Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người dân

Thứ năm - 18/03/2021 01:00 454 0
  Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày 23/5/2021. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cổ và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhận diện và đấu tranh với các hoạt động chống phá bầu cử
bau-cu-dai-bieu-quoc-hoi-va-hdnd-la-nghia-vu-va-quyen-loi-cua-moi-nguoi-dan.jpg
Tuy nhiên, trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, đã tung ra nhiều luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc gây nhũng nhiễu thông tin, hoang mang dư luận nhằm chia rẽ, phá vỡ khối đoàn kết toàn dân tộc. Một trong những luận điệu xuyên tạc, kích động, phá hoại bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp được chúng tuyên truyền lần này đó là: “Việc bầu cử Quốc hội và HĐND chỉ là nghĩa vụ chứ không phải là quyền lợi, dân chủ, đều là sự sắp đặt nhân sự có chủ ý, Nhân dân không có quyền thực sự”, “phải sửa đổi hệ thống bầu cử, tạo điều kiện cho tất cả mọi người được ứng cử tự do… còn nếu với cách tổ chức bầu cử và cơ chế bầu cử theo quy định này thì đối với nhiều đại biểu có thể tự mình công bố mình trúng cử và có đủ tư cách đại biểu mà không cần phải tổ chức bầu cử tốn tiền thuế của dân”...
Những luận điệu trên của các thế lực thù địch, phản động là kiểu lập luận quy chụp, bóp méo sự thật lịch sử và tiến trình bầu cử ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm đánh lừa và hướng dư luận ủng hộ cho những mưu toan chính trị thâm độc của chúng. Cả lý luận và thực tiễn sinh động tại Việt Nam đã và đang “bẻ gãy” những luận điệu đó, thể hiện trên một số khía cạnh sau:
1. Nước Việt Nam là nước dân chủ, mọi quyền hành, lực lượng đều ở nơi dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân
Điều này đã được chứng minh cả về mặt lý luận và thực tiễn. V.I.Lênin khẳng định: “Với việc phát triển chế độ dân chủ một cách đầy đủ, nghĩa là với việc làm cho toàn thể quần chúng nhân dân tham gia thực sự bình đẳng và thực sự rộng rãi vào mọi công việc của Nhà nước”. Quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người vào điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong phần mở đầu khi viết tác phẩm “Dân vận” (1949): “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Thấm nhuần những tư tưởng trên, Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi lãnh đạo, nền dân chủ ở Việt Nam ngày càng được củng cố, hoàn thiện và phát triển, nhất là giai đoạn hiện nay: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, được Nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”.
Khoản 1, điều 4, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ “Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì đương nhiên đối với cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, sự kiện chính trị quan trọng hàng đầu để xây dựng chính quyền nhân dân thì sự lãnh đạo của Đảng là tất yếu. Chính sự lãnh đạo đó sẽ giúp cho quá trình bầu cử tốt hơn, đúng Hiến pháp và pháp luật, phát huy được vai trò của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị.
images1236794_images1234708_quoc_hoi_15_49_44_331.jpg
Nhân dân Thủ đô Hà Nội đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 6/1/1946. Ảnh tư liệu
Trải qua hơn 75 năm kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không ngừng phát triển, tự hoàn thiện, đồng hành cùng dân tộc, thực sự là nơi xây nên nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, đưa dân tộc Việt Nam từ thân phận nô lệ lầm than lên địa vị chủ nhân của đất nước đang vững bước trên con đường xây dựng theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thông qua thực hiện chức năng của Quốc hội, quyền làm chủ của người dân luôn được bảo đảm và phát huy theo tinh thần quyền lực nhà nước phải thuộc về Nhân dân, địa vị chủ thể của dân với tư cách là chủ thể gốc của mọi quyền lực; những biểu hiện vi phạm quyền làm chủ của người dân đều được phát hiện và xử lý nghiêm. Hiến pháp 2013 đã tiếp tục khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân,… Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”.
Trong lịch sử đất nước ta, kể từ ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, để có một cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6/1/1946 được tổ chức thành công - một cuộc bầu cử thật sự tự do, thật sự dân chủ, là mốc son lịch sử của thể chế dân chủ ở Việt Nam, Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân ta vượt lên muôn vàn khó khăn của “thù trong, giặc ngoài” với những âm mưu đen tối của các thế lực phản động định tiêu diệt cách mạng Việt Nam, cũng như giặc đói, giặc dốt...là di chứng của chế độ thực dân đế quốc để lại... Trong thời điểm đấy, đại đa số cử tri lần đầu tiên mới được thực hiện quyền bầu cử của mình, đại đa số là những nông dân chưa đọc thông viết thạo, tuyệt đại đa số phụ nữ lần đầu được cầm trên tay lá phiếu… tất cả đều xúc động, tự hào đến rơi nước mắt vì đi bầu cử đối với họ chính là khẳng định quyền công dân của một đất nước tự do, quyền được bình đẳng trong xã hội. Năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, hai miền Nam Bắc nước ta tạm thời chia cắt. Những người con miền Nam ra Bắc tập kết mang trong mình niềm hy vọng lớn lao sẽ được trở về quê hương, đoàn tụ gia đình sau ngày Tổng tuyển cử tự do dự kiến vào ngày 20/7/1956. Nhưng Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam đã không những đã cự tuyệt thi hành những điều khoản của hiệp định Giơ-ne-vơ mà còn trắng trợn đàn áp, trả thù những người kháng chiến, yêu nước ở miền Nam, đẩy mạnh tiến hành các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” gây chia rẽ, hận thù, chống lại lợi ích và khát vọng độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam. Ngày tổng tuyển cử đã bị chế độ Ngô Đình Diệm cố tình vi phạm, kéo dài cuộc đấu tranh gian khổ hy sinh để 20 năm sau, đến năm 1976 mới lại có cuộc bầu cử thống nhất đất nước. Đồng bào cử tri ngày ấy cũng hân hoan biết bao khi cầm trên tay lá phiếu bầu tự do khi đất nước đã hoàn toàn hòa bình, thống nhất. Công dân đủ điều kiện trở thành cử tri, thông qua bầu cử để trực tiếp lựa chọn những người xứng đáng có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất (Quốc hội) và cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương (HĐND các cấp) hoặc tự mình ứng cử để được lựa chọn (thông qua bầu cử) là người đại diện cho Nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Theo tiến trình phát triển của xã hội, tính dân chủ trong bầu cử và ứng cử ngày càng được mở rộng. Dẫu còn mặt này mặt khác, có một vài đại biểu chưa đạt được như kỳ vọng của cử tri, nhưng thực tế chúng ta có thể thấy rằng chất lượng đại biểu Quốc hội, HĐND ngày càng được nâng cao. Điều này được minh chứng khi trên diễn đàn của Quốc hội, của HĐND các cấp ngày càng xuất hiện nhiều hơn những tiếng nói đại diện cho quyền lực Nhân dân trong hoạt động kiểm tra giám sát của các đại biểu Quốc hội, HĐND, trong các phát biểu, kiến nghị, góp ý và thông qua các văn bản quy phạm pháp luật và giải quyết những vấn đề mà cử tri, Nhân dân cả nước quan tâm.
Đông đảo cử tri cũng có thể nhận thấy, dẫu còn không ít khó khăn nhưng đất nước ta đã phát triển về nhiều mặt, đời sống xã hội nhìn chung đã cải thiện đáng kể, ước mơ đủ “cơm ăn, áo mặc, được học hành” từ những ngày đầu lập nước giờ đây đã vươn cao hơn đến tầm thời đại với sự hội nhập sâu rộng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới. Như vậy đi bầu cử không chỉ là sự thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình mà còn là thể hiện niềm tin vào Đảng, nhà nước, đặt kỳ vọng vào tương lai tươi đẹp hơn của đất nước mình, địa phương mình. Mỗi lá phiếu của cử tri mang trong mình sứ mệnh cao cả là một viên gạch hồng góp phần dựng xây Tổ quốc.
Trải qua nhiều kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, các công dân cử tri đã ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình nên đã tích cực thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, tích cực tham gia vào cuộc bầu cử từ giai đoạn giới thiệu người ứng cử, tham gia các Hội nghị cử tri để đóng góp ý kiến, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử đến giai đoạn bỏ phiếu bầu để ngày bầu cử đã thực sự trở thành ngày hội, một dịp sinh hoạt chính trị của đồng bào Nhân dân cả nước. Những vấn đề chưa phù hợp trong quy chế, quy định bầu cử đã tiếp tục được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý đảm bảo cho quyền lực của người dân được thực hiện tốt hơn trên thực tế.
2. Bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của mỗi công dân Việt Nam
Đại biểu Quốc hội là đại biểu của Nhân dân. Do vậy, Nhân dân luôn có vai trò to lớn trong mọi khâu, mọi quy trình bầu cử. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước ta đã diễn ra được 14 khóa, từ khóa đầu tiên (6/1/1946) đến nay đều được tiến hành một cách dân chủ, công khai bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, nguyên tắc và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Kết quả và thành công của các cuộc bầu cử, một lần nữa góp phần khẳng định bản chất ưu việt của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và những giá trị truyền thống cốt lõi của dân tộc Việt Nam. Đó là việc người dân luôn chủ động, trách nhiệm, thực hiện trọn vẹn trách nhiệm, bổn phận công dân đối với Tổ quốc. Mỗi cuộc bầu cử tuy diễn ra ở thời điểm cách mạng khác nhau, với những khó khăn, chông gai khác nhau, song toàn dân, toàn quân ta luôn một lòng hướng về Đảng và Quốc hội, đoàn kết thực hiện đầy đủ trách nhiệm, bổn phận, để mỗi kỳ bầu cử, số cử tri đi bầu luôn đạt tỷ lệ cao, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử.
Ở Việt Nam, quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp - đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân. Bầu cử là một thể chế dân chủ đã có từ lâu. Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nhân dân tổ chức ra Nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước. Thông qua bầu cử, Nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.
Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta đã ghi nhận quyền này tại Điều 18 như sau: “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử trừ những người mất trí và những người mất công quyền. Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi, và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử và ứng cử”, và tiếp tục được khẳng định xuyên suốt trong các bản Hiến pháp năm 1959 (tại Điều 23), Hiến pháp năm 1980 (tại Điều 57), Hiến pháp năm 1992 (tại Điều 54). Điều 27 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND”. Điều 2 Luật Bầu cử số 85/2015/QH13 ở Việt Nam quy định: “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐNDcác cấp theo quy định của Luật này”. Khoản 5, Điều 4 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp năm 2015 quy định “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp”.
Rõ ràng, Việt Nam không hề có hạn chế quyền ứng cử tự do của công dân nếu họ xét thấy mình đủ đức, đủ tài ra gánh vác công việc chung của đất nước và được quần chúng nhân dân tín nhiệm. Đồng thời, việc tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm nặng nề của mỗi công dân nhằm mục đích lựa chọn cho mình những người đại diện và trao quyền cho họ thay mặt mình quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, dân tộc.
ttxvn_baucu_5.jpg
Cử tri đồng bào Êđê buôn Ako Dhong bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 . (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Điển hình như trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra vào ngày 22/5/2016, hơn 69 triệu cử tri tại 91.476 tổ bầu cử trong cả nước đã đồng loạt đi bỏ phiếu. Cuộc bầu cử đã diễn ra trong không khí phấn khởi, tin tưởng, thành công tốt đẹp. Từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng đến hải đảo, từ thành thị đến nông thôn, đồng bào cử tri cả nước nô nức đi bỏ phiếu với tỷ lệ đi bầu cao, khẳng định trách nhiệm và quyền lợi công dân, ngay cả đối với những cử tri do điều kiện sức khỏe bị ốm đau, bệnh tật vẫn thực hiện trọn vẹn quyền và nghĩa vụ của mình khi thùng phiếu được đưa tới tận giường bệnh, các cơ sở y tế. Sau cuộc bầu cử, nhiều báo chí nước ngoài đều đã ghi nhận tính dân chủ, khoa học, cách mạng trong công tác bầu cử ở Việt Nam. Một số tờ báo nước ngoài phản ánh, phân tích, đánh giá rằng cuộc bầu cử ở Việt Nam, không phân biệt chức vụ, địa vị, cương vị công tác, từ người nông dân, công nhân, cán bộ, đảng viên, cho đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đều thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ trong việc ứng cử và bầu cử theo đúng nguyên tắc, quy định của pháp luật.Thực tế, quyền và nghĩa vụ đó không chỉ thể hiện trong ngày bầu cử, mà hơn thế, còn được minh chứng trong suốt quá trình tham gia đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu, khẳng định bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa; khẳng định chân lý: Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Nhân dân tổ chức ra Nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước (ở Trung ương là Quốc hội; ở địa phương là HĐND các cấp). Thông qua bầu cử, Nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, để thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập ra bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.
3. Nguyên tắc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là bảo đảm ý chí của Nhân dân và phù hợp với xu hướng tiến bộ xã hội
Bầu cử là việc công dân của một quốc gia lựa chọn những người đại diện để trao quyền cho họ thay mặt mình quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước. Mỗi quốc gia có cách tổ chức và quy định bầu cử khác nhau, không thể lấy mô hình của nước này áp đặt lên nước khác được bởi vì hệ thống chính trị nói chung, hệ thống bầu cử nói riêng trên thế giới hiện rất đa dạng, cho nên tùy thuộc vào chế độ chính trị, lịch sử, kinh tế, văn hóa của quốc gia - dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại như thế nào. Về mô hình bầu cử các nước cũng khác nhau: mô hình bầu cử ở các quốc gia theo chế độ đa đảng (lấy việc bầu cho đại diện của mỗi đảng làm tiêu chí) khác với các quốc gia bầu cử theo tỷ lệ cử tri và theo địa bàn hành chính; mô hình bầu cử trực tiếp khác với mô hình bầu cử gián tiếp - thông qua đại cử tri… Song về tổng quan luật bầu cử một số nước trên thế giới hiện nay là theo nguyên tắc: “phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”. Ở Việt Nam, Hiến pháp và Luật Bầu cử Việt Nam quy định: cử tri bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp theo bốn nguyên tắc: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những quy định của pháp luật bầu cử ở Việt Nam thể hiện một cách nhất quán nhận thức về các nguyên tắc bầu cử để đảm bảo ý chí của Nhân dân, phù hợp với xu hướng tiến bộ xã hội, phù hợp với Tuyên ngôn nhân quyền mà Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1948 đã nêu rõ: “Ý chí của Nhân dân phải là cơ sở của quyền lực nhà nước. Ý chí này thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và chân thực, theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín hoặc bằng những tiến trình bầu cử tự do tương đương”.
Về nguyên tắc phổ thông: pháp luật bầu cử của các nước đều khẳng định, nguyên tắc phổ thông đầu phiếu là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ bầu cử. Nguyên tắc phổ thông đầu phiếu trong bầu cử bảo đảm để mọi công dân không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, (trừ những người mất trí hay những người bị tước quyền bầu cử trên cơ sở của pháp luật), đến tuổi trưởng thành đều được trao quyền bầu cử. Yêu cầu của nguyên tắc này là Nhà nước phải bảo đảm để cuộc bầu cử thực sự trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền bầu cử của mình, bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trong bầu cử. Đối với Việt Nam, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định đối với việc bầu cử đại biểu Quốc hội: (1) Ngày bầu cử phải là ngày chủ nhật, được Quốc hội ấn định và công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày diễn ra bầu cử; (2) Các tổ chức phụ trách bầu cử được thành lập công khai, có sự tham gia của đại diện các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và đoàn thể nhân dân; (3) Thời gian bỏ phiếu được quy định thống nhất trong cả nước từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối (trừ những trường hợp đặc biệt theo quy định của Luật); (4) Mọi công dân cư trú thường xuyên hoặc tạm trú đều được ghi tên vào danh sách cử tri; (5) Danh sách cử tri được niêm yết công khai chậm nhất là 40 ngày trước ngày diễn ra bầu cử; (6) Danh sách ứng cử viên cũng được lập và niêm yết công khai chậm nhất là 20 ngày trước ngày diễn ra bầu cử để cử tri tìm hiểu và lựa chọn.
ttxvn_lao_xcai.jpg
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Lào Cai khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Về nguyên tắc bình đẳng: Bình đẳng trong bầu cử là nguyên tắc nhằm bảo đảm để mọi công dân đều có cơ hội ngang nhau tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào. Mỗi cử tri có một phiếu bầu đối với một cuộc bầu cử và giá trị phiếu bầu như nhau không phụ thuộc vào giới tính, địa vị xã hội, sắc tộc, tôn giáo,... Nguyên tắc này được thể hiện trong các quy định của pháp luật về quyền bầu cử và ứng cử của công dân. Mỗi cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri ở một nơi cư trú; mỗi ứng cử viên chỉ được ghi tên ứng cử ở một đơn vị bầu cử; mỗi cử tri chỉ được bỏ một phiếu bầu. Nguyên tắc bình đẳng còn đòi hỏi phải có sự phân bổ hợp lý cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu để bảo đảm tiếng nói đại diện của các vùng, miền, địa phương, các tầng lớp xã hội, các dân tộc thiểu số và phụ nữ phải có tỷ lệ đại biểu phù hợp.
Về nguyên tắc trực tiếp: Bầu cử trực tiếp có nghĩa là cử tri trực tiếp thể hiện ý chí của mình qua lá phiếu, cử tri trực tiếp bầu ra đại biểu của mình chứ không qua một cấp đại diện cử tri nào. Nguyên tắc bầu cử trực tiếp đòi hỏi cử tri không được nhờ người bầu hộ, bầu thay hoặc bầu bằng cách gửi thư. Cử tri tự bỏ lá phiếu bầu vào hòm phiếu. Trường hợp cử tri không thể tự viết phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri; nếu cử tri vì tàn tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.Trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến nơi ở của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện các thủ tục bỏ phiếu.
Về nguyên tắc bỏ phiếu kín: thể hiện ở việc loại trừ sự theo dõi và kiểm soát từ bên ngoài đối với việc thể hiện ý chí (sự bỏ phiếu) của cử tri. Mục đích của nguyên tắc này là nhằm đảm bảo tự do đầy đủ sự thể hiện ý chí của cử tri. Để bảo đảm khách quan trong việc lựa chọn của cử tri, các nước thường quy định việc bỏ phiếu kín và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND nước ta quy định việc bầu cử đại biểu Quốc hội được tiến hành bằng cách bỏ phiếu kín. Theo nguyên tắc này, cử tri bầu ai, không bầu ai đều được bảo đảm bí mật. Khi cử tri viết phiếu bầu không ai được đến gần, kể cả cán bộ, nhân viên các tổ chức phụ trách bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri. Cử tri viết phiếu bầu trong buồng kín và bỏ phiếu vào hòm phiếu.
Bốn nguyên tắc nói trên là một chỉnh thể, thiếu sót ở nguyên tắc nào cũng ảnh hưởng đến nguyên tắc khác. Để buộc các chủ thể phải tuân thủ các nguyên tắc nói trên, Nhà nước pháp điển hóa các nội dung của chúng thành các quy phạm pháp luật. Theo chiều hướng của sự phát triển xã hội ngày càng mở rộng dân chủ, thì các hình thức biểu hiện của các nguyên tắc bầu cử trên đây càng đa dạng, càng phong phú, càng góp phần đảm bảo tính chất dân chủ của các cuộc bầu cử. Việc thực hiện bốn nguyên tắc bầu cử nói trên là một nét ưu việt của chế độ dân chủ trong bầu cử và là thước đo trình độ dân chủ của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, quy tụ sức mạnh của quần chúng nhân dân, phát huy cao nhất quyền làm chủ của mỗi công dân; đồng thời, trao đổi để đi đến một cơ cấu đại biểu hợp lý đảm bảo cho các thành phần xã hội đều có đại diện trong Quốc hội mới.
Quốc hội Việt Nam là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, có chức năng lập pháp, quyết định những chủ trương, chính sách quan trọng của đất nước về đối nội, đối ngoại và giám sát tối cao hoạt động của bộ máy Nhà nước. Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang nỗ lực đoàn kết hướng đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới như ngày hội của toàn dân với tinh thần phấn khởi, tự hào để thông qua lá phiếu có trách nhiệm của mình lựa chọn những đại biểu thực sự có đức, có tài đại diện cho lợi ích, ý chí, nguyện vọng của Nhân dân xứng đáng là nơi gửi gắm niềm tin của cử tri cả nước vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thực hiện thành công cuộc bầu cử sẽ thiết thực góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; đồng thời củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Do vậy, những luận điệu của các thế lực thù địch, phản động cho rằng: “Việc bầu cử Quốc hội và HĐND chỉ là nghĩa vụ chứ không phải là quyền lợi, dân chủ, đều là sự sắp đặt nhân sự có chủ ý, Nhân dân không có quyền thực sự”... là hoàn toàn xuyên tạc sai sự thật, nhằm tuyên truyền chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, nhằm gây nhũng loạn thông tin, mâu thuẫn nội bộ mà thôi./.

PGS. TS Hồ Anh Tuấn
Nguồn Tạp chí Tuyên giáo điện tử

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập369
  • Máy chủ tìm kiếm150
  • Khách viếng thăm219
  • Hôm nay4,675
  • Tháng hiện tại230,041
  • Tổng lượt truy cập8,238,746
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây