Đồng chí Thành Từ Dũ, Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ (người thứ 4 nhìn từ bên phải) – Trưởng Đoàn cùng các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, các tỉnh, thành và đại biểu tham gia dâng hoa tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phố đi bộ Nguyễn Huệ
Trong thời gian qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và của cán bộ, đảng viên.
ĐIỂN HÌNH TẬP THỂ BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ HUYỆN BẾN CẦU HỌC TẬP VÀ LÀM THEO BÁC XÂY DỰNG ĐƠN VỊ VỮNG MẠNH TOÀN DIỆN
Trung tá Nguyễn Thanh Phong - Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bến Cầu đại diện tập thể điển hình Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bến Cầu (Ảnh: LTH)
Với phương châm “Cụ thể, thiết thực, hiệu quả”, đơn vị chủ động xây dựng các phong trào thi đua phù hợp với thực tiễn và đem lại hiệu quả thiết thực như: Mô hình “Cán bộ, đảng viên giúp đỡ nòng cốt, nòng cốt dìu dắt quần chúng và cấp dưới”; mô hình “Đơn vị ba nhất”; mô hình “Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện thi đua thực hiện văn hóa công sở, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; mô hình “Lực lượng vũ trang huyện Bến Cầu chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, mô hình “Câu lạc bộ hỗ trợ đảng viên xuất ngũ”... Qua thực hiện các mô hình tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc tu dưỡng phẩm chất đạo đức, chấp hành nghiêm kỷ luật, không ngừng nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đơn vị thực hiện tốt công tác xây dựng lực lượng thường trực, dự bị động viên, dân quân tự vệ, tuyển chọn công dân nhập ngũ hàng năm đạt 100% chỉ tiêu trên giao. Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm quân số, vũ khí trang bị theo quy định. Với tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”, cán bộ, chiến sĩ đơn vị tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động như “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Hằng năm tổ chức ra quân làm công tác dân vận đã tạo được nhiều ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân.
Ngoài ra, do đóng trên địa bàn biên giới nên đơn vị luôn chú trọng công tác đối ngoại với các địa phương giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia. Duy trì tốt các buổi họp mặt trao đổi thông tin, giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra trên tuyến biên giới, giữ vững biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển.
HỌC VÀ LÀM THEO BÁC QUA MÔ HÌNH “ĐỒNG HÀNH CÙNG GIÁO DỤC VÙNG BIÊN GIỚI, VÙNG KHÓ KHĂN”
Đồng chí Dương Thị Ánh - Phó Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Biên đại diện Mô hình “Đồng hành cùng giáo dục vùng biên giới, vùng khó khăn” (Ảnh: LTH)
Trên tinh thần đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng vươn lên trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; xác định học và làm theo gương Bác phải thông qua việc làm cụ thể, thiết thực sát hợp tình hình thực tế địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Biên triển khai thực hiện mô hình “Đồng hành cùng giáo dục vùng biên giới, vùng khó khăn”. Mô hình được triển khai thực hiện với 04 nội dung cụ thể là: (1) Tăng cường hỗ trợ cơ sở vật chất tinh thần cho các đơn vị vùng khó khăn; (2) trường thuận lợi giúp trường khó khăn; (3) Xuân biên cương; (4) Bếp hồng biên giới. Đây là mô hình mang nét đặc sắc riêng của ngành giáo dục vùng biên giới phía Bắc của tỉnh Tây Ninh.
Hoạt động trường thuận lợi giúp trường khó khăn của Mô hình “Đồng hành cùng giáo dục vùng biên giới, vùng khó khăn”. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Tân Biên hỗ trợ tivi phục vụ dạy học cho Trường Tiểu học Tân Khai ở biên giới (Ảnh: LTH)
Được triển khai thực hiện từ năm 2019, mô hình đã huy động được sự ủng hộ tích cực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp, hỗ trợ cho các đơn vị trường học vùng khó khăn xây dựng cơ sở vật chất, xây nhà công vụ cho giáo viên khu dân cư biên giới, tặng quà cho giáo viên, học sinh vùng biên giới, vùng khó khăn. Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ các đơn vị vùng khó, hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phân công, tổ chức các trường vùng thuận lợi giúp đỡ các trường vùng khó khăn. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi đơn vị có những cách làm sáng tạo, hỗ trợ các đơn vị vùng khó khăn như tặng tivi thông minh, sách giáo khoa, tập vở, bảo hiểm y tế, hỗ trợ chuyên môn, hỗ trợ giáo viên tăng cường đứng lớp cho các đơn vị tỷ lệ bố trí giáo viên thấp,…
Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện, mô hình “Đồng hành cùng giáo dục vùng biên giới, vùng khó khăn” thực sự là một điểm sáng với nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể trong học tập và làm theo Bác; đã góp phần không nhỏ giúp các đơn vị trường học vùng khó khăn cải tạo cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị, đồ dùng dạy học, nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn, đặc biệt là chia sẻ khó khăn, chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần để giáo viên an tâm công tác, nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo huyện Tân Biên nói riêng, tỉnh Tây Ninh nói chung.
Tác giả: nvdung, LTH
Ý kiến bạn đọc