Đại hội XIII: Lòng dân và sự kiên định - Cất cánh tương lai

Thứ hai - 22/02/2021 17:00 234 0

​  Cơ đồ của đất nước, niềm tin và sự kỳ vọng của Nhân dân với Đại hội XIII của Đảng chính là động lực, là nguồn cảm hứng, là sức mạnh nội sinh tạo nên sức bật, sự cất cánh của một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc trong tương lai. 

dai-hoi-xiii-long-dan-va-su-kien-dinh-cat-canh-tuong-lai.jpg

LÒNG DÂN VÀ NIỀM TIN BỒI TỤ

Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam: Từ buổi đầu dựng nước cho đến hôm nay và mãi mãi về sau là minh chứng cho thấy, chặng đường lịch sử nào của dân tộc cũng có Nhân dân đồng hành và đó là một quy luật lịch sử. Lòng dân là luôn là quốc bảo thiêng liêng, vô giá, vì thế, không phải tự nhiên Nguyễn Trãi lại nói: “Phúc chu thủy tín dân do thủy" (lật thuyền mới biết sức dân là sức nước) và cũng không phải ngẫu nhiên Chủ tịch Hồ Chí Minh lại khẳng định:

“Dễ mười lần không dân cũng chịu,

 Khó trăm lần dân liệu cũng xong"[1].

Lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng xuyên suốt bề dày 91 năm xây dựng và phát triển đã cho thấy, với đường lối chính trị đúng đắn và bằng sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trung kiên, Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiền phong của giai cấp và dân tộc không chỉ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp nhân dân mà còn nhanh chóng giành được vị thế lãnh đạo/độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ thực tế cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có thể khẳng định rằng: Mọi thành công của cách mạng Việt Nam chỉ có được khi xuất phát từ lợi ích của Nhân dân, hợp lòng dân và được Nhân dân tin tưởng, đồng lòng ủng hộ. Lòng dân kiên trung là thành, là lũy, là chỗ dựa vững chắc của Đảng!

Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đảm nhận trọng trách lớn lao mà Tổ quốc và Nhân dân giao phó, đó là lãnh đạo Nhân dân tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, thực hiện độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Với Cương lĩnh chính trị đúng đắn, phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam và xu thế của thời đại, Đảng đã không chỉ hấp dẫn, quy tụ mà còn lãnh đạo Nhân dân Việt Nam/những người đang bị đọa đày trong đêm trường nô lệ kiên cường vượt mọi khó khăn, thử thách tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do vào mùa Thu năm 1945; tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội (1945-1975); tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng (1986 đến nay).

Trong hành trình đó, Đảng Cộng sản Việt Nam “không phải là một tổ chức để làm quan phát tài" và "Đảng ta đại biểu cho lợi ích chung của giai cấp công nhân, của toàn thể Nhân dân lao động, chứ không mưu cầu lợi ích riêng của một nhóm người nào, của cá nhân nào"[2]. Trải qua 13 kỳ Đại hội, Đảng luôn kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; luôn lấy dân làm gốc, coi dân là chủ, đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy trên tinh thần: Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Luôn phụng sự Tổ quốc và Nhân dân, Đảng thường xuyên "giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi"[3].

Trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, Đảng/đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đều nhận thức rõ: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân vì dân là chủ"[4]; “trong xã hội, không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân"[5] và “Dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, uỷ viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho Nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng"[6]... để tận tâm, tận sức phụng sự nhân dân, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật thật trung thành của Nhân dân. Đồng thời, thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng cầm quyền nhưng dân là gốc, dân là chủ, nên đội ngũ cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu từ Chủ tịch nước trở xuống đều gắn bó mật thiết với Nhân dân, dựa vào lòng dân kiên trung để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng và tự soi, tự sửa mình từ sự giám sát, từ những ý kiến đóng góp chân tình, quý báu của Nhân dân.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lòng dân luôn là nguồn sức mạnh vô địch, được bồi tụ và hiển hiện đậm nét trong hành trình đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tiếp tục được củng cố vững chắc, kiên trung trong hành trình đi đến tương lai tươi sáng của dân tộc. Vì vậy, gắn bó mật thiết với Nhân dân, củng cố niềm tin/lòng tin của Nhân dân vừa là yêu cầu khách quan đối với Đảng cầm quyền vừa góp phần để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phòng và chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong.

Lòng dân là quốc bảo thiêng liêng. Niềm tin của Nhân dân vào Đảng là sức mạnh vô giá. Song các thế lực thù địch, những phần tử thoái hóa, biến chất, cơ hội, bất mãn đã bẻ cong, xuyên tạc, bịa đặt, bôi đen Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm gây tâm lý hoang mang, chia rẽ Đảng với Nhân dân, phá hoại niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; nhất là thời gian trước, trong và sau khi Đại hội XIII diễn ra.

Tuy nhiên, thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam hoàn toàn không phải là sự áp đặt từ phía Đảng mà chính là sự lựa chọn của dân tộc, sự tin tưởng và "ủy thác" của Nhân dân. Thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cho thấy, ở Việt Nam không cần và không chấp nhận chế độ đa nguyên, đa đảng. Sự thống nhất biện chứng, phù hợp lợi ích giữa Đảng với Nhân dân; giữa Đảng với giai cấp công nhân và dân tộc; mưu cầu và phấn đấu cho độc lập, tự do, dân chủ, ấm no, hạnh phúc của nhân dân chính là cội nguồn sức mạnh nội lực của Đảng.

Vì thế, dù nhân danh ai và vì bất cứ lý do gì thì những luận điệu phản động, những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch cũng không thể phủ nhận được vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. 91 năm với 13 kỳ Đại hội, có thể khẳng định rằng, nội dung các văn kiện của 13 kỳ Đại hội và các nghị quyết chuyên đề của Đảng Cộng sản Việt Nam đều khẳng định rõ vị trí, vai trò của Nhân dân trong tiến trình cách mạng cũng như trong lịch sử dân tộc.

Quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân. Tinh thần hành động của mỗi cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở đều nhằm  mục tiêu phục vụ nhân dân, lấy sự hài lòng, niềm tin tưởng của người dân làm thước đo hiệu quả công tác lãnh đạo toàn diện sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là sự thật, chứ không phải: Sự lãnh đạo của Đảng là "chế độ toàn trị", "độc tài chuyên chế"…  như những thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

"Dù ai nói ngả nói nghiêng. Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân". Dù các thế lực thù địch có xuyên tạc hay bôi đen thế nào thì lòng dân tin Đảng vẫn là sự thật không thể phủ nhận. Lòng tin ấy ngày càng được củng cố, được phát huy, bởi mỗi người dân Việt Nam yêu nước, yêu quê hương, tha thiết với một tương lai tốt đẹp của đất nước, với độc lập - tự do - hạnh phúc - phồn vinh tất yếu sẽ kiên trung tin và đi theo Đảng. Đồng thời, ủng hộ Đảng quyết liệt hơn, sát sao hơn trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ", làm cho Đảng "mạnh khỏe, chắc chắn", trong sạch, vững mạnh, vững vàng tay lái đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đến thành công.

KIÊN ĐỊNH CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Đại hội XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp. Một Ban Chấp hành Trung ương khóa mới được bầu gồm 180 Ủy viên chính thức cùng 20 Ủy viên dự khuyết và việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được Đại hội bầu là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII là kết quả của công tác nhân sự/nhân sự dự kiến Ban Chấp hành Trung ương được chuẩn bị sớm, kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan, công tâm. Đó là những người có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức, năng lực, trình độ để gánh vác trọng trách mà Đảng và Nhân dân giao phó. Thước đo để đánh giá “phẩm chất, đạo đức, năng lực và trình độ" của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính là sự tín nhiệm của nhân dân, của chính đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp và của các đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng.

Đại hội XIII là Đại hội của trí tuệ, đổi mới và hoạch định tầm nhìn tương lai của đất nước. Một đường lối chiến lược hoạch định tương lai đất nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc; xác định tầm nhìn đến giữa thế kỷ XXI, với các mốc ngắn hạn, trung hạn, dài hạn: 2025, 2030, 2045… để phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể phải hoàn thành cho mỗi chặng đường mà còn thể hiện rõ tính kế thừa và phát triển, tính liên tục và hoàn chỉnh trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Đó không phải là "bình cũ rượu mới" mà là sự kiên định và sáng tạo; là sự phản ánh khát vọng phát triển đất nước độc lập - tự do - hạnh phúc - phồn vinh của nhân dân Việt Nam; phản ánh sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, ý chí tự lực, tự cường của toàn dân tộc trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng không chỉ thể hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc mà còn là sự cụ thể hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đồng thời làm cho mong ước "xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành hiện thực sinh động.

Những nội dung trong yếu của Đại hội; trong đó có sự kiên định nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, sự kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và công tác nhân sự… đã không chỉ thu hút sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và kiều bào ta mà còn thu hút sự chú ý của nhiều hãng tin, tờ báo lớn trên thế giới.

Truyền thông của Việt Nam đã đưa tin chi tiết nội dung chương trình từng ngày Đại hội và kết quả của Đại hội. Cùng với đó, truyền thông quốc tế về Đại hội XIII và nhất là Đại hội đã nhận được rất nhiều thư, điện chúc mừng của nhiều chính đảng, tổ chức, bạn bè quốc tế và cá nhân… gửi đến chúc mừng đã cho thấy sự quan tâm sâu sắc, tình cảm hữu nghị, hợp tác với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam của bạn bè quốc tế.

Không chỉ quan tâm mà đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp, các tầng lớp nhân dân và kiều bào ta còn tin tưởng, trao trọn niềm tin của mình vào tinh thần, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các đại biểu dự Đại hội để cùng sáng suốt lựa chọn và bầu ra đội ngũ cán bộ đủ tâm và tầm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiếp tục duy trì và thúc đẩy thành công của Việt Nam - một đất nước không chỉ có tốc độ phát triển kinh tế năm 2020 vượt xa một số quốc gia trong khu vực mà còn có chủ trương, chính sách, hợp lý để từng bước ngăn chặn đại dịch Covid- 19 nhờ các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Một tương lai của đất nước được hoạch định cụ thể theo lộ trình tại Đại hội XIII không chỉ thể hiện rõ định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai mà còn là sự tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước nhanh, mạnh, bền vững hơn.

Một đất nước Việt Nam đã và đang thay đổi từng ngày, từng giờ chính là sự chứng minh khách quan nhất trước những thông tin sai lệch, xuyên tạc về tương lai đất nước của các thế lực thù địch. Một Việt Nam phát triển thường xuất hiện đi liền với những cụm từ: “Điều thần kỳ mới ở Châu Á" hay “câu chuyện thành công", “ngôi sao đang lên"…trong các nhận định, đánh giá của các tổ chức và truyền thông quốc tế. "Việt Nam thay đổi từng ngày" nhất là sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định đúng đắn và sáng suốt thực hiện công cuộc đổi mới từ Đại hội Đảng lần thứ VI (12/1986)... như ông Geetesh Sharma, học giả/nhà báo kỳ cựu, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam bang Tây Bengal nhận định.

Ban Dân vận Trung ương đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức 24 cuộc lấy ý kiến Nhân dân góp ý các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Việc lấy ý kiến đóng góp xác đáng, có lý, có tình của các nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, chức sắc tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài và các tầng lớp nhân dân cả nước về nội dung dự thảo văn kiện không chỉ cho thấy sự công phu, bài bản, trí tuệ, dân chủ và cầu thị của Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn cho thấy sự tâm huyết, thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm cao của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng và với sự phát triển của đất nước trong tương lai.

 

Cơ đồ của đất nước, niềm tin và sự kỳ vọng của Nhân dân với Đại hội XIII của Đảng chính là động lực, là nguồn cảm hứng, là sức mạnh nội sinh tạo nên sức bật, sự cất cánh của một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc trong tương lai. Nội dung văn kiện, tương lai của đất nước là sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng và toàn Dân, thể hiện được “ý Đảng, lòng Dân". Nhân dân Việt Nam, kiều bào yêu nước đều có chung niềm tin tưởng và sự kỳ vọng vào đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và tương lai phát triển đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung, của đội ngũ cán bộ lãnh đạo do Đại hội XIII bầu ra nói riêng. Vì thế, đó mới là sự thật, chứ không phải là những luận diệu: "Không biết quốc gia sẽ đi về đâu", là "có thay đổi được gì đâu mà quan tâm", là "thất vọng hay lãnh đạm về Đại hội của Đảng"… như mạng xã hội xuyên tạc.

Có thể khẳng định rằng: Đại hội XIII và kết quả của Đại hội đã bồi tụ niềm tin của toàn dân, toàn quân vào Đảng Cộng sản Việt Nam và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng; đã truyền cảm hứng về một đất nước Việt Nam phát triển trong tương lai; đồng thời, cũng cho thấy, những thông tin trên mạng xã hội là sự xuyên tạc sự thật, cần được mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân nâng cao cảnh giác và nhận diện đúng để tránh rơi vào tình trạng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"!

TS. Văn Thị Thanh Mai

TS. Vũ Văn Tuấn

Nguồn Tạp chí Tuyên giáo điện tử



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.280

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.607

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr. 326

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.434

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.453

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.572

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập342
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm307
  • Hôm nay17,186
  • Tháng hiện tại223,479
  • Tổng lượt truy cập8,232,184
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây