Cô Phạm Thị Chúc cùng các em học sinh trong Thư viện
Làm nhân viên thư viện phải có tình yêu đặc biệt với sách thì mới truyền được niềm hứng thú đọc sách đến bạn đọc. Năm 2009, tốt nghiệp chuyên ngành Thư viện thông tin, cô Phạm Thị Chúc trở thành nhân viên thư viện trường Tiểu học Phước Ninh. Vui vì được làm công việc mình yêu thích, đúng ngành nghề được đào tạo, cô Chúc nhanh chóng đổi mới, sáng tạo trong tổ chức quản lý, sắp xếp hệ thống tài liệu một cách khoa học, nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng thư viện trường học thành không gian đọc sách thân thiện cuốn hút học sinh. Để thư viện trường thực sự là điểm đến văn hóa, là trung tâm văn hóa học đường, cô đã tạo ra nhiều sân chơi gắn liền với sách như triển lãm sách, vẽ tranh theo sách, thi làm thiệp theo sách, đọc sách ngoài trời, tiết đọc thư viện,... để học sinh tiếp cận với sách, yêu sách hơn. Thực hiện “Mỗi tuần một cuốn sách hay”, cô chủ động biên soạn các bài giới thiệu những câu chuyện nhân văn, những bài học hay, những tấm gương danh nhân lịch sử trong sách theo chủ đề, chủ điểm lớn để giới thiệu tới bạn đọc vào thứ hai của tuần đầu tháng. Cô tận tụy hướng dẫn các em kỹ năng đọc sách, cách sử dụng thư viện hiệu quả, giới thiệu nguồn tài liệu, nội quy sử dụng thư viện.
Phòng thư viện được cô thiết kế không gian thoáng mát, thân thiện với những bức tranh hoạt hình ngộ nghĩnh trên tường và kệ sách được sắp xếp theo màu, những chiếc bàn xinh xắn, tạo cho học sinh cảm giác thoải mái khi đến đây. Bên cạnh đó, cô còn bố trí các góc riêng như: Góc viết - vẽ, góc tra cứu, góc nghệ thuật, góc trò chơi,… giúp học sinh có thêm ý tưởng khi tới thư viện. Không những thế, cô còn có sáng kiến trong việc xây dựng túi sách di động ở mỗi lớp, từ phong trào đó đã lan tỏa nhiều lớp, các em có thêm không gian đọc. Để có nhiều sách truyện, cô luôn chủ động tham mưu với lãnh đạo nhà trường mua bổ sung, phát động phong trào “Góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay” đã được giáo viên, học sinh tích cực hưởng ứng. Hiện nay thư viện đã có hơn 5.000 đầu sách các loại với nội dung phong phú.
Không chỉ dừng lại ở các hoạt động trong phòng thư viện, hàng năm cô còn tổ chức thành công “Ngày đọc sách”. Trong ngày đọc sách, học sinh được tham gia nhiều hoạt động sôi nổi như: Thi kể chuyện theo sách, theo chủ đề; Vẽ tranh về nhân vật qua các câu chuyện, những phần giao lưu vui nhộn cùng các phần thưởng nho nhỏ động viên học sinh, thi trưng bày sách,… đã tạo sân chơi bổ ích, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, các em được bày tỏ ý tưởng sáng tạo mô hình sách.
Năm học 2021 - 2022, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học ứng phó với dịch COVID-19, cô Chúc đã đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa đọc, tổ chức nhiều chương trình bổ ích liên quan đến sách bằng mô hình “Thư viện online” trên các nền tảng Internet. Đây là hoạt động nổi bật của công tác phát triển văn hóa đọc tại thư viện trong bối cảnh mới. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến không gian giao tiếp bên ngoài và các hoạt động vui chơi giải trí hầu như bị tạm dừng. Cô Chúc đã chủ động bắt kịp xu hướng chuyển đổi số của thời đại, sử dụng Internet để kết nối và giúp các em học sinh tiếp cận, sử dụng nguồn thông tin của thư viện và các xuất bản phẩm một cách dễ dàng, thuận lợi hơn. Cô đã giới thiệu, đăng tải video clip giới thiệu sách thông qua tài khoản Facebook của trường; chủ động gửi file video clip này tới giáo viên chủ nhiệm các lớp để trong các tiết sinh hoạt tập thể, giáo viên chủ nhiệm giới thiệu đến học sinh. Ngoài ra, cô Chúc còn xây dựng kênh thư viện trực tuyến trường Tiểu học Phước Ninh trên kênh Youtube. Ngay từ tháng 9/2021, cô tuyên truyền kênh thư viện trực tuyến, gửi link của kênh đến toàn thể giáo viên của trường và đề nghị giáo viên trình chiếu đường link, mở các video giới thiệu sách của kênh thông qua các tiết sinh hoạt lớp hàng tuần (trình chiếu, chia sẻ màn hình), qua đó nhằm giới thiệu rộng rãi kênh thư viện trực tuyến đến học sinh, phụ huynh học sinh. Tới nay kênh đã thu hút được nhiều lượt xem. Những video giới thiệu sách này đã được các em học sinh đón nhận một cách hào hứng; nhiều phụ huynh khi xem video cùng con đã tìm mua những đầu sách theo hướng dẫn về cho con đọc; nhiều phụ huynh dành thời gian để cùng đọc sách với con em mình.
Nhờ sự đóng góp của cô, hoạt động thư viện nhà trường đã đạt hiệu quả tốt. Nơi đây không chỉ là nơi phục vụ nhu cầu tìm thông tin của các em học sinh với nguồn tài liệu phong phú, mà còn là nơi giải trí lành mạnh cho các em sau những giờ học. Thói quen đọc sách của các em cũng đã dần hình thành và phát triển, các em rất thích đến thư viện để vừa học vừa chơi. Từ sự đam mê và yêu thích đọc sách ấy, các em học sinh có kỹ năng đọc, kỹ năng ghi nhớ và thích khám phá thế giới xung quanh mình.
Gắn bó với trường hơn 10 năm, cô Chúc luôn có lối sống giản dị, chân thành, giữ gìn đoàn kết nội bộ, luôn đổi mới sáng tạo trong chuyên môn, được đồng nghiệp, học sinh quý mến. Những đóng góp của cô đã được ghi nhận với nhiều giấy chứng nhận, giấy khen, bằng khen: 05 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 01 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 01 bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 02 bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh cùng nhiều giấy khen khác. Cô là tấm gương tự học, sáng tạo, tận tụy với nghề để đồng nghiệp và học sinh học tập noi theo.
Phạm Thị Mai