Ngoại giao cây tre Việt Nam: “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”

Thứ năm - 21/12/2023 08:04 2.028 0
Các hoạt động đối ngoại và ngoại giao kinh tế đã mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với nhiều đối tác, góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút nhiều nguồn lực mới, bao gồm cả FDI, ODA, khoa học công nghệ...

Ngày 19/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị ngoại giao lần thứ 32, với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham quan triển lãm ảnh về các hoạt động đối ngoại.

Tham sự tại điểm cầu Tây Ninh có Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm, đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng Tây Ninh, Công an tỉnh cùng các ngành liên quan.

Điểm sáng nổi bật

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, nhìn lại từ sau Đại hội XIII của Đảng và hội nghị đối ngoại toàn quốc năm 2021 đến nay, tình hình thế giới và khu vực trải qua những biến động lớn, bên cạnh cơ hội, thuận lợi, có nhiều diễn biến mới, phức tạp hơn so với dự báo, nhiều khó khăn, thách thức mới xuất hiện và gay gắt hơn trước.

Thế giới đang đứng trước bước ngoặt sang cục diện mới, đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc. Trong đó, cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt hơn, chính trị cường quyền gia tăng, các điểm nóng xung đột ở một số khu vực bùng phát; các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đan xen lẫn nhau ngày càng phức tạp.

Tuy nhiên, hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu chung hướng tới của đại đa số các quốc gia, dân tộc. Bình đẳng, dân chủ, công bằng, tôn trọng pháp luật quốc tế và phát triển bền vững vẫn là giá trị chung của nhân loại.

Từ sau hội nghị đối ngoại toàn quốc đến nay, ngành ngoại giao cùng các cấp, các ngành đã tổ chức thành công 45 chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và gần 50 chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam, trong đó có những chuyến thăm lịch sử như chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden... đã tạo nên bước phát triển mới về chất trong cục diện đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta.

Đối ngoại và ngoại giao đã phát huy vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài, đóng góp quan trọng vào việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động đối ngoại và ngoại giao kinh tế đã mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với nhiều đối tác, góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút nhiều nguồn lực mới, bao gồm cả FDI, ODA, khoa học công nghệ... đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài…

Đối ngoại quốc phòng, an ninh

Trình bày tham luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đánh giá, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn, cả hệ thống chính trị đã triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII. Bản sắc “ngoại giao cây tre” đã tiếp tục được khẳng định, phát huy, tạo ra những bước ngoặt mang tính lịch sử, thay đổi về chất trong quan hệ với các nước lớn. Đóng góp chung vào thành tựu đối ngoại, đối ngoại Công an nhân dân tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những trụ cột chính trong chính sách đối ngoại Việt Nam.

Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, để tiếp tục thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đối ngoại CAND tiếp tục thiết lập chặt chẽ với đối ngoại các ngành, các cấp, nhất là quốc phòng và ngoại giao. Trong đó, tập trung vào những vấn đề như: bám sát yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tình báo, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ.

Trình bày tham luận, Đại tướng Phan Văn Giang- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường với những vấn đề nảy sinh chưa từng có tiền lệ, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quán triệt thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại được chỉ ra trong Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

Những năm qua, hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng được triển khai đồng bộ, có nhiều cách làm sáng tạo, đạt kết quả quan trọng, đóng góp vào thành công chung của công tác đối ngoại đất nước; tăng cường tiềm lực quốc phòng, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.

Hợp tác quốc phòng song phương và đa phương đã góp phần củng cố tin cậy chiến lược, giữ thế cân bằng trong quan hệ đối ngoại, nhất là đối với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước lớn, các nước đối tác khác; từ đó thúc đẩy xu thế hoà bình, hoá giải xung đột góp phần bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.

Bộ Quốc phòng đang mở rộng hợp tác với các nước trên cơ sở tin cậy chính trị, đa dạng hoá hình thức hợp tác phù hợp với quan hệ; ưu tiên tăng cường quan hệ quốc phòng đoàn kết, hữu nghị, tin cậy với các nước láng giềng, liền kề để bảo vệ vành đai an ninh trực tiếp của đất nước.

Vừa qua, Bộ Quốc phòng đã tổ chức thành công giao lưu quốc phòng Việt Nam - Lào - Campuchia. Bộ Quốc phòng tham gia đầy đủ, là thành viên uy tín, trách nhiệm, phát huy vai trò tích cực trong các cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương, diễn đàn hợp tác quốc tế như tại ASEAN, ADMM+, Đối thoại Shangri-La, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh…; đăng cai nhiều hoạt động đa phương lớn.

Chúng ta không gây thù oán với ai

Phát biểu chỉ đạo, sau khi điểm lại những thành tựu rực rỡ của ngành Ngoại giao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh thêm một số vấn đề cần quan tâm.

Thứ nhất, tiếp tục bám sát nghị quyết và đường lối đối ngoại của Đại hội XIII và các nghị quyết của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chương trình hành động của Chính phủ và của Bộ Ngoại giao.

Thứ hai, quan tâm kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, xử lý hài hoà mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế. “Lợi ích quốc gia - dân tộc của chúng ta lúc này vẫn là bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển. Điều đó hoàn toàn phù hợp với lợi ích của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đó là những thuận lợi rất cơ bản để chúng ta có thể kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại”- Tổng Bí thư nói.

Thứ ba, kiên định trong nguyên tắc và linh hoạt trong sách lược. Nguyên tắc của chúng ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sách lược của chúng ta là cơ động, linh hoạt điều chỉnh tuỳ theo từng vấn đề, từng thời điểm và tuỳ theo đối tượng hay đối tác, tuân thủ những tư tưởng lớn của Bác Hồ: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, “thêm bạn bớt thù”, “sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai”. Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế.

Thứ tư, quan tâm xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân như lời căn dặn của Bác Hồ: “sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng”. Thứ năm, làm tốt hơn nữa việc kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại toàn diện cả về bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức và trí tuệ, hiện đại về phương pháp, lề lối làm việc; chuyên nghiệp về tác phong, ứng xử; tinh thông về nghiệp vụ, ngoại ngữ.

Việt Đông

Nguồn BTNO

Ðặc điểm ngoại giao cây tre Việt Nam:

Gốc vững - là nguyên tắc vì lợi ích quốc gia, dân tộc, trên cơ sở nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, lấy thực lực làm gốc, lấy đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để tạo thế, lập thời.

Thân chắc - là phương thức để tạo nên sức mạnh, trong đó sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là nhân tố căn bản, sống còn, là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là giương cao ngọn cờ chính nghĩa, nhân văn, thuỷ chung và thượng tôn pháp luật.

Cành uyển chuyển - là phong cách nghệ thuật ứng xử linh hoạt, trên nguyên tắc dĩ bất biến ứng vạn biến, là cách ứng xử biết mình, biết người, biết thời, biết thế, biết tiến, biết thoái và biết dừng, biết biến.

Tác giả: Trần Đăng Khoa, Dẫn nguồn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập161
  • Máy chủ tìm kiếm63
  • Khách viếng thăm98
  • Hôm nay27,261
  • Tháng hiện tại252,627
  • Tổng lượt truy cập8,261,332
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây