Các kỳ bầu cử Quốc hội của Việt Nam

Thứ ba - 23/02/2021 13:00 70 0

​Bầu cử Quốc hội khóa I (06/01/1946 - 06/01/2021) và chuẩn bị hướng về ngày hội non sông, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Khóa I (1946 - 1960)

Bầu cử ngày 6/01/1946. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu: 89%. Tổng số đại biểu Quốc hội: 333.

Quốc hội khóa I là Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, là mốc đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam mới.

Quốc hội đã thông qua danh sách Chính phủ đầu tiên của Nhà nước Việt Nam độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, thông qua hai bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có bản Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên mở ra tiến trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. 

bau cu dau tien.jpg

Nhân dân Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu quốc hội khóa I, ngày 06/​01/1946. Ảnh: Tư liệu

Nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội khóa I kéo dài từ tháng 01/1946 đến tháng 5/1960, là do trong điều kiện đấu tranh cách mạng (kháng chiến chống Pháp và đấu tranh chống Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn), đất nước bị chia cắt, nên không thể tổ chức được một cuộc bầu cử trên cả nước để bầu Quốc hội khóa mới.

Khóa II (1960 - 1964)

Bầu cử ngày 08/5/1960. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 97,52%. Tổng số đại biểu Quốc hội: 453.

Quốc hội khóa II là Quốc hội đầu tiên hoạt động hoàn toàn trong thời kỳ đất nước bị chia cắt, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam (Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay). Hoạt động của Quốc hội khoá II đã đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và khôi phục kinh tế ở miền Bắc, đẩy mạnh cuộc đấu tranh giải phóng ở miền Nam; đã thực thi những chính sách phù hợp về dân chủ, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong những điều kiện cực kỳ khó khăn; góp phần bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của chính quyền Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng đất nước ở miền Nam và đấu tranh thống nhất Tổ quốc.

Khóa III (1964 - 1971)

Bầu cử ngày 26/4/1964. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 97,77%. Tổng số đại biểu Quốc hội: 455.

Quốc hội khóa III được tổ chức theo Hiến pháp năm 1959. Hoạt động Quốc hội đã đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ khôi phục và xây dựng kinh tế ở miền Bắc, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam. Quốc hội đã có những quyết sách phù hợp về dân chủ, quan tâm đến lợi ích nhiều mặt, hàng ngày của mọi tầng lớp nhân dân; góp phần đảm bảo hiệu lực và hiệu quả của chính quyền Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

Nhiệm kỳ của Quốc hội khoá III kéo dài từ tháng 6/1964 đến tháng 6/1971 là do hoàn cảnh có chiến tranh diễn ra trên phạm vi cả nước.

Khóa IV (1971 - 1975)

Bầu cử ngày: 11/4/1971. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 98,88%. Tổng số đại biểu Quốc hội: 420.

Quốc hội khóa IV đã tiếp tục động viên quân và dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: Ở miền Nam tăng cường đấu tranh giải phóng dân tộc, ở miền Bắc kiên trì bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đánh thắng chiến tranh phá hoại của địch, động viên sức người, sức của cho tiền tuyến lớn đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai.

Sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, Quốc hội đã thông qua những biện pháp đấu tranh để bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định. Quốc hội khóa IV là Quốc hội chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, kiên trì và tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, là Quốc hội khôi phục kinh tế, hàn gắn những vết thương chiến tranh, chuẩn bị đưa đất nước tiến vào thời kỳ mới.

Khóa V (1975 - 1976)

Bầu cử ngày 6/4/1975. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 98,26%. Tổng số đại biểu Quốc hội: 424.

Quốc hội khóa V bắt đầu nhiệm kỳ giữa lúc nhân dân ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên cả nước thống nhất tiến lên chủ nghĩa xã hội. Quốc hội nhất trí phê chuẩn kết quả của Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc, thể hiện ý chí mạnh mẽ, nguyện vọng thiết tha và sự nhất trí cao của toàn dân tộc về vấn đề thống nhất Tổ quốc trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Quốc hội quyết định kế hoạch Nhà nước năm 1976, năm thứ nhất của kế hoạch 5 năm lần thứ hai, mở đầu thời kỳ xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Quốc hội khóa V là quốc hội ngắn nhất, từ tháng 4/1975 đến 4/1976, vì đã rút ngắn nhiệm kỳ để tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của đất nước thống nhất.

Khóa VI (1976 - 1981)

Bầu cử ngày 25/4/1976. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 98,77%. Tổng số đại biểu Quốc hội: 492.

Trong điều kiện đất nước thống nhất, sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại là tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước - Quốc hội khóa VI. Quốc hội đã quyết định những vấn đề quan trọng hàng đầu trong thời kỳ phát triển mới của dân tộc. 

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất. Ảnh: Tư liệu.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca và tổ chức Nhà nước khi chưa có Hiến pháp mới. Quốc hội quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyết định khóa Quốc hội được bầu trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 25/4/1976 là Quốc hội khóa VI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyết định chính thức đặt tên Thành phố Sài Gòn là Thành phố Hồ Chí Minh… Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa VI đã thông qua Hiến pháp năm 1980.

Khóa VII (1981 - 1987)

Bầu cử ngày 26/4/1981. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 97,96%. Tổng số đại biểu Quốc hội: 496.

Được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp năm 1980, Quốc hội khóa VII là Quốc hội của thời kỳ bắt đầu công cuộc đổi mới, đã đẩy mạnh công tác lập pháp, tăng cường công tác giám sát và việc quyết định các vấn đề quan trọng khác để đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện đất nước. Xác định nguyên tắc, phương hướng xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Khóa VIII (1987 - 1992)

Bầu cử ngày 19/4/1987. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 98,75%. Tổng số đại biểu Quốc hội: 496.

Quốc hội khóa VIII được bầu ra và hoạt động trong giai đoạn bước ngoặt của đất nước, có trách nhiệm to lớn góp phần thực hiện công cuộc đổi mới. Tại Kỳ họp lần thứ 11, tháng 4/1992, Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng: Kinh tế phát triển, văn hóa, giáo dục đạt được nhiều kết quả tốt. Việc xây dựng và tăng cường Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân có bước phát triển mới; quan hệ đối ngoại được mở rộng; quốc phòng - an ninh được củng cố.

Khóa IX (1992 - 1997)

Bầu cử ngày 19/7/1992. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 99,12%. Tổng số đại biểu Quốc hội: 395.

Được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp năm 1992, Quốc hội khoá IX đã tiến hành đồng bộ và có hiệu quả các hoạt động nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ về lập pháp, về giám sát và về quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, bảo đảm cho công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu to lớn, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới.

Quốc hội khóa IX đã phát huy vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Khóa X (1997 - 2002)

Bầu cử ngày 20/7/1997. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 99,59%. Tổng số đại biểu Quốc hội: 450.

Quốc hội khóa X là Quốc hội của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quốc hội khóa X đã đóng góp vào thành tựu của công cuộc đổi mới, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Khóa XI (2002 - 2007)

Bầu cử ngày 19/5/2002. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 99,73%. Tổng số đại biểu Quốc hội: 498.

Quốc hội khóa XI là Quốc hội của thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong nhiệm kỳ, Quốc hội tiếp tục xây dựng, hoàn thiện tổ chức của Quốc hội, đổi mới mạnh mẽ hoạt động lập pháp.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội khóa XI tiếp tục được tăng cường cả trong quan hệ song phương và tại các diễn đàn nghị viện đa phương. Tháng 11/2006, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội nước ta đã phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoàn tất thủ tục pháp lý quan trọng cuối cùng để nước ta chính thức trở thành thành viên của WTO. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng khẳng định vị thế đất nước ta, thể hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Khóa XII (2007 - 2011)

Bầu cử ngày 20/5/2007. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 99,64%. Tổng số đại biểu Quốc hội: 493.

Quốc hội khóa XII hoạt động trong bối cảnh vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa có những khó khăn thách thức. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội khóa XII đã kế thừa, phát huy những thành quả, những bài học kinh nghiệm của Quốc hội các khóa trước, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ cả về tổ chức và phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn vào những thành tựu chung của đất nước.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội tiếp tục được đẩy mạnh, củng cố và mở rộng. Đã tăng cường đối ngoại song phương, tạo sự chuyển biến tích cực trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước trong khu vực và thế giới.

Khóa XIII (2011 - 2016)

Bầu cử ngày 22/5/2011. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 99,51%. Tổng số đại biểu Quốc hội: 500.

Tại Kỳ họp thứ 6, tháng 11/2013, Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013. Quốc hội khóa XIII đã làm tròn trọng trách căn bản hoàn thành việc cụ thể hóa Hiến pháp trong các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước; bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Khóa XIV (2016 - 2021)

Bầu cử ngày: 22/5/2016. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu: 98,77%. Tổng số đại biểu Quốc hội: 496.

Quốc hội khoá XIV bắt đầu hoạt động trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; ở trong nước có những thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức. Đặc biệt, bước vào năm 2020, đại dịch Covid-19 diễn ra trên phạm vi toàn cầu đã tác động rất sâu sắc đến hoạt động của Quốc hội khoá XIV. Trong bối cảnh ấy, Quốc hội đã cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức nỗ lực phấn đấu, với quyết tâm rất cao, đoàn kết đồng lòng đưa nước ta vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Phát huy những thành quả của Quốc hội các khoá trước, Quốc hội khoá XIV tiếp tục có nhiều giải pháp đột phá, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Khoá XV (2021-2026)

Hoạt động bầu cử Quốc hội khoá XV, nhiệm kỳ (2021​-2026) dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 23/5/2021.



  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập457
  • Máy chủ tìm kiếm270
  • Khách viếng thăm187
  • Hôm nay8,144
  • Tháng hiện tại233,510
  • Tổng lượt truy cập8,242,215
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây