Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập của Việt Nam

Thứ tư - 24/01/2024 14:15 389 0
Trong gần 40 năm đổi mới - xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển, chúng ta đã làm tốt việc xây dựng, hình thành nhiều thể chế, tuy nhiên, hiệu lực, hiệu quả của thể chế trong thúc đẩy văn minh xã hội chưa thể hiện rõ ràng. Thành tựu về kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững là không thể phủ nhận, song về cơ bản, nhiều khía cạnh của đời sống xã hội còn mang nặng dấu ấn của văn minh nông nghiệp.

Ảnh minh họa.

NHỮNG ĐIỂM NGHẼN CƠ BẢN VỀ THỂ CHẾ PHÁT TRIỂN HIỆN NAY

Một là, sự đồng bộ giữa thể chế phát triển chính trị, văn hóa - xã hội chưa bắt nhịp với thể chế phát triển kinh tế, hội nhập.

Mặc dù đạt nhiều thành tựu to lớn về quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển ở nước ta trong những năm qua, tuy nhiên, những biểu hiện trên bề mặt đời sống xã hội như: sự suy thoái của một bộ phận cán bộ đảng viên; tình trạng tham nhũng, tiêu cực; sự xuống cấp về đạo đức gia đình, xã hội, nghề nghiệp... đã và đang là “những hồi chuông cảnh báo” về các nguy cơ “đổ vỡ niềm tin” của nhân dân vào hệ thống chính trị, vào những giá trị, chuẩn mực mà chúng ta chủ trương lan tỏa... Đây là hệ quả của quá trình xây dựng, hoàn thện thể chế phát triển chính trị, văn hóa, xã hội chưa được chú trọng đúng mức và thúc đẩy song hành với quá trình xây dựng thể chế phát triển kinh tế. Bệnh thành tích với quy mô kinh tế giản đơn đang cản trở chúng ta chú ý sự phát triển một cách toàn diện, văn minh.

Hai là, tính đồng bộ của thể chế mới cơ bản đạt được sự tương thích với nguyên tắc phổ thông của kinh tế thị trường, nhưng chưa bám sát và cụ thể hóa thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Những thể chế phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, hội nhập thời gian qua được xây dựng, ban hành, đổi mới, bổ sung ngày càng đầy đủ, bao quát hơn, nhiều mặt đã bám sát các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường hiện đại. Tuy nhiên, đó mới là những nguyên tắc phổ thông nhất mà bất kỳ nền kinh tế thị trường nào cũng phải tuân thủ. Vấn đề đặt ra ở tầm sâu sắc hơn là thể chế phát triển Việt Nam còn cần phải là tiền đề để hiện thực hóa cụ thể giá trị XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Những giá trị cơ bản dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh phải được thể hiện trước hết từ trong hệ thống thể chế. Quyền làm chủ của nhân dân phải được triển khai từ thể chế ra bề mặt xã hội. Bản sắc văn hóa, những giá trị tốt đẹp phải được thể hiện trong hệ thống chính trị. Các tinh hoa văn hóa phải dần trở thành nền tảng tinh thần và động lực của đời sống xã hội...

Ba là, tác động cộng hưởng, cùng chiều tích cực trong thúc đẩy văn minh xã hội theo hướng tiến bộ của thể chế phát triển chưa rõ nét.

Trong gần 40 năm đổi mới - xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển, chúng ta đã làm tốt việc xây dựng, hình thành nhiều thể chế, tuy nhiên, hiệu lực, hiệu quả của thể chế trong thúc đẩy văn minh xã hội chưa thể hiện rõ ràng. Thành tựu về kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững là không thể phủ nhận, song về cơ bản, nhiều khía cạnh của đời sống xã hội còn mang nặng dấu ấn của văn minh nông nghiệp. Văn minh công nghiệp hiện đại, văn minh sinh thái chưa đạt được thành tựu rõ ràng. Đời sống xã hội, văn minh đô thị chưa thể hiện tính ưu việt nổi trội… Đây chính là hệ quả của việc thiếu tác động cộng hưởng cùng chiều của thể chế phát triển. Văn minh tinh thần chưa theo kịp văn minh vật chất nên đang có nguy cơ bị lai căng, tha hóa, biến dạng cả về văn minh vật chất lẫn văn minh tinh thần. Đây là hạn chế rất lớn xét về dài hạn và bám sát mục tiêu XHCN tiến bộ.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP TIẾP TỤC HOÀN THIỆN THỂ CHẾ PHÁT TRIỂN Ở VIỆT NAM

Tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng thể chế phát triển

Thực tiễn luôn phát triển và biến đổi không ngừng, thực tiễn là tiền đề để hình thành tư duy thể chế. Chính vì vậy, cách thức tư duy, nếp nghĩ, sự quan tâm tới lợi ích khách quan sẽ chi phối quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế của các chủ thể quản trị quốc gia. Tư duy hạn hẹp do tầm nhìn và năng lực hạn chế cũng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng thể chế phát triển. Vì vậy, việc đổi mới tư duy theo yêu cầu của trình độ phát triển hiện đại, với tầm nhìn dài hạn và cách tiếp cận trăm năm là hết sức cấp thiết.

Ở cấp độ thứ nhất, cần dứt khoát chuyển đổi tư duy xây dựng và hoàn thiện thể chế theo cách nghĩ cũ, cơ chế vận hành nền kinh tế kiểu cũ… sang tư duy hướng tới sự phục vụ xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển chung. Cách tư duy mới, phù hợp với sự phát triển của thể chế kinh tế thị trường hiện đại là lấy sự phát triển của mọi mặt đời sống xã hội, sự thúc đẩy văn minh, sự bền vững của chế độ chính trị làm mục đích tự thân của mọi quá trình xây dựng thể chế; không trì trệ, không bảo thủ là biện pháp tự chủ trong thực hiện quyền lực quản trị quốc gia.

Cấp độ tiếp theo, nhanh chóng và thường xuyên chuyển từ tư duy thụ động sang tư duy chủ động, vượt trước, dẫn dắt sự phát triển bằng những giải pháp thể chế dẫn dắt là chủ yếu thay cho thể chế bám đuổi là chủ yếu. Với thể chế dẫn dắt, đòi hỏi tư duy xây dựng thể chế phải có tính dự báo, trên cơ sở tiếp thu chọn lọc những bài học kinh nghiệm thất bại của các quá trình phát triển đi trước, của các quốc gia đã từng vấp phải.

Cấp độ sâu hơn, thực hiện chuyển đổi tư duy xây dựng thể chế phát triển đơn tuyến, tiếp cận ngành, thiên về tính cục bộ sang tư duy cộng hưởng, liên ngành, lợi ích toàn diện và dài hạn. Thời gian qua, sở dĩ có sự trùng chéo, kém hiệu lực, hiệu quả trong thể chế phát triển trên nhiều lĩnh vực ở nước ta, có nguyên nhân từ các tiếp cận đơn tuyến trong tư duy làm thể chế; thể hiện ngay trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Việc xây dựng thể chế đòi hỏi cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống các chủ thể quản trị quốc gia, không phải chỉ là việc của Trung ương, cũng không chỉ là tín hiệu từ địa phương. Trung ương và địa phương đều có trách nhiệm xây dựng tư duy dẫn dắt, mở đường, khai phóng nguồn lực. Như vậy, việc tháo gỡ các điểm nghẽn là sự tháo gỡ đồng loạt, thay vì địa phương nào cũng xin cơ chế đặc thù.

Cùng với đó, việc phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng đảng và hệ thống chính trị là then chốt, phát triển văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội phải trở thành tư duy thường trực trong xây dựng thể chế phát triển và các hệ sinh thái thể chế phát triển.

Nhóm giải pháp hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển kinh tế

Thứ nhất, rà soát toàn diện theo cấu trúc nhóm thể chế nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt đến quá trình sản xuất, lưu thông, trao đổi, hội nhập.

Các nhóm thể chế theo sinh thái cấu trúc gồm các bộ phận chủ yếu: 1) Nhóm thể chế tạo lập nền tảng chế độ kinh tế (sở hữu, quyền tài sản; quyền tự do kinh doanh; quyền hưởng lợi; quyền được bảo hộ tài sản…). Cần hình thành hệ sinh thái thể chế đồng bộ và đơn giản hóa theo hướng tối thiểu chi phí để đảm bảo lợi ích tối đa. Đây chính là cách đảm bảo sự phù hợp với nguyên tắc thị trường trong vận hành thể chế về tạo lập nền tảng chế độ kinh tế của quốc gia. 2) Nhóm thể chế tạo lập môi trường bình đẳng, thông thoáng, loại trừ được sự cản trở và điểm nghẽn. Cạnh tranh hiệu quả trong nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cần phải có lộ trình thực hiện cụ thể để xác lập các thể chế, nhằm thúc đẩy phát triển của công nghệ, nâng cao năng suất lao động xã hội, tiết kiệm nguồn lực; thúc đẩy việc làm và mở rộng khả năng đáp ứng nhu cầu phong phú của xã hội; thực hiện các tầng an sinh xã hội hiệu quả; kiểm soát được các cấu trúc quyền lực thị trường, chống những “bàn tay to” thao túng thị trường... 3) Nhóm thể chế tiếp cận nguồn lực. Cần có một hệ thống sinh thái về tiếp cận nguồn lực nhất quán đối với các nguồn lực cơ bản cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện nay, hệ thống sinh thái thể chế về tiếp cận nguồn lực còn hạn chế về tính đồng bộ, thiếu bình đẳng giữa các chủ thể. 4) Nhóm thể chế tạo lập sinh thái tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh tế. Nhóm thể chế này cần phải được rà soát sớm và bổ sung ngay những chế tài thiết thực, cân bằng lợi ích, kinh tế hóa thay vì hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Thứ hai, đi đôi với việc rà soát, cần chú trọng đảm bảo sự tương thích, tác động cộng hưởng, cùng chiều tích cực của hệ thống thể chế phát triển kinh tế, đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống thể chế phát triển kinh tế không chỉ ở một khâu, một lĩnh vực mà phải trên tổng thể quá trình tái sản xuất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Điều này đòi hỏi tầm nhìn bao quát, sâu sắc, xuyên suốt trong quá trình hoàn thiện thể chế. Để đảm bảo được tính tổng thể, còn phải chú ý sự đồng bộ của tổng thể thể chế, hệ sinh thái thể chế phát triển kinh tế, đảm bảo sự ăn khớp giữa nguồn lực và khả năng sử dụng nguồn lực; giữa năng lực sản xuất với thị trường tiêu thụ; giữa lưu thông, phân phối.

Nhóm giải pháp hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển chính trị

Thứ nhất, nhóm thể chế tiếp tục phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực hiệu quả trong thể chế đảng duy nhất cầm quyền.

Về hệ thể chế này cần tiếp tục bổ sung các thành tố thể chế đảm bảo bịt những kẽ hở dẫn đến sự lạm dụng, lợi dụng, thu vén lợi ích cá nhân. Thể chế về phát huy dân chủ trong cơ chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách phải gắn với phương thức tạo ra người đứng đầu trách nhiệm, khách quan, công tâm. Hệ thống thể chế phòng ngừa lạm dụng quyền lực, kiểm soát quyền lực thường xuyên, từ sớm, từ xa hiện nay mới chủ yếu dừng ở hệ các quy định đối với đảng viên; hệ thống kiểm soát quyền lực kinh tế, quyền lực chính trị của doanh nghiệp tư nhân còn là khoảng trống chưa có hệ sinh thái thể chế thực hiện. Quyền lực dù ở khu vực công hay tư đều phải đặt dưới sự kiểm soát bằng thể chế; công năng thể chế kiểm soát quyền lực phải được thực hiện bao trùm đối với toàn bộ các chủ thể trong hệ thống chính trị cũng như quyền lực kinh tế.

Thứ hai, nhóm thể chế thực hiện phân cấp, phân quyền trong sự phát triển của nền quản trị quốc gia tốt.

Việc phân cấp, phân quyền là tất yếu trong quá trình phát triển theo chiều hướng xã hội văn minh. Càng đi sâu đổi mới hệ thống chính trị càng đòi hỏi sự phân cấp, phân quyền rõ ràng, phù hợp với quy luật phát triển. Tuy vậy, giới hạn, phạm vi và cách thức phân cấp, phân quyền để đảm bảo thực chất, có khả năng triển khai, đòi hỏi phải có thể chế dẫn dắt. Những cấu trúc thể chế quy định về phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ trong thực hiện phân cấp cần được căn cứ vào nhiệm vụ phát triển của cấp được phân quyền. Đi đôi với phân cấp, phân quyền, thể chế về phối hợp trong thực hiện quyền phân cấp và thể chế về trách nhiệm của quyền được phân cấp với đảm bảo quản trị quốc gia thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng cần được thực hiện trên cơ sở thể chế. Hệ thống thể chế như vậy để việc phối hợp sử dụng quyền lực trong quản trị quốc gia phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, thống nhất hơn dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nhóm giải pháp hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển văn hóa - xã hội

Một là, về mặt tư duy. Thực hiện tư duy tổng hợp về phát triển văn hóa cùng với các lĩnh vực đời sống xã hội để thúc đẩy văn minh. Văn hóa phát triển là tiền đề để dịch chuyển văn minh xã hội. Do đó, thể chế phát triển văn hóa - xã hội cần được đặt song hành với việc hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế, phát triển chính trị, thậm chí có những khâu, những lĩnh vực của nền tảng văn hóa, văn minh cần phải được thúc đẩy mang tính dẫn dắt sự phát triển kinh tế và đời sống chính trị.

Hai là, về biện pháp thực hiện. Xây dựng hệ sinh thái thể chế phát triển văn hóa Việt Nam văn minh, giàu bản sắc, độc lập tự chủ từ chủ trương, luật pháp, chiến lược, chương trình, đề án, nguồn lực và tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở rà soát lại những thể chế đang có, phát hiện những bất cập, điểm nghẽn, khuyết thiếu để bổ sung, điều chỉnh, ban hành và xây dựng mới các thể chế theo nguyên tắc mới, thích hợp với thị trường ở khâu huy động và phân bổ nguồn lực, tránh thị trường hóa thể chế dẫn đến sự thương mại hóa vai trò nhà nước trong lĩnh vực văn hóa - xã hội.

Bên cạnh việc xây dựng thể chế thúc đẩy hệ giá trị văn hóa mới, việc thể chế hóa, công nhận chính thức việc giữ gìn, phát huy, thừa nhận một cách đầy đủ những giá trị truyền thống còn phù hợp với tính nhân văn, nhân bản của con người, thúc đẩy văn minh xã hội cũng cần phải được chú trọng.

Về mặt xã hội, hệ thống thể chế về thực hiện an sinh xã hội nhiều tầng cần được rà soát và hoàn thiện. Việc kết hợp trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với vai trò xã hội trong thực hiện chức năng của Nhà nước hiện nay là khoảng trống thể chế cần sớm được hoàn thiện.

Về thể chế phát triển con người toàn diện, ngoài hệ thống luật pháp về giáo dục - đào tạo, phát triển con người văn minh trong môi trường thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phải có hệ sinh thái thể chế toàn diện, đồng bộ hơn so với việc chỉ chú trọng vào luật giáo dục. Hệ thống pháp luật về giáo dục mới chỉ là một phần mang tính kỹ thuật tổ chức việc đào tạo, giáo dục mà chưa bao quát được phát triển hệ giá trị con người và tạo bệ đỡ để phát triển con người Việt Nam toàn diện. Do đó, cùng với việc hoàn thiện đầy đủ hơn, nhất quán hơn hệ thống pháp luật về giáo dục, còn cần phải bổ sung hệ sinh thái thể chế cho phát triển con người toàn diện, đồng bộ với sinh thái thể chế phát triển văn hóa, xây dựng giá trị con người. Hệ sinh thái thể chế phát triển con người phải tạo tiền đề để các môi trường giáo dục và xã hội cùng phối hợp thực hiện đức dục, trí dục, mỹ dục, thể dục.

Nhóm giải pháp hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển hội nhập

Một là, nhóm thể chế tạo lập sự kết nối giữa mục tiêu đẩy mạnh hội nhập với xây dựng toàn diện nền độc lập, tự chủ Việt Nam trong môi trường thể chế quốc tế luôn biến đổi.

Nền độc lập tự chủ trên lĩnh vực hội nhập cần có thể chế về xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập tự chủ; xây dựng chế độ chính trị bền vững độc lập, tự chủ; xây dựng nền văn hiến, văn minh độc lập tự chủ trong tiến trình không ngừng hội nhập. Đây là những mối quan hệ lớn, khó. Muốn nâng cao hiệu quả, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc thì tính độc lập tự chủ càng phải được khẳng định. Muốn đứng vững trong môi trường thể chế thế giới luôn biến động thì càng cần phải trở nên độc lập, tự chủ. Vì vậy, vấn đề trước mắt và lâu dài là tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái thể chế để tranh thủ khai thác tối đa các cơ hội từ những hiệp định, thỏa thuận, thể chế quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, công nhận

Hai là, nhóm thể chế dẫn dắt sự lựa chọn mục tiêu rõ ràng để phát triển trong hội nhập cần được rà soát và chuẩn bị cho những thập kỷ tới.

Thuộc nhóm này có rất nhiều khía cạnh cần phải có thể chế cụ thể. Chẳng hạn như: những quy định và tiêu chí lựa chọn ngành, định hướng mục tiêu phát triển ngành, lĩnh vực nhất quán với chủ trương lớn xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập tự chủ, để Việt Nam trở thành nước phát triển trên con đường XHCN, định vị sự phát triển và trình độ phát triển của Việt Nam trong tầm nhìn khu vực, quốc tế. Những thể chế mang tính nguyên tắc lựa chọn ngành, vùng ưu tiên, định hướng ưu đãi, dẫn dắt đầu tư phát triển theo kế hoạch, chiến lược tổng thể, dài hạn của Việt Nam cần được rà soát và bổ sung. Hiện nay, thể chế về đầu tư nước ngoài của Việt Nam mới hướng mạnh vào thu hút mà chưa đủ mạnh để dẫn dắt theo ý tưởng phát triển của chúng ta. Đây là vấn đề cần có sự chuyển hướng nhanh hơn nữa.

Nhóm giải pháp đồng bộ giữa các thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập

Đi đôi với việc rà soát, hoàn thiện từng bộ phận thể chế phát triển, việc rà soát để đảm bảo sự đồng bộ của tổng thể hệ thống phát triển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cũng cần được thực hiện một cách toàn diện. Việc đồng bộ hóa thể chế phát triển phù hợp với trình độ nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập theo định hướng XHCN là yêu cầu cấp bách và thực hiện với lộ trình cụ thể. Trước mắt, trong lộ trình 5-10 năm tới, việc rà soát tổng thể thể chế phát triển để tháo gỡ những điểm trùng chéo, loại trừ, triệt tiêu nhau trong các quy định thể chế theo từng nhóm sinh thái thể chế và trên phạm vi hệ sinh thái thể chế phát triển cần được triển khai dứt khoát, có kế hoạch cụ thể.

Song song với việc rà soát, cần xây dựng, ban hành, bổ sung những thể chế còn khuyết thiếu trên các lĩnh vực thể chế phát triển như đã nêu trên. Không chờ kết quả rà soát xong mới thực hiện hoàn thiện. Cần thực hiện phương châm song song, quyết liệt tháo gỡ ngay những điểm nghẽn đang nổi cộm về phát triển kinh tế đã bộc lộ.

Trong tầm nhìn dài hạn hơn, việc nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm thất bại của các quốc gia đi trước về những kịch bản phát triển, tính trước những nguy cơ trên mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, hội nhập quốc tế để có những thể chế phòng ngừa từ sớm, từ xa nhằm chủ động giữ vững chế độ chính trị ổn định dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Những nhóm thể chế thuộc diện phòng ngừa này cần được suy tính để tích hợp, lồng ghép vào những thể chế phát triển đang được sửa chữa, bổ sung, điều chỉnh trong những năm trước mắt đến 2030.

Tóm lại, với những điểm nghẽn thể chế hiện nay, các giải pháp nêu trên rất cần được triển khai một cách đồng bộ, để từ đó có được sự phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn nữa./.

Việc  phát triển kinh tế là trọng  tâm, xây dựng đảng và hệ thống chính trị là then chốt, phát triển văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội phải trở thành tư duy thường trực trong xây dựng thể chế phát triển và các hệ sinh thái thể chế phát triển.

 

PGS. TS. NGÔ TUẤN NGHĨA 
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn Tạp chí Tuyên giáo điện tử

Tác giả: Trần Đăng Khoa, Dẫn nguồn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập34
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay12,901
  • Tháng hiện tại153,920
  • Tổng lượt truy cập8,162,625
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây