Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền giảm nghèo thông tin

Thứ ba - 22/08/2023 22:00 170 0

​Sau hơn 02 năm thực hiện Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, công tác tuyên truyền giảm nghèo thông tin trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Là tỉnh biên giới có gần 240km đường biên giáp Campuchia, địa giới hành chính khá rộng, dân số đông, đa tôn giáo, dân tộc, để huy động, tập hợp, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong những năm qua, nhất là khi triển khai thực hiện Tiểu dự án “Giảm nghèo về thông tin" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022-2023, cấp uỷ, chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức đa dạng, phong phú các hoạt động tuyên truyền, đưa thông tin về cơ sở, không để người dân bị thiếu thông tin, “nghèo thông tin".

* Đảm bảo cơ sở hạ tầng thông tin, thường xuyên cung cấp thông tin thiết yếu, chính thống cho Nhân dân

Về cơ sở hạ tầng thông tin, tỉnh hiện có 03 cơ quan báo chí (Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh, Tạp chí Văn nghệ Tây Ninh); 06 trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép, trong đó riêng Cổng Thông tin điện tử (UBND) tỉnh tích hợp 54 cổng thông tin điện tử thành phần; toàn tỉnh có 94 đài truyền thanh cấp xã, phường, thị trấn. Đồng thời, tỉnh cũng thường xuyên cung cấp thông tin, hợp tác tuyên truyền với 39 cơ quan báo chí Trung ương và cơ quan báo chí ngoài tỉnh. Hoạt động của hệ thống hạ tầng thông tin này hằng năm đăng tải hơn 60.000 tin, bài, video clip, Infographic tuyên truyền, lan toả, chuyền tải thông tin chính thống sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, vùng nông thôn, biên giới.

 ​

Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các website của Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh.

Toàn tỉnh có 419 thiết chế văn hoá, các thiết chế này thường xuyên được sử dụng, phục vụ các chương trình văn hóa - văn nghệ quần chúng, thông tin lưu động, chiếu phim, trưng bày sách báo, phim ảnh..., đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của Nhân dân. Hằng năm, các bộ phận nghiệp vụ của ngành văn hoá tổ chức bình quân từ 50 - 80 buổi biểu diễn văn nghệ, kịch bản, tiểu phẩm, tổ chức phục vụ Nhân dân các vùng sâu, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống thư viện, tủ sách từ tỉnh đến cơ sở được duy trì hoạt động thường xuyên; mạng lưới thư viện được chú trọng phát triển theo hướng tổ chức mô hình thư viện lưu động, thư viện huyện kết hợp điểm bưu điện luân chuyển sách báo đến các điểm bưu điện văn hóa các xã. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân, đặc biệt là đối tượng các hộ nghèo, cận nghèo, giúp kéo hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa vùng thành thị và nông thôn, kịp thời đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo Nhân dân.

* Mở rộng độ tiếp cận, sử dụng dịch vụ viễn thông

Tỉnh đặc biệt quan tâm thu hút, tạo điều kiện để doanh nghiệp dịch vụ viễn thông đầu tư, hoạt động trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 03 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại cố định (VNPT Tây Ninh, Viettel chi nhánh Tây Ninh, FPT Tây Ninh), 04 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (VNPT Tây Ninh, Viettel chi nhánh Tây Ninh, FPT Tây Ninh, Mobifone Tây Ninh); 05 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại di động (Vinaphone, Mobifone, Viettel, Vietnamobile, Gmobile). Các doanh nghiệp này đã cung cấp dịch vụ viễn thông cho 1.067.995 thuê bao di động kết nối Internet, chiếm khoảng 91% dân số và 259.548 thuê bao cố định kết nối Internet, chiếm 22% dân số. Qua đó giúp người dân tiếp cận, khai thác thông tin nhanh chóng, sâu rộng, đa dạng, vượt qua giới hạn về không gian, thời gian so với phương thức thông tin truyền thống.

Nhằm tăng cường độ tiếp cận, sử dụng dịch vụ viễn thông của người dân, toàn tỉnh đã thành lập 631 tổ công nghệ số cộng đồng ở cấp xã, ấp/khu phố với 4.401 thành viên tham gia. Qua đó đã hỗ trợ, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng, chống dịch bệnh, xác định mã định danh cá nhân; đồng thời  tạo nhóm mạng xã hội (lập nhóm Zalo, Mocha, Gapo hoặc các mạng xã hội Việt Nam phổ biến khác) thu hút người dân trong ấp, khu phố để hỗ trợ, tương tác, hướng dẫn thường xuyên.

Tỉnh cũng đã xây dựng, phát triển, hoàn thiện các ứng dụng hỏi - đáp, cung cấp thông tin trực tuyến như: Tổng đài 1022, Tây Ninh Smart, Cổng hành chính công tỉnh Tây Ninh, trang điện tử http://hoidap.tayninh.gov.vn…, Qua các kênh thông tin này, hằng năm, cơ quan chức năng của tỉnh tiếp nhận, trả lời hàng nghìn câu hỏi của công dân và giải quyết nhiều vấn đề khác liên quan đến công tác quản lý nhà nước cũng như kịp thời cung cấp thông tin trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, y tế cho Nhân dân.

Đánh giá về công tác tuyên truyền, giảm nghèo thông tin của đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương vào ngày 09/8/2023 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hoài – Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận Tây Ninh là điểm sáng về năng động, sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tuyên truyền, đưa thông tin sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân.

 

Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát công tác tuyên truyền, giảm nghèo về thông tin trên địa bàn tỉnh tỉnh Tây Ninh.

Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, tăng cường cung cấp, đưa thông tin về cơ sở

Nhằm tăng cường cung cấp thông tin đến Nhân dân, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ thường xuyên chỉ đạo, định hướng hệ thống tuyên giáo, các cơ quan báo chí, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội các cấp tập trung tuyên truyền, đưa thông tin về cơ sở, nhất là vùng nông thôn, biên giới, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoạt động của các cấp uỷ, chính quyền, thông tin thời sự, tình hình kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hoá xã hội và những vấn đề phức tạp, nhạy cảm được cán bộ, đảng viên và người dân quan tâm. Hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phát hành hơn 37.000 Bản tin thông báo nội bộ đến các tổ chức đảng phục vụ nội dung sinh hoạt định kỳ; đăng tải gần 2.000 tin, bài trên Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh; chỉ đạo, tổ chức lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội từ tỉnh đến cơ sở đăng tải, chia sẻ gần 20.000 tin, bài, video clip trên 404 diễn đàn tuyên truyền trên mạng xã hội từ tỉnh đến cơ sở, qua đó góp phần quan trọng trong việc lan toả, phủ xanh thông tin tích cực, đưa thông tin đến với Nhân dân, phổ biến thông tin sâu rộng trong toàn xã hội.

Hệ thống Tuyên giáo, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh thành lập 1.610 nhóm Zalo từ tỉnh đến cơ sở với 37.293 thành viên, qua đó kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin 02 chiều, phát huy hiệu quả tích cực trong tuyên truyền, đưa thông tin về cơ sở. Trong các thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh đã thành lập gần 100 nhóm Zalo tư vấn (có y, bác sĩ các địa phương thường trực trong các nhóm), hỗ trợ thông tin, kinh nghiệm phòng, chống, cách ly, theo dõi, điều trị các ca bị nhiễm COVID-19 tại nhà, thu hút hàng chục nghìn người dân tham gia.

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động phong trào, thực hiện hiệu quả các mô hình đoàn kết, tập hợp lực lượng; duy trì tổ chức các cuộc họp, hội nghị tiếp xúc định kỳ, sinh hoạt hội, đoàn thể. Trong 02 năm qua (2022 - 2023), các đơn vị này đã lồng ghép thực hiện hơn 1.300 cuộc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… cho hơn 32.000 lượt đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là phát huy các mô hình (chương trình): Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, Xuân tình nguyện, Tháng Thanh niên, Thanh niên tình nguyện hè, Tủ sách Mặt trận, Loa di động... qua đó góp phần tích cực trong tuyên truyền, giảm nghèo thông tin, cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân thi đua lao động, sản xuất.

Đặc biệt, nhằm tăng cường đưa thông tin về cơ sở, trong nhiều năm qua, tỉnh Tây Ninh thực hiện việc cấp, phát Báo Tây Ninh (báo in) miễn phí đến các ấp, khu phố, tổ dân cư tự qản toàn tỉnh. Hiện Báo Tây Ninh xuất bản 4 kỳ/tuần; mỗi kỳ in ấn khoảng 14.033 tờ, trong đó có 11.790 tờ được cấp phát đến các đảng uỷ cơ sở, chi bộ cơ sở, Văn phòng UBND xã, phường, ấp, khu phố, tổ dân cư tự quản góp phần quan trọng đưa thông tin về cơ sở, giảm nghèo thông tin.

 

Báo Tây Ninh xuất bản 4 kỳ/tuần, được trang cấp miễn phí đến ấp, khu phố, tổ dân cư tự quản trong toàn tỉnh.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả quan trọng đạt được, công tác tuyên truyền, giảm nghè về thông tin vẫn còn những khó khăn nhất định như: Việc đầu tư các đài truyền thanh cơ sở dàn trải, thiếu đồng bộ; địa phương chưa có cơ chế, chính sách sau đầu tư (như: duy tu, bảo dưỡng, thay thế, nâng cấp trang thiết bị); một số đài bị hư hỏng chưa được sửa chữa, đầu tư nâng cấp kịp thời, nhiều đài không tương thích nên chất lượng âm thanh kém. Năng lực của một số cán bộ làm công tác giảm nghèo thông tin ở cơ sở còn hạn chế, chưa chuyên trách, thiếu kinh nghiệm nên khó khăn, lúng túng trong việc tổ chức thực hiện các loại hình thông tin tại cơ sở. Chế độ thông tin, cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền có lúc, có việc chưa kịp thời. Việc sử dụng “Tủ sách ở cơ sở" chưa tạo được sức lan toả, chưa thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tìm đọc, khai thác.

* Phát huy hiệu quả công tác giảm nghèo về thông tin

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế hiện có, thiết nghĩ các cấp uỷ, chính quyền cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp chức năng, nhiệm vụ; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện phục vụ công tác thông tin, trong đó thực hiện tốt công tác xã hội hoá để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin tuyên truyền; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực tham mưu chỉ đạo, điều hành và nghiệp vụ tuyên truyền cho cán bộ làm công tác thông tin, truyền thông cấp tỉnh, huyện, xã. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện công tác truyền thông giảm nghèo về thông tin; kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chủ động đấu tranh, phản bác các thông tin quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững…

Hoàng Trần

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập64
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm45
  • Hôm nay13,036
  • Tháng hiện tại393,683
  • Tổng lượt truy cập6,704,275
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây