92 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2022)

Thứ hai - 01/08/2022 23:00 349 0

92 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2022)


I. SỰ KIỆN NGÀY 01/8/1930 - NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG

Cách đây 92 năm, ngày 01/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất bản tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 01/8" nhân kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô-viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với Nhân dân. Đây là tài liệu duy nhất, sớm nhất còn lưu giữ cho đến nay, đề rõ “Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành". Tài liệu này khi vừa được phát hành đã gây được dư luận rất lớn trong xã hội đương thời và có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công nông nước ta đứng lên đấu tranh chống đế quốc, bảo vệ liên bang Xô - viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Kể từ ngày 01.8.1930 đến tháng 10.1930, trong cả nước đã nổ ra hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình của Nhân dân.

Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã rất quan tâm đến công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền và sớm thành lập cơ quan lãnh đạo công tác tư tưởng. Trên cơ sở những tài liệu và sự kiện này, năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng khoá VIII đã quyết định lấy ngày 01/8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng, văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X quyết định lấy ngày 01/8 hằng năm làm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.

II. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG VẺ VANG CỦA CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

1. Giai đoạn 1930 - 1945

Điểm nổi bật của công tác Tuyên giáo thời kỳ này là thắng lợi của công tác giác ngộ, giáo dục, động viên, tập hợp lực lượng rèn luyện và tổ chức các phong trào quần chúng, biến lý tưởng và tư tưởng cách mạng thành sức mạnh. Trong hoàn cảnh bị kẻ địch đàn áp tàn khốc, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ, Trung ương Đảng, đội ngũ những chiến sĩ làm công tác Tuyên giáo đã nêu cao phẩm chất và khí tiết người cộng sản, sẵn sàng hy sinh tính mạng, không sợ tù đầy tra tấn, bám sát phong trào cách mạng để tuyên truyền, vận động, tổ chức quần chúng đấu tranh chống thực dân, đế quốc; góp phần quan trọng thúc đẩy cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh; cao trào đấu tranh công khai đòi quyền dân sinh, dân chủ; cao trào chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ Liên Xô...

Thông qua báo chí, tài liệu bí mật, các lớp huấn luyện và hàng ngàn cuộc mít tinh, biểu tình... đội ngũ cán bộ tuyên giáo tuyên truyền, cổ vũ các cao trào cách mạng, tiến tới tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

 2. Giai đoạn 1945 - 1954

Cách mạng mới thành công, chính quyền còn non trẻ giữa vòng vây thù trong, giặc ngoài, nạn đói diễn ra gay gắt, ngân sách cạn kiệt, Đảng phải tạm thời rút vào hoạt động bí mật... Trong hoàn cảnh vận nước ngàn cân treo sợi tóc, đội quân làm công tác Tuyên giáo tập hợp dưới lá cờ của Đảng, đứng đầu là nhà tư tưởng kiệt xuất Hồ Chí Minh, đã hăng hái tuyên truyền vận động Nhân dân, bảo vệ chính quyền mới và tích cực chuẩn bị kháng chiến cứu nước. Hoạt động công tác Tuyên giáo đóng vai trò trọng yếu, góp phần trực tiếp nuôi dưỡng, xây dựng, phát triển sức mạnh của nhân tố con người Việt Nam; tập hợp lực lượng, khơi dậy ý chí, tri thức và sức mạnh trong quần chúng, đáp ứng những đòi hỏi gay gắt của cuộc kháng chiến. Sức mạnh tổng hợp to lớn đã được minh chứng bằng thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ, giải phóng miền Bắc, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam (năm 1954).

3. Giai đoạn 1955 - 1975

Công tác Tuyên giáo tập trung phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ trong cả nước. Ở giai đoạn này, công tác Tuyên giáo đóng vai trò trọng yếu trong việc khơi dậy ý chí, tri thức và sức mạnh trong quần chúng, tập hợp lực lượng, phát động và nhân rộng phong trào thi đua yêu nước ở cả hai miền, với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đó là những phong trào với những khẩu hiệu rung động lòng người.

Ở miền Bắc có các phong trào thi đua: “Sóng Duyên Hải, gió Đại Phong, cờ Ba nhất",“Ba sẵn sàng", “Ba đảm đang"; “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt", “Hai tốt", “Chiếc gậy Trường Sơn", “Nhằm thẳng quân thù mà bắn", “Xe chưa qua, nhà không tiếc".

Ở miền Nam có các phong trào: “Thi đua ấp Bắc giết giặc lập công", “Nắm thắt lưng địch mà bắn", “Một tấc không đi, một li không rời", “Năm xung phong", “Dũng sĩ diệt Mỹ - Ngụy", “Xuống đường đòi tự do, dân chủ", “Hát cho đồng bào tôi nghe"... Sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng Việt Nam đã được chuyển hóa bằng thắng lợi của cuộc Tổng tiến và công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH.

4. Giai đoạn từ 1975 đến nay

Từ sau năm 1975, đất nước phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, có những thời khắc tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng, bản chất cách mạng và khoa học, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt lên giành những  thắng lợi to lớn, khẳng định và không ngừng nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Công tác Tuyên giáo của Đảng tập trung phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Điểm nổi bật của công tác Tuyên giáo trong thời kỳ này là tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước; đổi mới tư duy, tổng kết thực tiễn; làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta; cổ vũ, động viên phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực; khơi dậy và nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, sức sáng tạo xã hội, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn của đất nước.

Trải qua 92 năm, đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo của Đảng không ngừng phát triển và trưởng thành theo mỗi bước tiến lên của sự nghiệp cách mạng. Dạn dày trong đấu tranh cách mạng, hoà mình vào phong trào quần chúng, nhiều thế hệ những người làm công tác Tuyên giáo luôn xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng, đấu tranh không mệt mỏi cho lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH. Đội ngũ đó đã và đang không ngừng lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, từng bước hiện đại về phương tiện kỹ thuật, công nghệ, trưởng thành về bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ.

Trước những diễn biến trên thực tiễn của đất nước, của tình hình thế giới và khu vực, những người làm công tác Tuyên giáo của Đảng hơn bao giờ hết phải kiên định nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vững vàng trước mọi biến cố, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ra sức tu dưỡng đạo đức cách mạng, đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thành quả của công cuộc đổi mới gắn liền với đổi mới tư duy lý luận của Đảng. Công tác tổng kết thực tiễn đã góp phần phát triển đường lối, xây dựng luận cứ khoa học cho những quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước, hình thành hệ thống các quan điểm đổi mới của Đảng trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội, làm rõ hơn quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của Đảng. Đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được khẳng định bằng quyết tâm, bản lĩnh chính trị của toàn Đảng và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc tại Đại hội VII và Đại hội XI của Đảng.

Bước sang thế kỷ XXI, công tác Tuyên giáo đã dồn sức tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ đối ngoại lên tầm cao mới…Công tác Tuyên giáo ngày càng bám sát thực tiễn, dự báo, phát hiện, đề xuất và tham gia xử lý những vấn đề bức xúc. Tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp để định hướng và giải quyết những vấn đề tư tưởng liên quan đến phát triển, bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an sinh xã hội. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã khẳng định chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận có bước được nâng lên. Đó là công lao của toàn Đảng và Nhân dân ta, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác Tuyên giáo.

Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã sử dụng thuật ngữ “công tác tư tưởng" thay cho thuật ngữ “công tác tư tưởng, lý luận" như các nhiệm kỳ trước. Đây là một bước tiến mới về mặt lý luận đối với khoa học công tác tư tưởng. Theo đó, Đảng thừa nhận công tác lý luận là một bộ phận của công tác tư tưởng như quan niệm của Lênin. Về phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ, ngoài việc khẳng định phải tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa và yêu cầu công tác tư tưởng phải tăng cường tính giáo dục. Từng bước đưa hoạt động trao đổi lý luận của Đảng ta với một số đảng cầm quyền, đảng tham chính ở một số nước đi vào chiều sâu, hiệu quả. Tiếp tục đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng bảo đảm thiết thực, hiệu quả; đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo tinh thần khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại, bảo đảm tính nền nếp, nhất quán và chất lượng hiệu quả, chú trọng duy trì kỷ luật, kỷ cương vốn đang là một khâu yếu hiện nay. Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hoá" trong nội bộ.

III. SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH TUYÊN GIÁO TÂY NINH

Cùng ra đời và lớn lên với ngành Tuyên giáo của cả nước, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công (tháng 9/1945,) Tỉnh uỷ lâm thời Tây Ninh đã quyết định thành lập Ban Tuyên truyền, phân công đồng chí Lê Đình Nhơn - Tỉnh uỷ viên làm Trưởng Ban. Đầu năm 1947, Ban Tuyên truyền đổi tên thành Ty Thông tin (T3). Đến giữa năm 1947 tiếp tục được đổi tên thành Ty Thông tin - Tuyên truyền (T5). Để tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ về công tác chính trị  -  tư tưởng, năm 1950, Đảng đoàn Ty Thông tin - Tuyên truyền được tách ra và thành lập Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ. Từ năm 1951 -1954, khi Tây Ninh sáp nhập cùng cùng một số huyện của hai tỉnh Chợ Lớn, Gia Định thành tỉnh Gia Định Ninh, toàn bộ Ban Tuyên huấn chuyển về tỉnh Gia Định Ninh. Riêng tại Tây Ninh, thành lập Phân Ty Thông tin Tuyên truyền, do đồng chí Nguyễn Văn Nữ phụ trách.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, tháng 8/1954, Tây Ninh tách ra từ tỉnh Gia Định Ninh, Tỉnh uỷ đã thành lập lại Ban Tuyên huấn do đồng chí Võ Văn Truyện - Phó Bí thư Tỉnh uỷ phụ trách. Ban Tuyên huấn được xây dựng và phát triển, là cơ quan tham mưu đắc lực cho Tỉnh uỷ về công tác chính trị, tư tưởng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đội ngũ cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn đã vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm và mất mát hy sinh để thực hiện tốt công tác vận động quần chúng ở các vùng yếu, vùng tôn giáo. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân mà trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả ở những thời điểm khắc nghiệt nhất của chiến tranh khi địch tập trung đàn áp, khủng bố trắng, quyết tâm tiêu diệt cách mạng và những người che chở cho cách mạng, những người cán bộ, đảng viên kiên trung của Đảng vẫn có thể bám trụ được trong dân, được dân hết lòng ủng hộ, nuôi giấu và bảo vệ. Từ đó, phong trào cách mạng của địa phương mới được giữ vững và không ngừng phát triển. Ngoài nhiệm vụ tuyên huấn, cán bộ, nhân viên của Ban Tuyên huấn còn tích cực tham gia xây dựng căn cứ, tăng gia sản xuất, tải lương, tải đạn, phá ấp chiến lược, xây dựng xã, ấp chiến đấu…

Nhìn lại những năm tháng đầy gian khổ, ác liệt nhưng rất đổi tự hào của các thế hệ cha anh đi trước, những người làm công tác Tuyên giáo hôm nay hoàn toàn có quyền tự hào về trang sử hào hùng và những đóng góp quan trọng của các thế hệ cán bộ, nhân viên ngành Tuyên huấn của Đảng. Càng vinh dự và tự hào hơn khi Tây Ninh còn là căn cứ kháng chiến, là nơi đứng chân của các cơ quan Trung ương Cục miền Nam, và đặc biệt là Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam trong những năm tháng đầy gian lao mà anh dũng.

Sau phong trào Đồng khởi năm 1960, để đáp ứng yêu cầu chuyển từ khởi nghĩa từng phần lên khởi nghĩa vũ trang toàn miền Nam và để lãnh đạo, chỉ đạo nhanh chóng, sát sao “công tác đảng ở những đảng bộ đặc biệt trọng yếu", tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khoá III quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ uỷ Nam Bộ. Ngày 23/11/1961, Hội nghị Trung ương Cục miền Nam đã quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, nối tiếp nhiệm vụ của Ban Tuyên huấn Xứ uỷ Nam bộ. Sau thời gian đóng tại Suối Nhum - Mã Đà thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, đến đầu năm 1962, Trung ương Cục miền Nam cùng các cơ quan trực thuộc Trung ương Cục đã chuyển về Khu căn cứ Bắc Tây Ninh và chọn khu rừng Chàng Riệc - Rùm Đuôn (thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên ngày nay) làm nơi đứng chân lãnh đạo cuộc kháng chiến cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Riêng Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đóng quân tại khu vực rừng Lò Gò thuộc ấp Tân Nam, xã Tân Bình, huyện Tân Biên ngày nay.

Trong những năm tháng đó, tại căn cứ này Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan thông tin, tuyên truyền như: Đoàn Văn công giải phóng, Đài Phát thanh giải phóng, Báo giải phóng, Nhà in,... thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quan trọng theo chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam. Nơi đây còn là địa điểm tổ chức các Đại hội, mittinh, đón tiếp các đoàn nhà báo quốc tế nổi tiếng, như: Bu-chét-ti, Ma-đơ-len Ríp-phô (Pháp), đoàn nhà báo Liên xô, Cu Ba, Ba Lan, Trung Quốc; nhà báo Sê-đrốp (Liên Xô), nhà báo Mo-ni-ca (Ba Lan), nhà báo Uyn-phơ-rết Bớc-séc (Ô-Xtrây li-a); đón đoàn làm phim tài liệu của Toà án quốc tế Béc-tơ-răng Ru-xen điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam; đón đoàn của đồng chí Van-đéc Vi-vô, Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Cu Ba, đại sứ Cu Ba tại miền Nam Việt Nam (3/1969).

Sau năm 1975, cùng với cả nước, Đảng bộ và Nhân dân Tây Ninh bước vào thời kỳ mới: vừa xây dựng lại quê hương, vừa chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Trong thời kỳ này, nhiệm vụ công tác Tuyên huấn lại càng nặng nề hơn. Đến năm 1988, để đáp ứng yêu cầu công tác tư tưởng, chính trị trong giai đoạn đổi mới của đất nước, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã quyết định hợp nhất 3 Ban: Ban Tuyên huấn, Ban Khoa giáo và Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng thành Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ. Theo đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy được xác định là cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng thuộc các lĩnh vực: chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, lý luận chính trị, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa giáo và biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương. 

Tiếp nối truyền thống, trong những năm qua ngành Tuyên giáo Tây Ninh đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, góp phần cùng Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh triển khai, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ. Công tác tuyên truyền được triển khai với nhiều nội dung, phương thức, hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực gắn với yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng nhiệm vụ, giải pháp. Công tác nắm bắt, phản ánh, dự báo tình hình và định hướng tư tưởng, dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân được đẩy mạnh. Công tác giáo dục lý luận chính trị, học tập nghị quyết của Trung ương, Tỉnh uỷ được đổi mới theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả cao, chú trọng bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới. Đồng thời, ngành Tuyên giáo tập trung thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới". Ban Tuyên giáo các cấp đẩy mạnh công tác tham mưu, tuyên truyền, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hoá"… tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, biến nhận thức thành hành động, thực hiện các chủ trương...

Ngành Tuyên giáo Tây Ninh đã không ngừng phấn đấu và nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, tính dự báo định hướng và trong tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, xứng đáng là lực lượng tiên phong giữ vững trận địa tư tưởng, góp phần ổn định chính trị - xã hội, xây dựng và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng. Đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần thực hiện tốt phương châm của ngành Tuyên giáo “Đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết".

IV. Ý NGHĨA CỦA NGÀY 01 THÁNG 8 - NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG

1. Đó là mốc son lịch sử, đánh dấu sự ra đời, trưởng thành ngày càng vững mạnh của lĩnh vực công tác Tuyên giáo của Đảng - lĩnh vực có lịch sử ra đời sớm nhất trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng trong các hoạt động thành lập Đảng Cộng sản cũng như trong công tác lãnh đạo của Đảng. Trải qua lịch sử 92 năm xây dựng và phát triển, cơ quan chuyên trách làm công tác Tuyên giáo của Đảng đã có những tên gọi khác nhau và có lần chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, nhưng trong bất cứ giai đoạn nào, lĩnh vực Tuyên giáo cũng luôn giữ được vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng.

2. Đây là dịp để cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành và cán bộ làm công tác Tuyên giáo nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của công tác Tuyên giáo, coi đó là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. 

3. Là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại và phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng trên lĩnh vực Tuyên giáo. Qua đó, góp phần củng cố, giữ vững trận địa Tuyên giáo của Đảng, bảo đảm sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, kiên định các nguyên tắc, nâng cao niềm tin trong Đảng và Nhân dân. Đây cũng là dịp các cấp ủy Đảng tăng cường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác Tuyên giáo; cơ quan quản lý Nhà nước các cấp tăng cường mối quan hệ, phối hợp công tác với Ban Tuyên giáo các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

4. Thông qua các hoạt động kỷ niệm để ôn lại và phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Tuyên giáo, củng cố và tăng cường niềm tin vào mục tiêu lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng, bồi đắp thêm niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của ngành Tuyên giáo./.


BBT-ĐH Cổng TTĐT Đảng bộ tỉnh

Link sách ảnh điện tử:

https://online.pubhtml5.com/xpfvm/djnh/

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập229
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm217
  • Hôm nay10,571
  • Tháng hiện tại216,864
  • Tổng lượt truy cập8,225,569
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây