Mục tiêu chiến lược trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Thứ hai - 18/12/2023 07:44 8.325 0
Xác định mục tiêu phát triển là yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, làm nên những thành tựu quan trọng để đất nước phát triển nhanh và bền vững. Mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một điểm nhấn mới, nổi bật trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Tầm nhìn chiến lược

Từ Đại hội VI (1986) đến Đại hội XII (2016) của Đảng, trong các báo cáo chính trị đều xác định mục tiêu phát triển đất nước theo kế hoạch 5 năm. Báo cáo chính trị tại Ðại hội XIII (2021) xác định: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Ðảng; xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ðại hội XIII đề ra mục tiêu tổng quát trong 5 năm 2021 - 2025, cho những năm tiếp theo và đến giữa thế kỷ XXI.

Ðiều này thể hiện tầm nhìn chiến lược của Ðảng trong việc xác định mục tiêu phát triển đất nước. Đặc biệt tầm nhìn chiến lược đó gắn với các mốc lịch sử quan trọng của đất nước. Năm 2025, năm kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; năm 2030 kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, năm 2045- năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội VII của Đảng thông qua năm 1991 (Cương lĩnh 1991) và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã đề ra tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI.

Tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước là sự kế thừa, cụ thể hoá tầm nhìn, mục tiêu do Cương lĩnh đề ra. Đây là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự phát triển của đất nước, là cơ sở bảo đảm sự nhất quán, kết nối, kế thừa trong chủ trương, đường lối phát triển đất nước của Đảng qua các kỳ Đại hội đến giữa thế kỷ XXI, bảo đảm sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong đường lối phát triển đất nước.

Đây cũng là yêu cầu đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến khó lường, đầy biến động. Trong khi đó, tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp.

Tầm nhìn mới của Ðảng, trong việc xác định mục tiêu phát triển đất nước là cơ sở bảo đảm tính đúng đắn, chính xác của định hướng, mục tiêu đề ra, phù hợp với lý tưởng của Đảng, tính chất, xu thế của thời đại, yêu cầu phát triển của đất nước trong từng giai đoạn, có cơ sở, căn cứ khoa học, phù hợp với thực tiễn, điều kiện của đất nước, khả thi, thể hiện khát vọng, ý chí quyết tâm phấn đấu cao nhưng không chủ quan, duy ý chí.

Củng cố niềm tin của dân đối với Đảng

Tổng kết 30 năm đổi mới toàn diện đất nước, Ðại hội XII của Đảng xác định mục tiêu tổng quát phát triển đất nước trong 5 năm 2016-2020 là: “Tăng cường xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Ðẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Ðảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Giữ gìn hoà bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”. Đối chiếu với mục tiêu tổng quát của Ðại hội XII, mục tiêu tổng quát của Ðại hội XIII có một số điểm mới:

Đại hội XIII bổ sung “năng lực cầm quyền” vào nội dung “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng” để thành “nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng”.

Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu là yêu cầu hàng đầu để Đảng hoàn thành tốt vai trò lãnh đạo mọi mặt hoạt động của đất nước. Sự nghiệp đổi mới đặt ra nhiều vấn đề mới đòi hỏi Đảng giải quyết, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình. Do vậy, nhiệm vụ “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng. Việc bổ sung “năng lực cầm quyền” vào nội dung “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng” cần quan tâm nghiên cứu, hoàn thiện thể chế để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta đang phải đương đầu với những khó khăn, thách thức. Ðiều đó, đòi hỏi Ðảng không chỉ nâng cao năng lực lãnh đạo, mà còn phải nâng cao năng lực cầm quyền.

Đại hội XIII bổ sung “hệ thống chính trị”, “toàn diện”, “củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa” vào nội dung “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” để thành “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Ba bộ phận cấu thành hệ thống chính trị của Việt Nam: Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có quan hệ hữu cơ với nhau. Trong đó, Ðảng giữ vai trò lãnh đạo. Sự trong sạch, vững mạnh toàn diện của Ðảng gắn liền với sự trong sạch, vững mạnh toàn diện của hệ thống chính trị.

Đại hội XIII, bổ sung “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí”, và “kết hợp với sức mạnh của thời đại” vào nội dung “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” để trở thành “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại...”.

Khát vọng phát triển đất nước thật sự là một sức mạnh nội sinh to lớn của dân tộc Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Chặng đường mới cần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong mỗi người Việt Nam yêu nước để đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nắm bắt, tận dụng tốt mọi thuận lợi, thời cơ, phát triển đất nước nhanh, bền vững, phồn vinh, hạnh phúc. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là chủ trương lớn trong đường lối cách mạng, phát triển đất nước, là yêu cầu, mục tiêu của sự nghiệp cách mạng nước ta và cũng là kinh nghiệm của Ðảng ta.

Phù hợp xu thế

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đề ra mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI “phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Báo cáo chính trị Đại hội XIII xác định mục tiêu là “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Như vậy,  điểm mới là “nước ta trở thành nước phát triển”. Các kỳ Đại hội trước Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu phát triển đất nước theo trình độ công nghiệp, dựa trên sự phân chia các nước thành nước đã công nghiệp hoá, nước công nghiệp hoá, của Tổ chức Công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO). Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các nước, các tổ chức quốc tế (như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế...) đều đánh giá, phân loại các nước thành nước kém phát triển, nước đang phát triển, nước phát triển.

Trong các nước đang phát triển lại phân thành hai loại nước: Nước đang phát triển, thu nhập trung bình thấp; nước đang phát triển, thu nhập trung bình cao. Đại hội XIII có một bước mới về tiếp cận, xác định mục tiêu theo cả trình độ phát triển, trình độ công nghiệp và thu nhập bình quân đầu người. Việc xác định mục tiêu phát triển đất nước như vậy  phù hợp với cách tiếp cận của thế giới, theo thông lệ quốc tế, là sự cần thiết tạo thuận lợi trong việc phân tích, đánh giá và so sánh quốc tế.

“Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đòi hỏi Đảng phải lãnh đạo việc bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát quyền lực, phòng, chống các nguy cơ đe doạ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Nhận thức rõ những hạn chế trong chấp hành pháp luật thời gian qua, Đại hội XIII của Đảng xác định tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Trích bài đăng trên Tạp chí Cộng sản

Việt Đông

Nguồn BTNO

Tác giả: Trần Đăng Khoa, Dẫn nguồn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập94
  • Máy chủ tìm kiếm40
  • Khách viếng thăm54
  • Hôm nay16,871
  • Tháng hiện tại308,254
  • Tổng lượt truy cập6,618,846
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây