KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH NGUYÊN CHỦ TỊCH NƯỚC VÕ CHÍ CÔNG: Nhà lãnh đạo tài ba trong sự nghiệp giải phóng và phát triển đất nước

Thứ hai - 08/08/2022 12:00 85 0

100 năm tuổi đời, 76 năm tuổi Đảng, đồng chí Võ Chí Công đã phấn đấu trọn đời mình và có những cống hiến hết sức to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.​


Ðồng chí Võ Chí Công nói chuyện thân mật với cán bộ huyện Tân Biên (Tây Ninh) ở lán làm việc của đồng chí Phạm Hùng trước đây tại Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam trong chuyến thăm tỉnh Tây Ninh từ ngày 18 đến ngày 23.1.1990

Cách nay 11 năm, trong bài điếu văn đọc tại lễ quốc tang nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công (sinh ngày 7.8.1912, mất ngày 8.9.2011, thọ 100 tuổi), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Đồng chí Võ Chí Công là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí luôn thể hiện phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, làm hết sức mình để giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân; sống giản dị, khiêm tốn, được đồng chí, đồng bào tin yêu, quý mến; được bạn bè quốc tế trân trọng". Nhận định này đã đánh giá một cách khái quát, chính xác về con người kiên trung và sự nghiệp lẫy lừng của nhà cách mạng từng là nguyên thủ quốc gia đời thứ ba của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đồng chí Võ Chí Công tên thật là Võ Toàn, sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, Võ Toàn đã được giáo dục về tinh thần dân tộc và chịu ảnh hưởng của nhiều chí sĩ tiền bối của quê hương xứ Quảng như: cụ Phan Châu Trinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng... Ngay từ năm 14 tuổi, Võ Toàn đã cùng cha tham gia các phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Châu Trinh, đòi dân sinh, dân chủ.

Từ năm 1930 đến năm 1932, ông tham gia hoạt động trong các phong trào thanh niên do Đảng ta tổ chức. Năm 1935, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Trong những năm trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Võ Chí Công bám dân, bám địa bàn, gây dựng cơ sở cách mạng tại Quảng Nam.

Sau cao trào vận động dân chủ 1936-1939, phong trào cách mạng bị đàn áp khốc liệt, nhiều tổ chức Đảng và cơ sở quần chúng ở Quảng Nam bị tan vỡ, ông thoát ly để hoạt động, giữ gìn và xây dựng cơ sở Đảng. Tháng 3 năm 1940, Tỉnh uỷ lâm thời Quảng Nam được thành lập, ông được cử làm Bí thư Tỉnh uỷ.

Tháng 10 năm 1941, tại Hội nghị thành lập lại Xứ uỷ Trung kỳ, ông được bầu làm Xứ uỷ viên, phụ trách các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Tháng 6 năm 1942, tại Hội nghị thành lập Liên tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng, ông được cử làm Bí thư Liên tỉnh uỷ.

Tháng 10 năm 1943, ông bị địch bắt, giam cầm và tra tấn rất dã man ở nhà lao Hội An, rồi bị kết án tù chung thân, sau đó giảm xuống 25 năm tù, đày đi nhà tù Buôn Ma Thuột. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Tháng 6 năm 1945, để mị dân, quân đội Nhật đã cho thả nhiều tù chính trị, trong đó có Võ Toàn.

Được trả tự do, ông trở về Quảng Nam và được bổ sung vào Uỷ ban Việt Minh Quảng Nam. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông là Thường trực Uỷ ban Khởi nghĩa đã trực tiếp vạch kế hoạch tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền tại Quảng Nam.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược nước ta, ông là Chính trị viên Trung đoàn 93. Từ năm 1946 đến năm 1952, ông làm Phó Ban Tổ chức cán bộ và Thanh tra Quân khu 5, rồi Bí thư Ban Cán sự Đông Bắc Campuchia, Uỷ viên Liên khu uỷ 5, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng.

Tháng 9 năm 1953, đồng chí Võ Chí Công dẫn đoàn đại biểu Liên khu 5 đi dự Hội nghị toàn quốc bàn về cải cách ruộng đất. Sau hội nghị, ông được Trung ương phân công tham gia thí điểm cải cách ruộng đất ở Việt Bắc.

Với tư cách là người trong cuộc, ông mạnh dạn phê phán cách làm rập khuôn, giáo điều, dẫn đến những sai lầm, tổn thất cho cách mạng và rút ra nhiều kinh nghiệm quý giá, tránh được nhiều tổn thất trong việc giải quyết vấn đề ruộng đất và chính sách đối với nông dân vùng giải phóng.

Sau Hiệp định Genève, trở về miền Nam công tác, đồng chí Võ Chí Công được phân công trở lại Khu 5 để truyền đạt chủ trương của Trung ương Đảng về cách mạng miền Nam và ở lại hoạt động bí mật, lãnh đạo tập kết, chuẩn bị lực lượng cách mạng lâu dài ở miền Trung, trên cương vị Phó Bí thư Khu uỷ và sau đó là quyền Bí thư Khu uỷ Khu 5. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9 năm 1960), đồng chí Võ Chí Công được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đồng chí Võ Chí Công đã có thời gian 4 năm trực tiếp hoạt động lãnh đạo cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước khi Trung ương Cục miền Nam chính thức thành lập theo Quyết định ngày 27.3.1961 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (nguồn: Lưu trữ Trung ương Đảng).

Trải nghiệm, tôi luyện trong thử thách, trong thực tế lãnh đạo, điều hành các cấp, với tác phong sâu sát quần chúng, với bản lĩnh cách mạng và tài trí kiên cường, ông đã đề xuất với Trung ương nhiều vấn đề có tính chiến lược về con đường của cách mạng miền Nam, đóng góp vào việc xây dựng dự thảo Nghị quyết Trung ương 15 lịch sử, mở ra bước ngoặt lớn cho cách mạng miền Nam.

Sau phong trào Đồng Khởi thắng lợi, trên cương vị là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, ông đã xuống nhiều địa phương của Nam bộ nghiên cứu, khảo sát, đúc kết kinh nghiệm để phổ biến cho toàn miền Nam chống bình định, phá ấp chiến lược, chống chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận của địch trong chiến tranh đặc biệt. Năm 1962, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, được Trung ương cử làm đại diện của Đảng tại Mặt trận.

Tháng 12 năm 1963, sau Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III), Bộ Chính trị cho tổ chức lại chiến trường miền Nam cho phù hợp với tình hình mới. Tháng 1 năm 1964, Bộ Chính trị điều động đồng chí Võ Chí Công từ chiến khu Bắc Tây Ninh về lại Khu 5 làm Bí thư Khu uỷ kiêm Chính uỷ Quân khu 5 và vẫn giữ chức Phó Bí thư Trung ương Cục.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược vô cùng gian khổ và ác liệt, đồng chí Võ Chí Công được rèn luyện trực tiếp trong ngọn lửa đấu tranh cách mạng của vùng đất Quảng Nam kiên cường và chiến trường Trung bộ, Nam bộ ác liệt. Là người giữ trọng trách cao nhất ở Khu 5, ông được coi là linh hồn của phong trào cách mạng Khu 5, luôn có mặt ở những địa bàn trọng yếu, ác liệt nhất của chiến trường Khu 5.

Đồng chí Võ Chí Công cùng tập thể Trung ương Cục miền Nam, Khu uỷ Khu 5 trực tiếp chỉ đạo việc đoàn kết, tập hợp, động viên mọi lực lượng trong Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, lãnh đạo quân và dân miền Nam vượt qua muôn vàn hy sinh, gian khổ, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đồng chí Võ Chí Công là một trong những nhà lãnh đạo thực tiễn xuất sắc trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc. Bản lĩnh của người lãnh đạo cao cấp thể hiện nổi bật ở sự quyết đoán, năng động và dám chịu trách nhiệm trong những thời khắc có tính chuyển biến quyết định của cách mạng và chiến tranh, tận dụng triệt để thời cơ, không để cho thời cơ thuận lợi trôi qua không trở lại.

Là người xem trọng thực tiễn, sâu sát với phong trào cách mạng, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm, đường lối chiến tranh nhân dân. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đồng chí đã lãnh đạo quân và dân Khu 5 sát cánh cùng các cánh quân chủ lực giải phóng Tây Nguyên, Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải miền Trung, làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo đà thắng lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày đất nước thống nhất, trên cương vị là Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước), Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, đại biểu Quốc hội khoá VI, VII, VIII, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí luôn trăn trở về con đường đi lên của cách mạng; sớm thể hiện sự tìm tòi đổi mới tư duy về kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; trân trọng, ủng hộ những sáng kiến của cán bộ, nhân dân và các địa phương; cùng tập thể Trung ương lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phá thế bị bao vây, cấm vận; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, từ tháng 4 năm 1987, đồng chí Võ Chí Công được Quốc hội khoá VIII bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khoá VIII, tháng 12 năm 1988, đồng chí được cử làm Chủ tịch Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980 thành lập Hiến pháp năm 1992.

Đây là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới của đất nước ta, tạo đà cho đất nước cất cánh bay lên thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Từ tháng 6 năm 1991 đến tháng 12 năm 1997, đồng chí Võ Chí Công là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Do tuổi cao sức yếu, đồng chí mất ngày 8 tháng 9 năm 2011 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 100 tuổi.

100 năm tuổi đời, 76 năm tuổi Đảng, đồng chí Võ Chí Công đã phấn đấu trọn đời mình và có những cống hiến hết sức to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Nguyễn Tấn Hùng

Nguồn BTNO

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập102
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm84
  • Hôm nay8,352
  • Tháng hiện tại214,645
  • Tổng lượt truy cập8,223,350
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây