PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỊA ĐIỂM CĂN CỨ BAN TUYÊN HUẤN TRUNG ƯƠNG CỤC MIỀN NAM (1962-1975) GẮN VỚI GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG

Thứ hai - 15/07/2024 19:20 499 0
Ngày 29/12/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 4245/QĐ-BVHTTDL, công bố Di tích lịch sử địa điểm căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam được xếp hạng Di tích quốc gia.

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HOÁ CỦA DI TÍCH

Địa điểm căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (1962-1975)  là nơi ghi dấu sự ra đời và phát triển của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (1962 - 1975) nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của chiến tranh cách mạng miền Nam.

Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam từ sau khi ra đời (1961) cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ (1975) đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển về bộ máy tổ chức, thay đổi về chức năng nhiệm vụ cụ thể, thực hiện các hoạt động chủ yếu về huấn học, hoạt động tuyên truyền, hoạt động thông tấn - báo chí, hoạt động văn hóa - văn nghệ,… trong kháng chiến. Quá trình ra đời, phát triển của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam là quá trình hoạt động của một cơ quan tham mưu, tư vấn về chính trị - tư tưởng cho lãnh đạo Đảng, chính quyền, quân đội trong kháng chiến ở chiến trường miền Nam.

Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã xây dựng lực lượng, tổ chức bộ máy và phát triển cơ quan, đơn vị nghiệp vụ của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, ban tuyên huấn các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ miền Nam và hoàn thành xuất sắc sự chỉ đạo của Thường vụ Trung ương Cục, chương trình hoạt động của Mặt trận Dân tộc giải phóng, Chính phủ Cách mạng lâm thời. Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã thực hiện nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng trên các lĩnh vực cụ thể như: huấn học, tuyên truyền, thông tấn - báo chí, văn hóa - văn nghệ,…

Đây là những hoạt động chủ yếu, không thể thiếu được trong kháng chiến cứu nước, trong chiến tranh nhân dân. Đảm trách những nhiệm vụ trọng yếu của chiến trường miền Nam trên mặt trận chính trị - tư tưởng, nhiều cơ quan của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, có vai trò thực tế như những “binh đoàn chủ lực” trên mặt trận tuyên truyền và huấn học, giáng những “đòn sấm sét” về chính trị tư tưởng vào quân thù, góp phần trực tiếp vào những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trên chiến trường miền Nam. Đó là mặt trận “văn báo” ở những thời kỳ cách mạng miền Nam gặp khó khăn hay những thời điểm có tính bước ngoặt của cuộc kháng chiến, đã xây dựng  mạng lưới cơ quan thông tin, tuyên truyền gồm: Thông tấn xã, Đài phát thanh, Báo chí, Nội san, Tập san… tạo thành ba mũi thông tin: tuyên truyền - thông tấn - báo chí vừa phục vụ cách mạng vừa đấu tranh chống phản tuyên truyền, chiến tranh tâm lí chiến của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Hình: Đài tưởng niệm Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam

Đặc biệt, Đài phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng đã trở thành “linh hồn”, “ngọn lửa” của cách mạng, của Nhân dân miền Nam trong cuộc chiến đấu với quân thù. Đó là mặt trận tuyên truyền đối ngoại trong chiến tranh với nhiều phương thức phong phú đã cung cấp tài liệu, bằng chứng tố cáo cuộc chiến tranh phi nghĩa mà đế quốc Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam trước nhân dân và bạn bè quốc tế. Đó là những hoạt động được tổ chức đồng bộ, xuyên suốt, phối hợp nhau, đan xen nhau, phong phú, sáng tạo, sắc bén, hiệu quả, hỗ trợ cho nhau, hình thành thế trận nhiều tầng, nhiều lớp trên mặt trận văn hóa - tư tưởng của cuộc kháng chiến cứu nước.

Thực hiện nhiệm vụ trực tiếp trên chiến trường miền Nam, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã “đối đầu”, “chiến đấu trực tiếp” với bộ máy tuyên truyền, tâm lí chiến của Mỹ ở trong nước và ở miền Nam Việt Nam rất đồ sộ. Bộ máy đó đã đánh lừa được nhân dân Mỹ, dư luận thế giới và cũng đã gây ra những tác động nhất định đến tư tưởng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Nam, nhưng cuối cùng thế trận và thực lực của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam vẫn đủ sức để đáp ứng quy luật “Mạnh được yếu thua” trong chiến tranh.

Trong kháng chiến, công tác tư tưởng chính trị là mặt trận hàng đầu, đi trước một bước, góp phần quyết định tạo nên phong trào cách mạng. Chấp hành chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã chủ động nghiên cứu tình hình, đề ra chủ trương, phương hướng công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng trong và ngoài Đảng, công tác văn hóa, giáo dục quần chúng; biên soạn tài liệu hướng dẫn công tác tuyên truyền cho cấp dưới; chỉ đạo nghiệp vụ cho ngành tuyên huấn các cấp, đào tạo cán bộ cơ sở. Đặc biệt, Ban đã tham mưu kịp thời, sát đúng về công tác chính trị tư tưởng trong từng giai đoạn cách mạng, nhất là những thời điểm bước ngoặt của cách mạng miền Nam: chống chiến tranh đặc biệt, chống chiến tranh cục bộ, chống chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và cách mạng miền Nam sau khi ký kết Hiệp định Pa-ri...

Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và Tổ quốc giao phó trong mọi tình huống của cuộc chiến tranh ác liệt, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đã có 548 người con của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam hy sinh, 353 thương binh, hàng trăm chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều cán bộ chuyên viên, nhà giáo, cán bộ khoa học kỹ thuật cấp cao và văn nghệ sĩ nổi tiếng được tặng các phần thưởng cao quý. Ba cơ quan thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam là Thông tấn xã Giải phóng, Nhà in Trần Phú, Điện ảnh Giải phóng đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Trải qua gần 94 năm, ngành tuyên giáo đã đổi với nhiều tên gọi, nhưng chức năng tham mưu chiến lược cho Đảng trên mặt trận chính trị, tư tưởng, văn hóa, khoa giáo thì vẫn luôn thống nhất và xuyên suốt, góp phần xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng của Đảng, nền tảng chính trị của chế độ, nền tảng tinh thần của xã hội, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đánh thắng mọi kẻ thù hung bạo, giữ vững bờ cõi thiêng liêng, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành tuyên giáo đã luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc do Đảng lãnh đạo.

PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH GẮN VỚI GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG

Hiện nay, Luật Di sản văn hóa đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2002, được sửa đổi bổ sung năm 2009. Đây là văn bản pháp lý cao nhất, làm cơ sở quan trọng cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Vì vậy, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền về nội dung của Luật Di sản văn hóa đến với mọi tầng lớp nhân dân, để chính họ - những chủ thể của di tích tại địa phương trực tiếp tham gia bảo vệ, góp phần vào bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, chống lấn chiếm, sử dụng sai mục đích di tích. Việc sử dụng di tích cần phải đảm bảo được yếu tố nguyên gốc của di tích bởi đó là nơi lưu giữ những thông tin giá trị lịch sử cần được phát huy, để lại cho mai sau những hiểu biết và cả những giá trị vật thể và phi vật thể của di tích.

Hình: Cán bộ, công chức Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ về nguồn tại Di tích lịch sử địa điểm căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.

Lập kế hoạch và triển khai các hoạt động sưu tầm tư liệu, hình ảnh phục vụ việc xây dựng và trưng bày tại Nhà trưng bày bổ sung cho Di tích. Tổ chức triển lãm giới thiệu những kết quả mới sưu tầm được về Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam thời kỳ 1961 - 1975.

Thực hiện số hóa và ứng dụng trên nền tảng số hồ sơ khoa học Di tích, qua đó, nâng tầm giá trị Di tích, tăng cường khả năng truy cập và sử dụng thông tin từ xa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, học tập và tìm hiểu Di tích một cách linh hoạt và hiệu quả.

Cần phối, kết hợp với ngành du lịch, với các cơ quan thông tin truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng triển khai các hoạt động tiếp thị, quảng cáo, đặc biệt là quảng bá du lịch để xây dựng các tuyến, điểm du lịch đặc thù kết nối Di tích với các di tích trong huyện, tỉnh nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới.

Tổ chức gặp gỡ các nhân chứng đã từng tham gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam thời kỳ 1961 - 1975 tại các buổi toạ đàm, họp mặt nhân kỷ niệm ngày truyền thống ngành tuyên giáo, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng một cách hiệu quả và sâu sắc.

 

Hình: Phụ nữ Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ về nguồn tại Di tích lịch sử địa điểm căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.

Các đoàn thể, trường học tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia chỉnh trang, trồng hoa, cây xanh tại Di tích; kết nạp đội viên, đoàn viên, đảng viên tại Di tích; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan, tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của Di tích; tuyên truyền, quảng bá Di tích. Thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực đã tạo ra môi trường lành mạnh, giúp cho thế hệ trẻ phát huy truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc và ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị của Di tích.

Ngày nay, Địa điểm căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (1962-1975)  là nơi lưu giữ trường tồn di tích lịch sử của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam nói riêng và ngành tuyên giáo nói chung. Qua đó, giáo dục, tiếp sức cho các thế hệ trẻ tiếp tục phát huy khí phách của các thế hệ đi trước, vững bước đi trên con đường đầy gian khổ, nhưng cũng đầy vinh quang và đáng tự hào của ngành tuyên giáo Đảng, tích cực đóng góp thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Thanh Thanh

Tác giả: tttthao

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập37
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm33
  • Hôm nay10,660
  • Tháng hiện tại151,679
  • Tổng lượt truy cập8,160,384
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây