Các cơ sở đảng đầu tiên ở Tây Ninh và Bí thư Tỉnh uỷ qua các thời kỳ.

Thứ tư - 01/07/2020 17:00 136 0

Các cơ sở đảng đầu tiên ở Tây Ninh (Kỳ 1).

Cơ sở đảng ở Giồng Nần, 1930

giong nan.png

Di tích Giồng Nần tại xã Thanh Điền, huyện Châu Thành - cơ sở Đảng đầu tiên ở Tây Ninh

Ngày 03.02.1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và ánh sáng của Đảng đã nhanh chóng đến với Tây Ninh.

Đầu năm 1930, đồng chí Võ Văn Lợi từ Bà Điểm (Hóc Môn), lên Giồng Nần (huyện Châu Thành), vừa sinh sống vừa tuyên truyền giác ngộ quần chúng chống Pháp. Sau gần một năm hoạt động bí mật, cuối năm 1930, đồng chí Lợi được chi bộ ở Bà Điểm kết nạp vào Đảng, rồi nhận nhiệm vụ về Tây Ninh tiếp tục hoạt động và xây dựng phong trào cách mạng. Đồng chí Lợi giác ngộ được 4 quần chúng tốt là anh Trương Văn Chẩn, Trương Văn Phú, Nguyễn Văn Viết, Trần Văn Luông làm nòng cốt cho phong trào. Kế hoạch của đồng chí Lợi là thông qua tuyên truyền vận động quần chúng, đến cuối năm 1930 sẽ tiến hành tổ chức Nông hội Đỏ ở một số nơi, đồng thời lựa chọn những người ưu tú đề nghị chi bộ ở Bà Điểm kết nạp vào Đảng, sau đó hình thành cơ sở Đảng tại đây. Nhưng kế hoạch này không thực hiện được vì đồng chí Võ Văn Lợi bị địch bắt và đày ra Côn Đảo.

Bị địch tăng cường khủng bố gắt gao, các quần chúng tích cực hoạt động cách mạng phải đổi vùng hoạt động sang đất Campuchia vào các làng người Việt như Trà Ky, Ba Ti, Truông Cồng…vừa cày thuê gặt mướn để sống, vừa móc nối với tổ chức Đảng ở Ba Ti (là cơ sở đảng liên lạc với Quận uỷ Đức Hoà, tỉnh Chợ Lớn - nay là tỉnh Long An). Một thời gian sau, các quần chúng tích cực được chi bộ ở Ba Ti kết nạp vào Đảng và trở về hình thành cơ sở Đảng tiếp tục hoạt động ở Giồng Nần, Long Giang, Long Khánh thuộc huyện Châu Thành.

Tại Giồng Nần, các đồng chí vận động đồng bào vào các hội vần công cấy gặt, các hội ái hữu, tương tế, đồng thời chọn một số người để thành lập tổ chức Nông hội Đỏ. Qua quá trình hoạt động, cơ sở Đảng ở vùng Giồng Nần bị địch theo dõi ráo riết, trong chuyến đi liên lạc với cơ sở Đảng ở Bà Điểm, hai đồng chí Nguyễn Văn Viết, Trần Văn Luông bị địch bắt và đày đi mất tích, còn lại hai đồng chí Trương Văn Chẩn và Trương Văn Phú vẫn giữ liên lạc với tổ chức Đảng ở Ba Ti, nhưng không gây dựng được phong trào và cũng không phát triển được cơ sở Đảng.

​Cơ sở đảng Quán Cơm, 1934-1935.

Sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), thực dân Pháp tiến hành cuộc khủng bố trắng nhằm dập tắt ngọn lửa đấu tranh của quần chúng, phong trào cách mạng cả nước tạm thời lắng xuống. Năm 1934-1935, phong trào cách mạng ở Tây Ninh dần khôi phục trở lại do đồng chí Lên (Tư Địa) là cán bộ Liên Tỉnh uỷ đến rừng Bàu Sen, Bàu Dài (thuộc huyện Dương Minh Châu ngày nay) hoạt động tuyên truyền, giác ngộ quần chúng. Từ đây, đồng chí Lên chuyển lên vùng Quán Cơm (nay thuộc Phường I, Thành phố Tây Ninh), trụ lại một thời gian rồi mở rộng phạm vi hoạt động ra các xã Ninh Thạnh, Thái Bình, Thanh Điền. Qua quá trình tuyên truyền vận động cách mạng, đồng chí Lên đã lựa chọn và kết nạp vào Đảng một số đồng chí, như: Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Văn Dú, Huỳnh Văn Sự, Trần Văn Đẩu, Trần Văn Mạnh, Nguyễn Văn Giang…hình thành cơ sở Đảng ở Quán Cơm. Cơ sở Đảng ở Quán Cơm được xem như trung tâm chỉ đạo của đồng chí Lên đi các vùng, cũng chưa hình thành chi bộ Đảng, chưa có nghị quyết, chủ trương cụ thể, mà chỉ là gặp mặt truyền miệng cho nhau, nhận việc và thi hành nhiệm vụ.

Cơ sở đảng ở Rạch Tràm - Phước Chỉ, 1938.

rach tram - phuoc chi.jpg

Địa điểm cơ sở Đảng ở Rạch Tràm - Phước Chỉ

Đến những năm 1936-1939, phong trào cách mạng ở Tây Ninh được nhen nhóm trở lại dưới dạng đấu tranh công khai, hợp pháp. Nổi bật là nhóm thanh niên tại Phước Chỉ (Trảng Bàng) gồm các anh Lê Văn Vẳng, Dương Quang Thạnh và Bùi Quang Ngỡi. Dưới sự chỉ đạo của Tổng uỷ Cầu An Thượng (thuộc Quận uỷ Đức Hoà - Long An ngày nay), nhóm thanh niên Phước Chỉ đã đã đứng ra thành lập Hội Ái hữu, giúp nhau cày cấy, lo liệu ma chay, đám cưới, đám giỗ, ốm đau … Hội phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều thanh niên vào làm việc nghĩa và được quần chúng đồng tình ủng hộ. Riêng tại ấp Phước Hưng (Phước Chỉ), Hội Ái hữu có hàng trăm hội viên hoạt động công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp. Ở chợ Rạch Tràm hình thành các nhóm xin giảm thuế. Năm 1938, phong trào quần chúng hoạt động công khai khá mạnh, đủ điều kiện tiến tới thành lập một Uỷ ban hành động, đặt trụ sở tại chợ Rạch Tràm. Tháng 8.1938, ba anh Vẳng, Thạnh, Ngỡi được Tổng uỷ Cầu An Thượng kết nạp vào Đảng, hình thành cơ sở Đảng ở Phước Chỉ.

Như vậy, ngay từ năm 1930, ánh sáng của Đảng đã đến với Tây Ninh. Qua phong trào, Đảng đã bồi dưỡng, đào tạo được đội ngũ cốt cán người địa phương và hình thành các cơ sở đảng ở Giồng Nần, Quán Cơm và Phước Chỉ, lãnh đạo quần chúng đấu tranh theo các mục tiêu do Đảng đề ra, kêu gọi quần chúng đứng lên đấu tranh để giải phóng mình, giành lại quyền sống, quyền tự do. Tuy nhiên, đến năm 1938, 1939, các cơ sở đảng này mới chỉ là tập hợp các đảng viên lẻ, chưa thành lập được tổ chức đảng độc lập, hoàn chỉnh. Tuy chưa chính thức có chi bộ Đảng, nhưng đây là sự chuẩn bị trực tiếp, làm nền tảng cho sự ra đời của Đảng bộ Tây Ninh sau này.

NHP



  Ý kiến bạn đọc

chuyển đổi số
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
thong bao noi bo
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập121
  • Máy chủ tìm kiếm86
  • Khách viếng thăm35
  • Hôm nay12,977
  • Tháng hiện tại395,734
  • Tổng lượt truy cập3,480,028
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây