Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong vận động Nhân dân xây dựng đời sống văn hoá

Thứ năm - 02/05/2024 08:04 29 0
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được hình thành trên cơ sở kế thừa, phát huy, quy tụ, mở rộng và nâng cao các phong trào, các cuộc vận động được tiến hành ở khu dân cư. Qua hơn 20 năm thực hiện đã tác động tích cực đến đời sống nhân dân trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

Biểu dương các gương tiêu biểu tại ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu.

* Nhiều chuyển biến rõ nét trong xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư

Hằng năm, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện và hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố đề ra nội dung, biện pháp phối hợp thực hiện phù hợp với đặc điểm tình hình; phối hợp thống nhất nội dung thực hiện với các tổ chức chính trị - xã hội; hướng dẫn hệ thống Mặt trận chỉ đạo, hướng dẫn Ban Công tác Mặt trận phối hợp với trưởng ấp, khu phố tổ chức cho các hộ gia đình, ấp đăng ký, bình xét danh hiệu văn hoá; tổ chức biểu dương các gương tiêu biểu “ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “người làm công tác xã hội tốt”, “gia đình học tập”, “gia đình tiêu biểu toàn diện”, các cá nhân điển hình trong vận động bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự xóm ấp… tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.

Mặt trận Tổ quốc cơ sở, Ban Công tác Mặt trận ấp (khu phố) phối hợp chính quyền, các đoàn thể tổ chức đăng ký, bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa. Kết quả năm 2023 đã công nhận 269.387/297.204 gia đình văn hóa, đạt 90,64%; ấp, khu phố văn hóa 533/535 ấp, đạt 100%. Bên cạnh đó, hệ thống Mặt trận chủ động thực hiện quy trình bình xét gia đình tiêu biểu toàn diện được 23.100/269.387 hộ, chiếm tỷ lệ% 8,58%.

Qua đúc kết thực tiễn các phong trào thi đua yêu nước, có nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo như: “Hộ gia đình tự quản không có rác thải trước cửa nhà”; “Hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm không gây ô nhiễm môi trường”; “Hộ gia đình tín đồ Cao Đài gương mẫu thực hiện bảo vệ môi trường”; “Họ đạo Cao Đài xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, ứng phó biến đổi khí hậu”; "Họ đạo Cao Đài xây dựng nếp sống văn minh, an lành, đoàn kết"; "Phát huy vai trò đạo Công giáo trong xây dựng nông thôn mới"; “Xứ đạo an toàn về an ninh trật tự”; "Vận động nhân dân và tín đồ các tôn giáo xây dựng khu dân cư văn minh và an toàn về an ninh trật tự"; "Xây dựng khu dân cư xanh, sạch, đẹp, an toàn"; “Đoạn đường tự quản, đảm bảo an toàn giao thông”… từ đó phát hiện nhiều cá nhân tiêu biểu, tích cực trong các phong trào.

Vào đầu tháng 11 hằng năm, khắp nơi trong tỉnh tưng bừng tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc", thiết thực kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam – Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11). Ngày hội là dịp giao lưu các giá trị văn hóa (tổ chức hoạt động văn nghệ, thể dục - thể thao, các trò chơi dân gian), các hoạt động xã hội (tặng quà cho hộ nghèo, các gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn), tạo không khí thi đua sôi nổi rộng khắp trong các tầng lớp Nhân dân, gắn kết tình làng nghĩa xóm, dần dần trở thành nếp sống tự giác tốt đẹp của người dân, phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng; là dịp phát động các phong trào thi đua, biểu dương, khen thưởng gương người tốt việc tốt, gia đình văn hóa tiêu biểu… Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã biểu dương, khen thưởng 52.342 gương tập thể, cá nhân. Ngày hội cũng khích lệ Nhân dân chung tay xây dựng nếp sống văn minh, đấu tranh, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật như: Lạm dụng rượu, cờ bạc, trộm cắp, ma túy,…

Từ thực tiễn vận động Nhân dân xây dựng đời sống văn hoá, tình đoàn kết, tương thân, tương ái của cộng đồng cũng được thể hiện qua các hoạt động như: vận động hỗ trợ các cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ xã hội, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai; giúp đỡ các gia đình chính sách, người già neo đơn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xây nhà... .

Thông qua Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ và Nhân dân trong xây dựng đạo đức, lối sống gắn với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tạo môi trường văn hóa lành mạnh ở cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng ngày càng nâng cao... Diện mạo các ấp ngày càng khang trang, môi trường sống lành mạnh được giữ vững, nếp sống của người dân từng bước thay đổi theo hướng văn minh và tiến bộ.

* Vẫn còn những hạn chế

Phát động phong trào xây dựng đời sống văn hoá với mục đích làm cho mỗi người, mỗi gia đình, ấp, xã, cơ quan, đơn vị đều có ý thức đoàn kết gìn giữ, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước; xây dựng mối quan hệ giữa các cá nhân trong cộng đồng ngày càng gắn bó hơn, hình thành tập quán, nếp sống văn hóa, văn minh trong ứng xử, làm việc. Qua đó góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc xây dựng đời sống văn hóa đối với sự phát triển kinh tế, xã hội chưa cao.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội còn nhiều bất cập, một bộ phận người dân còn tình trạng lấn hẻm, đường để dựng rạp tổ chức tiệc; ca hát với âm thanh lớn ảnh hưởng đến xung quanh; tổ chức tiệc linh đình, lãng phí.

Việc đăng ký, đánh giá, bình xét kết quả xây dựng gia đình văn hóa cũng như thực hiện quy ước khu dân cư còn nặng về hình thức, thành tích (nhiều nơi không tổ chức đăng ký, nhiều hộ gia đình bất hòa, sống thiếu đoàn kết vẫn được công nhận gia đình văn hóa, nhiều ấp tình trạng trộm cắp, tệ nạn cờ bạc… vẫn được công nhận danh hiệu ấp văn hóa…); công tác vệ sinh môi trường ở một số địa phương chưa đảm bảo (người dân còn vứt rác bừa bãi, việc xử lý rác thải chưa được phân loại, …). Công tác văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao còn gặp nhiều khó khăn, nhà văn hóa, bưu điện văn hóa một số nơi thiếu hoạt động thiết thực, không phát huy được tác dụng là nơi sinh hoạt cộng đồng với những hoạt động văn nghệ, giao lưu.

* Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tuyên truyền, vận động xây dựng đời sống văn hoá

Trước một số hạn chế trên, đề tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, đỏi hòi Mặt trận Tổ quốc cần phát huy hơn nữa trong vận động Nhân dân xây dựng đời sống văn hoá; tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện hoàn thành các tiêu chí về nhà ở, giảm nghèo, vệ sinh môi trường, bảo hiểm y tế,... để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các xã cỏn lại; xây dựng các mô hình giảm nghèo, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh.

Hướng dẫn hệ thống Mặt trận phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở trong việc bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa, văn minh; gia đình tiêu biểu toàn diện; tiếp tục thực hiện Quyết định số 1786/QĐ-UBND, ngày 19/8/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2026.

Nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” hằng năm, thông quá đó tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút nhiều người dân tham gia, tạo nên không khí gắn bó, đầm ấm, vui tươi, phấn khởi, góp phần đoàn kết cộng đồng dân cư.

Kiến nghị ngành chức năng đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh vào trong quy ước của ấp, khu phố văn hoá, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở việc thực hiện, tránh tình trạng hình thức.

Tiếp tục phối hợp vận động xã hội hóa và đề nghị ngành chức năng tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí trên địa bàn nông thôn.

Phối hợp với các tổ chức thành viên biểu dương, nhân rộng mô hình cưới trang trọng, đơn giản; đồng thời kiến nghị chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý những trường hợp vi phạm về lấn chiếm hẻm, đường tổ chức tiệc; ca hát gây ồn ảnh hưởng đến cuộc sống xung quanh.

Tiến Hưng

Tác giả: Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, Tiến Hưng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

chuyển đổi số
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
thong bao noi bo
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập67
  • Máy chủ tìm kiếm64
  • Khách viếng thăm3
  • Hôm nay6,996
  • Tháng hiện tại389,753
  • Tổng lượt truy cập3,474,047
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây