TÂY NINH - NHỮNG NĂM ĐẦU SAU NGÀY GIẢI PHÓNG
Thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với phương châm xã tự giải phóng xã, huyện tự giải phóng huyện, trong vòng một tuần lễ, từ đêm ngày 24/4/1975 đến ngày 30/4/1975, quân và dân Tây Ninh đã tổng tấn công địch. Các huyện lần lượt được giải phóng. Đúng 11 giờ, ngày 30/4/1975, Thị xã Tây Ninh (nay là thành phố Tây Ninh) được giải phóng hoàn toàn. Tây Ninh hoàn toàn được giải phóng. Đây là thành quả cách mạng đầy gian khổ, hy sinh xương máu của biết bao thế hệ, anh hùng, liệt sĩ, quân và dân Tây Ninh để có được ngày hoà bình, độc lập, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Giải phóng đỉnh Núi Bà Đen, sáng ngày 07/01/1975 (Ảnh: Tư liệu)
Sau ngày giải phóng, phần lớn ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện chính quyền quân quản và được đưa đi học tập cải tạo. Còn lại một bộ phận nhỏ lẩn trốn, móc nối, tổ chức phá hoại chính quyền ở một số nơi. Trong khi đó, tình hình biên giới Việt Nam-Campuchia diễn biến phức tạp, Pôn Pốt-Iêng Xary ở Campuchia có nhiều hoạt động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam. Vết thương chiến tranh chưa kịp hàn gắn, Tây Ninh lại bước vào cuộc chiến đấu chống Pôn Pốt - Iêngxary, bảo vệ chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc, vừa phải cưu mang gần 3 vạn dân Campuchia tị nạn, vừa ổn định chính trị chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Bước vào giai đoạn mới với nhiều thử thách, do trải qua những năm tháng chiến tranh, có đến 60/73 xã trong tỉnh bị chiến tranh tàn phá hoàn toàn; kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, nhưng hầu hết đất đai khô cằn, đầy hố bom lại thiếu kênh mương thủy lợi, trình độ thâm canh thấp kém, năng suất thấp; công nghiệp chỉ chiếm 2% GDP; thương nghiệp, dịch vụ thì manh mún; cơ sở hạ tầng hết sức nghèo nàn; công nghiệp rất nhỏ bé, không có nhà máy, xí nghiệp lớn, ngoài một số cơ sở tiểu thủ công nghiệp chế biến nông lâm sản. Cơ sở văn hóa xã hội của tỉnh thấp kém, cả tỉnh chỉ có 2.657 lớp học phổ thông và mẫu giáo phần lớn được cải tạo từ các cơ sở cũ bị hư hỏng do chiến tranh. Đời sống nhân dân ở nông thôn, thị trấn, thị xã còn khó khăn, thất nghiệp, nghèo đói trở thành vấn đề nghiêm trọng ở địa phương; y tế còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; hệ thống giao thông chỉ có hai lộ nhựa là Quốc lộ 22A và Quốc lộ 22B nhưng đã bị chiến tranh tàn phá, các tỉnh lộ, liên tỉnh lộ bị hư hỏng nặng, nhiều đoạn giao thông bị gián đoạn hoàn toàn.
Sau khi giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, Đảng bộ, chính quyền và quân dân Tây Ninh tiếp tục dốc sức người, sức của chi viện giúp tỉnh Kampong Cham (Campuchia) chí tình, chí nghĩa trong suốt 10 năm (1979 - 1989). Năm 1986, thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, cả nước tiến hành công cuộc đổi mới, trong bối cảnh Tây Ninh còn rất nhiều khó khăn.
Đến năm 1990, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh mới thực sự tập trung mọi nguồn lực thực hiện công cuộc đổi mới, hòa nhịp chung với cả nước.
Những năm đầu, sau ngày đầu giải phóng, Tây Ninh gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh đã đoàn kết, chung sức khắc phục hậu quả chiến tranh, nhanh chóng hoà nhịp cùng cả nước để phát triển, đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Chúng ta nhìn lại thành tựu qua chặng đường 50 năm xây dựng, phát triển và hội nhập để mỗi cán bộ, đảng viên, người dân phát huy lòng tự hào, truyền thống cách mạng, tiếp tục xây dựng nền tảng vững chắc cùng cả nước bước vào Kỷ nguyên phát triển mới của đất nước – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
THÀNH TỰU QUA CHẶNG ĐƯỜNG 50 NĂM XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP
Sau ngày 30/4/1975, tỉnh Tây Ninh có 73 xã, trung tâm tỉnh là thị xã Tây Ninh, với dân số khoảng 655.000 người. Đến nay, tỉnh có 09 đơn vị hành chính trực thuộc cấp tỉnh (06 huyện, 02 thị xã, 01 thành phố), 94 đơn vị hành chính trực thuộc cấp huyện (71 xã, 17 phường, 06 thị trấn), dân số toàn tỉnh 1.202.769 người (Cục thống kê tháng 1/2024).
Tháo gỡ bom mìn của Mỹ - nguỵ để lấy đất sản xuất (Ảnh: Tư liệu)
Trải qua 50 năm xây dựng, phát triển và vươn lên, Tây Ninh đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, giành nhiều thắng lợi trong công cuộc đổi mới. Diện mạo của tỉnh có rất nhiều thay đổi từ nông thôn đến thành thị trên các mặt của đời sống xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, phát triển ngày càng năng động, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Vùng và của đất nước.
I. Về kinh tế
Bước vào năm 1976, Đảng bộ và nhân dân Tây Ninh quyết tâm cùng cả nước bắt đầu thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) hướng về 2 mục tiêu vừa cơ bản, vừa cấp bách mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976) đề ra là “bảo đảm nhu cầu của đời sống nhân dân, tích luỹ để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội”. Dân số Tây Ninh lúc ấy ước lượng khoảng 65,5 vạn người, với mật độ dân cư 163 người/km². Kinh tế những năm đầu phát triển chủ yếu về nông nghiệp, chiếm 89% giá trị tổng sản phẩm xã hội. Nền công nghiệp hầu như chưa có gì (chỉ chiếm 2% trong cơ cấu kinh tế). Đến năm 2000, tỉnh có quy mô nền kinh tế đạt 4.044 tỷ đồng, gấp 365 lần năm 1986 (quy mô đạt 11,08 tỷ đồng). Đến năm 2025, quy mô nền kinh tế ước đạt 139.950 tỷ đồng.
1. Thành tựu về lĩnh vực nông nghiệp
Khởi đầu với một mặt bằng diện tích tự nhiên hơn 400 ngàn ha, nhưng phần lớn đầy tàn tích chiến tranh, lổm chổm hố bom hoặc ẩn chứa bom mìn chưa nổ, hầu hết đất đai của Tây Ninh khô cằn, đầy hố bom, thiếu kênh mương thủy lợi, chỉ có 5 nông trường, 6 công trình thủy lợi quy mô không lớn và hệ thống kênh mương, máy bơm vừa, nhỏ; trình độ thâm canh kém, năng suất thấp; đồng ruộng chỉ canh tác 1 vụ lúa/năm. Đời sống Nhân dân những năm đầu sau ngày giải phóng khó khăn, thiếu đói. Thực hiện Nghị quyết Đại hội IV của Đảng, tỉnh đã nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp khôi phục phát triển nông nghiệp, nông thôn, khai hoang, phục hoá, canh tác 65.000 ha sản xuất lúa và hoa màu; xây dựng 14 làng kinh tế mới với gần 50.000 dân; đàn heo mới gầy dựng không đến 300 con, đàn bò cũng mới được 350 con của tỉnh và 1.000 con của nông trường mía Trung ương. Về lâm nghiệp, tỉnh có diện tích rừng lớn, nhiều cây quý nhưng qua 30 năm chiến tranh tàn phá, diện tích rừng bị thu hẹp nhiều.
Những năm sau ngày giải phóng, trong bối cảnh với nhiều khó khăn, thách thức, bằng sức người là chủ yếu, tỉnh tổ chức xây dựng công trình hồ Dầu Tiếng. Từ khi khởi công năm 1981 đến khi hoàn thành, đã huy động hơn 454.261 lượt đoàn viên thanh niên tham gia, thực hiện 14.910.000 ngày công, đào đắp 11.681.000m3 đất, 53.977m2 bê tông và đá xây. Với khẩu hiệu “ta đi xây dựng công trường, công trường xây dựng ta”, hồ Dầu Tiếng trở thành công trình thủy nông nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, với mặt nước rộng 27.000 ha, chứa 1,5 tỉ m3 nước. Đến năm 1986, kết hợp Trung ương và địa phương cùng xây dựng, đã hoàn thành 640 km kênh cấp 1,2,3, với tổng số 956 công trình lớn nhỏ được sử dụng, phục vụ cho phát triển nông nghiệp, đưa nước về tưới 21.000 ha. Hiện nay, mỗi năm hệ thống thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng đã dẫn nước tưới tiêu trực tiếp cho hơn 100.000 ha đồng ruộng, cung cấp gần 100 triệu m3 nước ngọt cho các ngành công nghiệp và sinh hoạt cho Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An,…
Nhân dân Tây Ninh vui mừng đón nước hồ Dầu Tiếng về đến kênh Tây Trong ảnh: Cầu K13, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu
Hạ tầng thuỷ lợi đã được kiên cố hoá và nâng cao hiệu quả sử dụng nước. Hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp được tập trung đầu tư. Nếu như đến năm 2015 tổng chiều dài kênh trên địa bàn tỉnh đạt trên 2.285km (trong đó hơn 40% đã được kiên cố hóa), đảm bảo năng lực tưới tiêu, cấp nước và ứng phó với biến đổi khí hậu cho trên 142.000 ha đất canh tác. Đến nay, hệ thống kênh mương không chỉ được phát triển mà còn được kiên cố bê tông hoá, có hệ thống quan trắc hiện đại. Năm 2022, tỉnh đã đầu tư, hoàn thành siêu dự án thủy lợi đường ống đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông tưới tiêu cho 17.000 ha đất nông nghiệp của hai huyện biên giới Châu Thành và Bến Cầu, không chỉ đảm bảo nguồn nước cho các xã biên giới mà còn giúp phát triển vùng nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị cây trồng, góp phần cải thiện đời sống của người dân và giữ vững an ninh quốc phòng vùng biên giới.
Năm 1986, mặc dù tình hình, điều kiện của tỉnh có rất nhiều khó khăn, nhưng với phong trào thi đua, tỉnh đã sản xuất được 26.000 tấn lúa, đưa bình quân đầu người được 245 kg lúa/năm, một số cây trồng có giá trị xuất khẩu như tiêu, điều, mè, đậu, đay phát triển mạnh... Chăn nuôi cũng gia tăng hàng năm như trâu tăng 5%, bò tăng 3%, heo tăng 8%. Thực hiện đường lối đổi mới, chủ trương phát triển lĩnh vực nông nghiệp, giá trị tăng thêm ngành nông - lâm - thuỷ sản tăng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 4,7%/năm; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 01ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản đạt 86,78 triệu đồng/ha/năm, cao hơn mức trung bình của cả nước. Đến (2025), nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển chuỗi giá trị, các chuỗi liên kết sản xuất. Giá trị tăng thêm ngành nông - lâm - thuỷ sản tăng bình quân giai đoạn 2021-2025 ước đạt 3,6%/năm; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 01ha đất trồng trọt đạt 115 triệu đồng/ha. Tỷ lệ chăn nuôi trang trại chiếm 81,5%. Thu hút, mời gọi đầu tư trong sản xuất nông nghiệp tăng, nhanh nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi, góp phần gia tăng quy mô chăn nuôi đàn gia cầm. Triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; tổng kinh phí đã được hỗ trợ 55,9 tỷ đồng. Chuyển dịch mạnh từ những cây trồng tỉnh có lợi thế, giá trị kinh tế cao; chăn nuôi chuyển dịch mạnh sang mô hình trang trại, gia trại tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học. Đến nay, tỉnh có 190 hợp tác xã, 135 tổ hợp tác và 01 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp; doanh thu bình quân của hợp tác xã (HTX) 20.240 triệu đồng/HTX; lãi bình quân 650 triệu đồng/HTX, tăng 145 triệu đồng so với năm 2020; thu nhập bình quân của thành viên, người lao động HTX 100 triệu đồng/năm.
2. Công nghiệp, năng lượng, xây dựng
Sau năm 1975 công nghiệp của tỉnh rất nhỏ và yếu, hầu như chưa có gì. Hạ tầng kinh tế - xã hội hết sức nghèo nàn; hệ thống giao thông, tỉnh chỉ có hai đường nhựa là Quốc lộ 22A và Quốc lộ 22B nhưng đã bị chiến tranh tàn phá, các tỉnh lộ, liên tỉnh lộ bị hư hỏng nặng, nhiều đoạn giao thông bị gián đoạn hoàn toàn. Các cơ sở công nghiệp ở Tây Ninh rất nhỏ bé, không có nhà máy, xí nghiệp lớn, ngoài một số cơ sở tiểu thủ công nghiệp chế biến nông lâm sản. Kinh tế còn khó khăn, bước đầu chỉ quan tâm xây dựng cơ sở cho 60 xã nông thôn về trụ sở làm việc, nhà hộ sinh và trạm y tế, trường học, nhà truyền thống, nhà bia tử sĩ, câu lạc bộ, tủ sách, với trên 7 triệu đồng. Ngân sách quân sự xây dựng doanh trại cho bộ đội và cơ quan bộ đội tỉnh, huyện. Đến năm 1985, công tác cải tạo công thương nghiệp được Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tập trung thực hiện ở một số vùng trọng điểm, ngành trọng điểm, cụ thể là các vùng thị xã, thị trấn và các ngành cơ khí, mía đường, chế biến mì, xay xát (chỉ chiếm 2% GDP).
Những năm 1990, Tây Ninh bắt đầu xúc tiến xây dựng các khu công nghiệp tập trung, đi đôi với mở rộng và nâng cấp kết cấu hạ tầng để tạo điều kiện cho gọi đầu tư và phát triển kinh tế. Trong giai đoạn 1991-1995, tỉnh chú trọng quy hoạch và triển khai khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh tại Trảng Bàng. Thành lập Công ty Phát triển hạ tầng công nghiệp (Indeco) 100% vốn nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp và kêu gọi đầu tư vào công nghiệp. Ban Quản lý công nghiệp (Taniza) được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trực tiếp uỷ quyền cấp các loại giấy phép và giải quyết các thủ tục hành chính tại chỗ, hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các khó khăn trong quá trình triển khai và thực hiện dự án. Năm 1993, Tây Ninh tiếp nhận 2 dự án đầu tư FDI đầu tiên tại tỉnh với số vốn đăng ký là 3,85 triệu USD, đây là dấu mốc quan trọng, khởi nguồn cho hàng loạt dự án FDI sau này. Đến cuối năm 1995, có 09 dự án được cấp giấy phép với tổng vốn đầu tư 158 triệu USD, có 5 dự án đi vào hoạt động chính thức với số vốn thực hiện 12 triệu USD. Dự kiến đến cuối năm 2025, trên địa bàn tỉnh có 414 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 11.216 triệu USD. Đến nay (2025), cùng cả nước đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ vai trò chủ lực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng. Tỉnh có 5 khu công nghiệp bên ngoài khu kinh tế cửa khẩu đang hoạt động với tổng diện tích 3.383,07 ha (trong đó đất công nghiệp có thể cho thuê 2.549,45 ha, đã cho thuê 1.797,91 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 70,52%) và 1 khu công nghiệp trong khu kinh tế đang hoạt động với quy mô 108,11 ha, đã lấp đầy trên 91%. Ngoài ra còn có 02 khu kinh tế cửa khẩu với tổng diện tích 55.481ha, bên cạnh các khu công nghiệp còn có 05 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 211,63 ha (đã cho thuê 136,95 ha, đạt 93,7%). Giai đoạn 2021-2025, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 11,3%/năm, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng bình quân 10,6%/năm, tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 37% trong GRDP.
Dự án điện năng lượng mặt trời Dầu Tiếng được xây dựng trên vùng đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng rộng hơn 504 ha với công suất lắp đặt 420 MW
Về năng lượng, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ I của Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 1976-1979 đề ra nhiệm vụ sau giải phóng tỉnh tận dụng hết năng suất điện của nhà máy điện tỉnh (1.500 kw), trước mắt phục vụ đời sống quần chúng nhân dân, giải quyết một phần yêu cầu mới về nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp. Đại hội IV của Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 1986-1990, đề ra nhiệm vụ cùng với Trung ương xây dựng đường dây cao thế quốc gia 110Kv từ huyện Hốc môn về Tây Ninh và các đường dây trung thế 33 và 10 kv đến các trung tâm huyện, thị, vùng chuyên canh xuất khẩu, khu vực công nghiệp, thủ công nghiệp sản xuất hàng hóa và các công trình trạm bơm thủy lợi. Tiến hành xây dựng trạm thủy điện Hồ Dầu Tiếng: phấn đấu điện khí hóa 50-60 gia đình nhân dân trong tỉnh. Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chống tổn thất điện, cải tiến việc phân phối và sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm, tập trung ưu tiên cho điện sản xuất của ba chương trình.
Năm 1995, điện lưới quốc gia đã về 9/9 huyện, thị, trên 95% xã và trên 45% số hộ được sử dụng điện. Phát huy kết quả đạt được, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII nhiệm kỳ 2005-2010 xác định tiếp tục đầu tư xây dựng mới các dự án quan trọng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân, nhất là đường giao thông, điện. Đến năm 2015, sản lượng điện thương phẩm của Công ty Điện lực Tây Ninh luôn ở mức cao, đạt mức 2.259 triệu kwh, luôn nằm trong tốp những đơn vị đứng đầu về tốc độ tăng trưởng của Tổng Công ty Điện lực Miền Nam. Không chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh, ngành Điện còn đầu tư và bán điện qua nước bạn Campuchia. Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh đã thu hút 02 dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời Dầu Tiếng 5.1 và 5.2 với tổng công suất là 450MW. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10 dự án điện năng lượng mặt trời đi vào hoạt động với tổng công suất 808MW và 4.260 hệ thống điện mặt trời mái nhà, tổng công suất 245,05MW. Tổng công suất phát của các nguồn điện trên địa bàn tỉnh khoảng 1.737 triệu kWh/năm, đáp ứng khoảng 31,7% nhu cầu phụ tải của tỉnh, 100% hộ dân có điện sử dụng.
Nhà máy Xi măng FICO Tây Ninh
Về xây dựng, năm 2009 Nhà máy Xi măng FICO Tây Ninh đi vào hoạt động, mức đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, công suất 4.000 tấn clinker/ngày và 1,5 triệu tấn xi măng/năm. Từ năm 2009 - 2015, Nhà máy xi măng FICO Tây Ninh đã sản xuất được hơn 8,4 triệu tấn clinker, 9,7 triệu tấn xi măng, tổng doanh thu gần 14.500 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách tỉnh hơn 510 tỷ đồng. Hạ tầng giao thông đạt nhiều thành tựu quan trọng, từng bước hoàn thiện; các tuyến đường giao thông huyết mạch được nhựa hoá, mở rộng, kết nối đồng bộ, thông suốt với các tuyến đường giao thông chính trong và ngoài tỉnh. Tỉnh phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai thực hiện dự án Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài.
Về phát triển đô thị, năm 2013, Thị xã Tây Ninh trở thành Thành phố Tây Ninh. Năm 2020, huyện Hoà Thành và huyện Trảng Bàng được nâng lên thành Thị xã và 4 năm sau được nâng lên đô thị loại III. Công tác quy hoạch phát triển đô thị được quan tâm với tư duy và tầm nhìn dài hạn, nâng cao chất lượng. Năm 2023, Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo không gian quy hoạch cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Việc thực hiện các chương trình phát triển đô thị, nông thôn góp phần thay đổi bộ mặt đô thị từng bước khang trang, hiện đại. Tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 50,32%. Môi trường, nếp sống văn minh đô thị được cải thiện thông qua các dự án chỉnh trang, phát triển khu đô thị mới, các dự án cải tạo, chỉnh trang hạ tầng (cây xanh, chiếu sáng, thoát nước, xử lý nước thải …) đã góp phần nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân. Dự kiến đến cuối năm 2025, diện tích sàn nhà ở xã hội đạt 447 nghìn m2, trong đó: nhà ở cho công nhân khu, cụm công nghiệp tăng thêm 240 nghìn m2.
3. Tài chính - Tín dụng - Cải cách hành chính
Sau giải phóng, Tây Ninh phải dựa vào trợ cấp của Trung ương, năm 1978 bội chi hơn 34 triệu đồng. Đến những năm 1995-1998, tỉnh không chỉ cân đối được ngân sách địa phương, có tích lũy dự trữ, mà còn đóng góp một phần cho Trung ương. Đến năm 2015, tổng thu ngân sách địa phương đạt 5.932 tỷ đồng (năm 1976: 24 triệu đồng); thu nhập bình quân đầu người của tỉnh (giá hiện hành) đạt 55,43 triệu đồng, tăng gấp đôi so với năm 2010 và gấp 55 lần so với mức 1 triệu đồng của năm 1976.
Đến năm 1995, hoạt động tín dụng - tiền tệ của ngân hàng ngày càng tiến bộ, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Cơ chế, phương thức hoạt động được đổi mới nên vừa mở rộng hoạt động, vừa thuận lợi cho khách hàng. Doanh số tăng đều hàng năm. Có những hoạt động đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần tích cực thực hiện các chương trình kinh tế, xóa đói giảm nghèo, triển khai thành lập quỹ tín dụng nhân dân..
Đến nay (giai đoạn 2020-2025), tăng trưởng tín dụng đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế địa phương; tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của kinh tế, với quy trình, thủ tục thuận lợi nên dư nợ cho vay có mức tăng trưởng cao. Vốn tín dụng tăng trưởng bình quân hàng năm 13%, vượt kế hoạch đề ra. Điều hành ngân sách chặt chẽ, đúng quy định, hiệu quả và tiết kiệm. Thu ngân sách hàng năm đạt và vượt dự toán, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 60.386 tỷ đồng, tăng bình quân 5,4%/năm; trong đó, thu nội địa 51.830 tỷ đồng, tăng bình quân 4,9%/năm, vẫn là nguồn thu quan trọng, chiếm tỷ trọng 85,83% tổng thu ngân sách. Tổng chi ngân sách địa phương là 58.626 tỷ đồng, trong đó: chi đầu tư phát triển 22.288 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38% trong tổng chi ngân sách địa phương. Về cơ bản, đáp ứng các nhiệm vụ chi ngân sách địa phương, phục vụ tốt các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị.
Giai đoạn 2001-2005, cải cách hành chính được quan tâm đẩy mạnh, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo mô hình "một cửa" ở các cấp, các ngành bước đầu đạt kết quả. Việc thực hiện Quy chế dân chủ gắn với cải cách hành chính đã từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, khắc phục dần những tiêu cực, nhũng nhiễu; việc quản lý tài chính, kinh phí của các đơn vị chặt chẽ, tiết kiệm hơn; các chế độ, chính sách được thực hiện đầy đủ, công khai, dân chủ nên nội bộ đoàn kết, người lao động phấn khởi, an tâm làm việc.
Đội ngũ cán bộ được chuẩn hóa theo chức danh, vị trí việc làm, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ. Cải cách hành chính, môi trường đầu tư chuyển biến tích cực; chỉ số PCI, PAR Index hằng năm luôn nằm trong nhóm tốt. Tiếp tục hoàn thiện mô hình “một cửa”, đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công tỉnh, cấp huyện, triển khai giai đoạn 1 Trung tâm điều hành kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm tiếp nhận một số thủ tục hành chính qua ứng dụng Zalo; ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên. Đến năm 2025, tỉnh đã nâng cấp, hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, thân thiện, tối ưu hóa tiện ích cho tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và nâng cao tỷ lệ người sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phòng, chống tiêu cực, thúc đẩy cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư. Tây Ninh luôn nằm trong tốp 30 tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất.
4. Thương mại, dịch vụ
Năm 1990, công tác kế hoạch hóa tuy có cố gắng chuyển đổi nhưng không theo kịp yêu cầu, không bao quát các thành phần kinh tế, dự đoán tình hình và nắm các cân đối lớn không chắc nên chưa hướng dẫn được nền kinh tế. Thực hiện Nghị quyết Đại hội V của Đảng bộ, đến năm 1995, hoạt động thương mại - dịch vụ của các thành phần kinh tế phát triển mạnh, nhiều chợ nhỏ và các điểm dịch vụ hình thành đều khắp, tận các vùng nông thôn sâu đã thúc đẩy kinh tế hàng hóa phát triển và tạo thuận lợi cho sinh hoạt của nhân dân. Thương nghiệp quốc doanh từng bước được sắp xếp lại theo hướng hình thành công ty mạnh, mở rộng được thị trường trong và ngoài nước. Hoạt động xuất nhập khẩu tăng đều đặn, hai năm gần đây tăng khá; kim ngạch xuất khẩu vượt mức kế hoạch đề ra, tăng bình quân hàng năm 40% (thời kỳ 1986-1990 bình quân hàng năm là 27%), có những mặt hàng xuất khẩu mới có triển vọng; kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân hàng năm 44,7% (thời kỳ 1986-1990 tăng 27%), cơ cấu hàng nhập khẩu ngày càng hợp lý, tỉ lệ hàng nhập khẩu là vật tư, thiết bị, máy móc cho sản xuất ngày càng tăng.
Hoạt động thương mại - dịch vụ ngày càng có sự phát triển mạnh, đóng góp ngày càng nhiều vào sự tăng trưởng nhanh, bền vững của tỉnh. Bên cạnh các loại hình thương mại truyền thống, tỉnh đã hình thành được các hệ thống bán lẻ hiện đại như các siêu thị, trung tâm thương mại, góp phần đảm bảo cung ứng hàng hóa và bình ổn giá cả thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Năm 2020, xuất khẩu tăng bình quân 8%/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu gấp 02 lần so với giai đoạn trước. Đến nay, thương mại - dịch vụ phát triển đa dạng và rộng khắp; hệ thống bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện ích, Siêu thị Go, Winmart, Bách Hóa Xanh, Điện máy xanh …) hình thành ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố. Hệ thống khách sạn đạt tiêu chuẩn; khu hỗn hợp trung tâm thương mại, shophouse, khách sạn 5 sao Vinpearl Tây Ninh, đáp ứng yêu cầu lưu trú, thụ hưởng các dịch vụ của du khách. Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ tăng bình quân 6,1%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng bình quân 10,6%/năm. Hệ thống bán lẻ (siêu thị, cửa hàng tiện ích,…) tăng nhanh và phát triển rộng khắp.
Người tiêu dùng lựa chọn hàng hoá tại siêu thị Co.opMart TP Tây Ninh
Dịch vụ khách sạn, cơ sở lưu trú, ăn uống dần được đầu tư, cải thiện chất lượng phục vụ. Các loại hình thương mại như thương mại điện tử, mua bán trên nền tảng số bước đầu phát triển, góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ hàng hóa, duy trì chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Du lịch phát triển nhanh, tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen được tập trung đầu tư thành khu du lịch đặc sắc, đẳng cấp, mang tầm quốc gia, quốc tế; 03 năm liên tục (2022 - 2024) nằm trong nhóm 5 điểm du lịch thu hút đông du khách nhất cả nước. Doanh thu du lịch giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 9.283 tỷ đồng.
Thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng; một số sản phẩm hàng hóa tiếp cận được thị trường mới, khó tính như EU, Mỹ, Hala. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 31,7 tỷ USD, tăng bình quân 10,6%/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 95%. Tạo điều kiện để các thành phần kinh tế cùng phát triển (có 4.013 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng vốn đăng ký là 46.938 tỷ đồng); lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 9.272 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 206.005 tỷ đồng.
II. Phát triển văn hoá – xã hội; văn học nghệ thuật
Sau ngày giải phóng, tỉnh có 60/73 xã bị tàn phá hoàn toàn. Đến nay, toàn tỉnh có 71/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Bến Cầu đạt chuẩn nông thôn mới, bộ mặt nông thôn mới ngày càng khang trang, chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn được thay đổi rõ nét.
Sau chiến tranh, những tàn dư chính trị và văn hóa của chế độ thực dân, đế quốc phản cách mạng vẫn còn tồn tại. Trường lớp và giáo viên thiếu trầm trọng, nhất là vùng nông thôn. Cả tỉnh chỉ có 2.657 lớp học phổ thông và mẫu giáo phần lớn được cải tạo từ các cơ sở cũ bị hư hỏng do chiến tranh. Trình độ học vấn người dân rất thấp. Số đông người dân còn mù chữ. Đến tháng 12/1997, Tây Ninh được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học; năm 2005 được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; năm 2006 đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đến cuối năm 2015, 1/4 số xã, phường, thị trấn trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục trung học phổ thông; 1/5 số đơn vị trường học đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất cho ngành giáo dục được đầu tư khang trang, hiện đại. Chất lượng nguồn nhân lực và trình độ dân trí của tỉnh không ngừng được nâng lên; 99,7% người trong độ tuổi 15-35, 97,4% người trong độ tuổi 36-60 biết chữ; tỷ lệ lao động qua đào tạo và dạy nghề chiếm khoảng 60%, trong đó, lao động qua đào tạo chiếm 15%. Triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên; tỉ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,9%; trẻ 6 tuổi ra lớp hàng năm đạt 100%. Tính đến nay, tỉnh có 133 trường mầm non, mẫu giáo (73 trường đạt chuẩn), trong đó có 108 trường công lập và 25 trường ngoài công lập, với 96 điểm lẻ; có 306 cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm 177 trường tiểu học (115 trường đạt chuẩn), 101 trường THCS (50 trường đạt chuẩn) và 28 trường THPT (10 trường đạt chuẩn); cơ sở vật chất trường lớp ngày khang trang, hiện đại, chuẩn hoá.
Hệ thống trường lớp được đầu tư khang trang. Trong ảnh: Trường Tiểu học Nguyễn Văn Chấu, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng
Về văn hoá, sau giải phóng còn rất nhiều khó khăn, tỉnh đã tập trung củng cố phát huy các cơ sở hệ thống truyền thanh tiếp quản được, đồng thời mở rộng thêm ở các huyện; kịp thời chuyển mạnh công tác thông tin văn hóa về nông thôn, về cơ sở ấp phường, phản ánh mọi sinh hoạt về sản xuất, đời sống, người tốt, việc tốt trong nhân dân, phê phán các hiện tượng sai lệch trong cuộc sống mới. Từ những năm 1985, tỉnh đã quan tâm xây dựng nhà bảo tàng ở tỉnh, nhà truyền thống ở xã, các cơ sở văn hoá cần thiết, có các tư liệu, hiện vật có giá trị giáo dục. Củng cố các đội chiếu phim đoàn văn công phục vụ rộng rãi cho nhân dân nhất là vùng nông thôn và kinh tế mới. Năm 1995, công trình văn hóa Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh được khánh thành và bắt đầu hoạt động từ năm 1996 với kinh phí hơn 9 tỉ đồng phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hoá người dân. Đến năm 2015, toàn tỉnh có tổng cộng 265 thiết chế văn hoá - thể thao, 100% huyện, thành phố đều có trung tâm văn hoá - thể thao, 78/95 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hoá, thể thao và học tập cộng đồng; 167/543 ấp, khu phố có nhà văn hoá có thiết chế và ban chủ nhiệm, 10 nhà văn hoá dân tộc, 01 sân vận động tỉnh và 89 sân bóng đá 11 người... Đến năm 2025, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức đa dạng, phong phú, thiết thực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hoá, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, đồng thời, tạo dấu ấn trong việc xây dựng văn hóa, quê hương, con người Tây Ninh, qua đó, giới thiệu và quảng bá hiệu quả hình ảnh tỉnh Tây Ninh đến với du khách trong nước và quốc tế. Các thiết chế văn hoá được quan tâm củng cố, các phong trào, các danh hiệu văn hoá ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được thực hiện thường xuyên. Các di tích lịch sử được tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị. Đến nay, tỉnh có 96 di tích được xếp hạng (01 di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích cấp quốc gia và 68 di tích cấp tỉnh); 09 di sản văn hóa phi vật thể (01 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và 08 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia). Đặc biệt, năm 2024, tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận 04 xã An toàn khu; đề nghị công nhận 11 xã và 03 vùng An toàn khu thuộc 03 địa phương Tân Biên, Trảng Bàng và Dương Minh Châu.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trao Bằng Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương cục miền Nam cho lãnh đạo tỉnh, tháng 12/2012
Về y tế, sau ngày giải phóng, y tế của tỉnh còn rất nhiều khó khăn; y tế xã ấp vùng nông thôn cũ được xây dựng nhưng xây cất còn sơ sài thiếu thốn; đào tạo mới trên 200 y tá, dược tá để phục vụ nông thôn và vùng kinh tế mới. Đến năm 2014, toàn tỉnh có 112 cơ sở y tế (tăng gấp đôi so với năm 1976), trong đó có 17 bệnh viện và phòng khám đa khoa khu vực.
Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh (ĐKTN) thực hiện thành công kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho bệnh nhân. Máy cho phép tạo nhịp tim cho người bệnh trong thời gian 10 năm
Tỉnh đã duy trì 100% trạm y tế xã có bác sĩ luân phiên hoạt động; 100% ấp có nhân viên y tế cộng đồng, đạt 7 bác sĩ, dược sĩ và 22,7 giường bệnh/vạn dân; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng khám, điều trị bệnh không ngừng được nâng lên; tuổi thọ bình quân người dân Tây Ninh đạt 72,4 tuổi. Đến năm 2025, tỉnh có 17 bệnh viện (4 bệnh viện cấp tỉnh; 9 trung tâm y tế huyện và 04 bệnh viện đa khoa tư nhân) và 94 trạm y tế xã phường, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của người dân; có 10 bác sĩ/vạn dân; 30 giường bệnh/vạn dân. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (thể thấp còi) đạt 18,2%. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm xã hội đạt 95% dân số.
Thông tin và truyền thông, sau giải phóng, tỉnh chỉ có đài truyền thanh tỉnh, thư viện tỉnh, các cửa hàng sách báo; xây dựng các đường dây điện thoại tỉnh, huyện, vùng kinh tế mới, các nông trường, các chốt biên phòng, huyện với 1 số xã quan trong về kinh tế, chính trị,quốc phòng. Đến năm 1993, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phát buổi truyền hình đầu tiên; năm 2000, phủ sóng với bán kính hơn 60km. Đến nay, Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh đã đa dạng hóa dịch vụ, nâng cao chất lượng, phát huy nền tảng, hạ tầng số trong hoạt động. Đến nay, chất lượng cac hoạt động thông tin và truyền thông ngày càng nâng cao chất lượng và dịch vụ; internet, mạng 4G phủ sóng rộng khắp.
Về xóa đói, giảm nghèo, từ một tỉnh khó khăn, thiếu đói sau những ngày giải phóng. Năm 1998, tỉnh còn 22.764 hộ sống dưới mức nghèo khổ (theo tiêu chuẩn địa phương) chiếm tỉ lệ 11,29% số hộ toàn tỉnh, trong có 56 hộ đói, 6.289 hộ quá nghèo (theo tiêu chuẩn Trung ương) và 16.419 hộ nghèo (theo tiêu chuẩn địa phương). Đến năm 2016, đời sống của nhân dân được ổn định và cải thiện, số hộ nghèo giảm, số hộ giàu, khá tăng lên. Đến năm 2025, Tây Ninh luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước và phấn đấu đến cuối giai đoạn 2025-2030, tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương.
Về hoạt động văn học nghệ thuật Tây Ninh sau 50 năm đã có sự kế thừa, hòa hợp, cách tân, không ngừng phát triển, đóng góp tích cực và công cuộc xây dựng, đổi mới và hội nhập của tỉnh. Ngày 13/10/1984, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ văn nghệ sĩ tại buổi họp mặt kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh
Trong quá trình xây dựng và phát triển, văn học nghệ thuật tỉnh nhà đã có nhiều kết quả, hoạt động nổi bật trên các lĩnh vực sáng tác, quảng bá. Tính từ năm 2012 đến nay, đã có trên 664 tác phẩm đạt giải, gồm 29 Giải Quốc tế, 147 giải toàn quốc, 32 giải khu vực, 456 giải tỉnh và 577 tranh, ảnh nghệ thuật được triển lãm ở các cấp. Các tác phẩm đã phản ánh chân thực và sâu sắc lịch sử, văn hóa, con người Tây Ninh, không chỉ quảng bá hình ảnh con người, quê hương Tây Ninh đến với đồng bào cả nước và quốc tế mà còn góp phần xây dựng tâm hồn, đạo đức, nhân cách của con người Tây Ninh và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển của tỉnh, góp phần xây dựng nền văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp tích cực bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của đất nước, của tỉnh, địa phương.
III. Quốc phòng-An ninh; công tác đối ngoại
1. Công tác Quốc phòng-An ninh
Bên cạnh tình hình trên biên giới Việt Nam - Campuchia lại nảy sinh những diễn biến ngày càng phức tạp. Pôn Pốt có những hành động gây hấn, lấn chiếm đất, gây ra những tranh chấp dọc biên giới; đẩy mạnh hoạt động chống phá, xem Việt Nam là kẻ thù, ra sức kích động hận thù giữa hai dân tộc.
Từ tháng 5 đến tháng 12/1975, bọn Pôn Pốt đã gây ra 17 cuộc xung đột vũ trang qua biên giới Tây Ninh. Trước tình thế đó, được sự chỉ đạo của Trung ương, Tây Ninh đã đề ra chủ trương bang giao đúng đắn, kịp thời huy động lực lượng vũ trang, chính quyền các địa phương và nhân dân trong tỉnh giúp bạn bằng mọi cách như: Liên lạc đón rước, bảo vệ người dân lánh nạn về tỉnh an toàn, chăm lo ăn, ở, cung cấp thuốc men điều trị bệnh cho nhân dân Campuchia, thân nhân gia đình cán bộ và các lực lượng cách mạng Campuchia lánh nạn sang Việt Nam. Đón rước các cán bộ trung kiên của bạn cùng gia đình còn kẹt lại bên đất bạn. Tính đến cuối năm 1978, lực lượng tỉnh đã đón về Tây Ninh 21.547 người, trong đó có gia đình thân nhân của đồng chí Hên Xomrin, Chia Xin, Tia Banh và các đồng chí lãnh đạo khác.
Ngày 02/12/1978, Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia ra đời. Theo mong muốn của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, lực lượng vũ trang tình nguyện Việt Nam, trong đó có lực lượng Tây Ninh, phối hợp với lực lượng cách mạng bạn lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, giải phóng đất nước Campuchia vào ngày 07/01/1979; bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ được Trung ương giao. Để giành được thắng lợi đó, quân dân Tây Ninh phải gánh chịu những tổn thất to lớn: 3.456 cán bộ chiến sĩ hy sinh và bị thương, 1.216 đồng bào bị Pôn Pốt giết hại, 800 nhà cửa thiêu hủy, nhiều tài sản bị cướp phá, hàng loạt xã, ấp bị tàn phá nặng nề.
Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia chí tình hồi sinh sau nạn diệt chủng. Sau khi chế độ diệt chủng Pôn Pốt bị tiêu diệt, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Tây Ninh đã huy động sức người, sức của hỗ trợ tỉnh Kampong Cham (gồm 2 tỉnh Kampong Cham và Tbong Khmum ngày nay) về mọi mặt, ổn định đời sống. Trong 10 năm, Tây Ninh đã bố trí 1.440 sĩ quan tình nguyện và hơn 4.600 con em nhân dân Tây Ninh thuộc các đơn vị nói trên sang giúp bạn kiến thiết tỉnh, trấn áp các thế lực chống đối, bảo vệ chính quyền nhân dân Kampong Cham. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh cử 3 đội chuyên gia quân sự, với tổng cộng 36 sĩ quan giúp bạn từ tỉnh đến huyện. Dù Tây Ninh đang gặp khó khăn vì thiếu lương thực, thực phẩm; nhưng tỉnh đã thắt lưng buộc bụng, hỗ trợ dân Campuchia từ Tây Ninh trở về quê nhà, ổn định cuộc sống. Đoàn chuyên gia của tỉnh gồm khoảng 20 đồng chí là cán bộ các cơ quan xây dựng Đảng của tỉnh và cán bộ các cơ quan nhà nước, chuyên gia các ngành Nông nghiệp, Thương nghiệp, Giao thông vận tải, Lương thực, Cao su, Công nghiệp, Bưu điện, Điện lực, Cấp thủy, Thông tin văn hóa, Giáo dục, Y tế được đưa sang Kampong Cham giúp bạn đào tạo cán bộ, hình thành bộ máy hoạt động của các ngành trong tỉnh.
Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đã củng cố, xây dựng các tiềm lực và thế trận trong khu vực phòng thủ; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân trên nền tảng thế trận lòng dân vững chắc; xây dựng các khu dân cư biên giới. Công tác diễn tập phòng thủ được chú trọng, không để bị động, bất ngờ. Tính riêng giai đoạn 2020-2025, tỉnh đã tổ chức thành công 01 cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, 09 cuộc diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện và 94 cuộc diễn tạp chiến đấu cấp xã trong khu vực phòng thủ đạt mục đích; xây dựng 32/32 chốt dân quân thường trực biên giới; 21 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới/145 căn nhà; hoàn thành khép kín xây dựng đường tuần tra biên giới trên địa bàn tỉnh với 168,24km, đưa vào sử dụng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và phát triển kinh tế biên mậu, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới.
Xây dựng lực lượng Công an nhân dân các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, một số lực lượng từng bước tiến thẳng lên hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị. Bố trí Công an chính quy về Công an xã, từng bước hình thành lực lượng Công an 02 cấp hoàn thiện, vững mạnh, đủ sức giải quyết tình hình an ninh, trật tự nổi lên ngay từ cơ sở. An ninh biên giới tiếp tục giữ vững, cơ bản ổn định. An ninh nông thôn, tôn giáo, dân tộc được đảm bảo. Tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp, thường xuyên tổ chức gặp gỡ giữa cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang với người có uy tín trong tôn giáo, dân tộc, từ đó kịp thời phát hiện, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong nội bộ tôn giáo, dân tộc và giữa tôn giáo, dân tộc với địa phương, không để phức tạp thêm tình hình. Từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống Dữ liệu dân cư theo Đề án 06 của Chính phủ, phục vụ có hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý cư trú, tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, cũng như thực hiện quy trình một cửa được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Quan hệ hợp tác đối ngoại được duy trì thường xuyên và có hiệu quả; các lực lượng bảo vệ biên giới phối hợp, hiệp đồng tốt hơn; quan tâm xây dựng huyện, xã biên giới vững mạnh toàn diện, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị. Công tác phân giới, cắm mốc đạt kết quả quan trọng, đã phân giới 220,954/233,789 km và xác định 94/101 vị trí mốc với 102/109 cột mốc chính được xây dựng hoàn thành; xây dựng, hoàn thiện 218 mốc mang số hiệu chẵn (172 mốc phụ và 46 cọc dấu) do Việt Nam đảm trách xây dựng theo đúng chỉ đạo và quyết tâm của Trung ương, góp phần hoàn thành chung 84% khối lượng công tác phân giới, cắm mốc toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia; thực hiện tốt công tác quản lý biên giới, nhất là các đoạn biên giới còn tồn đọng, không để xảy ra các vụ việc phức tạp trên biên giới.
BĐBP Tây Ninh tuần tra, bảo vệ cột mốc chủ quyền quốc gia
2. Công tác đối ngoại
Sau ngày giải phóng, giai đoạn 1976-1989, tỉnh tập trung tái thiết, cải tạo ruộng đất để ổn định cuộc sống nhân dân; đồng thời thực hiện bảo vệ biên giới, giúp đất nước Campuchia hồi sinh. Đây cũng là giai đoạn đất nước bị bao vây cấm vận, về công tác đối ngoại, tỉnh chủ yếu thực hiện nhiệm vụ công tác đối ngoại với các tổ chức hợp tác với các cơ sở hội đồng tương trợ kinh tế của Liên Xô, của Bộ ngoại thương, với các tỉnh bạn và của tỉnh Kông Pong Chàm. Đến giai đoạn 1996-2000, đất nước bước vào giai đoạn phát triển.., công tác đối ngoại được mở rộng; hoạt động kinh tế đối ngoại vượt qua nhiều khó khăn, duy trì được hoạt động, góp phần phát triển kinh tế và sinh hoạt của nhân dân. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm qua đạt khoảng 223,3 triệu USD, gấp 2,3 lần so với 5 năm 1991- 1995 và tăng bình quân hàng năm khoảng 3,3%. Kim ngạch nhập khẩu giảm bình quân hàng năm 9,75%. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là các nước Châu Á, thị trường khá ổn định là Singapore, Đài Loan và bắt đầu giao thương mua bán với thị trường Campuchia được khai thác tốt hơn; thị trường Châu Âu, Châu Mỹ đang mở rộng dần.
Mối quan hệ giữa giữa hai nước Việt Nam - Campuchia nói chung, giữa Tây Ninh với hai tỉnh bạn Svay Rieng, Prey Veng thuộc Vương quốc Campuchia nói riêng ngày càng thắt chặt, bền vững lâu dài.
Tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện công tác hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế và hoạt động đối ngoại, thu hút đầu tư. Giai đoạn 2013 đến đầu năm 2025, có nhiều đoàn ngoại giao, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đến thăm, chào xã giao lãnh đạo tỉnh, làm việc, khảo sát, tìm hiểu thị trường đầu tư, kinh doanh sản xuất, xúc tiến đầu tư như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia,... Tỉnh cũng tổ chức các đoàn đại biểu tham dự các diễn đàn, hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư do các bộ, ngành Trung ương tổ chức trong nước, qua đó đã tổ chức trên 30 đoàn đại biểu cấp cao của tỉnh thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài đến một số địa phương đối tác tiềm năng như: Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Belarus, Brazil, Ấn Độ, Singapore, Bỉ, Phillipin, Malaysia,... thông qua các hình thức như: tiếp xúc trực tiếp, tọa đàm, giao thương, hội chợ, hội thảo, khảo sát thị trường...
Công tác tổ chức ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác quốc tế ngày càng có hiệu lực, hiệu quả. Tính đến nay, tỉnh Tây Ninh đã ký kết 06 thỏa thuận hợp tác quốc tế nhân danh cấp tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh Tây Ninh ký 02 bản Thỏa thuận hợp tác với các địa phương của Hàn Quốc (Thành phố Gimhae thuộc tỉnh Gyeongsangnam và Thành phố Chungju thuộc tỉnh Chungcheongbuk) và 04 Thỏa thuận hợp tác với các tỉnh thuộc Campuchia (tỉnh Svay Riêng, Prey Veng, Tboung Khmum và Kampong Cham). Trong đó nổi bật là Tây Ninh và Công ty liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore đã ký kết Biên Bản ghi nhớ về việc Hợp tác nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư các Khu Công nghiệp; tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023 với sự tham dự của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Qua các giai đoạn triển khai thực hiện, tỉnh Tây Ninh đã từng bước chủ động hội nhập quốc tế, tăng cường thúc đẩy hợp tác phát triển; công tác đối ngoại được quan tâm thường xuyên đạt kết quả tích cực, giữ vững đường biên giới hoà bình, hữu nghị và hợp tác. Mở rộng quan hệ với các đối tác quốc tế, chủ động xúc tiến quan hệ hợp tác với địa phương các đối tác tiềm năng; thiết lập và duy trì mối quan hệ hợp tác với 06 đơn vị hành chính cấp tỉnh của nước ngoài, gần 20 tổ chức phi chính phủ quốc tế; góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác.
IV. Xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh
Thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng trong giai đoạn mới, tỉnh đã quan tâm xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, nhất là cơ sở. Thông qua các đợt vận động chính trị, củng cố xây dựng Đảng đã sàng lọc một bước trong cán bộ, đảng viên, các cấp uỷ đã thẩm tra kết luận rõ ràng số đồng chí bị bắt bị tù, số đồng chí có dư luận không chính đáng.
Năm 1978, Tỉnh uỷ đã huy động 85 đồng chí cán bộ tỉnh, huyện, đồng thời đã trưng dụng 300 cán bộ tỉnh, huyện tổ chức làm 10 đoàn đưa xuống xã giúp cho xã xây dựng, củng cố các ban ngành ở xã để tăng cường sức chiến đấu của Đảng ở cơ sở. Tỉnh uỷ thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng về chính trị tại trường Đảng tỉnh, huyện, các trường nghiệp vụ, trường bổ túc văn hoá… Đưa hàng trăm cán bộ, đảng viên trẻ đi đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ kế thừa có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng.
Đến những năm 1984-1985, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở có nhiều cố gắng, tiến bộ trong việc tổ chức chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và địa phương. Các cấp ủy nêu cao tinh thần tự lực, tự cường vươn lên trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết và biết tận dụng những tiềm năng sẵn có với thế mạnh của từng địa phương mà mở rộng liên kết kinh tế với các địa phương khác để phát triển sản xuất, nhằm chăm lo đời sống nhân dân. Thông qua những đợt học tập chính trị tại địa phương, đơn vị và việc cử cán bộ đào tạo tại các trường Đảng từ cấp huyện đến Trung ương đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chính trị và năng lực công tác của cán bộ, đảng viên. Nhờ đó, các tổ chức cơ sở đảng phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo tại địa phương, đơn vị.
Công tác phát triển đảng viên mới được quan tâm thực hiện. Tỉnh uỷ đã mở nhiều đợt phát động trong Đảng và quần chúng, phê bình và tự phê bình để củng cố Chi bộ, phát triển đảng viên mới. Đến năm 1977, tổng số đảng viên có 5.178 đồng chí. So với năm 1976 tăng 1.220 đảng viên (trong đó kết nạp mới tại chỗ 543 đảng viên). Số chi bộ hiện có 448 chi bộ, trong đó có 71 chi bộ xã; 5 Đảng uỷ xã; 417 Chi bộ cơ quan, so năm 1976 tăng 30 Chi bộ xã và 116 Chi bộ cơ quan. Tính đến ngày 10/3/2025, Tây Ninh có 14 đảng bộ cấp trên cơ sở (gồm 01 đảng bộ thành phố; 02 đảng bộ thị xã; 06 đảng bộ huyện; 03 đảng bộ thuộc lực lượng vũ trang; 01 Đảng bộ các cơ quan Đảng tỉnh; 01 Đảng bộ Uỷ ban nhân dân tỉnh). Toàn tỉnh có 560 tổ chức cơ sở đảng (184 đảng bộ cơ sở và 376 chi bộ cơ sở), 19 đảng bộ bộ phận, 1.712 chi bộ trực thuộc với tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh là 40.477 đồng chí…. Giai đoạn 2020 - 2025, bình quân mỗi năm, có 97,27% tổ chức cơ sở đảng được đánh giá, xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; trong đó, có 98,75% đảng bộ xã biên giới được đánh giá, xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; có 425 tổ chức đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (tính đến hết năm 2024).
SẴN SÀNG CÙNG CẢ NƯỚC BƯỚC VÀO KỶ NGUYÊN MỚI
Dự báo trong giai đoạn tới tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng gia tăng. Những thách thức từ an ninh phi truyền thống, nhất là sự gia tăng tội phạm sử dụng công nghệ cao tác động lớn đến các mặt của đời sống xã hội. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh khó tiên liệu. Tình hình ngoại biên tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Vị trí cửa ngõ, biên giới là thách thức không nhỏ về quốc phòng - an ninh của địa phương. Hạn chế, khó khăn của địa phương cũng tác động đến sự phát triển của tỉnh giai đoạn 2025 - 2030.
Với tiềm năng, lợi thế và những kết quả quan trọng đạt được trong 50 năm qua và khát vọng lớn, quyết tâm cao của hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân vì sự phát triển tỉnh nhà, để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, qua đó, Tây Ninh xác định mục tiêu tổng quát phát triển đến năm 2030:
“Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Tây Ninh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Đến năm 2030, Tây Ninh trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống. Công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của Vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Nông nghiệp phát triển theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu suất và lợi nhuận thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, số hóa và kinh tế tuần hoàn. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức được phát huy, trở thành nhân tố chủ yếu đóng góp cho nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội toàn diện, hướng đến thuộc nhóm tiên tiến của cả nước; đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của nhân dân được nâng lên; mở rộng hợp tác, hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế. An ninh, quốc phòng được bảo đảm, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững”.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, tỉnh đã xác định các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển chủ yếu là: Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên. Tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường, ít phát thải, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm sử dụng đất đai và lao động. Khai thác mạnh mẽ, có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch; chú trọng phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc; tạo điều kiện, tập trung đầu tư Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp, đặc sắc mang tầm quốc tế. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đô thị. Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm kết nối Vùng, các dự án có tính dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là hiện thực hóa dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài; đẩy mạnh phát triển đô thị theo quy hoạch. Tăng cường công tác quản lý khai thác và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ. Tạo sự chuyển biến toàn diện về văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hóa, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, trật tự, văn minh; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, có tính cạnh tranh cao; từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Xây dựng tiềm lực và thế trận khu vực phòng thủ, củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới quốc gia, nâng cao hiệu quả công tác cải cách tư pháp; chủ động, tích cực, hiệu quả trong công tác đối ngoại. Tập trung thực hiện 03 đột phá chiến lược: (1) Đột phá về phát triển hạ tầng bền vững, nhất là hệ sinh thái công nghiệp, đô thị. (2) Đột phá về thể chế, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về quy hoạch, đầu tư, đất đai; nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng và triển khai mô hình quản trị công hiệu lực, hiệu quả. (3) Đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Với niềm tin sâu sắc vào đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; với truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương trung dũng kiên cường; sự năng động, sáng tạo, đoàn kết, vượt khó, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà, chúng ta hoàn toàn tin tưởng và cùng phấn đấu xây dựng Tây Ninh tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn, toàn diện hơn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nền tảng để sớm đưa tỉnh Tây Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, hướng đến thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ tỉnh, cùng cả nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
(Chi tiết, đầy đủ có file Tài liệu đính kèm phía sau)
LTH
Tác giả: nvdung
Ý kiến bạn đọc