Sau 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW đã thật sự đi vào cuộc sống, có tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách. Các cấp uỷ, chính quyền của thành phố Tây Ninh đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm và nhận thức trong việc triển khai tín dụng chính sách, quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động Ngân hàng Chính sách xã hội.
Nguồn vốn cân đối từ ngân sách chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội để uỷ thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thời gian qua đã được Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố và các cấp cơ sở đặc biệt quan tâm, chỉ đạo. Tổng nguồn vốn ngân sách địa phương do UBND thành phố trích chuyển sang uỷ thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội là 28,8 tỷ đồng, tăng 28,8 tỷ đồng so với năm 2014, tỷ lệ tăng 100%, chiếm tỷ trọng 7,9%/ tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội triển khai trên địa bàn. Đây là con số thể hiện sự quan tâm của Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong 10 năm qua, tổng nguồn vốn tăng 220,4 tỷ đồng, tăng 96,4%; tổng dư nợ tăng 219,8 tỷ đồng, tăng 154,4%. Vốn tín dụng chính sách ưu đãi đã
được triển khai thực hiện đến 10/10 xã, phường, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận một cách thuận lợi, kịp thời, có đóng góp to lớn đối với kết quả giảm nghèo nhanh, bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và đẩy lùi tín dụng đen trên địa bàn trong những năm qua. Cụ thể như: đã có 26,3 nghìn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn, với doanh số cho vay là 680 tỷ đồng, giúp cho 930 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo điều kiện cho 3,8 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, tạo việc làm cho 8,2 nghìn lao động, hỗ trợ người dân xây dựng, cải tạo 21,7 nghìn công trình cung cấp nước sạch và xây dựng công trình vệ sinh. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0% vào cuối năm 2023.
Kết quả trên đã khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn có tính nhân văn sâu sắc. Với sự quyết tâm vào cuộc, sự đoàn kết thống nhất của cả hệ thống chính trị của thành phố Tây Ninh đã lan tỏa hoạt động tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Để phát huy vai trò của kênh dẫn vốn này, thành phố Tây Ninh sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn; tăng cường nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Hội viên Hội Nông dân phường Ninh Sơn hưởng ứng Tuần lễ tiết kiệm (ảnh minh hoạ)
Trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, Ban Thường vụ Thành uỷ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ sau:
Tiếp tục quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong quá trình thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước, gắn tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Các cấp uỷ, chính quyền địa phương xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Xác định nội dung, nhiệm vụ, bố trí đủ, kịp thời nguồn tài chính tín dụng chính sách xã hội theo hướng tích hợp các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong quyết định đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình dự án khác trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Trong đó ưu tiên bố trí ngân sách thành phố uỷ thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ chính quyền cơ sở trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách, xác định dây là nội dung, công tác thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, chỉ đạo các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, nhất là công tác kiểm tra của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, của chủ tịch UBND cấp xã, của các đoàn thể chính trị xã hội… để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện cũng như nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị của cơ sở và người dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng chính sách
Tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; thực hiện tốt công tác nhận uỷ thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, nắm chắc tình hình sử dụng vốn của người vay.
Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục phát huy vai trò tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, chủ động phối hợp với các ban, ngành, cơ quan liên quan, các đoàn thể chính trị xã hội trong việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công bằng, công khai dân chủ và an toàn vốn.
Võ Quân – Thanh Thanh
Tác giả: BTG Thành uỷ Tây Ninh, Võ Quân – Thanh Thanh
Ý kiến bạn đọc