75 năm Truyền thống Trường Đảng miền Nam - Học viện Chính trị khu vực II (1949-2024)

Thứ sáu - 22/11/2024 00:08 116 0
Sáng ngày 21.11, Học viện Chính trị khu vực II tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và Chào mừng 75 năm Truyền thống Trường Đảng miền Nam; đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong chặng đường xây dựng và phát triển qua 3/4 thế kỷ của Trường Đảng miền Nam. Nay là Học viện Chính trị khu vực II.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và chào mừng 75 năm Truyền thống Trường Đảng miền Nam (ảnh: LTH)

        Đến dự có đồng chí GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương; khách quốc tế; đại biểu của các trường chính các tỉnh khu vực phía Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, người lao động của Học viện Chính trị khu vực II qua các thời kỳ. Về phía Tây Ninh, có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Trường Chính trị Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh. Thực hiện chương trình phối hợp, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh đã trực tiếp Chương trình Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và chào mừng 75 năm Truyền thống Trường Đảng Miền Nam trên các hạ tầng của Đài.

Thay mặt Ban Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng ôn lại truyền thống của nhà trường (ảnh: LTH)

        Trường Đảng Miền Nam ra đời vào tháng 9 năm 1949 trong chiến khu ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Trong suốt 75 năm qua, tên gọi của Trường có sự thay đổi qua các thời kỳ lịch sử từ Trường Trường Chinh, Trường Nguyễn Ái Quốc Miền Nam, Trường Nguyễn Ái Quốc VII, Trường Chính trị K… và đến nay là Học viện Chính trị khu vực II. Từ khi thành lập, Trường luôn nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; đã khai giảng khóa đầu tiên tại ấp Ngang Dừa, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá (nay là ấp 7, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang). Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị cách mạng, trường đã di chuyển qua nhiều địa điểm, với nhiều tên gọi khác nhau; Hiệu trưởng Trường là các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy Nam Bộ, sau là lãnh đạo Trung ương Cục Miền Nam.

          Sau Cách mạng Tháng 8/1945 “long trời lở đất”, Nhân dân ta từ thân phận nô lệ dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ đã giành lại quyền làm chủ đất nước. Song, thực dân Pháp đã trở lại xâm lược đất nước ta. Cả dân tộc bước vào cuộc trường chinh vĩ đại với tinh thần “ thà hy sinh tất cả nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã nổ ra, “ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến” đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay Nhân dân. Chính trong bối cảnh khói lửa, quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp, tháng 9/1949, Trường Đảng Miền Nam ra đời phục vụ yêu cầu nhiệm vụ cách mạng và đã hoàn thành xuất sắc công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Nam Bộ, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp. Sau khi Hiệp định Giơ ne vơ ký kết thì kẻ thù đã trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, buộc chúng ta cầm súng bảo vệ nền độc lập. Trường Đảng Miền Nam lúc này là Trường Nguyễn Ái Quốc ở Miền Nam được lập lại trên mãnh đất Miền Đông gian lao mà anh dũng – Vùng Đất Cuốc (Đồng Nai), sau đó di chuyển đến rừng biên giới huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh để tiếp tục phục vụ nhiệm vụ cách mạng cho đến ngày giải phóng, thống nhất đất nước.

Lãnh đạo Tỉnh uỷ Hậu Giang, Học viện Chính trị Khu vực II và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tây Ninh về nguồn thăm Bia tưởng niệm Trường Đảng miền Nam tại Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam

         Kể từ khi Trường Đảng Miền Nam thành lập, khai giảng khóa học đầu tiên và trong suốt quá trình hoạt động, Nhà trường đã rất vinh dự được các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Cách mạng Miền Nam trực tiếp chỉ đạo và giảng dạy: đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (sau này là Tổng Bí thư Đảng ta) chỉ đạo khai giảng và giảng dạy những bài đầu tiên vào năm 1949. Khi Trường dời về vùng rừng biên giới huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, đồng chí Nguyễn Văn Linh (Bí thư Trung ương Cục – sau này là Tổng Bí thư Đảng ta) làm Hiệu trưởng và trực tiếp giảng dạy cùng với các đồng chí Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Đáng, Trần Nam Trung, Trần Bạch Đằng … Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với công tác đào tạo chính trị của Trường Đảng Miền Nam.

           Đã có nhiều thế hệ cán bộ cách mạng tiền bối như: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam; Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát – Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam; bà Nguyễn Thị Định – Phó Tư lệnh lực lượng vũ trang Miền Nam Việt Nam… đã từng học tập tại Trường Đảng Miền Nam. Sau ngày đất nước độc lập, thống nhất, nhiều đồng chí cán bộ được đào tạo dưới mái Trường Đảng Miền Nam đã giữ những chức vụ chủ chốt của Đảng và Nhà nước.

          Qua 75 năm, từ miền bưng biền của tỉnh Hậu Giang đến miền rừng đất đỏ miền Đông và trở về thành phố Hồ Chí Minh mang tên Bác, Trường Đảng đã đào tạo hàng trăm nghìn cán bộ cao cấp của Đảng, hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đáp ứng kịp thời nhiệm vụ sự nghiệp cách mạng qua các thời kỳ lịch sử, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc.

           Nhìn vào quá khứ vẻ vang của Trường Đảng Miền Nam cho thấy trong bất kỳ tình hình nào thì công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam “Không có lý luận Cách mạng thì không có phong trào cách mạng”. Học lý luận chính trị để hình thành nền tảng tư tưởng của Đảng là “kim chỉ nam” là “la bàn”, là “phương pháp luận” định hướng và giải quyết vấn đề trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Bác Hồ đã dạy: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích thì phải: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đến nay, lời chỉ dẫn của Người đã trở thành kim chỉ nam trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị khu vực II. 

Học viện Chính trị khu vực II nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ kỷ niệm 75 năm truyền thống Trường Đảng Miền Nam (ảnh: LTH)

          Phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của Trường Đảng Miền Nam, Học viện Chính trị khu vực II tiếp tục nỗ lực đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng tốt yêu cầu trong tình hình mới. "Tiếp bước truyền thống vẻ vang, cùng đất nước tự hào và tự tin bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Học viện Chính trị khu vực II phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý; trung tâm về nghiên cứu khoa học lý luận chính trị hàng đầu, có uy tín trong khu vực và quốc tế" - Đó là lời phát biểu của PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II.

LTH

Tác giả: nvdung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm16
  • Hôm nay7,276
  • Tháng hiện tại72,889
  • Tổng lượt truy cập8,421,519
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây