Định hướng phát triển thương mại biên giới của tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2025 - 2030

Thứ sáu - 30/09/2022 21:00 1.837 0

  ​Tỉnh Tây Ninh có đường biên giới dài khoảng 240 km tiếp giáp với 3 tỉnh Tboung Khmum, Svay Rieng và Prey Veng thuộc Vương quốc Campuchia; 3 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam và 13 cửa khẩu chính, phụ được xem là một thế mạnh phát triển thương mại biên giới của tỉnh Tây Ninh. Phát huy thế mạnh của tỉnh, mục tiêu đến năm 2030, thương mại biên giới là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh. Phấn đấu đưa Tây Ninh trở thành điểm trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam sang thị trường Campuchia, Lào, Thái Lan và Asean. 

​Tây Ninh có 20 xã biên giới thuộc 05 huyện, thị xã biên giới: Trảng Bàng, Bến Cầu, Châu Thành, Tân Biên và Tân Châu tiếp giáp với 3 tỉnh: Tboung Khmum, Svay Rieng và Prey Veng thuộc vương quốc Campuchia. Hệ thống của khẩu quốc tế, chính, phụ trải dài trên toàn tuyến biên giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa, phương tiện qua lại biên giới một cách nhanh chóng và hiệu quả. Hiện nay tỉnh Tây Ninh có 03 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam), có 03 cửa khẩu chính (Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân; 02 cửa khẩu phụ có đủ đủ lực lượng chuyên ngành quản lý (Vàm Trảng Trâu, Vạc Sa); 08 cửa khẩu phụ chỉ có lực lượng Biên phòng quản lý (Cây Gõ, Tân Phú, Tà Nông, Long Phước, Long Thuận, Phước Chỉ, Cây Me) và nhiều tuyến đường truyền thống qua lại.

Có thể nói với hệ thống cửa khẩu quốc tế, chính, phụ trải dài trên toàn tuyến biên giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới đặc biệt là các doanh nghiệp từ các tỉnh lân cận như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương…xuất nhập khẩu hàng hóa qua thị trường Campuchia, Thái Lan và Lào; cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng kỹ thuật khu vực cửa khẩu, chợ biên giới, chợ trong khu kinh tế của khẩu được tỉnh quan tâm, đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa tại khu vực cửa khấu, khu vực biên giới của Nhân dân hai bên biên giới. Hoạt động thương mại biên giới góp phần mở rộng giao lưu kinh tế giữa hai nước nói chung, tỉnh Tây Ninh và vương quốc Campuchia nói riêng qua đó tăng cường và đẩy mạnh việc củng cố mối quan hệ đoàn kết chặt chẽ với chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân các tỉnh giáp biên thuộc vương quốc Campuchia; củng cố tình đoàn kết, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, đẩy mạnh quan hệ hợp tác phát triển về moại mặt, tạo môi trường ổn định để cùng nhau phát triển.

Hoạt động thương mại biên giới của tỉnh Tây Ninh trong đó hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá với vương quốc Campuchia thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển thương mại nói riêng và kinh tế-xã hội nói chung của tỉnh, đặc biệt giúp nâng cao đời sống dân cư vùng biên giới; chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương. Giai đoạn 2016-2020 hoạt động thương mại biên giới giữa Tây Ninh và vương quốc Campuchia đạt được một số kết quả quan trọng.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu trên địa bàn đạt 4.940 triệu USD chiếm 22% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu từng năm đạt 7,3%. Qua đó cho thấy vai trò quan trọng của tỉnh Tây Ninh trong hoạt động phát triển thương mại hai chiều của Việt Nam-Campuchia. Giá trị mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu của cư dân biên giới đạt 89,45 triệu USD, trong đó trị giá bán 59,14 triệu USD; trị giá mua 35,26 triệu USD. Mặt hàng mua bán chủ yếu của cư dân biên giới là rau, của, quả, cá, thịt, bánh, kẹo, gạch, phân bón, hàng tạp hóa, heo hơi, gà sống, trâu, bò, lúa, củ mì, mủ cao su, hạt điều.

Về hạ tầng biên giới, tỉnh xác định tầm quan trọng của hoạt động phát triển thương mại biên giới gắn với phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh, giai đoạn 2016-2-20 tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại biên giới như chợ, bến bãi, kho hàng, cửa khẩu ở khu vực biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Về xúc tiến thương mại sang thị trường Campuchia luôn được UBND tỉnh quan tâm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm kiếm đối tác, quảng bá sản phẩm, tiếp cận, tìm kiếm, mở rộng và phát triển thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa tại Campuchia thông qua các hội nghị, hội thảo, hội chợ, các chương trình xúc tiếng thương mại nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cường kết nối giao thương, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua hoạt động thương mại biên giới giữa Tây Ninh và vương quốc Campuchia vẫn còn những khó khăn, hạn chế như cơ chế, chính sách quy định về hoạt động thương mại biên giới thường xuyên thay đổi, không ổn định; các cửa khẩu chính, phụ trên tuyến biên giới Tây Ninh chưa thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng kỹ thuật theo quy định tại cửa khẩu; đa số doanh nghiệp địa phương tham gia các sự kiện xúc tiếng thương mại là doanh nghiệp vừa và nhỏ, lĩnh vực tài chính còn hạn chế, một số doanh nghiệp mới thành lập đang trong quá trình tiếp cận mở rộng thị trường và quảng bá sản phẩm; hoạt động của một số chợ biên giới không hiệu quả do hàng hóa chưa hấp dẫn cư dân Campuchia, giao thông chưa phát triển, cơ sở hạ tầng bất cập, cư dân biên giới Campuchia thưa thớt, các chợ khá xa nơi tập tung cư dân Tây Ninh; đời sống nhân dân vùng biên giới còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế nên ảnh hưởng khá nhiều đến công tác tuyên truyền vận động và việc chấp hành pháp luật liên quan đến hoạt động thương mại qua biên giới...

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; Chương trình số 68-CTr/TU, ngày 15/10/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (rà soát, điều chỉnh, bổ sung), ngày 11/7/2021 Tỉnh ủy Tây Ninh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển thương mại biên giới tỉnh Tây đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong phần mục tiêu tổng quát đã xác định: Đến năm 2030, thương mại biên giới là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh. Phấn đấu đưa Tây Ninh trở thành điểm trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam sang thị trường Campuchia, Lào, Thái Lan và Asean". Về mục tiêu cụ thể, Nghị quyết xác định bao gồm những nhóm mục tiêu: tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh tăng bình quân từ 7,5% trở lên; hoàn thiện quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu, cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ làm động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh; triển khai phê duyệt quy hoạch, xây dựng Khu cửa khẩu quốc tế Tân Nam. Đồng thời, mở mới, nâng cấp các cửa khẩu đảm bảo các điều kiện trên địa bàn nhằm tăng cường trao đổi, giao thương hàng hóa; đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thương mại tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ cơ bản đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới; phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối với hệ thống cửa khẩu, hạ tầng logistic, hạ tầng thương mại dịch vụ để thúc đẩy phát triển các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, quá cảnh, xuất – nhập cảnh qua biên giới; tạo môi trường thuận lợi khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển thương mại biên giới của Tỉnh.

 

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Để đạt được những mục tiêu tổng quát và cụ thể về phát triển về phát triển thương mại biên giới đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Tây Ninh cần tập trung thực hiện những giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức trách nhiệm của hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và nhân dân trong việc thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ khu vực biên giới để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo đà thúc đẩy phát triển của xã hội.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp về phát triển thương mại biên giới. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các ngành và các lực lượng trong quản lý bảo vệ biên giới. Tăng cường tuyên truyền trong nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, tích cực bảo vệ đường biên, hệ thống mốc quốc gia. Đẩy mạnh tuyên truyền vận động đảng viên, cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức tham gia thực hiện tốt các Hiệp định, Hiệp nghị, Nghị định về biên giới quốc gia và vai trò của thương mại biên giới trong phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện các quy hoạch liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới

Chủ động triển khai điều chỉnh quy hoạch hệ thống các cửa khẩu; tập trung hoàn thiện quy hoạch các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển của từng cửa khẩu. Trong đó, sớm nghiên cứu, đề xuất với Trung ương triển khai quy hoạch và xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế khi có đủ điều kiện. Khẩn trương hoàn thiện, triển khai quy hoạch, các chính sách đặc thù Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài nhằm sớm tạo động lực phát triển mới cho kinh tế - xã hội khu vực biên giới, đảm bảo đồng bộ với quốc phòng, an ninh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan triển khai cơ chế hải quan một cửa quốc gia và cơ chế hải quan một cửa ASEAN tại cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - Ba Vét theo Hiệp định về tạo thuận lợi cho hàng hóa, người và phương tiện qua lại biên giới giữa các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS). Tổ chức đánh giá kết quả, hiệu quả triển khai thực hiện, làm tiền đề để triển khai cho các cửa khẩu khác trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba, đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khu vực biên giới, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, thương mại, dịch vụ gắn với quốc phòng, an ninh

Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, liên hoàn, đảm bảo khả năng kết nối cao với các tỉnh, thành phố trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Long An. Trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ đầu tư cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đường Hồ Chí Minh... phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Khẩn trương rà soát nhằm định hướng việc mở mới, nâng cấp các cửa khẩu, lối mở phù hợp với nhu cầu thu hút đầu tư, giao thương hàng hóa của cư dân biên giới, doanh nghiệp trong và ngoài Tỉnh. Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng cửa khẩu Tân Nam theo đúng quy định của cửa khẩu quốc tế. Nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường đầu tư, tạo động lực thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trong đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng thương mại tại các cửa khẩu. Đồng thời, thúc đẩy phát triển hệ thống logistics tại các cửa khẩu quốc tế và các khu công nghiệp để tăng cường khả năng kết nối sản xuất với tiêu thụ hàng hóa tại khu vực biên giới; mở rộng thị trường, hệ thống phân phối hàng hóa trong và ngoài nước. Tích hợp định hướng phát triển hệ thống chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn các huyện, thị xã biên giới vào quy hoạch Tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phát triển thương mại biên giới....

Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác đầu tư về thương mại, dịch vụ; có biện pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu vực biên giới

Tăng cường hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân giữa Việt Nam - Campuchia nâng cao khả năng kết nối, tìm kiếm đối tác sán xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường; thường xuyên cập nhật và phổ biến rộng rãi thông tin về thị trường, chính sách pháp luật liên quan giữa Việt Nam và Campuchia trên hệ thống website, trang thương mại điện tử, các ấn phẩm, tạp chí… để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân biết, thực hiện. Tích cực kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các dự án thương mại, hạ tầng vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã, các xã biên giới nhằm kịp thời khai thác lợi thế, tạo ra nhiều ngành nghề mới, giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân khu vực biên giới. Thường xuyên tổ chức, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh triển khai các hoạt động giới thiệu, quảng bá nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư thương mại và phân phối hàng hóa tại các hội chợ thương mại, triển lãm, chợ biên giới, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm... đặc biệt là các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Tây Ninh.

Thứ năm, huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút nguồn lực để phát triển thương mại biên giới

Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư đồng thời với lồng ghép với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách; dành tỷ lệ theo quy định từ nguồn thu phí hạ tầng cửa khẩu để tăng cường đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật... tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, các tuyến đường ra biên giới, đường ra cửa khẩu, đường tuần tra biên giới. Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại và dịch vụ tại khu vực biên giới. Tập trung kêu gọi đầu tư hệ thống kho bãi, cảng cạn, trung tâm logistics khu vực cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu quốc tế cửa khẩu chính.

Thứ sáu, gắn kết và tăng cường công tác đối ngoại để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực biên giới

Tiếp tục nâng cao hiệu quả các hoạt động ngoại giao, hợp tác về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia nhất là các hoạt động thương mại biên giới. Tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh, triển khai thực hiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trên khu vực biên giới trong các hoạt động bảo vệ an ninh trật tự trên biên giới, đấu tranh, phòng chống tội phạm qua biên giới và giải quyết những vấn đề hai bên cùng quan tâm. Tiếp tục củng cố và phát huy tốt các mối quan hệ truyền thống, hữu nghị giữa chính quyền, các lực lượng bảo vệ và nhân dân khu vực biên giới. Thường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ, hợp tác đầu tư, giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống cũng như trong bảo vệ biên giới, tăng cường hiệu quả gìn giữ đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, họp tác, cùng phát triển…

 

Tóm lại: Phát triển thương mại biên giới động lực và nhân tố quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh. Định hướng phát triển thương mại biên giới tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2025-2030 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu của tỉnh, khai thác và phát huy tối đa thế mạnh về hàng hóa nông sản, đáp ứng theo các nhu cầu của thị trường, thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội của Tây Ninh; qua đó đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong tương lai.


ThS. Mai Tuấn Kiệt

Trường Chính trị Tây Ninh 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1- Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11/7/2021 của Tỉnh ủy Tây Ninh về phát triển thương mại biên giới tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

 

2- Báo cáo đánh giá thực trạng phát triển thương mại biên giới tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh Tây Ninh.

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập291
  • Máy chủ tìm kiếm40
  • Khách viếng thăm251
  • Hôm nay16,753
  • Tháng hiện tại223,046
  • Tổng lượt truy cập8,231,751
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây