Đề án “Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) triển khai nhằm thực hiện việc phát triển hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn góp phần hạn chế việc giảm dân số nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn.
Đậu phộng rang giã vị Anh Đào, sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của xã An Bình
Việc phát triển Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm" có một ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Khi triển khai thành công\ sẽ giúp nâng cao thu nhập, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, giúp thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất" trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế nông thôn. Điều này sẻ giúp giảm việc di dân từ nông thôn ra thành phố, thực hiện có hiệu quả tinh thần “Ly nông, bất ly hương". Thông qua chương trình góp phần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực - yếu tố cơ bản thúc đẩy sự phát triển một cách bền vững kinh tế nông thôn cũng như tạo ra các sản phẩm dịch vụ có chất lượng phục vụ phát triển du lịch địa phương.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có nội dung xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm" theo chủ trương của tỉnh, tháng 2 năm 2021, Uỷ ban nhân dân huyện Châu Thành tổ chức Hội nghị tập huấn những kiến thức cơ bản về Chương trình OCOP cho lãnh đạo, công chức cấp xã và các chủ thể có thể phát triển sản phẩm tham gia Chương trình giai đoạn 2021-2025. Đến nay đã có 8 xã, thị trấn đăng ký 13 sản phẩm, gồm xã An Cơ với "Xoài cát Hòa Lộc"; xã Thái Bình với "Muối ớt Thắng Lợi"; xã Trí Bình với "Xoài cát Hòa Lộc"; xã An Bình với "Đậu phộng rang giã vị Anh Đào"; xã Biên Giới với "Rượu nếp Tân Long"; xã Ninh Điền với "Bưởi da xanh Hương Quê"; xã Phước Vinh với "Măng trẻ Bát độ"; xã Thanh Điền với 2 sản phẩm là "Hạt điều Thảo Vân" và "Bánh tráng Ngọc Châu"; Thị trấn Châu Thành với 4 sản phẩm là "Trà túi lọc", "Dầu bưởi, cam, sả", "Rượu bưởi" và "Cùi bưởi nguyên liệu nấu chè".
Tính đến thời điểm này, huyện đã tập hợp hồ sơ 6 sản phẩm của Thị trấn Châu Thành, xã Thái Bình và xã An Bình, đồng thời, đang hướng dẫn tập hợp hồ sơ 2 sản phẩm của xã Thanh Điền.
Ngành chức năng huyện hỗ trợ các chủ thể phấn đấu hoàn thiện việc công nhận sản phẩm Chương trình OCOP hạng 3-4 sao, dự kiến 1-4 sản phẩm, cụ thể là sản phẩm của Công ty TNHH ECO GREEN Việt Nam (Thị trấn) đăng ký 04 sản phẩm, dự kiến 01 sản phẩm đạt hạng 4 sao; sản phẩm của cơ sở đậu phộng Anh Đào (xã An Bình) 01 sản phẩm, dự kiến đạt hạng 3 sao; sản phẩm Muối ớt Thắng Lợi (xã Thái Bình) dự kiến đạt hạng 3 sao; sản phẩm của Doanh nghiệp tư nhân Bánh tráng Ngọc Châu (xã Thanh Điền) dự kiến đạt hạng 3 sao.
Trong giai đoạn 2020-2025, huyện Châu Thành đặt mục tiêu 100% xã có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP, có ít nhất 10 chủ thể phát triển được sản phẩm. Giai đoạn 2026-2030, có ít nhất 20 chủ thể phát triển được sản phẩm.
Đây là Đề án mới, có tính lâu dài, do đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để vận động, khuyến khích các thành phần kinh tế, hộ gia đình tham gia Đề án.
Minh Thư
Ý kiến bạn đọc