyết, khắc phục triệt để. An ninh chính trị vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. thậm chí có nguy cơ gây mất ổn định... Từ thực tế đó, Trung ương nhận thấy cần ban hành nghị quyết mới để tạo ra không gian phát triển mới cho vùng Đông Nam bộ.

Tổng Bí thư phân tích những ý tưởng, tinh thần, nhận thức mới trong Nghị quyết 24, trong đó đề ra những nhiệm vụ, mục tiêu có tính đột phá thật sự, khắc phục những hạn chế để vùng đất này chuyển mình không chỉ trong nước mà còn ở tầm khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý, xây dựng Đông Nam bộ thành vùng trình độ phát triển cao, đời sống của người dân khá giả, ổn định.

“Phấn đấu đến năm 2030, Đông Nam bộ trở thành khu vực phát triển mạnh, có khả năng cạnh tranh cao, công nghệ phải phát triển hàng đầu cả nước, xây dựng Đảng vững mạnh"- Tổng Bí thư phát biểu.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác cán bộ, Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý, vấn đề cốt lõi vẫn là con người, kiên quyết chống tham nhũng, xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu quả. “Cần bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung"- Tổng Bí thư chỉ đạo.

Năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 8% - 8,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 triệu đồng, tương đương 14.500 USD; tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP, khu vực công nghiệp và xây dựng 45,3% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo 33%), khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 2,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp 10,7%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%-35%; tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 70%-75%,100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Việt Đông

Nguồn BTNO

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập52
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm22
  • Hôm nay12,680
  • Tháng hiện tại218,973
  • Tổng lượt truy cập8,227,678
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây